;
>Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình
Từ ngàn xưa cho đến nay, nhân loại luôn tìm cách làm thay đổi đời sống con người, thay đổi hoàn cảnh, nhưng chưa ai hoàn toàn hạnh
phúc trọn vẹn, trên cuộc đời này ngoại trừ chư Phật chư vị Bồ tát, thánh nhân đã lìa khỏi dục vọng. Khi đau khổ, con người thường đổ lỗi cho người khác, tại người này, tại người kia làm cho tôi khổ, tại hoàn cảnh gia đình và xã hội, ít ai dám chấp nhận là do mình tạo ra.
Đức Phật dạy, vì vô minh không thấy đúng lẽ thật về tất cả mọi hiện tượng sự vật mà con người phải chịu phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử. Nói theo từ ngữ Việt Nam là ngu dốt, không hiểu rõ lý duyên sinh, lý nhân quả, từ đó con người sinh khởi các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…rồi dẫn đến khổ đau.
Có một câu chuyện dân gian đáng để cho chúng ta suy ngẫm về nghĩa lý sâu xa của nó: “Một ông nhà giàu nọ đi ăn giỗ cùng người đầy tớ. Sau khi ăn uống xong, thấy bánh ít chủ nhà đãi ngon quá, ông nhà giàu khởi lòng tham nên lén lấy mấy cái bánh ít đưa cho đầy tớ bỏ vào giỏ xách mang về cho ông.
Người đầy tớ cứ ngỡ là ông chủ cho mình, bèn lấy ra ăn hết sạch. Trên đường trở về nhà, ông nhà giàu đi trước, người đầy tớ từng bước theo sau hộ tống. Ông nhà giàu thấy vậy tức quá quay lại mắng người đầy tớ:
- Tao đâu phải là tù binh mà mày đi theo sau áp giải. Người đầy tớ nghe chủ trách mắng bèn xin lỗi và tiến lên đi song song với ông chủ. Ông nhà giàu lại càng bực tức hơn, nên quát lớn rằng:
- Bộ tao với mày là bạn bè hay sao mà mày hiên ngang, đi ngang hàng với tao, hả? Người đầy tớ lúc bấy giờ nghe ông chủ nói thế, sợ quá bèn vội vàng đi nhanh trước ông như người dẫn đường. Ông nhà giàu thấy thế bực mình quá, đạp vào mông người đầy tớ một cái rồi mắng:
- Bộ mày là cha tao hay sao mà dám đi trước mặt tao? Người đầy tớ lúc này tiến thối lưỡng nan chẳng biết phải đi như thế nào cho đúng, bèn chấp tay lại thưa: - Dạ thưa ông chủ, xin ông mở rộng lòng từ bi mà dạy con phải đi như thế nào mới đúng ạ?
Lúc này trong lòng ông nhà giàu lửa sân đang cháy bùng lên, nên nói bánh ít của tao đưa mầy đâu rồi? Dạ, con tưởng ông cho nên con ăn hết rồi. Qua câu chuyện trên đã nhắc nhở cho chúng ta điều gì? Tại sao ông nhà giàu có thái độ khó chịu như thế là do người đầy tớ đi không đúng phép hay do người đầy tớ ăn hết bánh của ông? Ai cũng thấy rõ, ông nhà giàu từ ngu si chấp ngã mà sinh ra tham lam rồi bực tức nóng giận khi mất phần ăn của mình.
Nếu chúng ta nhìn người khác với cái tâm tham lam, ích kỷ, ganh ghét, tật đố, với cái tâm đầy thành kiến, giận hờn thì mình không thấy rõ, hiểu rõ được sự thật, những gì mình đang thấy, đang nghe, đang tiếp xúc. Nếu chúng ta nhìn người khác với cái tâm vẩn đục như thế, thì mình thấy ai cũng xấu xa lầm lỗi, thấy ai cũng ngu dốt dù thực tế họ rất dễ thương, họ có nhiều điểm đáng cho chúng ta yêu quý, họ có nhiều điều hay đáng cho mình học hỏi. Thế giới con người ngày nay phát triển, tiến bộ, so với thời xa xưa gấp trăm vạn lần, đem lại sự văn minh vật chất tột đỉnh. Mặc dù được như thế, nhưng con người vẫn phải đối mặt với nhiều hiểm họa khổ đau do bạo động, khủng bố, chiến tranh, thiên tai sóng thần, động đất, bão lũ có thể dẫn đến bị hủy diệt toàn cầu do vũ khí nguyên tử hạt nhân sản xuất và xử dụng lạm phát.
Nói tóm lại, sự ngu dốt của con người là do vô minh làm nhân phiền não mà con người phải chịu khổ đau bế tắc chứ không phải do những điều kiện, khách quan bên ngoài. Vô minh phiền não chính là cái gốc, từ sự lầm chấp cái tôi này là cội nguồn của muôn sự khổ đau. Nếu chúng ta biết cách buông xả trong từng phút giây thì phiền não, vô minh không thể tác động được nên ta sống bình yên hạnh phúc. Đức Phật đã thấy rõ lý duyên sinh trùng trùng duyên khởi làm nhân cho nhau lớp lớp, chằng chịt đan xen, xuyên suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai chứ không phải chỉ trong một đời này. Nhân đưa đến quả, quả lại làm duyên cho nhân, vừa là nhân của cái này cũng là quả của cái khác, vô số nhân, duyên, quả hình thành nên đời sống con người và bầu vũ trụ bao la này.
Vì ngu dốt tức là vô minh, không thấy được lý duyên sinh nhân quả, không thấy vạn pháp vô ngã nên sinh khởi ra các sự dối trá lường gạt rồi bóc lột chiếm hữu người khác. Khi hiểu được bản chất và những quy luật của đời sống, chúng ta sẽ cố gắng rèn luyện tu tập để không bị sa ngã bởi dòng đời vẫn đục, nhờ vậy con người sẽ biết cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau để sống hạnh phúc hơn.
Ngu dốt là sự không hiểu biết của con người, cho nên ngu dốt cũng đem tới nhiều tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội, nghĩa là ta sống chung với nhiều người ngu dốt thì phải gánh lấy mọi hậu quả không thể lường trước được. Có thể nói ngu dốt là đồng nghĩa với si mê không có kiến thức, không hiểu biết chân chính, không tin sâu nhân quả về mối quan hệ trong thế giới mà mình đang sống, ngu dốt cũng có thể là cố chấp không chịu học hỏi hay lắng nghe.
Chính vì lẽ đó, con người ngu dốt vì thấy biết sai lầm mà đưa tới hành động tội lỗi làm tổn thương người và vật. Ngu dốt sẽ dẫn dắt chúng ta vào con đường tối tăm, khi ta sống trong sự vô minh che lấp thì suốt cuộc đời chịu đau khổ lầm mê mà không biết chừng nào mới thoát ra được.
Người không học thức đương nhiên là ngu dốt, nhưng người thiếu học hỏi, không chịu lắng nghe, không chịu bàn bạc tham khảo, cố chấp, độc đoán cũng là thuộc hạng siêu ngu dốt, vì ta là kẻ đang nắm quyền hành trong tay.
Cho nên chúng ta không biết phát huy con người tâm linh, không có ý chí mạnh mẽ thì không thể nào vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà vươn lên làm mới lại chính mình. Một người không có trí tuệ thì không sao có nhận thức đúng đắn, nhưng có trí tuệ mà cố chấp không chịu buông xả thì ta sẽ bị vấp ngã trở lại. Khi chúng ta đã đánh mất con người tâm linh của chính mình, thì ta sẽ bị sa đoạ khổ đau bởi si mê nghiện ngập đủ thứ.
Không có gì giá trị và đẹp bằng sự thật. Trong thực tế của cuộc sống ít ai dám nói sự thật, phô bày sự thật, cho nên sự thật dù có xấu đến mấy nhưng nó vẫn đẹp hơn sự dối trá. Không có gì đẹp và cao thượng bằng sự thật. Sự thật thì không thể nào né tránh được, nhưng người ta vẫn cố tình che giấu vì sợ bị mọi người biết.
Có những sự thật mà chỉ khi nào con người ta đủ lớn khôn và có sự hiểu biết chân chính nhờ biết nghiệm xét và tư duy thì mới hiểu hết được giá trị thật của nó. Vì cuộc đời không chỉ có màu hồng mà lúc nào bên cạnh nó vẫn có những màu đen đan xen lẫn nhau. Người có học thức cao càng khéo léo che giấu, bưng bít những sự thật không được trong sáng, lành mạnh vì ai cũng thích được khen hơn là bị chê.
Dối trá có nghĩa là lừa lọc người dưới nhiều hình thức nhằm mục đích lường gạt, bằng cách ngọt mật chết ruồi. Con người ta vì lòng tham nên dễ bị người khác gạ gẫm, dụ dổ bằng lời ngon tiếng ngọt nhằm biến họ trở thành nạn nhân bị lừa đảo.
Ngược lại với sự dối trá là lời nói chân thật phát xuất từ đáy lòng nên không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi để lợi dụng người khác, không phải là lời nói hoa mỹ để làm xiu lòng người, không phải là lời nói tâng bốc khách sáo để làm cho đối phương thích mà hàm chứa dụng ý bên trong. Lời nói ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên thanh thản cho người nghe.
Ta chỉ cần sơ ý lỡ một lời nói, có khi hỏng cả việc lớn. Chỉ cần ta lỡ một lời nói, thì tai nạn ùn ùn kéo đến chỉ vì người nghe hiểu lầm, cho nên tìm cách hãm hại ta. Chính vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời nói bởi vì con người thích được khen ngợi tâng bốc nhiều hơn là bị chê bai. Tai họa xảy đến, thường do lời nói mà gây nên tác hại. Dối trá ở đây có nghĩa như lừa lọc, nói dối để vụ lợi cho mình, để mưu cầu điều tốt đẹp cho mình hoặc che giấu đi cái gì xấu xa của mình nhằm qua mặt người khác. Thói dối trá là hành động lường gạt có chủ đích vụ lợi cho mình. Chưa cần nói về khía cạnh đạo đức, việc nói dối hẳn nhiên sẽ gây ra sự sai lệch và hậu quả của nó thì tùy từng trường hợp sẽ khác nhau.
Chúng ta biết rằng, ngoài danh và lợi trên thế gian này, con người thường hay tranh chấp với nhau, chỉ vì lời nói. Hai người nói chuyện với nhau một lúc dù là thân thương như vợ chồng, nếu không nhường nhịn nhau, không biết nhượng bộ nhau, chắc chắn sẽ đưa đến tranh chấp cãi vã lời qua tiếng lại cuối cùng giận hờn nhau rồi lâu ngày dẫn đến đổ vỡ.
Một lời khen ngợi thật lòng luôn tăng thêm giá trị trong cuộc sống làm cho người cảm nhận được niềm vui để mà sống tốt hơn. Một lời nói nịnh hót thường là dối trá, nhằm trục lợi cho riêng mình mà làm hại nhiều người khác, nói một lời khen ngợi thật lòng luôn giúp cho người ta càng ngày càng sống tốt hơn. Ngược lại một lời nói nịnh hót để lấy lòng cấp trên vô tình làm cho người đó luôn sống trong gian dối để lường gạt người.
Ta hãy nên nói thật lòng bằng một lời khen ngợi đúng cách, giúp cho người đó vui vẻ mà sống tốt hơn. Lời nói thật lòng cao quý bao nhiêu thì lợi nói nịnh hót, dối trá thấp hèn bấy nhiêu. Người có trí tuệ là người không bị lầm lẫn, không bị mê hoặc, vì những lời nói ngọt ngào, đầu môi chót lưỡi, không bị bực bội vì những lời nói thẳng thắn trực tính.
Thường những lời nói đường mật ngọt ngào, chót lưỡi đầu môi, đôi khi dẫn dắt chúng ta đến cạm bẫy không ngờ, đến chỗ tan nát hạnh phúc gia đình, đến chỗ thân tàn ma dại, đến chỗ thân bại danh liệt, đến chỗ tán gia bại sản, đến chỗ tiêu tan sự nghiệp, có khi chết chẳng kịp ngáp, chẳng kịp hiểu tại sao? Những lời nói thật thà ngay thẳng, tuy không được khéo léo làm vui lòng người, nhưng thường giúp đỡ chúng ta tỉnh ngộ, thoát khỏi những cơn mê lầm, không còn vướng vào vòng si mê tội lỗi.
Khi ta thường xuyên biết quay lại chính mình, ta sẽ dễ dàng bình tĩnh thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, ta mới có thể làm chủ được lời nói, kiểm soát được hành động và chế ngự được tư tưởng của mình. Còn khi tâm loạn động, chúng ta càng nói càng tức giận thêm, càng làm càng sai trái thêm, càng suy nghĩ càng rối trí thêm.
Lời nói dối trá là những lời nói sai sự thật hòng để lừa bịp hoặc dụ dỗ người khác để cho người ta ham mà tin theo. Chính vì tâm tham muốn quá đáng mà ta có thể dùng miệng lưỡi ngọt ngào, để làm họ xiu lòng mà tin theo ta. Như vậy, chúng ta đồng ý với nhau rằng lời nói rất là quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn lao, trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người chúng ta.
Nếu người nào cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, lắm thương đau, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương. Tại sao như vậy? Bởi vì, chính người đó cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe dễ thương như vậy. Hoặc là, người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh, cho vừa đủ nghe, để khỏi làm phiền lòng người khác, đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để nghỉ ngơi được thoải mái.
Tại sao lời nói của ta khó nghe, người đời thường gọi là nói đâm hơi, nói móc họng, cho nên không có ai muốn kết bạn với mình, không có ai dám làm thân với mình, không có ai dám tâm sự với mình. Tại sao như vậy? Bởi vì, sống ở trên đời đâu có ai thích bị người khác trêu ghẹo, nói móc nói méo đời tư để cho mọi người đều biết.
Có những lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho nhiều người. Có những lời nói có thể đem lại sự tan nát hạnh phúc gia đình của người khác. Có những lời nói, làm cho người nghe, cảm thấy vui tươi khỏe khoắn. Có những lời nói khiến cho người nghe, cảm thấy khổ đau phiền muộn bực tức mà dẫn đến mất ăn mất ngủ.
Lời nói phát xuất từ tâm thanh tịnh trong sáng có thể giúp người cứu vật và cũng có những lời nói có thể hại người một cách dễ dàng vì lòng tham của mình. Như lời nói của một vị luật sư có thể cứu người thoát khỏi tội oan nếu vị ấy có lương tâm đạo đức. Ngược lại họ sẽ rút ruột kẻ bị hại và ăn tiền của kẻ phạm pháp. Do đó làm nghề luật sư phải giữ giới không nói dối hại người thì mới xứng đáng làm nghề luật sư.
Một vị bác sĩ khéo léo khuyên nhủ, an ủi động viên, giúp đỡ bệnh nhân yên tâm dưỡng bệnh, chóng qua hiểm nghèo sớm được bình phục. Bằng như ngược lại, một lời nói vô ý, có thể làm cho bệnh nhân hoảng loạn sợ hãi, bệnh tình càng thêm trầm trọng.
Cũng như lời nói của một nhà ngoại giao, có thể đem lại hòa bình cho hai nước và cũng lời nói đó đem lại chiến tranh hận thù cho nhau. Con người vì sao không ưa thích nhau, mà hay làm mích lòng nhau, chỉ vì không nói lời tế nhị dịu dàng, ngay cả người thân và gia đình không biết kính trên nhường dưới cũng vì chấp trước cho rằng mình đúng người sai.
Cuộc sống xã hội luôn tồn tại song song hai mặt tốt và xấu. Dối trá là những hành vi, cử chỉ hay lời nói sai sự thật nhằm mục đích lường gạt người khác. Con cái nói dối cha mẹ, bỏ bê việc học hành để được tự do kết bạn với người xấu. Học trò nói dối thầy cô giáo để vui chơi thoả thích. Người chồng lừa dối vợ để đi dan díu với người khác.
Khi dối trá con người có suy nghĩ tới hậu quả của nó không? Vì khi đó họ chỉ nghĩ tới cái lợi ích cá nhân trước mắt, mà bất chấp sự thiệt hại của người khác. Những người nắm cán cân công lý nếu dối trá sẽ dẫn đến tham nhũng, lãng phí của công làm thiệt hại tài sản chung cho đất nước.
Do đó, người"dối trá" sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng làm mình mất nhân cách đạo đức và làm tổn thương hại nhiều người khác. Trước hết, sự dối trá của chính mình sẽ đánh mất đi niềm tin, sự tin tưởng của nhiều người khác dành cho mình. Vì ta biết rằng một lần làm cho người khác không tin thì vạn lần sau sẽ bị bất tín.
Chính vì sự bất tín đó chúng ta khó được người tin tưởng giao trách nhiệm quan trọng. Dối trá là hình thức lường gạt người khác đã là nguy hiểm rồi vì dẫn đến nghi kỵ thù địch lẫn nhau, ta có thể lừa dối người khác nhưng không thể lừa dối chính mình.
Ngược lại với sự dối trá là tôn trọng sự thật nhờ vậy bảo tồn được sự tín nhiệm của nhiều người khác và tránh nghiệp báo đau khổ. Dối trá giờ đây đã trở thành căn bệnh hiểm nghèo lan tràn khắp các nơi vì lòng tham muốn quá đáng, nên chúng ta dối gạt người khác, nó là một thói quen xấu làm tổn hại mọi người.
Các nhà lãnh đạo gian dối để bóc lột tham nhũng của chung, tham ô lãng phí làm cho người dân phải chịu thiệt thòi. Các nhà kinh doanh vì lòng tham quá đáng nên đã quảng cáo sai sự thật tạo sự hấp dẫn cho người mua. Thói quen dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội chỉ vì con người không chịu tin sâu nhân quả và tin có luân hồi sống chết.
Hành động dối trá chính là biểu hiện của lối sống thiếu trung thực, nhằm đạt được mục đích lợi ích cá nhân. Vậy nguyên nhân phát sinh của thói dối trá là gì? Từ sự lầm chấp cho thân tâm này là thiệt tôi nên thấy biết sai lầm mà gian dối lường gạt người khác. Có thể thấy thói quen gian dối lường gạt người khác dưới nhiều hình thức, người có địa vị thì lợi dụng quyền cao chức trọng, người kinh doanh quảng cáo sai sự thật, làm hàng giả, nói chung tất cả vì lòng tham của chính mình mà chúng ta gian dối lừa đảo người khác.
Những kẻ dối trá thường có suy nghĩ nông cạn, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ hậu quả lâu dài về sau. Vì lợi ích bản thân và gia đình, họ sẵn sàng làm những việc xấu ác miễn được lợi cho mình thì thôi, còn ai khổ đau mặc kệ. Họ sẽ dần hồi đánh mất hết danh dự và sự nghiệp, cuối cùng phước hết hoạ đến chịu khổ vô cùng.
Trước tiên chúng ta cần nhận thức rõ về sự nguy hại của việc dối trá nhằm trục lợi cho chính mình bằng nhiều hình thức. Chính vì vậy, ngay khi còn ở tuổi học trò, mỗi học sinh cần phải rèn luyện nói lời chân thật, trung thực trong khách quan.
Trong xã hội việc kinh doanh, cạnh tranh để nâng cao chất lượng sản phẩm nếu không trung thực, thật thà thì ta sẽ quảng cáo sai sự thật để thu hút khách hàng. Trong quyền lực họ vẫn thường lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi cá nhân, lừa đảo kiếm tiền hay tham nhũng, che giấu tội ác trước pháp luật bằng cách dối trá.
Tính trung thực cần được chú trọng giáo dục trong gia đình và xã hội, rèn luyện ngay từ những ngày còn cắp sách tới trường là thành thực với chính bản thân mình. Thảng thắn, thành thật, trung thực, dũng cảm nhưng phải biết chân thành, khéo léo. Cuộc sống này nêu không có sự trung thực thì con người ta sẽ làm tổn hại cho nhau vì quyền lợi riêng tư.
Sự dối trá chính là nguyên nhân, mầm mống gây ra các vụ tiêu cực trong xã hội, làm băng hoại đạo đức, bao che trù dập làm mất lòng tin, đời sống tốt đẹp của mọi người. Nhất là những người nắm cán cân công lý, phải là người có trách nhiệm bổn phận cao, liêm chính, chí công vô tư, thì mới có thể giúp cho đất nước ngày càng đi lên, tiến tới công bằng, dân chủ, văn minh, bền vững và lâu dài.
Đức tính trung thực và thành thật là điều mà mỗi người cần phải rèn luyện trau giồi nhờ tin sâu nhân quả. Vậy sao ta không rèn luyện nó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để khi ra đời ta sẽ xem nó là một trong những điều cần thiết nhất để bước vào cuộc sống hiện đại ngày nay. Người trung thực là người thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải.