;
HÃY LÀM MỘT CUỘC CÁCH MẠNG ! Lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Đức Đạt-lai Lạt-ma & Sofia Stril-Rever
Hoang Phong chuyển ngữ
Bìa sách
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma bắt đầu được thành hình ngày 3 tháng giêng năm 2017 sau một buổi phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín của mình là bà Sofia Stril-Rever. Quyển sách đã được hoàn tất sau đó tại Dharamsala trên miền bắc Ấn ngày 2 tháng 10, và sau cùng đã được xuất bản tại Pháp ngày 26 tháng 11, 2017. Quyển sách gồm năm chương:
- Chương 1: Tôi đặt hết lòng tin nơi các bạn
- Chương 2: Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì hòa bình
- Chương 3: Hãy làm một cuộc Cách mạng từ bi
- Chương 4: Các bạn có thể làm được gì cho thế giới?
- Chương 5: Thế giới từ bi là có thật
Dưới đây là phần chuyển ngữ chương 5.
Chương 5
Thế giới từ bi là có thật
Lời kết của bà Sofia Stril-Rever
Sáng ngày 19 tháng 4, 2017, bốn YouTubeurs (là những người đưa các phim vidéo lên trang web TouTube để cùng chia sẻ với người khác) trẻ tuổi từ Pháp đến đây chợt cảm thấy mình vừa được trải qua những giây phút thật bất ngờ. Họ được đưa đến gặp vị hướng dẫn tinh thần của người dân Tây Tạng trong lúc quyển sách này đang được soạn thảo. Dù trước đây chưa từng có một ý niệm thật sự nào về Đức Đạt-lai Lạt-ma, thế nhưng trước sự hiện diện của Ngài họ vô cùng sửng sốt: trước mặt mình đang hiển hiện một biểu tượng nhân từ của cả nhân loại. Sở dĩ họ lặn lội đến đây là vì họ từng được nghe những lời kêu gọi của Ngài trong bản Tuyên ngôn về trách nhiệm toàn cầu (trong quyển sách Nouvelle Réalité, Thời đại của trách nhiệm toàn cầu, nhà xuất bản Les Arène, 2016 - ghi chú trong sách). Những người trẻ tuổi ấy đã tìm thấy trong Bản tuyên ngôn này những ý tưởng hoàn toàn mới lạ và các phương pháp thật độc đáo giúp mình có thể trở thành những người kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Lời nhắn nhủ cuối cùng của Đức Đạt-lai Lạt-ma với những người trẻ này vào ngày hôm ấy là hãy làm một cuộc cách mạng! Là những người Pháp thì tại sao cuộc cách mạng này lại không khởi xướng trên đất Pháp? Đức Đạt-lai Lạt-ma thốt lên những lời này với họ thế nhưng Ngài lại quay nhìn vào tôi. Thay cho lời tạm biệt, Ngài nắm lấy tay tôi và đặt lên phía trái tim Ngài: "Hỡi người bạn từ lâu đời của tôi!", Ngài thốt lên những lời ấy với tất cả sự trìu mến!
Tinh thần của cuộc Cách mạng Pháp đã đưa tôi ngược về trước đó vài tháng. Hôm ấy là ngày 13 tháng 9, 2016, luật sư đoàn Paris cùng với tôi tổ chức một buổi họp, quy tụ 350 luật sư và các chuyên gia quốc tế về môi trường (hội nghị " Trách nhiệm toàn cầu, Luật pháp và Môi trường". Trong buổi hội này có mặt ông Robert Badinter và các vị khác như Frédérick Sicard, trưởng luật sư đoàn, Dominique Arrias, phó trưởng luật sư đoàn, các luật sư: Patricia Savin, Corinne Lepage, Yann Aguila, Yvon Martinet là vị chủ tịch và cũng là sáng lập viên của tổ chức Universal Responsability Europe/PURE, và Khoa Nguyen, www.responsabilite-universelle.org - ghi chú trong sách. Nói chung là các nhân vật nổi tiếng trong các giới luật, chính trị và trí thức hiện nay ở Pháp, chẳng hạn như luật gia Robert Badinter là người đã tranh đấu chính thức bãi bỏ án tử hình - ghi chú thêm của người chuyển ngữ). Trong bài phát biểu của tôi hôm đó, tôi có nhắc đến thiên hùng ca của cuộc cách mạng 1789 (cuộc cách mạng Pháp) mà mũi giáo chính là các luật sư thời bấy giờ. Sáng hôm sau, tại Thượng nghị viện Pháp, Đức Đạt-lai Lạt-ma nhìn tôi như một người đồng chí hướng và tuyên bố rằng trên phương diện thế tục thì Ngài là môn đệ của cuộc Cách mạng Pháp. Chính vì thế mà tôi đã giải thích với các bạn trẻ YouTubeurs là những lời phát biểu của Ngài trong buổi họp hôm ấy có thể hiểu như là những lời kêu gọi tuổi trẻ về một cuộc cách mạng. Ngài cũng đồng tình với cách giải thích đó và cho tôi một buổi hẹn ba tháng sau.
Cuộc cách mạng của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Tháng 7 năm 2017, tôi được dịp tiếp kiến Đức Đạt-lai Lạt-ma tại "Dinh thự trong Vườn Hòa bình tối thượng" - Shiwarsel Phodrang, tại Ladakh trên miền bắc Ấn. Trong suốt buổi họp, Ngài luôn nhìn thẳng vào tôi thật chăm chú, dường như để truyền sang cho tôi một nghị lực thật kỳ lạ, [phải chăng đây là] sức mạnh của cuộc Cách mạng từ bi đang khơi động từ nội tâm của Ngài.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đã tự mình làm cuộc Cách mạng từ bi bên trong chính mình và dường như Ngài đã phó thác cho tôi bức thông điệp đó. Để chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn này, tôi đã soạn sẵn một số tư liệu liên quan đến việc luyện tập tâm thức mà tiếng Tây Tạng gọi là lojong, gồm các phương pháp luyện tập nhằm biến cải tuần tự tri thức không để cho sự vận hành của nó tập trung vào chính nó mà trở thành vị tha một cách tự nhiên. Thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã dứt khoát rằng đối với những thế hệ lớn lên trong thế kỷ XXI này, việc luyện tập lòng từ bi phải được thiết lập căn cứ vào các khám phá của các ngành thần kinh học, sau khi đã được kiểm chứng dựa vào các kinh nghiệm cụ thể và hợp lý. Lý do trước nhất là vì khoa học mang tính cách toàn cầu, trong khi tôn giáo thì lại có khuynh hướng chia rẽ (suốt lịch sử nhân loại, tôn giáo - ít nhất là dưới các hình thức lệch lạc của nó - là một thảm họa đau thương và dai dẳng nhất, và đức tin là một hình thức đã tước đoạt sự tự do và đày đọa con người khủng khiếp nhất. Tự tước đoạt sự tự do suy nghĩ của mình là một điều đáng tiếc, biến mình thành một kẻ ngoan ngoãn là một điều đáng buồn). Lý do thứ hai là vì tuổi trẻ ngày nay luôn tôn trọng tinh thần khoa học. Lý do thứ ba là vì tuổi trẻ ngày nay cần phải hiểu biết sự vận hành của tâm thức và nắm vững các phương pháp của các ngành khoa học thần kinh, hầu khai mở trí thông minh giúp biến cải tâm thức mình.
Thiết nghĩ ngành tâm lý học Phật giáo với hơn 2 500 năm kinh nghiệm về phép nội quán đối với Ngài cũng đã thừa đủ, thế nhưng Ngài chỉ xem một nửa con người của mình là nhà sư, một nửa còn lại là khoa học gia. Trong suốt 30 năm sau này Ngài luôn tìm cách chứng minh cho thấy sự kết hợp giữa các ngành khoa học thần kinh và khoa học Phật giáo về tâm thức có thể mang lại nhiều đổi mới trong các lãnh kiến thức về tâm thần, y khoa và giáo dục, bằng cách nghiên cứu phép thiền định trong các phòng thí nghiệm, các bệnh viện và trường học. Do đó mỗi khi nói chuyện với tuổi trẻ của thiên niên kỷ này thì Ngài cũng tự đặt mình vào vị trí của họ. Điều đó cũng có nghĩa là phải làm thế nào để hướng dẫn họ một cách hữu hiệu trước sự khẩn cấp trong thời đại này của họ? Đấy là cách phải vượt lên trên tôn giáo, tức là phải đưa ra một phương pháp luyện tập về lòng từ bi dựa vào lý trí con người và sự hợp lý trong cuộc sống, không nhất thiết là phải dựa vào một hệ thống tín ngưỡng, dù là tín ngưỡng nào cũng vậy. Tôi đã lắng nghe Ngài và hoàn toàn ý thực được sự nhấn mạnh ấy, tức là không nên câu nệ về sự chuyển hướng mới mẻ đó, và cũng đã từ lâu sau khi Ngài và tôi cùng xuất bản một quyển sách đầu tiên năm 2009, mang tựa "Hồi ký về cuộc sống tâm linh của tôi" (Mon autobiographie spirituelle, nhà xuất bản Presse de la Renaissance, 2009 - ghi chú trong sách) tôi luôn cẩn thận bước theo con đường ấy (tức là sự kết hợp giữa Phật giáo và khoa học - ghi chú của người chuyển ngữ). Suốt trong các tuần lễ sau đó tôi đã cân nhắc tất cả những điều cần phải làm, thế rồi tôi cứ trăn trở mãi những gì hệ trọng trong cuộc đàm thoại với Ngài để hòa nhập chúng vào nội tâm mình và đã đưa đến quyển sách này.
Hiện-hữu cũng có nghĩa là cùng-hiện-hữu-với-nhau
Sở dĩ tiếng gọi của cuộc Cách mạng từ bi vang lên thật mạnh trong tôi là vì những niềm trăn trở của tôi đã được khơi động thêm bởi các cuộc đàm thoại trước đây với các luật sư và luật gia bên lề hội nghị COP21 (Conférence de Paris 2015/Hội nghị quốc tế về môi trường năm 2015), và trong hội nghị này thay mặt Đức Đạt-lai Lạt-ma tôi đã đọc lên thông điệp của Ngài về môi sinh (Colloque international Guerre-Paix-Climat-Solution COP21, Dec, 2015/Hội thảo quốc tế về Chiến tranh - Hòa Bình - Khí Hậu - Giải Pháp, COP21, tháng 12, 2015 - ghi chú trong sách). Sự hợp tác trên đây giữa chúng tôi (các luật gia) được hình thành sau một loạt các cuộc thảo luận về chủ đề Pháp lý và Lương tâm (nhóm hành động này đã được Luật sư đoàn Paris chính thức thừa nhận, www.droitetconscience.org - ghi chú trong sách) đưa đến một sự dấn thân tập thể nhằm nâng cao quyền hạn cũng như bổn phận cá nhân và phục hồi lương tri con ngưởi. Sự đồng tình trên đây, trong giai đoạn vô cùng cấp bách hiện nay của môi trường, đã nói lên sự nối kết giữa chúng tôi (tức là nhóm luật gia trên đây và bà Sofia Stril-Rever) với hệ thống môi sinh của Địa cầu, và từ đó đã đưa đến sự hình thành của khái niệm về sự ý thức trách nhiệm toàn cầu.
Vào cuối ngày hôm đó tại Ladahk (trên miền bắc Ấn), sau khi hội kiến với Đức Đạt-lai Lạt-ma, và trong lúc đang bước với đôi chân đất trong lòng sông Indus đầy sỏi cát, tôi chợt cảm thấy trách nhiệm đó một cách thật mãnh liệt. Trước mặt tôi nơi chân trời là rặng Hy Mã Lạp Sơn. Những ngọn núi tuyết cứng rắn, sừng sững phơi bày những cạnh sườn nứt nẻ vì cuồng phong, những đỉnh cao như cố tình cắt đứt cả vòm trời. Thế nhưng quang cảnh đất đá đó đã bị mờ đi khi va chạm với những ngọn sóng của một sức sống đang sôi sục dâng lên trong tôi (mô tả thật tài tình quyết tâm của một con người trước sự ích kỷ và thiển cận của xã hội, sừng sững như rặng Hy Mã Lạp Sơn trước mặt, và sự quyết tâm dâng lên như những ngọn sóng trong lòng).
Tôi chợt trở thành dòng nước chảy siết của "con sông Sư tử" (tên gọi bằng tiếng Tây Tạng của con sông Indus - ghi chú trong sách) sinh ra từ chiếc tử cung băng hà dưới chân ngọn núi thiêng Kailacsh, đó đây rải rác đền miếu do những người hành hương thành tín cúng dường.
Tôi thoáng trở thành dòng chảy của cả một khối chất lỏng cuồn cuộn từ năm mươi triệu năm, xuyên qua những hẻm vực sâu thẳm, đổ xuống từ Xứ Tuyết (Tây Tạng) tràn qua hơn ba ngàn cây số xuyên ngang các vùng Ladahk, Baltistan, chảy dọc theo rặng Korokurum và Hindou Kouch trước khi đổ xuống phương nam để tưới mát những cánh đồng của vùng Punjab và Sindh, và ôm choàng lấy biển cả bằng bảy nhánh sông tỏa ra từ một vùng đồng bằng rộng lớn.
Tôi trở thành tiếng động của dòng nước vỗ khe khẽ vào mắt cá chân tôi. Những tiếng vỗ nhẹ đau thương đó của Nóc nhà thế giới đâm thẳng vào tôi khiến cho tôi đau nhói. Nơi đó đã trở thành một nhà tù không nóc với những đứa trẻ thơ, thanh niên và thiếu nữ, có những phụ nữ và cả đàn ông ở mọi lứa tuổi. Họ là những người tu hành và cả thế tục mà một số đã tự thiêu để chống lại chế độ độc tài của Trung quốc - hơn một trăm năm mươi ngọn đưốc người bùng cháy giữa sự vô tình của các quốc gia trên thế giới.
Tôi cũng đã trở thành tiếng gào thật mạnh chuyển tải những câu hát từ bi không đè nén được của dòng sông, kêu gọi nhân loại hãy tìm về cội nguồn thương yêu và trong sáng của lòng từ tâm nguyên thủy của mình.
Trước quang cảnh đó của rặng Hy Mã Lạp Sơn, tôi chợt cảm nhận được là sự hiện-hữu (existence) cũng có nghĩa là đồng-hiện-hữu (coexistence). Trước đó vài tháng, vào ngày 21 tháng 3, 2017, Tiểu bang Uttarakhand (một tiểu bang trên miền bắc Ấn - ghi chú trong sách) chính thức thừa nhận con sông Hằng và phụ lưu Yamuna của nó cùng tất cả các dòng nước khác chảy ngang lãnh thổ của mình đều là các biểu tượng của sự sống. Tòa án tối cao quyết định ban cho các dòng nước ấy - dù là sông ngòi, rạch nước, mạch suối hay thác cao - quy chế và quyền hạn của con người, bởi vì tất cả đều là anh chị em với chúng ta trong cùng một hệ thống môi sinh của Địa cầu. Hơn nữa các quan tòa người Ấn còn giao việc bảo vệ chúng trong tay "những người thân thuộc mang gương mặt con người" của chúng, và phải có bổn phận chăm lo sức khỏe và mang lại sự an vui cho chúng (nêu lên trong quyển Homo Natura/Bản chất con người, tác giả Valérie Cabanes, nhà xuất bản Bucher-Chastel, 2017 - ghi chú trong sách).
Tôi cảm thấy lòng se thắt về tình huynh đệ thầm kín đó của dòng sông Indus, và càng thấy quặn đau khi hiểu rằng nó đang phải đương đầu với những mối hiểm nguy trầm trọng. Nó đang biến thành một đường cống lộ thiên khổng lồ đào thải các thứ ô nhiễm kỹ nghệ và rác rưởi của dân chúng sinh sống trong các vùng đô thị hai bên bờ. Các đập nước đã làm vỡ tan sự liên tục của hệ thống môi sinh, khiến sinh vật sống trong nước tàn lụi dần. Ngày nay chỉ còn khoảng một ngàn con cá heo sống sót trong dòng sông này. Vùng đồng bằng nơi cửa sông tan hoang vì nạn phá rừng, mực nước biển dâng cao vì nhiệt độ gia tăng. Đất trồng trọt và các vùng kinh rạch bị ngập nước khiến hơn một triệu dân cư phải di tản. Dọc theo dòng sông một sự tương phản hiện ra thật rõ rệt: một bên là sức sống nuôi dưỡng của thiên nhiên, một bên là sự cướp phá của con người, là những kẻ phạm tội tàn sát và phá hoại môi sinh (ecocide/tàn sát môi sinh, tội phạm này được giải thích trên trang mạng www.endecocide.org - ghi chú trong sách).
Quả là một điều đáng tiếc, trên chuyến bay từ Ladahk trở về Pháp, tôi đọc thấy câu tuyên bố của bà Uma Bharti bộ trưởng của Ấn Độ về Nước và sự Trẻ trung hóa sông Hằng như sau: "Tôi thành thực tin rằng vấn đề nước luôn luôn phải được giải quyết bằng tình thương yêu, không được phép hung hãn. Chúng tôi đã cùng hợp tác với các nước Nepal và Bangladesh, và cũng trong tinh thần đó chúng tôi mong sẽ được hợp tác với các nước láng giềng khác của chúng tôi" (trích dẫn trong tập san Shubh Yatra của hãng Hàng không Air India, số tháng bảy, 2017, tr. 63 - ghi chú trong sách). Những lời tuyên bố [vô trách nhiệm] trên đây cho thấy sự khẩn thiết của một cuộc cách mạng toàn diện về quyền hạn của thiên nhiên, mà những người tích cực trong giới luật pháp phải đứng ra đảm trách (xem tác phẩm của bà Valérie Cabanes: Un nouveau droit pour la Terre/Một quyền hạn mới cho Địa cầu, nhà xuất bản Le Seuil, 2015 - ghi chú trong sách). Chính phủ của nhiều nước đã bước theo con đường này. Chính vì lý do đó mà tống thống Pháp (Emmanuel Macron) trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 19 tháng 9 vừa qua đã đề nghị soạn thảo một Hiệp ước toàn cầu vì môi trường (Hiệp ước toàn cầu về môi trường này được soạn thảo bởi một trăm chuyên gia quốc tế về môi trường, dưới sự điều động của luật sư Yann Aguila, cựu thẩm phán, thành viên của Hội đồng Quốc gia, chủ tịch Ủy ban Môi trường của Hiệp hội các luật gia, và cũng là Tổng thư ký của nhóm chuyên gia soạn thảo Hiệp ước trên đây, www.pactenvironment.org - ghi chú trong sách) đánh dấu một bước tiến mới cho Hiệp ước Paris.
Quả là một sự tiên đoán trước, cách nay khoảng bốn mươi năm Claude Lévis-Strauss (1908-2000, nhà nhân chủng học và dân tộc học rất nổi tiếng - ghi chú của người chuyển ngữ) cho biết cần phải giới hạn ở một mức độ nào đó về nhân quyền, khi mà việc thực thi quyền hạn đó cho thấy có thể đưa đến sự tận diệt của các loài động vật và thực vật (theo một bài viết của ông trên báo Le Monde ngày 21 tháng giêng, 1979 - ghi chú trong sách). Một hợp đồng xã hội mới thật cần thiết trong việc tu sửa lại cơ cấu luật pháp ngày nay chỉ nhằm vào hiện tại (trong nguyên bản là chữ presentism, là một học thuyết chủ trương chỉ chú trọng đến hiện tại, bởi vì quá khứ không còn nữa và tương lai thì chưa đến - ghi chú của người chuyển ngữ) và con người (trong nguyên bản là chữ anthropocentrism/chỉ cần biết đến con người) hầu chuẩn bị trước để đối phó với một sự xáo trộn toàn cầu có thể sẽ xảy ra từ đây đến năm 2050, khiến một trong số bảy người trên hành tinh này phải tìm nơi lánh nạn vì thảm họa môi trường (xem quyển: "Charte des déplacés environnementaux/Hiến chương của những người di tản vì môi trường" của luật sư Yvon Martinet, www.droitconscience.org, và quyển "Déclaration universelle des droits de l'humanité/Tuyên ngôn toàn cầu về quyền hạn của nhân loại" của nữ luật sư Corinne Lepage, www. droithumanite.fr - ghi chú trong sách. Bà Corinne Lepage là cựu bộ trường môi trường của Pháp, luật gia và giáo sư Viện nghiên cứu chính trị Paris và nhiều đại học khác, bà là một người tranh đấu rất tích cực vì môi trường - ghi chú thêm của người chuyển ngữ).
Rạng đông của một cuộc nổi dậy vì lòng từ bi đang ló dạng
Nữ luật sư Patricia Savin (Chủ tịch hiệp hội Orée, trách nhiệm về Ủy ban Phát triển dài hạn trong luật sư đoàn Paris và Hội nghị Môi trường và Lương tri - ghi chú trong sách) từng tuyên bố như sau: "Chúng ta đều biết là có nhiều vấn đề về môi sinh, thế nhưng chúng ta có thực sự "ý thức" được các chuyện ấy hay không?". Sự "ý thức" đó nói lên toàn bộ ý nghĩa của cuộc Cách mạng từ bi. Chẳng qua là vì sự thay đổi trên mặt luật pháp phải cần đến một sự thay đổi khác nữa bên trong nội tâm mình, có như thế mới mong biến cải được cấu trúc của lương tri, hầu giúp mình biết đặt lòng vị tha vào vị trí trung tâm của cuộc sống (luật pháp sẽ không hữu hiệu gì cả nếu mình không biết tự biến cải chính mình, luật pháp thì rất nhiều thế nhưng vì ích kỷ, tham lam và thiển cận mà con người luôn tìm cách qua mặt hay tránh né luật pháp. Do đó một sự tự nguyện thật cần thiết). Các công trình cải tổ đang được hoạch định dù thích đáng đến đâu cũng không thể nào gọi là đủ được. Thật hết sức khẩn cấp là phải loại bỏ mô hình xã hội căn cứ trên các tiêu chuẩn hiệu năng, sự cạnh tranh và ganh đua, để thay vào đó bằng một mô hình xã hội biết nêu cao sự chia sẻ và tương trợ. Cách mạng chính là ở chỗ đó. Ngày nay cuộc Cách mạng đó của lòng từ bi đang diễn tiến tốt đẹp, dưới nhiều tên gọi khác nhau, truyền đạt bởi nhiều phát ngôn viên khác nhau.
Với Matthieu Ricard (một nhà sư nổi tiếng người Pháp rất tích cực) thì cuộc cách mạng đó mang tên là cuộc Cách Mạng Vị Tha. Trong quyển sách Biện minh cho lòng vị tha (Plaidoyer pour l'altruisme) với hơn một ngàn dẫn chứng khoa học, ông đã chứng minh cho thấy lòng từ bi có thể biến cải được cấu trúc, hóa chất và sự vận hành của não bộ (trang web www.droitetconscience.org, 31 tháng 8, 2017, - ghi chú trong sách). Người được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới ấy (nhà sư Matthieu Ricard được các khoa học gia, bác sĩ thần kinh học, tâm thần học sử dụng các máy móc y khoa hiện đại nhất để theo dõi sự vận hành của não bộ ông trong khi ông hành thiền, và tất cả đều công nhận ông là người "hạnh phúc" nhất thế giới) đã cụ thể hóa cuộc cách mạng ấy qua các chương trình nhân đạo do ông tổ chức tại Á Châu (Plaidoyer pour l'altruisme/Biện minh cho lòng vị tha NIL, 2013; Cerveau et méditation/Não bộ và thiền định, Allary, 2017 - ghi chú trong sách) và sự dấn thân của ông trong việc bảo vệ quyền sống của thú vật (Plaidoyer pour les animaux/Bênh vực cho thú vật, Pocket, 2015 - ghi chú trong sách).
Cuộc Cách mạng từ bi được triết gia Abdennour Bidar (tác giả của quyển "Pladoyer pour la fraternité/Biện minh cho tình huynh đệ", Albin Michel, 2015; và quyển "Les Tisserands, Les liens qui Libèrent/Những người thợ dệt, Các mối dây trói buộc đưa đến sự Giải thoát", 2016; và quyển "Quelles valeurs partager et transmettre aujourd'hui?/Những giá trị nào để chia sẻ và quảng bá ngày nay?", Albin Michel 2016. Ông cũng là người khởi xướng phong trào Huynh đệ rộng lớn, www.fraternite-général.org - ghi chú trong sách) gọi là cuộc Cách mạng của tình huynh đệ, dựa vào một khẩu hiệu mà ông thường nêu cao là "hãy cùng nhau hàn gắn lại cơ cấu rách nát của thế giới". Sau khi nhận thấy sự khủng hoảng của mối dây tương kết, mẹ đẻ sinh ra tất cả các thứ khủng hoảng khác trong một thế giới đang bị xâu xé và rạn nứt này, ông chủ trương hàn gắn lại ba mối dây tương kết chủ yếu nhất dưỡng nuôi con người, đó là các mối dây nối mình với kẻ khác và cả thiên nhiên, đấy là cách giúp mình giải tỏa sức sống, niềm hân hoan và tình thương yêu bên trong chính mình. Ông cũng đã đề nghị nên "biến tình huynh đệ thành một dự án chính trị" (cuộc đàm thoại với Xavier Thomann trên tạp chí Télérama, 31.10.2016 - ghi chú trong sách).
Cuộc Cách mạng từ bi đó còn được một nữ khoa học gia người Ấn về Vật lý học là Vandana Shiva (sinh năm 1952, là một khoa học gia nhưng cũng là triết gia, văn sĩ, rất tích cực vì môi sinh và nữ quyền, từng đoạt giải Rigtht Livehood Award năm 1993, giải thường này được xem ngang hàng với giải Nobel) gọi là Nền Dân chủ của Địa cầu. Bà đứng lên đòi hỏi năm quyền hạn tối thượng và căn bản nhất của con người: hạt giống, nước, thực phẩm, đất đai và rừng rậm, đó là các điều kiện tối cần thiết hầu giúp nhân loại kiến tạo một nền dân chủ đích thật và sâu rộng qua sự tương kết giữa toàn thể chúng sinh.
Cuộc Cách mạng từ bi cũng còn được gọi là sự kết hợp của "Một triệu cuộc cách mạng thầm lặng", thổi lên một luồng gió hy vọng qua sự tham gia của các tầng lớp dân sự trong xã hội, nhất là tuổi trẻ trên toàn thế giới, nhằm kiến tạo một xã hội tôn trọng môi sinh, tích cực và đoàn kết hơn.
Rạng đông của sự bùng dậy đó của lòng từ bi đã bắt đầu ló dạng. Đấy không phải là một giấc mơ. Thế giới từ bi là có thật, và nó ngự trị từ bên trong giấc mơ ấy (mượn cách viết của thi hào Paul Eluard trong câu: "Un autre monde existe. Il est dans celui-ci/Một thế giới khác là có thật. Nó nằm bên trong thế giới này" - ghi chú trong sách).
Khi tiếp xúc với Đức Đạt-lai Lạt-ma vào tháng bảy năm 2017 tại Ladakh, tôi có hứa với Ngài là sẽ cố gắng với tất cả sức lực và khả năng của mình để làm sao cho những lời kêu gọi này của Ngài được mọi người nghe thấy. Tôi vẫn còn nhớ sự hãnh diện của bốn YouTubeurs mà tôi đã đã đưa họ đến gặp Đức Đạt-Lai Lạt-ma ba tháng trước đó. Bốn người bạn trẻ ấy tên là Adèle Castillon, Seb la Frite, Valentin Reverdi và Sofyan Boudouni (hướng dẫn bởi nữ ký giả và nhà thiết kế các chương trình văn nghệ Anaïs Deban. Video "Séjour en Inde de Seb la Frite"/Những ngày viếng thăm nước Ấn của Seb La Frite, https//www.youtube.com/watch?v=wmT0h3e6Am0 - ghi chú trong sách. Đây là một đoạn phim vidéo cho thấy cảnh đông đúc và ô nhiễm ở Ấn Độ, cảnh những người Tây Tạng tị nạn và Đức Đạt-lai Lạt-ma tiếp những người trẻ trong nhóm YouTubeurs. Trong phim có cả sự xuất hiện của bà Sofia Stril-Rever - ghi chú của người chuyển ngữ). Những người trẻ đó đã khám phá ra một vũ trụ khác, xa lạ, thật là xa lạ, khác hẳn với vũ trụ sôi sục của họ. Nơi đó thời gian không có cùng một ý nghĩa. Quyển sách này là phần đóng góp của tôi vào thế giới đang được hình thành của họ.
Dharamsala, 02.10.2017
Sofia Stril-Rever
Bures-Sur-Yvette, 04.01.2018
Hoang Phong chuyển ngữ
***
TUYÊN NGÔN VỀ TRÁCH NHIỆM TOÀN CẦU của Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Các đoạn trích
Theo yêu cầu của Đức Đạt-lai Lạt-ma và dựa vào tinh thần giáo huấn của Ngài, Bản tuyên ngôn này đã được bà Sofia Stril-Rever soạn thảo, sau đó đã được Ngài Samdhong Rinpoché, Giáo sư Robert Thurman của đại học Columbia tại Nữu Ước và Giáo sư Eric Itzkin, giám đốc tổ chức "Immovable Heritage"/"Thừa kế muôn thuở" đặt trụ sở tại Johannesburg xem lại và sửa chữa thêm, và sau hết Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã sửa chữa lần chót tại đại học Oxford ngày 15 tháng 9, 2015. Dưới đây chỉ là vài đoạn trích ra từ Bản Tuyên ngôn trên đây, độc giả có thể xem toàn bộ bản gốc tiếng Pháp trong quyển Nouvelle Réalité/Hiện thực mới, nhà xuất bản Les Arènes, 2016. Một bản Việt dịch đầy đủ cũng đã được đưa lên trang mạng Thư Viện Hoa Sen:
https://thuvienhoasen.org/a26087/tuyen-ngon-cua-duc-dat-lai-lat-ma-ve-trach-nhiem-toan-cau
https://thuvienhoasen.org/a26133/tuyen-ngon-cua-duc-dat-lai-lat-ma-ve-trach-nhiem-toan-cau-2-
Làm Cách mạng từ bi cần phải hội đủ "Ba sự ý thức" và "Mười một sự dấn thân vì sự sống", nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn về Trách nhiệm toàn cầu.
***
Ý thức thứ nhất
AN BÌNH TRONG NỘI TÂM VÀ CHIA SẺ MỘT HIỆN THỰC CHUNG TRONG SỰ SỐNG
Sinh ra trên Địa cầu này, tôi là đứa con của sự sống giữa lòng vũ trụ.
(chữ "tôi" ở đây và trong toàn bản tuyên ngôn không chỉ có nghĩa là Đức Đạt-lai Lạt-ma mà là mỗi người trong chúng ta. Trong bản gốc tiếng Pháp chữ "tôi" được chỉ định thật rõ rệt là ở cả hai thể giống đực và cái. Bản tuyên ngôn này cũng là những lời ước nguyện của mỗi người trong chúng ta - ghi chú của người dịch).
Trong số vốn liếng di truyền của tôi có cả thông điệp của vũ trụ này. Tôi được kết nối với tất cả chúng sinh khác và cùng chia sẻ một hiện thực chung của sự sống.
Tôi ý thức được rằng sự an vui của tất cả chúng sinh tùy thuộc vào sự quân bình của các hệ thống môi sinh, các hệ thống này lại tùy thuộc vào sự an bình bên trong con tim của con người và tinh thần tôn trọng công lý của các xã hội con người, trong các xã hội đó không một ai bị gạt ra bên lề, bị thương tổn vì đói khổ, nghèo nàn, xác xơ. Với một tâm thức bình lặng, không thiên vị, không bám víu, không hận thù, tôi xin góp sức duy trì và tái lập sự hài hòa cho sự sống.
Sống với sự an bình và một nội tâm khỏe mạnh, từng hành động của tôi đều nhằm mang lại sự tốt lành cho tất cả chúng sinh, dù là con người hay không phải là con người, và cũng là cả một sự cổ vũ kêu gọi mọi người hãy sống trong niềm hân hoan của tình thương yêu toàn cầu, tương tự như một sự sống bên trong sự sống.
***
Ý thức thứ hai
NHÂN TÍNH TRONG NỘI TÂM CỦA CHÚNG TA
Sinh ra trên Địa cầu này, tôi là đứa con của sự sống, giữa lòng nhân loại và cũng là gia đình của tôi.
Duy nhất chỉ có lòng vị tha mới giúp tôi ý thức được trách nhiệm toàn cầu của tôi và thúc dục tôi hành động vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Sự an bình trong nội tâm, tình thương yêu và lòng từ bi không những nêu lên một lý tưởng cao đẹp, mà còn là một giải pháp thực tế trong bối cảnh của một hiện thực mới, nhằm bảo vệ quyền lợi chung chống lại sự mất gốc của xã hội và sự băng hoại của tinh thần tương trợ.
Trước sự khẩn thiết tạo ra một sự hợp tác chung, tôi hiểu rằng căn bản vững chắc nhất có thể mang lại sự phát triển lâu bền cho toàn thế giới phải được dựa vào sự tu tập của cá nhân tôi, và cũng là để chia sẻ với tất cả mọi người, nhằm mang lại sự an bình nội tâm, tình thương yêu và lòng tử bi.
Đấy là cách làm trổi dậy trong tôi niềm hy vọng và lòng tin vào cộng đồng xã hội trước số phận chung của nhân loại.
***
Ý thức thứ ba
SATYAGRAHA, HAY SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT
Sinh ra trên Địa Cầu này, tôi là đứa con của sự sống, trong lòng sự an bình rộng lớn của thiên nhiên.
Vào thời đại Internet và toàn cầu hóa này, mỗi khi cảm thấy bị lèo lái hay bị công cụ hóa bởi nền văn hóa kinh-tế-kỹ-thuật thì tôi ý thức được rằng tôi phải biến mình trở thành hiện thân của sự sáng suốt về một thứ trách nhiệm toàn cầu xây dựng trên sức mạnh của sự thật và tình thương yêu, mà Mahatma Gandhi gọi là satyagraha.
Satyagraha thường được dịch là "sức mạnh của sự thật" hay "sức mạnh tâm linh", chính là vũ khí mà tôi mang ra sử dụng trong cuộc chiến phi-bạo-lực chống lại mọi sự bất công. Bởi vì một khi sự thật bùng lên xuyên qua con người tôi thì tôi cũng sẽ trở thành một con người vô địch.
Sống với satyagraha trong từng ngày, dù chỉ là một trong số những người khác nhưng cũng cùng chung với họ, tôi sẽ trở thành một người kiến tạo hòa bình, công lý và sự thật. Là công dân của thế giới, tôi xin sẵn sàng chấp nhận những ràng buộc mới của một công dân trước trách nhiệm toàn cầu.
Không ép buộc cũng không lên án một ai và trong tinh thần kính trọng sự đa dạng, tôi xin làm gương nhắc nhở kẻ khác về quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm toàn cầu của mình. Đấy chính là cách giúp cho các thế hệ mai sau có thể trông thấy được vào một ngày nào đó những điều mà tôi hằng ước mơ sẽ xảy đến với thế giới này, dù rằng ngày ấy có thể là tôi sẽ không còn đó để mà trông thấy.
Trong giới hạn của khả năng tôi, với tinh thần hòa bình và tình thương yêu, tôi xin hết lòng kiên trì kiến tạo một hiện thực mới cho Địa cầu trong tình huynh đệ.
*****