;
Sau sự tấn công bất ngờ và dữ dội một loạt cơn địa chấn và những đợt sóng thần, tất cả 65 gia đình ở Aramachi đều đã tàn phá. Thảm họa đã khiến 16 cư dân của khu vực thiệt mạng. Tối hôm đó, gần 50 người sống sót đã chen chúc trong căn nhà duy nhất còn đứng vững của ngôi chùa Kongoji, vốn đã tồn tại ở trung tâm khu vực này suốt hàng thế kỷ. Bên nhau giữa cái lạnh, ướt và sự sợ hãi, những người này đã thức suốt đêm để cầu nguyện và than khóc.
Cách đó nửa vòng trái đất, tại thành phố New York, Mỹ, Hiroko Masuike, một phóng viên của báo The New York Times, là người chuyên phụ trách phần hình ảnh của các thảm họa trên toàn thế giới, đã không thể yên lòng. Đơn giản bởi lẽ, lần này, thảm họa ở ngay trên quê hương, trên đất nước mà cô đã sinh ra và lớn lên, cũng là nơi cô đã rời xa suốt 14 năm để đến sống tại Mỹ.
Masuike đã tự hứa với bản thân sẽ trở về Nhật Bản nhanh nhất có thể. Hai tuần sau, cô có mặt ở Aramachi để ghi lại những hình ảnh của nơi này sau thảm họa.
"Khi bước tới nơi này, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là hình ảnh ngôi chùa nhỏ vẫn nguyên vẹn trên đỉnh đồi, trong khi xung quanh là khung cảnh đổ nát hoang tàn. Điều đó giống như một phép lạ", cô nói.
"Mọi thành phố bên bờ biển đều bị tàn phá, còn cảnh tượng đổ nát thì có ở khắp mọi nơi", Masuike chia sẻ. Nhưng không hiểu sao, cô lại cảm thấy "ngôi chùa dường như đang gọi tôi đến đó" trong rất nhiều khu vực cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.
Khi Masuike tới Aramachi trong ngày 28/3, chỉ còn 10 người ở đó, bao gồm cả người quản lý ngôi chùa, Nobuo Kobayashi. Những người này đều đang sống trong ngôi nhà duy nhất còn lại của chùa Kongoji. Khoảng 40 người khác đã chuyển tới những nơi an toàn và có điều kiện tốt hơn ở các trung tâm sơ tán. Mặc dù không có điện và nước, nhưng những người ở lại vẫn kiên nhẫn hết mức, theo dõi tình hình từ nơi trú ẩn và mong đợi những người thân và hàng xóm đang mất tích sẽ được tìm thấy.
Người dân bên ngoài chùa Kongoji, khu vực Aramachi,
thành phố Rikuzentakata ngày 29/3/2011. Ảnh: Hiroko Masuike
Lúc đầu, Masuike ngủ trong chiếc xe cô đã thuê vì không muốn ảnh hưởng tới những người dân ở đây. Họ đã bị mất mát quá nhiều. Cô cũng từ chối những lời đề nghị của họ về đồ ăn và nước uống, vì không muốn nguồn cung cấp nhu yếu phẩm vốn đã khan hiếm của họ càng ít đi nhanh hơn. Tuy nhiên, sau những lời thuyết phục nhiệt tình của người dân trong ngôi chùa, cô quyết định chuyển tới sống chung cùng họ. Việc ngủ trong một ngôi chùa thường bị cấm, bởi đây là một nơi linh thiêng. Nhưng đây là trường hợp bất khả kháng, và người dân không còn lựa chọn nào khác.
"Mỗi đêm, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi thường nghĩ về lịch sử của ngôi chùa này", Masuike nói.
"Tôi tin rằng Đức Phật đã bảo vệ những người dân đang trú ẩn tại đây."
Những ngày sau thảm họa, người dân đã tìm thấy các bức tượng và vật dụng trong chùa vốn đã bị cuốn trôi hoặc bị chôn vùi dưới bùn đất và đống đổ nát. Sau rất nhiều ngày tìm kiếm, Takamasa Kobayashi, con trai của người quản lý chùa, đã tìm thấy bức tượng quan trọng nhất, mang tên Gohonzon-sama.
"Khi cậu ấy tìm thấy bức tượng, tất cả người dân đều cảm thấy yên lòng thêm chút ít", Masuike cho biết. "Nếu bức tượng này vẫn tồn tại, nghĩa là vẫn còn có tương lai."
Ngày 11/4, tiếng chuông và lời cầu nguyện của người dân trong ngôi chùa đã vang lên vào đúng thời điểm khi cơn sóng thần đầu tiên ập tới khu vực này một tháng trước. Vài ngày sau, Masuike trở lại công việc là một nhà sản xuất hình ảnh ở The New York Times. Những bức ảnh sau chuyến đi, cô quyết định chỉ chia sẻ cho một vài người bạn. Masuike tự hứa với bản thân, rằng cô nhất định sẽ quay lại Nhật Bản và tìm về những người cô từng gọi bằng hai chữ - gia đình.
Suốt từ năm 1998 tới thời điểm trước khi xảy ra thảm họa, Masuike chỉ thăm cha mẹ cô 5 lần. Quan sát những người dân trong ngôi chùa ở Aramachi, những người đã mất thân nhân khiến cô phải suy nghĩ lại chính cuộc sống của mình.
"Tôi bắt đầu nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và gia đình", cô nói.
"Tôi đã quyết định phải về thăm cha mẹ thường xuyên hơn, chăm sóc cho họ nhiều hơn, và tôi nghĩ mình nên kết hôn và có một gia đình của chính bản thân mình."
Theo Quỳnh Hoa - NY Times/VNE