;
Một gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương nhau, quan tâm đến con cái là nền tảng quan trọng để đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Nhiều bạn trẻ chọn đám cưới trước của Phật
5h30 sáng. Giữa tiết trời lạnh buốt của buổi sáng mùa đông, khi dòng người đi lại trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội còn khá thưa thớt thì từng tiếng chuông chùa Lý Triều Quốc Sư "bing bong" vang lên. Hôm nay, dưới sự chủ trì của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư, đôi bạn trẻ Dương Tuấn Anh - pháp danh Minh Tú và Hoàng Phương Liên - pháp danh Diệu Hương sẽ chính thức làm lễ Hằng thuận.
Ngay tại Tam Bảo, giữa không gian thật trang nghiêm mang màu sắc tôn giáo, chú rể mặc áo vest, cô dâu mặc áo dài gối quỳ tay chắp ngay ngắn với niềm hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt. Phía sau là sự chứng kiến của các quý thầy, họ hàng hai bên và cùng gần 100 các phật tử, bạn bè. Có lẽ, nếu đang phải chạy xô với các đám cưới được tổ chức ồn ào, náo nhiệt tại các khách sạn, nhà hàng, khi đến dự lễ Hằng thuận nơi cửa Phật, ai nấy cũng sẽ có cảm giác thật tôn nghiêm, cảm xúc lâng lâng khó tả. Tâm như tĩnh lại để lắng nghe những lời dạy từ nhà phật về cuộc sống lứa đôi.
Sau khi dâng lễ tại Tam Bảo, cùng chắp tay tôn kính lễ phật, đôi bạn trẻ Dương Tuấn Anh - Hoàng Phương Liên được thượng tọa Thích Bảo Nghiêm giảng về 6 cặp phạm trù trong cuộc sống hàng ngày khi đã nên vợ nên chồng. Đó là các cặp phạm trù: Con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái; học trò với thầy, thầy với học trò; chồng với vợ, vợ với chồng; người chủ với người giúp việc, người giúp việc với chủ; quan hệ anh em; tín đồ với tu sĩ và tu sĩ với tín đồ:"Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ: 1. Lấy lễ đối đãi nhau. 2. Oai nghiêm không nghiệt. 3. Tùy thời cung cấp y, thực. 4. Tùy thời cho trang sức. 5. Phó thác việc nhà….", lời thượng tọa Thích Bảo Nghiêm chậm rãi cất lên.
Sau đó, đôi tân lang tân nương đã làm lễ quy y trước Tam Bảo và được nghe tụng kinh chúc phúc. Dương Tuấn Anh và Hoàng Phương Liên mãn nguyện nhìn nhau và cùng đọc lời thề nguyện sống theo 6 cặp phạm trù, sống bao dung, hiểu biết nhau cũng như giữ tình yêu lúc nào cũng đẹp nhất như lúc này. Kết thúc lễ Hằng thuận, thượng tọa Thích Bảo Nghiêm tặng quà và chúc phúc gia đình hai bên.
Chú rể Dương Tuấn Anh phấn khởi tâm sự: "Cả hai gia đình đều theo giáo lý đạo Phật. Chúng tôi hiểu khi về ở với nhau là đã có duyên vợ chồng. Nhưng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và mong chư Phật gia hộ, cả hai quyết định vào chùa làm đám cưới. Đám cưới tại chùa khiến chúng tôi tự ý thức về cuộc sống sau này, cách cư xử với nhau, với gia đình hai bên…. để làm sao thật hài hoà, tình nghĩa, hạnh phúc và tiếp thêm nghị lực để chúng tôi xây dựng hạnh phúc sau này ".
Lễ Hằng thuận tại chùa Hằng Pháp của diễn viên Hồng Ánh
Chúng tôi đến chùa Đình Quán, ngôi chùa cổ thanh tịnh và trang nghiêm nằm ở thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cặp tân lang Lê Tuấn Đức và tân nương Nguyễn Như Mai Anh vừa tổ chức lễ thành hôn trước Tam Bảo ở ngôi chùa này. Chú rể là Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 chọn chùa Đình Quán để làm lễ thành hôn, trước sự chứng minh của sư thầy Trụ trì Thích Tịnh Quán cùng quý thầy và toàn bộ người thân trong gia đình.
Theo sư thầy Thích Tịnh Quán thì cả Đức và Mai Anh đều tu thiền ở chùa. Khi họ đi đến quyết định thành hôn, họ đã chọn cửa phật để làm lễ. Họ hiểu rằng, tổ chức cưới trong chùa là một nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn và đạo đức tâm linh rất lớn, đặc biệt khi nó lại là ngày trọng đại của đời người. Trong khung cảnh trang nghiêm và mộc mạc, cô dâu, chú rể ngồi dưới cửa thiền đường để bắt đầu nghe sư thầy trụ trì tiến hành các bước của hôn lễ. Lễ Hằng thuận tại chùa Đình Quán gồm 15 mục, trong đó đáng kể nhất là các nghi thức chính gồm: dâng hương, lạy bụt, khai thị, giao bái, trao nhẫn và nói lời ước nguyện.
Trong 5 nghi lễ thì có Khai thị 2 là quan trọng nhất. Đây là lúc các phật tử (cô dâu, chú rể) phát nguyện cuộc sống lứa đôi theo giáo pháp của Bụt. Theo sư thầy Thích Tịnh Quán thì lúc này người phật tử thấy mình không phải là những cá nhân biệt lập với tổ tiên và dòng họ mà thấy mình là một sự tiếp nối, đại diện cho tất cả những thế hệ đi trước. Tất cả những hành động và sinh hoạt của mình hàng ngày không phải chỉ nhằm múc địch thỏa mãn những nhu yếu tinh thần và thể chất cho cá nhân mình, mà cũng còn là để thể hiện ước vọng của dân tộc, của giống nòi và dòng họ, cũng là để chuẩn bị cho thế hệ con cháu.
Mục đích của cuộc sống lứa đôi là làm cho tiếp nối dòng sinh mạng của tổ tiên, nơi những thế hệ con cháu sau này. "Đây là nhiệm vụ chính của mình và cũng là điều mà các đương sự phải tâm niệm mỗi ngày trong từng phút"- sư thầy Thích Tịnh Quán nhấn mạnh. Sau khi đọc 5 lời phát nguyện, sư thầy trao Điệp 5 lời phát nguyện cho cô dâu, chú rể và sau đám cưới họ phải tụng 5 điều này mỗi tháng 1 lần vào ngày trăng tròn.
Nghi lễ trao nhẫn cưới cũng rất quan trọng. Theo sư thầy Thích Tịnh Quán thì trao nhẫn là trao sự tròn trịa và kiên nhẫn. Nghi lễ vợ chồng lạy nhau để chứng tỏ họ đều bình đẳng trong gia đình. Sau đám cưới, chú rể Tuấn Đức cảm nhận: "Buổi lễ đã giúp cho tôi hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tình thương yêu. Lời phát nguyện trước Tam Bảo sẽ có tác động rất lớn đến đời sống tâm linh của vợ chồng tôi".
Vì sao lại là lễ Hằng thuận?
Vì sao lại gọi là lễ Hằng thuận tại chùa mà lại không gọi là đám cưới? Theo thượng toạ Thích Bảo Nghiêm thì lễ Hằng thuận là đôi bên trai gái đã thuận ý sống với nhau trọn đời - một cách gọi khác của nhà chùa về đám cưới. Lễ Hằng thuận được tổ chức đầu tiên vào những năm 50 của thế kỷ trước, do Thượng thủ tăng già Tuệ Tạng tổ chức tại chùa Vọng Cung, Nam Định. Từ đó đến nay, các đám cưới tại chùa đều được gọi với cái tên là lễ Hằng thuận. Ý nghĩa của lễ Hằng thuận chính là việc đưa yếu tố tâm linh vào một trong những sự kiện trọng đại nhất của mỗi con người. Điều này sẽ có tác dụng hướng thiện, giúp cho các cặp vợ chồng khi sống với nhau sẽ sống tốt theo 6 cặp phạm trù.
Lễ Hằng thuận tại chùa mang màu sắc tôn giáo.
Ví như, trong cặp phạm trù chồng - vợ, nhà Phật luôn răn dạy người chồng phải đối với vợ trước như mua quà cho vợ, người vợ được phép trang điểm, giao tài sản trong nhà cho vợ cất giữ… thể hiện sự tôn trọng vai trò người phụ nữ trong gia đình. Sau đó, người vợ cũng phải đối với chồng bằng cách thay chồng dạy con cái, chồng đi làm về phải chuẩn bị cơm canh, phòng ngủ chu đáo, khi nhà có khách, người vợ phải nhẹ nhàng, ân cần…
Ý nghĩa xâu xa của lễ Hằng thuận, theo thượng toạ Thích Bảo Nghiêm, khi đôi tân lang, tân nương đã thề nguyền sống với nhau có sự chứng kiến của yếu tố tâm linh tức là đã riàng buộc với nhau bằng tôn giáo. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng trong việc gìn giữ sự hạnh phúc, bền vững của cuộc sống gia đình.
Tệ nạn xã hội được bắt đầu từ chính những bất ổn trong cuộc sống gia đình. Khi gia đình tan vỡ, bố mẹ không quan tâm được đến con dễ tạo điều kiện cho cái xấu phát triển. Thực tế cũng đã cho thấy, đằng sau những vụ án đau lòng chính là hình ảnh của một gia đình không còn vẹn nguyên. Sự bền vững của cuộc sống gia đình, cha mẹ quan tâm đến nhau, quan tâm đến con sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi tệ nạn xã hội. Chẳng thế mà, không chỉ có các đôi trẻ tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa mà ngay cả họ hàng hai bên cũng như bạn bè đều cùng cảm thấy đây là một dịp để tĩnh tâm, thư thái và "cảm" những lời răn dạy đầy ý nghĩa của nhà Phật để sống tốt hơn.
Giữ gìn hạnh phúc lứa đôi
Không ít các bạn trẻ đã dám bỏ qua nghi lễ cưới quen thuộc ở nhà hàng, khách sạn để mạnh dạn tiến đến một đám cưới mang nét độc đáo, kết hợp tính truyền thống lẫn hiện đại. Đó chính lễ Hằng thuận tại chùa. Nếu như trước đây, các lễ Hằng thuận tổ chức tại chùa mới chỉ bắt đầu manh nha ở TP Hồ Chí Minh thì nay đã lan rộng ra cả Hà Nội.
Nổi bật là đám cưới của diễn viên điện ảnh Hồng Ánh - chú rể Thanh Sơn tại chùa Hoằng Pháp, TP Hồ Chí Minh. Trước nhu cầu ngày một nhiều của các cặp uyên ương, nhiều chùa tại Hà Nội đã nhận tổ chức đám cưới cho họ như chùa Lý Triều Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm), chùa Đình Quán (huyện Từ Liêm) chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn), chùa Cót (quận Cầu Giấy), thiền viện Sùng Phúc (quận Long Biên), chùa Bằng (quận Hoàng Mai)…
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm thì nhà chùa hoàn toàn tổ chức miễn phí cho các đám cưới. Nếu một số chùa tại miền Nam tổ chức tiệc chay cho các lễ Hằng thuận thì ở chùa Lý Triều Quốc Sư không tổ chức do phong tục tập quán người Bắc, lễ Hằng thuận tại chùa không tổ chức tiệc. Năm 2008, chùa Đình Quán cũng bắt đầu tổ chức lễ cưới cho một cặp tân lang và tân nương đầu tiên.
Theo sư thầy Trụ trì Thích Tịnh Quán, xuất phát từ nhu cầu ngày càng nhiều của các bạn trẻ, cao điểm có năm chùa tổ chức lễ cưới cho 3 cặp uyên ương một lúc. Trung bình mỗi năm có từ 4 đến 5 đôi tổ chức cưới, có cặp là những người học thiền ở chùa, nhưng cũng có nhiều cặp ở xa, thậm chí cả Vĩnh Phúc và Bắc Giang "nghe tiếng" cũng tìm đến.
Nhiều người thắc mắc vì sao giới trẻ lại chọn tổ chức lễ cưới trong chùa? Theo anh Bùi Thanh Giản, người đã tổ chức cưới tại chùa thì đó là một nghi lễ độc đáo, giúp cặp đôi nhìn nhận được giá trị của cuộc sống gia đình sau này mà mình phải gìn giữ. Hôn nhân có hạnh phúc hay không rất cần vào sự cố gắng và vun đắp từ hai phía. Những giáo lý và điều răn của Phật giúp những cặp vợ chồng trẻ hiểu hơn về đạo lý, đạo nghĩa vợ chồng.
"Tình trạng ly hôn của giới trẻ hiện rất cao, lễ Hằng thuận sẽ hướng con người ta về những giá trị nhân văn và gìn giữ gia đình hạnh phúc. Những cặp đôi đã tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa Đình Quán đến nay đều chung sống rất hoà hợp và hạnh phúc", Sư thầy Thích Tịnh Quán cho biết. Tại chùa Lý Triều Quốc Sư, lễ Hằng thuận đầu tiên được tổ chức vào năm 2008. Năm 2010, chùa Lý Triều Quốc Sư tổ chức 13 lễ Hằng thuận. Riêng năm 2011 đã có 8 lễ Hằng thuận diễn ra. |
Theo Trần Hằng - Nguyễn Hương - CAND