;
Sáng ngày 28-9 năm Quý Mão,(12/10/2023), môn đồ tứ chúng đệ tử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Chính đã trang nghiêm tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Hoà thượng ân sư viên tịch tại chùa Diên Phúc (thôn Nam Hà, Xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hoà thượng Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện Xã hội TW GHPGVN; Hoà thượng Thích Quảng Hà - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; Hoà thượng Thích Thanh Chính – Uỷ viên thường trực HĐTS, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng toạ Thích Thanh Tuấn – Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng I TW GHPGVN; Thượng toạ Thích Đạo Phong – Uỷ viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; cùng chư tôn đức các ban ngành Trung ương và chư tôn đức trong BTS Tỉnh Nam Định, Hà Nam và Hà Nội.
Mở đầu buổi lễ, đại diện môn đồ tứ chúng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thành kính tác bạch cung thỉnh Chư tôn đức quang lâm Lễ trường dâng hương tưởng niệm cố Trưởng lão Hoà thượng.
Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Chính (1904 - 1983), nguyên là chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Nam Định, trụ trì chùa Diên Phúc, vốn là bậc đồng chân xuất gia, an bần thủ đạo, tiến tu tam nghiệp và trở thành bậc long trượng chốn tòng lâm.
Ngài họ Vũ, húy Văn Giáp, sinh năm giáp thìn 1904, là con độc nhất cụ ông Vũ Đình Dưỡng, cụ bà Nguyễn Thị Đường tại làng Hành Quần (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Năm 10 tuổi thân phụ Ngài qua đời, sớm tối Mẹ con đùm bọc trong gia cảnh bần nông đói túng, Ngài được Mẹ cho ra chùa Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực chấp tác việc Phật và học đạo, học chữ với sư cụ trụ trì Thích Thanh Tịnh là cậu ruột. Năm 1918, Ngài 14 tuổi.
Khi đã lớn khôn, thiện tâm xuất gia lập chí đã có ý thức rõ ràng, mong cầu tiến đạo nghiêm thân. Nhân một ngày về quê thăm Mẹ, gặp được Ni Trưởng An Ninh giới thiệu danh đức Hòa Thượng Thiện Bản chùa Cao Đà là bậc cao tăng tinh thông tam tạng, nghiêm trì giới luật. Nên Ngài về lễ sư cụ Dương A, cậy nhờ Ni Trưởng An Ninh giới thiệu đến đỉnh lễ Hòa Thượng Thiện Bản xin chính thức xuất gia. Tổ đã tiếp nhận cho chấp lao phụng sự tam bảo, sớm tối thị giả Tổ để học đạo
Năm 15 tuổi, nhân ngày giỗ Sư Tổ đệ nhị tổ đình Tế Xuyên Bảo Khám, ngài được nghiệp sư cho cầu Sa di tại đàn giới này do Tổ đệ tam thượng Phổ hạ Tụ làm đàn đầu Hòa Thượng và được ban pháp danh Tâm Chính tự Thanh Giáp, thế hệ thứ 5 tổ đình Tế Xuyên.
Năm 20 tuổi (1924), trưởng lão Hòa Thượng đến chùa tổ đình Linh Ứng (thôn Liễu Điện, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) cầu đạo với sư Tổ Nguyên Tiên và cầu thụ đại giới tại Đại giới đàn Linh ứng năm 1927, lúc này Ngài vừa tròn 23 tuổi.
Tại đây, Ngài vừa hầu sư Tổ vừa được sư Tổ trực tiếp truyền dạy Hán học và tam tạng thánh điển. Với kiến thức Phật học và giới đức trang nghiêm của vị tăng trẻ luôn được thầy mến, bạn yêu, nhân dân Phật tử tôn trọng. Ngài đảm nhận chức vụ duy na mỗi năm mùa hạ kết túc an cư tại bản tự Linh Ứng do sư tổ trụ trì kiêm đường chủ.
Năm 1942 - 38 tuổi, sau khi mãn tang lo phần nhập bảo tháp sư tổ Nguyên Tiên tổ đình Linh Ứng xong, Ngài trở về đỉnh lễ sư tổ Thiện Bản (chùa Cao Đà) để tiếp tục học đạo, lúc này tổ Cao Đà mở trường hạ an cư, Ngài được Tổ cử giữ chức giám tự.
Từ đây ngoài mục đích chính tu và học, Ngài thêm nhiệm vụ quản lý và đôn đúc chúng tăng tu học tai tổ đình. Năm Giáp Thân - 1944 Ngài vừa tròn 40 tuổi, với tuổi đó cổ nhân dạy: "tứ thập nhi bất hoặc”. Năm này, Ni Trưởng Thích Quảng Thức trụ trì Tổ đình ni Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã cùng cụ Tống Văn Trì chánh Tổng làng Nam Hà đỉnh lễ Sư Tổ Cao Đà, cầu xin Tổ hứa khả cho Ngài về trụ trì chùa Diên Phúc (thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, Nam Định).
Lúc này phần vì Tổ thấy Ngài đã đủ duyên trụ trì, phần vì nể ông Chánh Tổng có tâm kính tín Tam Bảo nên Tổ Cao Đà đã cho phép Trưởng Lão Hòa Thượng ra trụ trì. Thế là Trưởng Lão Hòa Thượng trụ trì bản tự từ năm 1944 - 1983. 40 năm trên cương vị “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, Ngài đã tiếp chúng độ tăng, giáo hóa tín đồ tin theo chính pháp.
Những năm kháng chiến chống Pháp chùa Diên Phúc (thôn Nam Hà) là cơ sở hoạt động cách mạng của Việt Minh, như trong chùa có nhiều hầm bí mật xung quanh lũy tre, thông với hầm bí mật chính ngay gầm Tam Bảo và gầm nhà tổ. Ngài trực tiếp tham gia hoạt động với bí danh Nguyễn Nam Duyên (họ Nguyễn là họ lớn nhất trong làng, Nam là tên làng Nam Hà, Duyên là đọc chệch của hiệu chùa Diên Phúc).
Chùa cũng là cơ sở chỉ huy C 40 - đơn vị chủ lực của huyện tác chiến để tiêu diệt bốt Dương A, tiêu diệt bọn tay sai phản động để bảo vệ khu Đông Bắc của huyện. Hòa bình độc lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ngài được Thủ tướng Chính phủ tặng huy chương kháng chiến với tên Nguyễn Nam Duyên và nhiều bằng khen cấp tỉnh khác.
Ngoài cương vị trụ trì chính chùa Diên Phúc – Nam Hà, Ngài còn kiêm trụ trì, giáo hóa Phật tử, phục vụ tín ngưỡng nhân dân, xây dựng kiến thiết các chùa trong khu vực như tổ đình Dương A, nơi lúc nhỏ Ngài theo hầu cậu ruột là Sư Tổ Thích Thanh Tịnh, Chùa Đại An xã Nam Thắng, chùa Thụy Thố (Ngọc Thỏ) , chùa Cao Lộng. Với giới đức trang nghiêm, bồ đề tâm trải khắp nên hầu hết nhân dân các vùng này đều là đệ tử quy y với Ngài.
Đối với việc tiếp tăng độ chúng trước đây Ngài tế độ nhiều, nhưng trong kháng chiến các vị đó đã “xả cà sa mặc chiến bào”. Những năm thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Ngài đã độ hai đệ tử cuối cùng là Nguyên Tịnh – Bảo Nghiêm và Nguyên Minh. Ngài có công rất lớn tiếp tục sự nghiệp của đức thầy Sư Tổ Thiện Bản – Cao Đà trong việc dạy bảo Ni giới Tổ đình ni Đại Hoàng.
Ngày 26/8 năm Quý Hợi 1983, Ngài đang ở Tổ đình ni Đại Hoàng, nhưng hình như Ngài “dự tri thời chí – biết trước giờ phút ra đi” nên gọi Ni trưởng Đàm Bình đến, cáo bệnh về chùa Diên Phúc. Ngài nói:”cho người đưa tôi về Nam Hà đi, không ở đây phải lo tang tôi đấy”.
Biết tin này dân làng đã cử hai người Phật tử tại gia thân cận cạnh chùa là ông Đinh Viết Bất và ông Phạm Văn Trị đã hầu Ngài về. Qua ngày 27 cho gọi đệ tử Bảo Nghiêm xin phép Học Viện Quán Sứ về hầu Ngài. Ngày 29/8, Ngài vẫn minh mẫn gọi đệ tử Bảo Nghiêm, Nguyên Minh đến phó chúc, trong đó có câu khiến mọi bên người bên cạnh rất cảm động đó là “dân Nam Hà nghèo nhưng rất tốt, rất mộ đạo. Sau này các vị đi đâu cũng không được bỏ nhân dân ở đây nhé”. Lúc 17h40 cùng ngày, Ngài an nhiên thị tịch.
Sự ra đi thanh thản của Ngài như cuộc đời tự tại của một bậc cao tăng suốt đời thanh bạch, không vướng danh lợi tiền tài. Cuộc đời thanh bần của Ngài chỉ có tam y, tràng hạt – không tiền bạc, không thóc lúa, không tài sản. Nhưng Ngài đã để lại cho nhân dân, Phật tử, cho pháp tử , pháp quyến một tấm gương đạo hạnh, xả ly và tự tại, một tấm gương về đức nhẫn nhục, kham nhẫn, hy sinh vì mọi người, vì đạo pháp cho hậu thế noi theo.
Chùa Diên Phúc kể từ ngài Ngài quảy dép về Tây, chưa một ngày vắng sư trụ trì; giáo Pháp vẫn được tuyên dương, nhu cầu tín ngưỡng của dân vẫn được đáp ứng đầy đủ. Nhang vẫn ngát thơm, đèn vẫn sáng tỏ, già lam sạch cỏ, cảnh giới mở mang, trang nghiêm phạm vũ, huy hoàng Tổ đường,….
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, đại chúng đồng lòng hướng lên Giác linh đài thành tâm mặc niệm và dâng hương, đồng tụng Kinh A Di Đà, nhất cú nhất kệ cầu nguyện Ngài Cao đăng Phật quốc. Sau đó, môn đồ tứ chúng phát tâm cúng dàng trai tăng để cầu nguyện.
Được biết, trước đó, Chư Tăng trong sơn môn đã cử hành lễ niêm hương bạch Phật, bạch Tổ, cúng Phật đại khoa, trì tụng Kinh Địa tạng, lễ sám long thần thổ địa, mông sơn thí thực và thuyết pháp.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được: