;
13 tuổi xuất gia tầm sư học đạo đến nay đã 76 năm, 57 giới lạp, 46 năm làm trú trì Cố Hòa thượng với nếp sống khiêm cung, giản dị
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Chư Tôn đức, kính thưa quý vị Phật tử đang hiện diện trực tiếp hoặc gián tiếp trong buổi lễ tri ân của bổn sư, tôn sư của chúng con/chúng tôi.
Chỉ còn vỏn vẹn 1 đêm nay nữa thôi, môn đồ pháp quyến chúng con/chúng tôi thành tâm cung thỉnh kim quan của Bổn sư, Tôn sư nhập bảo tháp.
Chúng con kính xin Chư tôn thiền đức cùng quý Phật tử dành cho chúng con chút thời gian quý báu này để dâng nỗi niềm cảm niệm ân sư của chúng con lên Giác linh Tôn sư- người đã dày công giáo dưỡng để chúng con có được như ngày hôm nay.
Kính bạch Giác linh tôn sư, chúng con – những người học trò thân thương, những đệ tử tâm thành và môn đồ pháp quyến cả hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia đồng quỳ trước di ảnh và kim quan của Tôn sư hôm nay, ngưỡng mong Ngài chứng minh cho tấm lòng kính quý của chúng con.
Còn một ít thời gian nữa thôi, chúng con xin được phép tôn xưng Bổn sư, Tôn sư bằng tiếng “Ôn” kính yêu. Bởi vì, với chúng con, tiếng “Ôn” thiêng liêng lắm! Được gọi Ôn là một tiếng gọi rất Huế, nó gần gũi và ấm áp lạ thường.
Môn đồ pháp quyến trong lễ tri ân tôn sư - Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Lương Phương.
Nhìn lên di ảnh, nến lung linh,
Nỗi lòng thắt nghẹn, nhớ dáng Ôn
Hóa duyên vừa mãn, Người vắng bóng,
Lưu lại nhân gian nặng nghĩa tình.
Ôn ơi! Ở với Ôn, sống bên Ôn thật sự chúng con như đồng cỏ mênh mông xanh ngát – an lạc – và bình yên vô cùng. Ở Ôn, chúng con học hạnh thân giáo của Ôn rất nhiều, tuy Ôn không đứng lớp giảng dạy nhưng chính cách sống của ôn, mới là bài học vô ngôn vô cùng quý giá.
Như những tiếng chuông quý giá luôn ở đó để đánh thức sự tu tập của chúng con, để loại trừ tất cả mọi u mê, ám chướng, kiêu căng, tự phụ. Ôn là thế! Luôn giản dị, là một bậc mô phạm thuần lương, một nhà giáo chân tình dưới ngôi Tự viện Phước Duyên thiêng liêng dạy Đạo, và đem Đạo giúp đời.
Kính bạch Ôn!
“Người nằm xuống cho nghìn thu vắng bóng
Nhưng hình hài vẫn lồng lộng giữa hư không.”
Suốt gần 90 năm làm người, 13 tuổi Ôn đã xuất gia tầm sư học đạo đến nay đã 76 năm, 57 giới lạp, 46 năm làm trú trì và 8 năm với ngôi vị viện chủ. Hành trình Ôn chọn đi và sống trọn, thật sự với chúng con đó là cả “khung trời vàng”, là cả câu chuyện dài được góp nhặt đời thường, giản dị mà thật ý nghĩa, chạm sâu mỗi lần chúng con nghĩ tới hay kể về.
Chúng con nhớ, khi Ôn cho xây dựng trùng tu ngôi phạm vũ, có một số vị cư sĩ hỏi: “Tiền đâu mà ôn làm nhiều vậy Ôn?”, Ôn cười và chỉ nơi cây khế.” Thế đó, Ôn đã vun đắp, che chở cho các học chúng xuất gia cũng như tại gia tu học ngày một tiến lên, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác: từ học chúng Chánh Niệm, học chúng Thanh Tuệ, đến học Văn Thù, học chúng Chánh Tâm, học chúng Thiện Tài Đồng Tử, cả Đạo tràng sám hối, các lớp học Anh văn, Hán văn từ thiện… và nhiều học chúng khác.
Nhất là Gia đình Phật tử, Ôn rất quan tâm. Bởi vì Ôn nói tre già măng mọc, đôi khi các em lên chùa nô đùa, buổi trưa vừa chạy nhảy vừa hét la. Nhưng Ôn vẫn không la rầy mà ngược lại Ôn còn hoan hỷ, Ôn dạy: “Không có các em oanh vũ thì làm sao có huynh trưởng, cư sĩ, phật tử.”
Nhớ những trưa nắng hay sớm muộn, chiều hôm, có những gia đình không thân thích, con khó nuôi, khó sinh tìm đến Ôn, Ôn còn làm lễ, cầu nguyện cho an lòng để họ sinh con có hiếu thảo và dễ nuôi. Dù lớn hay nhỏ Ôn vẫn không để mất lòng một ai. Khi gia đình các Phật tử có những nhu cầu tâm linh thì Ôn luôn có mặt sớm hơn nửa giờ và Ôn dạy: “Mình phải đi đến trước đừng để Phật tử trông mà tội”.
Dù công đức và hạnh nguyện của Ôn lớn lao như vậy nhưng đời sống của Ôn bình dị lắm, khi còn giặt áo quần được là Ôn tự giặt, nước trà sớm hôm Ôn cũng tự pha, và dường như Ôn chưa hề có thị giả trừ khi những lúc bệnh duyên. Lúc chúng con còn hành điệu đi học chưa về thì Ôn ở nhà nấu cơm nấu nước, nấu cháo thánh, nấu xong rồi còn đi công phu.
Và suốt 76 năm xuất gia Ôn vẫn chỉ nằm nghỉ trên 1 chiếc phản đơn sơ. Cuộc đời giản dị như vậy chúng con học hoài vẫn không hết, cố gắng làm hoài vẫn chưa được, biết bao nhiêu chuyện chúng con không thể nói hết được bằng lời. Cuộc đời của Ôn là những bài học hành động vô ngôn.
Kính bạch Ôn, Huynh đệ chúng con thật là diễm phúc khi được làm đệ tử của Ôn.
Trong những ngày giữa hạ năm 2021, thời tiết của Huế vô cùng khắc nghiệt, cũng vì đã có tuổi nên thân thể của Ôn có chút bệnh duyên, tuy thân Ôn đau nhức lắm, thấy Ôn đau chúng con cũng bật khóc. Thế mà tâm trí của ôn luôn minh mẫn, tính của Ôn luôn sợ làm phiền người khác, ngay chính cả đệ tử hay học trò của Ôn, Ôn biết chúng con chăm sóc người bệnh chắc sẽ có nhiều áp lực, nên tâm Ôn lúc nào cũng luôn vui vẻ và động viên chúng con.
Câu mà Ôn thường dạy với chúng con: “Già rồi ngồi lại một bên, để cho con cháu tiến lên cho kịp thời”, “Ôn già rồi giờ không làm chi được hết mấy thầy hè?”. Chúng con cũng cười trong niềm xúc động và khâm phục đức hạnh của Ôn.
Thưa Ôn, lúc trẻ Ôn dạy chúng con bằng thân giáo, ngôn giáo, giờ Ôn bệnh duyên thì Ôn dạy cho chúng con những bài dạy Vô ngôn. Cũng nhờ bệnh duyên của Ôn mà chúng con có nhiều thời gian bên Ôn hơn, kể cả những vị đệ tử lớn của Ôn ở xa được tin Ôn bệnh duyên cũng về hầu Ôn, Ôn rất hoan hỷ. Chúng con ở bên Ôn đầy đủ không thiếu người nào.
Còn nhớ cách đây mấy hôm trước khi Thầy trú trì xuống xin Ôn để đi dạy tại Luật viện Huệ Nghiêm: “Thưa Ôn, Ôn cho con đi dạy 3 hôm, Ôn gắng giữ gìn Ôn nha”. Rồi thầy còn nói, “con thưa Ôn vậy nhưng Phật gọi lúc nào thì Ôn cứ về lúc đó, không cần nhớ hay đợi chi Thầy trú trì hết Ôn nghe”, Ôn cười mà sặc cả người, nhìn nụ cười của Ôn rất hoan hỷ.
Buổi sáng có thầy xuống thưa Ôn: “Thưa Ôn, đêm nay Ôn ngủ có ngon không bạch Ôn?”, Ôn nhìn một lúc rồi Ôn nói: “Tui ngủ không được, còn thầy thì ngủ ngon rồi.”
Rồi cũng có thầy xuống thưa Ôn: “Hôm ni Ôn khoẻ không Ôn?”, Ôn nhìn rất trìu mến và nói: “Thầy mà công phu khuya đều thì tui khoẻ, còn thầy không lên công phu khuya sao tui khoẻ được”.
Giờ đây chúng con muốn nghe những lời sách tấn của Ôn nhưng sao mà khó thế!
Cứ thế, Thầy trò chúng con được gần Ôn, bên Ôn đôi khi chỉ cần như thế là đủ đầy, là biết ơn.
Chúng con, duyên may được gần Ôn, được quan sát, lắng nghe Ôn chia sẻ với Phật tử mà lòng không khỏi xúc động, ấm áp vô cùng. Mệ Hoàng Liên hay sang chùa nấu cơm, hay gọi là mệ Liên bếp, khi nghe tin Ôn bệnh duyên mệ qua thăm, Ôn dạy: “Lúc trước chưa đau thì sao cũng được giờ mệ bệnh rồi thì lo ở nhà mà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng”.
Hay Dì Liên Phương lên lau chùi nhà, phòng vệ sinh cho Ôn mỗi ngày, mỗi lần lên là dì nói: “Thưa ôn, ôn cho con lau chùi nhà”. Ôn dạy: “Nhà của mấy chị thì mấy chị cứ chùi thoải mái”. Đúng thế, đây đơn giản đã là nhà, sao mà đầm ấm thân thương đến lạ Ôn ơi.
Bác sĩ Minh mỗi lần lên khám và bắt mạch cho Ôn, Ôn nói: “Mỗi lần mà thấy bác sĩ Minh là sợ”. Bác sĩ Minh nói: “Dạ vì răng rứa Ôn?”, ôn dạy: “Vì thấy bác sĩ lên khám tức là bị bệnh rồi”. Thế là, cả mấy Ôn con cùng cười.
Rồi bác sĩ Phát dạo gần đây ngày nào cũng lên chăm sóc sức khoẻ cho Ôn, bác thưa với Ôn: “Thưa Ôn, con với Ôn phải cùng nhau hợp tác để vượt qua giai đoạn khó khăn này Ôn nhé, Ôn cười và nói ừ”.
Khi nghe Phật tử Quảng Mỹ thưa Ôn, Ôn có bộ lông mày đẹp quá. Ôn nói “ Bạch Hào Uyển Ngũ Tu Di”.
Cả cuộc đời Ôn cứ lặng thầm cho đi bằng nếp sống giản dị, ấm áp, luôn biết quan tâm, để ý chu đáo. Trước sau vẹn toàn. Trước lúc Ôn đi xa, Ôn còn cho con trẻ những bài học tình thương sâu sắc, những lời gửi gắm, nhắn nhủ mà có lẽ nghĩ về không khỏi xúc động.
Cháu Linh Đan hay lên đo huyết áp và đường cho Ôn, Ôn dạy: “Con cứ làm bữa mô Ôn đi rồi, con thích chi Ôn cho”. Cháu Linh Đan vẫn không hiểu hỏi: “Ôn đi mô Ôn?”. Ôn đáp: “Đi về với Phật”. Lúc đó Linh Đan đã phần nào đoán được nên thưa Ôn: “con thích cái khăn”, Ôn hỏi “khăn chi?”, “Dạ khăn tang!”. Ôn dạy “ừ, để vài bữa Ôn viết cho rồi con thưa với quý thầy rồi quý thầy đưa cho con”. Trong khoảnh khắc này, thời gian như ngưng lại, những thước phim quay chậm, những giọt nước mắt đã trực trào trong lòng con trẻ đó Ôn à!
Tuy thân Ôn bệnh vậy nhưng tâm Ôn chưa 1 ngày bệnh và trí Ôn luôn sáng, luôn nhớ nhắc nhủ người nào làm công việc gì. Những lúc hầu Ôn dùng cơm, Ôn nói “giờ có tay chân mà cũng như không rồi như em bé, ăn cũng phải có người đút, muốn làm chi cũng chịu”.
Chúng con thưa, “dạ Ôn lớn thì để chúng con có cợ hội để được hầu Ôn, để kiếm thêm chút phước mà tu thưa Ôn”, ôn cười rất hoan hỷ.
Ôn dặn dò đến tận giây phút trước khi Ôn về với Phật, Dì Dẻo lên thăm, Ôn dạy: “Dì Dẻo à, bữa ni nhìn tròn đầy đặn phúc đức hơn trước đó nghe, thôi thăm Ôn như rứa được rồi coi lên lau chùi chùa cho sạch sẽ tinh tấn nha”.
Rồi Dì Hài lên chào Ôn, Ôn dạy “coi xuống bếp có thầy Nhật Đạo dưới bếp a, xuống với thầy mà lo bếp núc nấu nướng cho các Phật tử lên ăn”.
Đối với đệ tử tại gia thì Ôn cũng luôn hết lòng thương yêu như con một, ai đến Ôn cũng mời dùng cơm đã rồi về, Phật tử chưa dùng là Ôn không dùng, Ôn dạy: “Quý vị cứ xem Phước Duyên là nhà, đi đâu mệt thì cứ về đây dùng cơm và nghỉ ngơi”. Phật tử đến chùa Ôn không bao giờ để cho ai bụng đói đi về, cái gì ngon cũng không dùng cho bản thân, mà để lại để dọn cho quý thầy và quý phật tử”, nên từ đó mới có câu: “Gạo Phước Duyên” nghĩa là hễ ai đến Phước Duyên thì cũng không lo bụng đói để đi về.
Từng mùa thay lá, mái chùa này vẫn là ngôi nhà, trái tim của Ôn, cuộc đời Ôn ấm áp, khiêm cung, giản dị mà trầm hùng, chúng con học hoài vẫn không hết, nói mấy cũng không cùng. Chúng con mong Ôn trở lại cõi Ta Bà bằng hạnh nguyện, đại bi, bằng tâm từ cứu độ để cho chúng con và chúng sanh tiếp tục nương nhờ.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TỨ THẾ, TỪ HIẾU TÔN PHONG, BÁO ÂN PHÁP PHÁI, TRÙNG KIẾN PHƯỚC DUYÊN TỰ VIỆN VIỆN CHỦ HUÝ THƯỢNG NGUYÊN HẠ TIẾN TỰ LƯƠNG PHƯƠNG TRƯỞNG LÃO HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH.
(Bài cảm niệm của Môn đồ pháp quyến)