;
Cái Tâm là cái chi chi, có chi chi củng cứ chi chi với Tâm. Theo quan niệm của Phật Giáo, Duy Thức Luận: Tâm thức tạo ra thế giới vạn vật, "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" hay "nhất thiết duy tâm sở tạo." Tất cả đều nói lên một ý rằng cả thế giới chúng ta đang sống đều do tâm thức tùy theo nhân duyên mà sanh ra muôn sự, muôn vật rồi cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có việc gì, vật gì, có thực tướng ngay cả chư pháp, tồn tại vĩnh viễn ngoại trừ Tâm Bồ Đề là vô sinh, vô diệt đó chính là Tâm Phật.
Chư pháp tùng nhân duyên sanh,
Chư pháp tùng nhân duyên diệt.
(Kinh A Hàm)
Tâm Bồ Đề (skt:Bodhicitta) là tâm giác ngộ, tâm thấy được bản mặt thật của chư pháp, tâm tin nơi nhân quả và Phật Tánh nơi chúng sanh cũng như luôn dụng công tu hành hướng về quả vị Phật. Nhà đại thi hào dân tộc, Nguyễn Du đã dịch "Bồ Đề Tâm" là "Lòng Bồ Đề," chữ "lòng" đã nói lên tất cả dị biệt siêu việt của tiếng nói quê hương, tim, gan, phèo, phổi, ruột, bụng. Trong bài ‘Cái Tâm là gì?’ Phạm Công Thiện viết: Lòng Bồ Đề vẫn liên tục chuyển thế trong từng giây phút trôi qua trên mặt đất và trong cả toàn thể vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà bao la, vô tận với tấm lòng sắt son quyết kiệt chứng nhập Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích mênh mông sâu rộng cho tất cả chúng sinh [với mục đích thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. THL]
Không cần phải tìm tâm Phật đâu xa. Nhưng thực hiện được điều này là cả một đời tu tập, tu tâm dưỡng tánh, giữ gìn giới luật, lánh dữ làm lành, quán sát tâm ý. Chúng ta cần phải hành trì các pháp môn, dù thiền tông, tịnh độ tông, hay mật tông, tức là thiền quán, tọa thiền, thiền hành, tứ oai nghi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cho đến mức rốt ráo, đạt được trạng thái nhứt tâm bất loạn. Người học đạo Phật, tại gia hay xuất gia, dù cho tu hành nhiều năm nhưng chưa đủ duyên khởi, chưa gặp được hoàn cảnh, điều kiện để sáng đạo, để giác ngộ thì vẫn lòng vòng bên ngoài cửa vô môn quan của đạo Phật vì tâm chấp chặt nhị biên, chưa thanh tịnh, còn bị trần duyên, ngoại cảnh chi phối.
Đạo Phật có một rừng kinh điển, cùng sách vở giới thiệu tất cả các pháp môn tu tập tự cổ chí kim, trình bày các kinh nghiệm tu hành, thích ứng cho đủ mọi căn cơ, trình độ. Với mục đích duy nhất là khai mở và chỉ bày cho tất cả nhân sinh thấy rõ cái "bản tâm thanh tịnh" của chính mình. Phần còn lại của chúng ta là tự mình ngộ và nhập được bản tâm thanh tịnh đó. Nếu không ngộ được điều này, tức là không sống được với bản tâm thanh tịnh, dù có tu tập nhiều công phu củng khó thu lượm kết quả khả quan. Người giữ được tâm bình thường, ngộ và nhập được bản tâm thanh tịnh, là người thấy đạo, vào được đạo. Thiền Sư Phổ Nguyện, Nam Tuyền, có dạy, "Bình Thường Tâm Thị Đạo." Cầu nguyện với tâm hồn bồn chồn, lo lắng, lăng xăn lộn xộn, khổ đau tuyệt vọng chỉ đem lại sự bình an tâm trí tạm thời. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng, địa ngục hay đau khổ, hạnh phúc tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng thực sự, tất cả chỉ là các trạng thái ở trong tâm của chúng ta mà thôi.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy, "Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền. Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc." Nghĩa là khi nào các tâm sanh diệt, tức là tâm tham sân si, nổi lên rồi lắng xuống, sanh khởi rồi diệt đi, không còn nữa, gọi là sanh diệt, thì tâm trí bình yên lặng lẽ, không xáo trộn, gọi là tịch diệt hiện tiền, hay tịch diệt vi lạc, tức là cảnh giới an lạc, niết bàn tự tại, hiện ngay trước mặt. Tâm trạng bất an vì những niệm sanh diệt, gọi là tâm chúng sanh. Tâm sanh diệt diệt rồi, không còn lăng xăng lộn xộn nữa, trở nên tâm trống không và tịch tịnh, hoàn toàn thanh tịnh, gọi là bản tâm thanh tịnh, hay tâm bình thường, đó chính là Phật Tâm.
Tóm lại, tất cả kinh điển giáo lý của đạo Phật có thể tóm gọn vào một chữ TÂM mà thôi. Nắm vững được chìa khóa quan trọng này rồi, người tu học Phật có thể mở toang được tất cả các cánh cửa của nhà Phật, thấu hiểu những lời dạy của chư Phật, chư vị Tổ Sư và các bật thiện tri thức trong các kinh điển, sách vở, với mục đích thấy được con đường giác ngộ và giải thoát, để xây dựng đời sống hiện tại được an lạc và hạnh phúc cho chính mình và cho chúng sinh.
Nương theo giáo pháp Phật Đà
Chữ Tâm Phật dạy giúp ta độ đời.
Đến bờ giác ngộ thảnh thơi
Thoát ly phiền não cuộc đời an vui.
Còn nữa...