;
Ơn giời, các bạn ơi, tôi sẽ không bị treo cổ nữa! Đúng là tin vui của tôi đầu năm mà tôi cần phải chia sẻ với "chị em bạn dì" họ nhà trâu của tôi khắp nơi các bạn ạ!
Tim tôi đã thắt lại khi nhìn xung quanh, đồng môn đồng bào của mình trong chuồng trại và nhận ra mình đẹp nhất, béo nhất, tốt mã nhất. Tim tôi thắt lại vì tôi biết tôi nhiều khả năng sẽ được chọn để... treo cổ. Tôi đang muốn sống, không, tôi cần được sống để cày cấy chứ không phải tôi muốn chết dù là cái chết của tôi thật cao cả: Tế.
Tôi đã gào rống lên, tôi đã khóc, tôi đã ủ ê, tôi đã tuyệt thực để phản đối nhưng mọi sự vẫn không thành. Người ta vẫn đến trước mặt tôi rầm rì bàn tán, chỉ chỏ vào tôi như một lựa chọn chắc chắn. Tôi tai thính nên dù đã lên nhà trên tôi vẫn nghe được họ bàn tán sẽ treo tôi như thế nào. Sẽ cắt tiết tôi ra làm sao. Sẽ thui tôi bằng rơm nào. Rồi sẽ đặt tôi lên bàn thờ theo tư thế nào. Rồi họ sẽ phủ tiền lên thân thể tôi bằng tất cả lòng thành đầy ít như thế nào.
Tôi đã hoảng sợ, tôi đã định húc đổ rào chắn để bỏ trốn nhưng mọi sự bất thành. Bởi tôi biết, tôi là một con Trâu được sinh ra để chọn làm... lễ tế. Lúc đó, tôi ước sao tôi thật gày đi, thật tàn tạ, thật thảm hại để không ai chọn tôi mà khổ quá tôi không thể làm việc đó trong ngày 1 ngày 2. Số phận đã an bài để tôi "được" treo lên.
Ngay khi tôi cúi đầu chấp nhận số phận thì cũng là lúc tôi nhận được tin vui rằng tôi sẽ không bị treo lên. Tôi được sống rồi. Mừng quá!
Tôi nói thật, đôi lúc, tôi cũng mong muốn được sinh ra làm một con khác lắm chứ nhưng đó mãi mãi chỉ là mong ước bởi số trời đã định tôi phải được sinh ra là một con Trâu. Và, tôi hiểu được vị thế và tầm quan trọng của mình. Tôi tự hào được làm một con Trâu dẫu rằng, không phải lúc nào tôi cũng được khoản đãi.
Hình ảnh trâu bị treo cổ đến chết, sau đó được xẻ thịt trước mặt mọi người trong Lễ hội Đông Cuông (Yên Bái) năm trước. Trước sự chỉ trích của dư luận, năm nay lễ tế này sẽ bị huỷ bỏ.
Thôi thì khoan nói chuyện khoản đãi, hãy nói về "vị thế" của tôi đã được dân gian truyền tai nhau. Tôi nhớ thì không ít câu ca dao hò tục ngữ vè đã dùng hình ảnh của tôi. Này nhé:
Con Trâu là đầu cơ nghiệp - tức là không có tôi là không có cơ nghiệp đâu nhé!
Tậu trâu lấy vợ làm nhà - có tôi rồi mới lấy vợ, làm nhà được!
Nhưng, tôi một con trâu lại thích nhất bài ca dao sau:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Tôi thích là bởi, tôi được người nông dân xưng hô như một con người, gọi và nói chuyện cùng tôi. Thử hỏi, có con vật nào được gọi như thế chưa? Tôi tự hào lắm chứ? Bởi vì tôi tự hào thế nên tôi luôn tận tuỵ. Ngày đông chí hay hạ chí, ngày nóng hay ngày lạnh căm, tôi vẫn đằm mình trong ruộng, vẫn miệt mài kéo cày không lời ta thán.
Tôi cũng chẳng mong chẳng mong được đối đãi như một chú cún cưng hay chú mèo đỏng đảnh. Có bao giờ bạn thấy tôi đòi hỏi gì chưa? Chưa bao giờ, tôi chỉ ăn rơm ăn rạ, ăn cỏ (cũng là thứ không ai cần). Tôi cũng hài lòng với những chuồng trại thô sơ vách nữa. Tôi biết, nông dân nghèo lắm nên tôi "chung lưng đấu cật" để giúp người nông dân thoát nghèo, có được cơm ăn áo mặc quanh năm. Tôi sinh ra là một chú Trâu bởi vậy đời tôi gắn liền với đồng ruộng và sự lam lũ của người nông dân.
Tôi yêu người nông dân. Thật, tôi thề là cả đời tôi chỉ yêu người nông dân thôi.
Thế nhưng, bạn có biết không, trải dài hàng ngàn năm lịch sử của đất nước, số phận tôi ngoài gắn với ruộng đồng còn gắn liền với các lễ hội và các sự kiện lớn. Giả thử, bạn cứ tìm đọc lại các trang lịch sử cũ, người ta sẽ luôn ghi là "giết bò mổ trâu khao binh" chứ có ai viết là "giết chó mổ mèo" đâu. Đó, vì tầm quan trọng của tôi mà các sự kiện lớn đều có tôi hết. Từ lễ tế rước tôi cho tới tiễn tôi về trời, quỳ mọp trước tôi và cuối cùng dâng tôi lên các bàn thờ lớn nhất, linh thiêng nhất, xếp tôi cạnh các đức thánh hiển linh nhất.
Tôi quan trọng lắm chứ!
Vậy nhưng, có ai biết rằng, tôi cũng đâu có thích thú gì với việc bị mang ra để chọi nhau đến toé máu đâu. Trâu là giống loài hiền lành mà. Có bao giờ bạn thấy Trâu húc chết người đâu, chỉ có Voi mới làm việc đó. Cũng có bao giờ bạn thấy Trâu xổng chuồng mà gây tai hoạ cho người đâu? Chỉ có Hổ, Sư tử mới làm việc đó. Vậy nhưng họ mang chúng tôi ra làm thành trò thể thao để chúng tôi, đồng loại của nhau, húc nhau đến gãy sừng đổ máu trong tiếng reo hò của đám đông mà quên mất chúng tôi cũng đổ lệ vì vết thương của nhau.
Xót xa lắm các bạn ạ!
Nhưng, cũng bởi chúng tôi là Trâu mà, chúng tôi phải nghe lời thôi. Bởi người ta nói "làm thân trâu chó" mà!
Bởi biết nghe lời, nên ngay cả việc treo chúng tôi lên, cho chúng tôi vẫy vùng đến chết rồi cắt lấy 9 bát tiết, rồi thui chúng tôi, rồi làm lễ chúng tôi, rồi rước chúng tôi trong lễ tế Đông Cuông chúng tôi cũng vẫn phải nín lặng mà chấp nhận. Nào chúng tôi có được phản kháng đâu, nào có ai hỏi í kiến chúng tôi đâu.
Nhưng, vì ý nghĩa của lễ tế là cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, đời sống trù phú cho người nông dân mà chúng tôi chấp nhận hết. Bởi như tôi đã nói, tôi là người bạn tốt nhất của nhà nông và tôi yêu những người nông dân từ tận cùng trái tim.
Năm nay, nhờ có một đoạn clip gì đó mà một ai đó mới tung lên mạng mà số phận và sự hi sinh của chúng tôi trong lễ tế Đông Cuông năm 2016 mới được biết đến. Nhưng trước đó, hàng trăm năm đâu ai biết đâu. Dân tình bây giờ nghĩ cũng ngộ heng! Người thì hò reo trước cái chết được coi là linh thiêng của tôi trong khi một số không nhỏ lại thương xót cho tôi vì sự tàn bạo đó.
Còn tôi không được quyền lựa chọn. Số của tôi là số bị... xỏ mũi dắt đi.
Vậy nên, tôi đành nghĩ rằng, một bức tâm thư có lẽ sẽ là điều cần thiết. Một bức "Tâm Trâu thư" để nói rằng, tôi là một con Trâu, là một người bạn nhà nông gần gũi và mật thiết chứ không phải là một công cụ để mang lại niềm hò reo ngập ngụa trong bạo lực và máu me (chính là máu của tôi đó!).
Năm nay, trâu sẽ được xẻ thịt tại một nơi kín đáo, sau đó thịt được mang ra để tế
Tôi muốn bức "Tâm Trâu thư" của tôi là một lời cảm ơn đến số phận đã an bài cho tôi là một con Trâu để sinh ra, lớn lên gắn liền với ruộng đồng, chết đi gắn liền với những chiếc trống làng, với những vật dụng được sử dụng từ bộ da chắc khoẻ của tôi.
Tôi muốn tôi được gắn liền với đời sống người nông dân như vậy chứ không phải là với những lễ tế/ hội nơi mà số phận của tôi kết thúc một cách nhanh chóng mà ơn đền đáp cho người nông dân nuôi nấng chưa được tôi đền đáp thích ứng và những mẫu ruộng vàng lúa chưa có dấu chân, công sức của tôi.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng: Hãy yêu tôi vì tôi là một chú Trâu cần mẫn chứ đừng yêu tôi như một món đồ tế lễ hoặc như món nhậu. Tôi không muốn mình được đặt nằm trên những mâm lễ, vật vã qua đời dù đầy sức lực. Tôi muốn tôi được chết già, chết bệnh cũng được nhưng hãy là cái chết tự nhiên chứ đừng ép tôi chết oan uổng khi sức lực vẫn "khoẻ như Trâu".
Tôi ước mong, rằng, nếu có phép màu, những ai thích thú với việc tôi bị treo cổ đến chết khi đang căng tràn sức lực hãy thử một lần "hoá thân" vào tôi thì mọi người sẽ hiểu cảm giác rằng cuộc sống đang cần sự tận hiến bỗng dưng bị tước đoạt bất nhẫn. Mọi người sẽ hiểu cảm giác rằng, sự căng tràn nhựa sống của tôi bỗng dưng thành con số 0 đầy hoài phí, đầy vô dụng và cảm giác mình chưa cống hiến được gì cho cuộc đời thật đau khổ.
Nếu được, hãy hoán đổi, hãy thử một lần là Trâu còn tôi sẽ là Người để tôi vừa hỏi cảm giác treo chính mình như thế nào và bạn sẽ là tôi để tôi hiểu được cảm giác bị treo lên sẽ "thích thú" như thế nào!
Hãy cảm ơn cuộc đời, rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra và tôi sẽ mãi mãi là một chú Trâu câm nín.
Sau tất cả, tôi, một chú Trâu, vẫn cảm ơn cuộc đời vì được làm Trâu và được đối đãi với đầy đủ cung bậc từ quan trọng tới... khốc liệt nhất. Thôi, tôi đi cày tiếp đây và đừng vỗ béo tôi nữa không tôi lại "được" chọn để treo lên đó!
V.H (ghi lại tâm sự của một con trâu)
Nguồn: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/loi-cam-ta-cua-mot-con-trau-khong-bi-treo-co-92974/