;
Lời nói của ta có gốc rễ từ tâm ý của ta. Tâm ý chân thật, ta sẽ có lời nói mạch lạc, trong sáng và rõ ràng. Tâm ý vẩn đục, xáo động và tán loạn, ta muốn nói năng cho đàng hoàng vẫn không có ngôn ngữ đàng hoàng để nói.
Lời nói nào mang chất liệu chân thật từ sự thương yêu và hiểu biết, thì lời nói đó có khả năng đem lại hạnh phúc cho ta và cho những người chung quanh ta.
Người xưa nói : “Người đời như có cái búa ở trong miệng, sở dĩ thân này bị chém là do lời nói ác”. Hay nói : “Nhất ngôn hưng bang , nhất ngôn tán bang”. Nghĩa là:“ Một lời nói có khả năng làm hưng vượng quốc gia và một lời nói có thể làm cho quốc gia tiêu tán”.
Bởi vậy, trong đời sống hàng ngày, hạnh phúc của ta phải được nuôi dưỡng từ những lời nói chân thật, có chất liệu của hiểu biết và thương yêu.
Ta không nói với ai bất cứ lời nào, khi ta thấy tâm ta đang bất mãn và nóng giận. Ta nói với ai bằng tâm ý nóng giận, ta sẽ không kiềm chế và làm chủ được lời nói, khiến lời nói của ta buông ra nhiều độc tố gây thiệt hại cho nhân cách của chính ta và người khác.
Khi nóng giận hay bất mãn ai, ta chỉ ngồi yên, đưa lưỡi ấn lên nóc họng thở vào thật sâu và thở ra từ từ, ít ra ta phải thực tập cho được mười lần thở vào và ra như vậy, trước khi nói để tránh những lầm lỗi do lời nói đem lại.
Một lời nói lầm lỗi của ta với người, khiến cho người ta đau khổ suốt đời. Một lời nói lầm lỗi của người với ta, khiến ta ăn không ngon và ngủ không được suốt mấy đêm ngày. Và có khi ta nói một lời lầm lỗi với người thân, khiến ta ân hận suốt đời.
Có khi nghe người bạn nói với ta một câu chân thật, niềm hạnh phúc trong ta phát sanh và tồn tại từ ba ngày, đến năm, bảy ngày , có khi hạnh phúc đến một năm hoặc có khi hạnh phúc đến cả một đời người.
Không những khi giận ai, ta không nói mà khi thương ai quá mức, ta cũng không nên nói. Khi thương ai quá mức, lời nói của ta cũng sanh ra cho ta những lầm lỗi, vì sao? Vì quá thương, ta không làm chủ được tâm ý trong khi nói, khiến lời nói của ta sanh ra lầm lỗi lúc ta thương.
Nên, khi thấy ta thương ai quá mức, ta cũng đưa lưỡi ấn lên nóc họng, thở vào thật sâu và thở ra từ từ, ít ra ta phải thực tập cho được mười lần như vậy trước khi nói, khiến cho ta tránh được những lầm lỗi của lời nói khi ta thương.
Vậy, ai là người thông minh trong đời, muốn tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác, thì người đó phải biết chăm sóc lời nói của mình mỗi ngày khi tâm ghét khởi lên và khi tâm thương xuất hiện.
Phải nhớ rằng, ta làm ơn giúp cho người gần hết cả cuộc đời, nhưng đến giờ phút chót, ta chỉ có một câu nói thiếu chánh niệm thôi, thì ân nghĩa của ta đối với người không còn, mà oán thù lại nổi lên, điều này thường xảy ra trong thực tế đời sống hàng ngày của chúng ta.
Trong đời sống của con người bất cứ lúc nào và ở đâu, chiến tranh miệng lưỡi cũng có thể xảy ra. lưỡi của chúng ta có thể là vũ khí phá tan hạnh phúc của mọi người. Vũ khí hạt nhân chỉ giết người hàng loạt, nhưng chỉ giết một đời thôi, còn lời nói của ta mà ác độc, thì giết người không phải một đời mà rất nhiều đời.
Vua mà ăn nói độc ác làm cho muôn dân khổ đau, trong gia đình cha mẹ mà ăn nói độc ác, thì làm cho con cái khổ đau, trong dòng họ mà ông bà ăn nói độc ác thì cháu con tan nát, khổ đau và cháu con mà ăn nói độc ác, thì cũng làm cho cha mẹ, ông bà đau khổ.
Do đó, trong đời sống của chúng ta, lời nói là hết sức quan trọng. Bởi vậy, nguyên tắc chăm sóc hạnh phúc trong đời sống của chúng ta là phải biết chăm sóc lời nói của chúng ta mỗi ngày.
Chúng ta phải chăm sóc lời nói của chúng ta bằng cách, không khen những gì không đáng khen và không chê những gì không đáng chê mà phải biết khen những gì đáng khen và chê những gì đáng chê.
Chúng ta phải biết khen chê đúng lúc, đúng việc và đúng đối tượng , thì sự khen chê của chúng ta mới tạo nên được những lợi ích thiết thực cho ta và cho những người ta khen chê.
Chúng ta biết chăm sóc lời nói của chúng ta mỗi ngày, như vậy là chúng ta sẽ có hạnh phúc, phước đức và hạnh phúc sẽ sanh ra mỗi khi ta mở lời.
(HT. Thích Thái Hoà, trích từ tác phẩm “Gió đùa reo nắng mới”)