;
Có người thắc mắc, nghe thầy nhắc đến “sở hữu si”, mong thầy cho biết nó có phải là
“vô minh” không? Si là một trong ba “tam độc” (tham - sân - si). Nhưng si có thuộc tính “thọ xả” và có mối liên hệ chặt chẽ với hoài nghi và phóng dật.
“Thọ xả” là các trạng thái hồn nhiên, tự nhiên, vô tư của tâm. Vì nó hồn nhiên vô tư nên quả báo sẽ nhẹ hơn các trạng thái “thọ hỷ” (vui mừng khi làm điều bất thiện), “hợp tà” (cùng với tà kiến mà hiểu sai, chấp lầm dẫn đến làm điều bất thiện) và “hữu trợ” (có động cơ thúc đẩy, có hỗ trợ bởi những dụ dỗ, khuyến khích, giúp sức)…
Trong khi “nghiệp” được cho là hành động có tác ý, nên chỉ khi một hành động có tác ý (được dẫn dắt bởi ý thức, động cơ, mục đích…) mới tạo ra nghiệp quả.
Trạng thái hồn nhiên, vô tư kết hợp với hoài nghi (do không rõ, không biết, không hiểu….) mà sinh ra các trạng thái phán đoán, suy đoán, do dự, phân vân, lưỡng lự, từ đó mà hoài nghi các pháp, hoài nghi nhân quả…
Phóng dật là trạng thái tâm bấn loạn, hoảng hốt, hoang mang.
Khi năm lực (tín, tấn, định, niệm, tuệ) yếu thì sẽ sinh ta hoài nghi và phóng dật. Nói đến lực là nói đến khả năng ngăn phá ác và khởi sinh thiện.
Năm lực bao gồm: tín (tin vào thiện pháp), tấn (tinh tấn không ngừng thực hành đạo và các pháp trợ đạo), định (một lòng ghi nhớ không tán loạn), niệm (chỉ nghĩ đến đạo và các pháp trợ đạo không nghĩ gì khác), tuệ (vì đạo và các thiện pháp trợ đạo mà quán sát các pháp vô thường, khổ, vô ngã).
Sở hữu si bao hàm vô minh, cũng có thể nói vô minh do si tạo nên. Bất kỳ ai cũng có thể đang sống cùng với “sở hữu si”. Sở hữu si là trạng thái tự mình làm mình tối tăm (do hoài nghi và phóng dật ngăn cản thiện pháp).
Vô minh là thiếu vắng trí tuệ, do không khởi lên các tác ý đúng, nên che khuất bản thể tướng của các pháp, làm cho các pháp ấy trở nên tối tăm.
Ví dụ xá lợi Phật là biểu tượng đáng tôn kính như kính thân Phật khi còn sinh tiền; di cốt cha mẹ cũng đáng tôn kính như kính cha mẹ khi còn sinh tiền. Nhưng khi khởi tâm cung kính, đồng thời cũng khởi lên các tác ý đúng như “tất cả các pháp có hình tướng thì đều là hư ảo, đều phải hoại diệt” để không chấp trước, lợi dụng vào đó mà gây ra nghiệp bất thiện, khổ đau.
Nói cụ thể thì vô minh là không biết các pháp đáng biết và biết các pháp không đáng biết.
Pháp đáng biết là pháp đi vào con đường cao thượng. Pháp không đáng biết là pháp đi vào con đường bất thiện.
Si được ví như người mù, không biết phương hướng do đó dẫn dắt người ta rơi vào khổ cảnh, đoạ vào các cõi thấp, thiếu vắng trí tuệ.
Vô minh ví như người có mắt sáng nhưng đi lạc đường, do lầm lạc ấy mà tái sinh vào cảnh giới luân hồi đau khổ.
Nếu ngu si là tự mình làm mình tăm tối (ví như người mù, ánh sáng có chiếu tới cũng không nhận ra), thì vô ninh là có có mắt sáng nhưng khi ánh sáng chiếu tới lại bịt mắt mình lại không chịu tiếp nhận.
Ở đời mắng nhau “ngu si” trong đạo gọi tên “vô minh”. Cả hai đều thuộc sở hữu si.
Nhưng si là trạng thái thọ xả (hồn nhiên) của hoài nghi, phóng dật, và do không có “hợp hỷ”, “hữu tà”, “hữu trợ” nên nhân quả cũng yếu ớt hơn tâm tham và tâm sân.
Nắm bắt được như vậy, thì dù có ai đó nói mình “ngu si” hay “vô minh” thì cũng không vội phản ứng bằng tâm sân hận, vì những trạng thái tâm (sở hữu si) kể trên không chừa bất cứ một ai khi còn đang sống trong cảnh ngũ dục này.