;
Lời tòa soạn: Hội thảo khoa học “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” do Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo TP. Hà Nội và Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được tổ chức vào ngày 7/4 vừa qua tại Hà Nội.
Hội thảo đã làm rõ cuộc đời và sự nghiệp của Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc, góp phần làm sáng tỏ hơn nhận thức về thời đại Hùng Vương, về lịch sử dân tộc và đặc biệt hiểu hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Trong khuôn khổ Tạp chí, Tòa soạn xin trân trọng đăng tải đề tài “Một vài suy nghĩ về Sư bà Phương Dung và việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích liên quan” của HT.TS. Thích Bảo Nghiêm để giúp độc giả hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp và các giá trị văn hóa liên quan đến di tích về Sư bà Phương Dung.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43) sau Công nguyên chống quân Hán đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân và các vị thủ lĩnh địa phương các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố,… Cuộc khởi nghĩa đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của nhà Hán.
Chính sử ở Việt Nam và Trung Quốc đã phần nào cho chúng ta biết về bối cảnh lịch sử, về Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa,… Tuy nhiên, chính sử lại ít ghi chép về các tướng lĩnh theo Hai Bà Trưng đánh đuổi nhà Hán, nhất là các nữ tướng.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, song vì thời gian đã lùi xa, tư liệu tản mạn, thất lạc trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Vì thế, về cơ bản, hành trạng và sự nghiệp các tướng lĩnh của Hai Bà chỉ còn bảo lưu dưới dạng truyền thuyết chép trong thần phả. Họ đã và đang được nhân dân nhiều nơi thờ phụng, nhất là vùng Vĩnh Phúc, Hà Nội,…
Song chính từ nguồn tư liệu dân gian này, nhiều công trình nghiên cứu đã dần bóc tách những lớp vỏ huyền thoại để thấy phần nào sự thật lịch sử như trong công trình nghiên cứu về Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội (1983) của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc.
Dần dần sau này, chúng ta thấy trong nhiều công trình nghiên cứu của Đào Duy Anh, GS. Hà Văn Tấn, Nguyễn Duy Hinh, Lê Văn Lan,… về Hai Bà Trưng; về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và những tướng lĩnh theo cùng. Nhìn chung, các học giả đều đánh giá cao vị trí, vai trò của Hai Bà Trưng và các vị tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa này.
Ở Hội thảo “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc”, Ban Tổ chức đã có những gợi ý rất sát với chủ đề của Hội thảo. Vì thế, các tham luận khoa học sẽ tập trung vào bối cảnh lịch sử và Phật giáo Việt Nam thời Hai Bà Trưng; cuộc đời và đóng góp của Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc cùng các kiến nghị về việc công nhận Sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của Hà Nội và Việt Nam, đồng thời còn là những kiến nghị đối với các ban ngành chức năng về việc xây dựng, tôn tạo lăng mộ Sư bà Phương Dung và cụm di tích liên quan đến Sư bà ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì,… Bài tham luận này của chúng tôi không ngoài ý nghĩa trên.
VỀ SƯ BÀ PHƯƠNG DUNG
Theo các tư liệu lịch sử [1], vào những thập niên đầu thế kỷ thứ I sau Công nguyên, quận Giao Chỉ (Việt Nam) vẫn trong sự cai trị khắc nghiệt của nhà Hán. Trước tình hình đó, các Tù trưởng, Lạc tướng người Việt ở các địa phương đã tìm cách liên kết với nhau nhằm chống sự cai trị này.
Thái thú Tô Định thấy rõ mối nguy nên đã trấn áp bằng việc giết Thi Sách – con trai Lạc tướng ở Chu Diên vào khoảng năm 39-40. Thấy chồng bị Thái thú Tô Định giết hại, Trưng Trắc rất đau lòng. Bà cùng với em gái Trưng Nhị liên kết với các Lạc tướng hội quân tại Hát Giang. Tháng 2 năm 40, Hai Bà phất cờ khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhân dân ở nhiều địa phương. Nhiều thủ lĩnh ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố,… nhất là các nữ tướng chiêu mộ theo Hai Bà khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã nhanh chóng chiếm trị sở Luy Lâu và 65 thành trì, khiến cho Thái thú Tô Định vội vã chạy về Hán. Bà Trưng Trắc xưng vương (Trưng Nữ Vương), định đô ở Mê Linh. Ít lâu sau, vào năm 41, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân xâm lược. Sau nhiều lần giao chiến, Hai Bà thấy thế giặc mạnh bèn lui về giữ vùng Cấm Khê. Năm 43, quân giặc vây hãm Cấm Khê, Hai Bà chống cự rồi tử trận, nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2.
Tư liệu lịch sử không cho ta biết nhiều hơn về hành trạng, công-nghiệp của các nữ tướng theo Hai Bà khởi nghĩa. Theo chúng tôi, làm sáng tỏ những vấn đề này cũng chính là làm sáng tỏ một thời kỳ đặc biệt quan trọng của Phật giáo Việt Nam.
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, nguồn tư liệu dân gian về Hai Bà Trưng, về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà nhất là truyền thuyết về các nữ tướng theo Hai Bà đánh trận lại rất phong phú như GS. Lê Mạnh Thát nhận định: “Ngoài ra, trong các loại thần tích của các xã, ta biết trong số các tướng tá của Hai Bà Trưng, sau khi bị Mã Viện đánh bại, một số đã mai danh ẩn tích trong các giáo đoàn Phật giáo.
Một trong những vị này được biết tên là Bát Nàn phu nhân đã xuất gia”[2]; “Đất nước lâm nguy, các tướng tá Hai Bà Trưng, một số hy sinh bị giết, hoặc bị bắt đi đày vùng Linh Lăng. Nhưng còn một số khác đã rút về các làng quê Việt Nam sống hoà mình vào dân nơi các ngôi chùa, mà ta biết tối thiểu là Bát Nàn phu nhân, hiện còn đền thờ ở xã Tiên La, huyện Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, Thái Bình” [3]… Như vậy, truyền thuyết về Hai Bà Trưng và các vị tướng của Hai Bà được chép trong các bản Thần phả đã và đang lưu giữ ở nhiều địa phương. Trong đó, có nhiều nữ tướng mai danh ẩn tích, hay xuất gia theo các giáo đoàn Phật giáo.
Trường hợp truyền thuyết về Sư bà Phương Dung được chép trong bản Thần phả hiện lưu giữ tại chùa Yên Phú có thể xem là một trong những trường hợp điển hình.
Ở đây, chúng tôi xin không nhắc lại hành trạng và sự nghiệp của Sư bà Phương Dung. Bởi trước đây, cố TS Nguyễn Quốc Tuấn và Thượng tọa Thích Thọ Lạc đã tổ chức Hội thảo khoa học: Chùa Yên Phú: Lịch sử và hiện tại; gần đây nhất, Thượng tọa Thích Thọ Lạc và PGS. TS.
Nguyễn Hồng Dương cho ra mắt cuốn sách Sư bà Phương Dung, sự tích và hành trạng vào cuối năm 2020, ở Hội thảo lần này chúng tôi tin chắc rằng có nhiều bài tham luận sẽ tiếp tục đề cập nhằm làm rõ hơn về vị trí, vai trò của Sư bà Phương Dung trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong tâm thức nhân dân thôn Yên Phú,…
Đặc biệt, Sư bà không chỉ được thờ ở ngôi chùa cổ Yên Phú mà còn được thờ ở đình, miếu với tư cách là Thành hoàng bản cảnh; đồng thời vẫn còn lăng mộ của Sư bà cách ngôi chùa Yên Phú khoảng 300m về phía tây nam; 23 bản sắc phong do các triều đình phong kiến ban tặng Sư bà Phương Dung cùng hai vị đệ tử, con nuôi của Bà là Trung Vũ và Đài Liệu là những minh chứng rõ ràng về sự tôn thờ của nhân dân nơi đây trong nhiều thế kỷ.
Đến nay đã có những thống kê, nhưng chưa đầy đủ về truyền thuyết của Hai Bà Trưng, nhất là về nữ tướng của Hai Bà mà chúng tôi tin phong phú hơn nhiều. Bởi mỗi truyền thuyết không chỉ gắn với những địa danh cụ thể mà công lao, hành trạng các nữ tướng còn là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn để các nghệ nhân dân gian sáng tác.
Như thế, truyền thuyết dân gian vừa mang tính sáng tạo lại vừa phản ánh tính chân thật của nhiều thời kỳ lịch sử, tuy chứa đựng phần nào nội dung lịch sử, nhưng không thể phục dựng lịch sử qua truyền thuyết mang tính giả sử.
Cho nên, Hai Bà Trưng và các nữ tướng theo Hai Bà khởi nghĩa là nhân vật lịch sử được nhân dân tôn thờ. Nghĩa là các Bà từ lịch sử bước vào thế giới tâm linh, trở thành Thành hoàng bảo hộ cho cuộc sống của nhân dân, bảo hộ cho sự tồn vong của xã tắc.
Có thể nói Hai Bà Trưng và các nữ tướng của Hai Bà xứng đáng được bổ sung vào hệ thống “Nữ thần” của người Việt. Đến nay, thậm chí một số nữ tướng đã trở thành Mẫu (Man Thiện), hiện diện trong điện thờ Mẫu (Bát Nàn),…
Hội làng – Hội chùa Yên Phú được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 11 âm lịch hàng năm với đường rước từ đình miếu đến lăng mộ Sư bà rồi thực hành các nghi thức tế lễ. Sau đó rước về chùa Yên Phú.
Ngoài các lễ vật mang tính đặc trưng vùng miền thì lễ vật dâng lên Sư bà Phương Dung gồm chè, đường, xôi vò, bánh chay là sự thể hiện lòng tôn kính đối với vị Tu sĩ Phật giáo qua hình thức diễn xướng dân gian của nhân dân thôn Yên Phú.
DI TÍCH LIÊN QUAN ĐẾN SƯ BÀ PHƯƠNG DUNG Ở XÃ LIÊN NINH
Chùa Yên Phú (Thanh Vân Tự) tọa lạc ở quốc lộ 1A, thôn Yên Phú. Có thể nói đây là một trong những ngôi chùa có niên đại cổ nhất Việt Nam gắn với tên tuổi của Sư bà Phương Dung.
Theo Thần phả, Sư bà Phương Dung vốn là một thiếu nữ xinh đẹp nhưng nguyện không lập gia đình để một lòng mộ Phật. Khi đến làng Yên Phú thấy một ngôi chùa có phong cảnh đẹp liền ở lại sớm khuya đèn nhang kính Phật và đặt tên chùa là Thanh Vân Tự. Một thời gian sau, Bà nhận Trung Vũ và Đài Liệu làm đệ tử.
Năm 40, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Hán, Sư bà Phương Dung cùng hai đệ tử tham gia khởi nghĩa. Bà được Trưng Nữ Vương phong làm Thánh Mẫu, hai đệ tử Trung Vũ và Đài Liệu được phong làm Tả Tướng quân và Hữu Tướng quân. Sau khi các vị hóa, nhân dân tôn thờ Sư bà Phương Dung ở chùa và ở đình, Trung Vũ và Đài Liệu được thờ ở đình làm Thành hoàng.
Đình Yên Phú tọa lạc ở cuối làng hướng ra hồ. Ngôi đình thờ hai vị đệ tử của Sư bà Phương Dung. Do đó, trong cung cấm có tượng thờ Sư Bà ở giữa và nhị vị đệ tử Trung Vũ và Đài Liệu hai bên. Đình là nơi diễn xướng dân gian trong những ngày diễn ra lễ hội, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân thôn Yên Phú trong nhiều thế kỷ.
Ven sông Kim Ngưu, tại xứ đồng Mô Lăng còn hiện diện một quần thể di tích rất quan trọng liên quan trực tiếp đến Sư bà Phương Dung. Đó là ngôi miếu, phủ, ao, lăng mộ Sư Bà,… Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, phần lớn những di tích này đã là phế tích. Miếu chỉ còn dấu tích nền móng, ao/giếng bỏ hoang, chỉ duy nhất lăng mộ Sư bà Phương Dung mới được tôn tạo lại.
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ THAY CHO KẾT LUẬN
Cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Hán do Hai Bà Trưng khởi xướng đã nhận được sự đồng lòng của nhân dân. Các Lạc tướng, nhất là các nữ tướng người Việt hưởng ứng và chiêu mộ binh lính theo Hai Bà rất nhiều, tạo tiền đề cho truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã vượt ra khỏi sự đối kháng giữa kẻ thống trị và người bị trị. Hay nói cách khác là sự đối chọi văn hóa trong thời kỳ này, một bên truyền thống Phụ quyền và một bên là truyền thống Mẫu quyền. Vì thế, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của thủ lĩnh các địa phương, đặc biệt là phụ nữ.
Năm 43, do không chống nổi cuộc vây hãm của quân lính Mã Viện ở Cấm Khê, Hai Bà Trưng đã tự vẫn. Song tinh thần đoàn kết vẫn còn nguyên giá trị, bởi dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều lực lượng hưởng ứng tham gia và cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi, lật đổ sự cai trị của nhà Hán trước đó. Sâu xa hơn, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng với sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân chính là sự thức tỉnh tinh thần dân tộc theo cách riêng của người Việt.
Chính cuộc khởi nghĩa này đã phản ánh ý thức dân tộc, độc lập, chủ quyền rõ rệt của nhiều tầng lớp nhân dân. Trong đó, vị trí và vai trò của các Lạc tướng, thủ lĩnh ở các địa phương là quan trọng. Đương nhiên, các nữ tướng góp phần không nhỏ cho quá trình hình thành truyền thống kiên cường, bất khuất , trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam sau này.
Sư bà Phương Dung vốn đã xuất gia, là một tu sĩ Phật giáo. Song trước sự cai trị hà khắc của nhà Hán, Bà cùng hai đệ tử – con nuôi đã chiêu mộ quân sĩ hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo.
Phải chăng! Sư bà Phương Dung là một trong những tu sĩ Phật giáo đầu tiên đặt nền móng cho truyền thống đồng hành cùng dân tộc! Sau chiến thắng, Sư bà và hai đệ tử được Trưng Nữ Vương ban thưởng. Nhưng rồi, nhà Hán lại đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa, Hai Bà Trưng tuẫn tiết, các tướng lĩnh lánh nạn, Sư Bà và hai đệ tử trở về chùa tu hành. Sau khi các vị hóa, nhân dân Yên Phú đã tôn thờ làm Thành hoàng ở chùa Yên Phú và ở ngôi đình.
Hiện nay, ngôi chùa Yên Phú đã được Thượng tọa Thích Thọ Lạc xây dựng lại rất khang trang, bề thế ngay cạnh đường quốc lộ 1A. Ngôi đình đã được chính quyền và nhân dân tu bổ tôn tạo đẹp đẽ. Nhưng khu lăng mộ Sư bà, miếu, phủ, ao/giếng,… cách chùa Yên Phú không xa cũng cần được đầu tư tôn tạo. Song muốn vậy, cần được sự quan tâm từ phía chính quyền và các ban ngành chức năng thành phố. Trước mắt, theo chúng tôi cần:
Điều tra, khảo sát chi tiết, lập danh mục di tích cần bảo tồn; Quy hoạch lăng mộ Sư bà Phương Dung theo truyền thống Phật giáo. Nghĩa là có thể kiến trúc lăng mộ thành một bảo tháp; đồng thời quy hoạch miếu, phủ, am,… trên nền cũ. Sau đó quy hoạch tổng thể, xây dựng nơi đây thành khu tâm linh thờ Sư bà Phương Dung và nhị vị Thành hoàng Vũ Trung và Đài Liệu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong thôn, xã,… và du khách thập phương. Đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đạo lý cao đẹp cho các thế hệ sau này.
Tuy nhiên, để làm được điều này, trước mắt đề nghị Ủy ban nhân dân huyện quan tâm về quy hoạch tổng thể, chi tiết đất đai từng di tích trên cơ sở tham vấn các ban ngành chức năng của thành phố và tư vấn của các đơn vị nghiên cứu; cũng như hỗ trợ kinh phí để chính quyền xã, nhân dân cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong bối cảnh đương đại.
Chú thích:
* HT.TS. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Hà Nội
[1] Chẳng hạn: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền Hán thư, Hậu Hán thư,…
[2] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hoá, tr. 27.
[3] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hoá, tr. 82.
Tạp chí Văn hóa Phật giáo