nguoiphattu.com Mỗi lần đến chùa Tản Viên, là một lần tôi có những cảm xúc riêng về thiên nhiên, về núi Tổ. Chùa Tản Viên thuộc địa phận xã Minh Quang huyện Ba Vì thành phố Hà Nội, nơi thờ tam vị đức Thánh Tản.
Núi TảnViên (nhìn từ phía Tản Hồng)
Đến với Tản Viên là tới nơi linh thiêng, tâm linh của dân tộc. Nói đến núi Tản Viên, không ai trong người Việt chúng ta không biết tới vị thần số một, một trong “Tứ Bất Tử” của Việt Nam. Chùa Tản Viên - Đền Trung thuộc quần thể di tích Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Đền Trung được thờ chính tại nơi mà anh em Đức Thánh Tản đã tu hành đắc đạo. Theo tài liệu của đoàn làm phim về Đức Thánh Tản có đoạn:
“Quần thể của Đền Trung xưa kia rất tráng lệ, có tiền đường, hậu cung, tả vu, hữu vu và nhà đại bái... Thế nhưng vì thời gian mưa nắng và chiến tranh, trải qua các thời kỳ lịch sử Đền Trung gần như đã bị lãng quên.
Sau cuộc cách mạng năm 1945, người dân địa phương mới phát hiện và tìm thấy lại. Khi đó toàn bộ khuôn viên bên ngoài của Đền như nhà đại bái, tả vu, hữu vu... đều bị hoang phế, duy chỉ còn lại nhà tiền tế và 3 gian hậu cung.
Căn cứ theo kiến trúc của Đền hiện có, các nhà sử học đều cho rằng kiến trúc Đền Trung hiện nay được trùng tu vào thế kỷ 17 (triều đại nhà Nguyễn). Toàn bộ kiến trúc hiện còn là 3 gian hậu cung, gian chính giữa có thờ 3 tôn tượng của “Tam Vị Đức Thánh Tản”.
Từ năm 1993 trở về trước thì Đền Trung là nơi có thờ tôn tượng duy nhất trong các hệ thống Đền thờ đức Thánh Tản, các nơi khác chỉ thờ vọng Long ngai và Bài vị. Phía trước nhà hậu cung là nhà tiền tế, chính giữa nhà tiền tế có thờ 4 vị thần quan, là những vị thần có công năng trợ giúp cho Tam Vị Đức Thánh Tản.”
Hành trình của tôi xuất phát từ Hà Nội, theo đường 32 ngược về phía tây, tới ngã ba thị xã Sơn Tây rẽ trái vào ngã ba Viện 5, tiếp đó rẽ trái đi theo đường 87A, đi thẳng tới Đá Chông. Đến ngã ba Đá Chông theo biển chỉ dẫn đi Đền Trung, qua dốc Sổ, tới UBND xã Minh Quang huyện Ba Vì, cuối cùng rẽ trái là lên khu quần thể di tích Đền Trung và Chùa Tản Viên. Bởi di chuyển bằng xe máy, nên tôi đã có chuyến đi khá vất vả. Tuy nhiên đấy là bây giờ, chứ trước kia đường lên Đền Trung xưa kia sẽ thật gian nan, bởi muốn lên được Đền Trung đoạn cuối phải lội suối, vạch cây, men theo lối mòn mới tới được, và chưa kể quãng đường từ Hà Nội lên tới chân núi, khi mà đường xá còn chưa phát triển như bây giờ.
Núi Tản mờ sương
Giờ đây đường lên Đền Trung - chùa Tản Viên đã đẹp lắm rồi, tất cả được rải nhựa áp-phan hoặc đổ bê-tông. Và đấy cũng chính là lý do để tôi hăm hở trên chuyến hành trình dài hằng chục cây số để lên chùa. Trong cả quãng đường, có lẽ đẹp nhất là đoạn bắt đầu từ UBND xã Minh Quang đi lên núi. Để có cảm giác hòa mình với thiên nhiên, núi rừng thì là đây! Có đoạn trên đường, một bên núi, bên còn lại là con suối và nhỏ thực nếu vội vàng, tôi đã bỏ qua một không gian mà chỉ tôi và thiên nhiên mới có thể trở nên gần gũi nhau tới vậy. Càng lên cao, đường càng dốc, đường lên chùa đã được chỉnh trang và cơ bản bê-tông hóa hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn có những đoạn nhỏ, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện nốt nên tôi cũng phải đẩy bộ xe lên khi gặp đoạn khó đi.
Tới nơi, thật may mắn cho tôi hôm nay nhà chùa tổ chức lễ “Nhập Xá Lợi vào tháp và Hô thần nhập tượng”. Tôi có điều kiện để tham gia một khóa lễ của nhà chùa, và đấy cũng là việc mà tôi có thêm hiểu biết về nét văn hóa Phật giáo tại Việt Nam chúng ta.
Ngôi Đại Hùng Bảo Điện – chùa Tản Viên
Ngôi Đại Hùng Bảo Điện, nơi khóa lễ diễn ra, tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ uy nghi, tráng lệ. Được biết đó là nhân lực, vật lực và công sức nhân dân và đầu tiên phải nói tới Đại đức Thích Đạo Thịnh – người đã có công lớn nhất trong việc khôi phục lại một di tích tâm linh của người Việt. Kiến trúc của ngôi Bảo Hùng Điện được bao quanh bởi hàng cột bằng đá xanh, chạm khắc tinh xảo. Phần kiến trúc mái theo kiểu ba cổ chồng diêm mười hai mái. Nếu nhìn từ ngoài vào kiến trúc này thoáng đãng khác hẳn với kiến trúc các ngôi chùa cổ truyền thống miền Bắc, hiện ra uy nghi huyền diệu giữa chốn thiền núi rừng Ba Vì.
Đông đảo Phật tử tham gia khóa lễ ở Đại Hùng Bảo Điện tại chùa Tản Viên
Giữa chính điện là pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (cao hơn 7 mét ), được tạo ra dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân người Việt. Hai bên chính điện còn có tượng Bồ Tát Phổ Hiền (phía bên phải) và tượng Bồ Tát Văn Thù (phía bên trái), hai pho tượng đều cao 3,5 mét, hiện nay ba pho tượng này là pho tượng được tạc từ gỗ mít lớn nhất Đông Nam Á. Ngay tại cửa điện được bài trí hai bên là trống và chuông. Theo một số tài liệu thì:
“Chuông được dùng để thức tỉnh và gọi. Tiếng chuông ngân lên rồi tắt lụi, có thể nghe được mà không bắt được. Sự vô thường của thế giới hiện hữu là một tư tưởng của Phật giáo. Mọi thứ đều sẽ tàn lụi, chúng hiện hữu trong cảm giác người quan sát nhưng lại không có thực. Giống như tiếng chuông, mọi thứ đều nhất thời. Theo nghi lễ Phật giáo, chuông được dùng để kêu gọi tín đồ cầu nguyện và lễ Phật...”
Đại Hồng Chung nặng 1200kg tại chùa Tản Viên
Vào ngày 20 tháng 03 vừa qua, chùa Tản Viên đã long trọng tổ chức đại lễ Cung Nghinh Xá Lợi Đức Phật và đúc Đại Hồng Chung. Đặc biệt, lúc 16 giờ 15 phút, ngày 20 tháng 3 năm 2011, Xá Lợi Đức Phật đã phóng hào quang ngũ sắc khoảng 15 phút, và tới 17 giờ 30 phút Xá Lợi Đức Phật lại phóng hào quang một lần nữa, lần này trên 30 phút.
Xá Lợi Đức Phật (Ảnh chụp từ video lễ rước Xá Lợi Đức Phật ngày 20/03/2011)
Phía sau ngôi Bảo Hùng Điện là một khoảng sân rộng với bể cá và hòn non bộ. Cảnh bài trí ở đây đã tạo nên một dấu ấn khó phai cho bất kỳ du khách đến với chùa.
Bể cá non bộ tại khuôn viên chùa Tản Viên
Phía cuối sân là nhà tiếp khách và nhà thờ Tổ được xây dựng sát vách núi. Tiếp chuyện tôi, Đại đức Thích Đạo Thịnh cho biết thêm: Chùa đã xây dựng hoàn chỉnh khu quần thể miếu thờ bao gồm miếu thờ Sơn Thần (đặt ở vị trí cao nhất), miếu thờ Thủy Thần và miếu thờ Thần Tài.
Quần thể miếu thờ mới xây dựng tại chùa Tản Viên
Bên cạnh đó hai dự án xây dựng tôn tượng Đại Thông Chí Thắng Như Lai cao 20m trên nền hòn sa thạch rộng trên 300m2, cao 12m và dự án xây dựng điện thờ Bồ Tát Chuẩn Đề rộng trên 500m2. Trong chính điện được thờ tôn tượng Bồ Tát Chuẩn Đề nghìn tay nghìn mắt cao 11,75m. Hai công trình hiện vẫn đang trong giai đoạn triển khai dở dang vì thiếu kinh phí. Mong ước của Đại Đức chỉ mong sao nhà chùa có đủ kinh phí để hoàn thiện dự án này sớm nhất.
Thi công nền móng xây dựng điện thờ Bồ Tát Chuẩn Đề rộng trên 500m2. Dự kiến trong chính điện được thờ tôn tượng Bồ Tát Chuẩn Đề nghìn tay nghìn mắt cao 11,75m. Là tôn tượng Bồ Tát Chuẩn Đề bằng gỗ mít lớn nhất thế giới trong nay mai
Từ chùa, tôi theo các bậc đá để sang khu Đền Trung. Trận mưa nhỏ sáng nay đã tẩy sạch vết bụi của thảm cây trên triền núi và trước mắt tôi là bạt ngàn hoa, những bông hoa trắng nhỏ trên nền lá xanh đã ghép lại một tấm thảm thiên nhiên màu sắc.
Đường sang Đền Trung từ chùa Tản Viên
Tới di tích Đền Trung, qua cổng Tam quan rêu phong và khoảng sân rộng, phía trước tôi là bậc đá lên gian thờ chính. Kiến trúc hiện còn là 3 gian hậu cung, gian chính giữa có thờ 3 tôn tượng của “Tam Vị Đức Thánh Tản”. Phía trước nhà hậu cung là nhà tiền tế. Thời gian đã khắc họa lên khu di tích một nét đẹp cổ kính. Tại đây, tôi có thể phóng xa tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ cảnh đẹp của sườn tây dãy núi Tản Viên. Thấy tôi mải ngắm cảnh, một bác du khách bắt chuyện:
“Nếu như vào ngày đẹp trời, đứng ở đây còn nhìn thấy xa xa dưới chân núi là những xóm làng và con Sông Đà ngoằn ngoèo uốn khúc. Án phía trước là dãy núi Chàng Rể kéo dài từ dưới chân cho đến sát đỉnh Đền Thượng. Dưới sườn núi là dòng Suối Cái, một trong bốn dòng suối lớn nhất của dãy Núi Tản Viên...”
Chợt nhớ tôi đã từng đọc ở đâu đó đoạn giới thiệu về Đền Trung:
“...Về thăm và chiêm bái khu quần thể di tích lịch sử Quốc gia Đền Trung, chúng ta như đang đắm mình vào khung cảnh thần tiên, khiến cho cõi tâm linh ngày một thăng hoa, biến những lời nói và hành động xấu ác trong cuộc sống trở thành những việc làm phúc thiện, đem lại những lợi ích to lớn cho sự phát triển chung trong cộng đồng và xã hội...”
Cổng Tam Quan – Đền Trung – chùa Tản Viên
Khu di tích chứa đựng những dấu ấn thời gian, chìm đắm trong không gian của núi rừng thiền định đã mang lại cho tôi nhưng cảm xúc thật khó tả. Cảnh đẹp của thiên nhiên đã đọng lại trong tôi những ký ức thật đẹp. Tôi quay về chùa, chào tạm biệt Đại Đức, chia tay với núi rừng Ba Vì để về lại với cuộc sống đô thị ồn ào. Tôi đã tự nhủ với mình, một ngày gần nhất, tôi sẽ quay lại thăm khu di tích, thăm Đền Trung, thăm chùa Tản Viên và để trải nghiệm thêm với bản thân mình những giá trị của cuộc sống mà nếu trên bước đường đời đâu có dễ gì gặp được.