;
Sự việc là vào ngày 31 tháng 5 rồi, trong một ngôi làng ở tỉnh Hồ Bắc, một đoàn xe khoảng 40 người chợt đến, chở theo hàng ngàn con trăn và rắn đủ loại thả vào trong một khu vườn ở bìa rừng. Đoàn người phóng sinh này đến từ Bắc Kinh.
Sự việc khiến dân làng kinh hãi. Họ mất ăn mất ngủ vì sợ rắn. Dân làng tức giận đã bắt giữ 13 người phóng sinh, đến khi chính quyền can thiệp mới thôi. Ngày hôm sau, dân làng họp gấp phát động… « chiến dịch bắt rắn ». Thế nhưng, dù cố gắng, họ cũng chỉ giết được gần phân nửa số rắn đã được thả ra, trong khi đó, họ lại phát hiện có trứng rắn vừa được sinh, mang đến thêm một nỗi sợ hãi khác.
Cuộc sống vì thế bị đảo lộn, không ai dám lên rừng hái lượm, không ai dám xuống sông giặt đồ, trẻ em không đi học, tất cả tập trung vào việc…bắt rắn. Hiện tượng phóng sinh như vậy hiện rất phổ biến ở khắp Trung Quốc. Có nhiều nhóm người, nhân dịp Phật Đản hay lễ lớn của Phật Giáo, đi quyên góp tiền mua chim, cá, rùa, rắn để phóng sinh. Tờ báo cho biết, vụ 40 người phóng sinh vừa nêu chỉ là một vụ rất nhỏ.
Thị trường phóng sinh rất béo bở ?
Có cung thì có cầu, việc phóng sinh đã vô tình tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn toàn phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Những người cần phóng sinh đặt hàng ở những người chuyên bán vật phóng sinh, đến phiên mình, những người bán tìm đặt hàng với những người chuyên đi săn bắt vật phóng sinh theo đơn đặt hàng.
Bên cạnh đó, ở các khu chợ như ở thủ đô Bắc Kinh chẳng hạn, rùa rắn cho mục đích phóng sinh được bày bán thường trực. Người bán còn không ngại treo bảng mời gọi, đại loại là: «Số phận của những con vật này chính là số phận của các bạn, các bạn hãy tranh thủ làm việc thiện», tức là kêu gọi lòng từ bi để kiếm tiền.
Những người phóng sinh kêu gọi mọi người hãy có lòng từ bi và hãy chấp nhận việc phóng sinh. Thế nhưng, tờ báo cho rằng, phóng sinh là tốt, nhưng không nên để việc phóng sinh làm đảo lộn cuộc sống của mọi người và đe dọa trật tự công cộng, nếu lạm dụng quá thì sẽ phản tác dụng. Chẳng hạn như việc thả rắn ở ngôi làng vừa nêu trên khiến dân làng phải lâm cảnh sợ hãi.
Hơn nữa, đối với chính những con vật, khi được phóng sinh như thế, cuộc sống chưa chắn gì được đảm bảo. Một thành viên của một hiệp hội bảo vệ động vật tại Trung Quốc cho biết, đa số các con vật phóng sinh bị bắt ở miền nam và được thả lại vào thiên nhiên ở miền bắc, thế là điều kiện môi trường khác hẳn sẽ làm hại đến đời sống của chúng.
Như vậy, nếu phóng sinh không đúng cách thì kết quả sẽ trái ngược lại với mong muốn của người phóng sinh. Về vấn đề này, tờ báo dẫn lại lời của một vị đại hòa thượng cho rằng, các phật tử khi phóng sinh nên chú trọng đến cái gốc là có lòng từ bi thật sự, chứ không nên chỉ chăm chăm ở cái hình thức là phóng sinh được nhiều hay ít.
Nhận định về hiện tượng này, Courrier International cho biết, bài báo đã hé mở một góc khuất trong đời sống tâm linh của người Trung Quốc hiện tại. Một bộ phận người thành thị, lo bôn ba kiếm tiền, vừa thoát được nghèo khổ, chợt cảm thấy tâm hồn chơi vơi, nên họ chọn cách phóng sinh như một giải pháp tìm lại tâm hồn của mình trong thế giới vật chất ồn ào, phức tạp. Cụ thể là họ tìm mua động vật và thả chúng ở các vùng quê, cho đó là một việc thiện.
Thế nhưng, khi cứu lấy mạng sống của các con vật, họ vô tình quên đi mạng sống của con người. Tờ báo kết luận: Trong một thế giới mà con người đổ xô kiếm tìm lợi ích, việc trở lại với đời sống tâm linh có khi cũng ít lợi cho nền kinh tế.
Theo Lê Phước - RFI