;
Chùa Nhẫm Dương thuộc thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân. Ngôi cổ tự này vừa là đệ nhất chốn tổ Tào Động (nơi khai sinh ra môn phái Tào Động trong Phật giáo Thiền tông Việt Nam- PV), vừa là ngôi chùa duy nhất chứa một kho xương khổng lồ đầy bí ẩn của người Việt và các sinh vật thời tiền sử. Đây cũng là ngôi cổ tự hiếm hoi ở Hải Dương được bao bọc bởi một hệ thống núi đá và hang động thiên nhiên cực kỳ độc đáo, tráng lệ.
Tỏa hương lạ sau 7 ngày viên tịch
Có lẽ vì quá nổi tiếng nên không một đứa trẻ hay một người già nào ở vùng Duy Tân này là không biết đường đến Nhẫm Dương tự, dù ngôi chùa ở tít tận trong núi sâu. Chỉ có điều, để đi được đến chùa, chúng tôi phải đi quanh co qua rất nhiều đoạn đường nhỏ, trong đó có cả những đoạn đường mịt mù khói bụi do các công ty khai thác đá gần đó gây nên. Ngay cả khi đã bước qua cổng chùa, thả hồn trong sự tĩnh tại và vô vi của chốn thiền môn nhưng đôi khi người viết vẫn phải giật mình thon thót vì tiếng mìn phá đá nổi lên bất thường xung quanh chùa.
Đón tiếp tôi là một vị ni sư có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen, khuôn mặt nhân từ nhưng có phần khắc khổ. Đó là sư thầy Thích Đàm Mơ - trụ trì chùa Nhẫm Dương, đồng thời là Trưởng ban đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Kim Môn. Bằng chất giọng nhỏ nhẹ, sư thầy Mơ như đưa tôi chìm trong những câu chuyện kể nhuốm đầy màu sắc hư thực. Và cũng thật lạ kỳ, dù biết trong câu chuyện kể của sư thầy Mơ có nhiều yếu tố là huyễn hoặc, thế mà chúng tôi vẫn không thế dứt ra được.
Toàn cảnh chùa Nhẫm Dương nhìn từ phía sau núi. Ảnh: Tùng Long
Sư thầy Mơ cho hay, người dân ở đây quen gọi chùa Nhẫm Dương là chùa Thánh Quang bởi ngôi chùa gắn liền với sự "hóa thánh" kỳ lạ của vị đệ nhất tổ sư phái Tào Động là Thủy Nguyệt. Dấu tích của sự "hóa thánh" này vẫn còn lưu giữ trong hang Thánh Hóa cùng hang Tĩnh Niệm phía sau chùa và được sử sách ghi lại rất rõ trên văn bia bằng chữ Hán.
Để chúng tôi được "tận mục sở thị" nơi đệ nhất tổ sư Thủy Nguyệt "hóa thánh", sau bữa cơm chay đạm bạc buổi trưa, sư thầy Mơ đã dẫn chúng tôi ra phía sau chùa du hành hang (động) Thánh Hóa. Theo lời kể của sư thầy, sư tổ Thủy Nguyệt vốn mang họ Đặng, quê ở Sơn Nam, sinh năm 1637 dưới thời vua Lê Thần Tông. Sau 6 năm xuất gia học đạo, sư tổ Thủy Nguyệt vẫn chưa thỏa mãn đạo pháp về con đường giác ngộ nên xin phép sư phụ mình được du phương tham vấn các bậc Tôn túc trong nước. Tuy nhiên, sau khi đã đi nhiều nơi, đến nhiều chùa, gặp nhiều vị tăng... mà tâm của sư vẫn chưa sáng đạo. Năm 34 tuổi, nhờ nhân duyên đưa đẩy, sư tổ Thủy Nguyệt cùng một đệ tử nữa đã sang đến đất Trung Hoa và gặp được vị hòa thượng Thượng Đức tu trên núi Phượng Hoàng. Trải qua khá nhiều thử thách và khổ luyện học đạo, sư tổ Thủy Nguyệt được sư phụ của mình ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho phép trở về nước để giáo hóa muôn dân và phát triển đạo pháp. Khi trở về quê nhà, sư tổ chọn chùa Hạ Long (Hải Dương) làm nơi dừng chân để khuông đồ lãnh chúng (giáo hóa muôn dân và phát triển đạo pháp).
Bảo tháp - nơi lưu giữ xá lỵ của sư tổ Thủy Nguyệt trong khuôn viên chùa Nhẫm Dương. Ảnh: Tùng Long
Đến năm 68 tuổi, sư tổ Thủy Nguyệt nhận thấy mình đến lúc đã "hoàn thành sứ mệnh" phải về với chốn Niết Bàn nên gọi tứ chúng vào bảo: "Nay ta lên trên núi Nhẫm Dương, nếu 7 ngày không thấy về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy". Tứ chúng bùi ngùi mà không dám theo vì sợ trở ngại việc lớn của tổ. Đợi đúng 7 ngày, không thấy sư tổ quay về, các hàng đệ tử mới cùng nhau tới núi Nhẫm Dương. Đến nơi thì thấy gió ào ào thổi, mùi hương thơm lan tỏa khắp nơi. Các đệ tử lần theo mùi hương tìm tới hang đá phía sau chùa Nhẫm Dương thì thấy sư tổ ngồi kiết già trên một tảng đá trong hang, toàn thân vẫn nóng ấm và mềm mại như còn sống nhưng hơi thở thì đã tắt lịm hẳn. Xung quanh thân thể sư tổ tỏa ra một hương thơm ngào ngạt như mùi hương trầm bạch đàn. Lúc bấy giờ là niên hiệu Chính Hòa năm thứ XX, hiệu Hy Tông (thời Lê Trung hưng) ngày 6 tháng 6 năm 1704.
Lạ kỳ là ngay chỗ sư tổ Thủy Nguyệt ngồi kiết già, phía trên đầu xuất hiện một vệt lõm sâu đúng bằng kích thước đầu người và phía dưới chân cũng có vết lõm giống hình bàn chân người. Sử sách ghi lại rằng, sau khi sư tổ Thủy Nguyệt đắc đạo Kim Cương, thân ngài đã thúc đầu và đạp chân vào núi đá nhưng đầu ngài không hề hấn gì mà núi đá thì lại bị biến chuyển. Hai vết lõm này hiện vẫn còn nguyên vẹn trong hang và cũng từ đó hang có tên gọi là hang Thánh Hóa.
Chỗ sư tổ Thủy Nguyệt ngồi kiết già trước được đặt một bàn thờ bên cạnh nhưng sau khi khai thông lại hang thì sư thầy Mơ đã cho di dời bàn thờ này ra phía trước cửa hang.
Chùa giữa hệ thống hang động
Sư thầy Thích Đàm Mơ cho biết, chùa Nhẫm Dương vốn được xây dựng từ thời Trần. Chùa có trước khi sư tổ Thủy Nguyệt về đây lập nên môn phái Tào Động. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay chùa đã qua bốn lần trùng tu. Nguyên thủy chùa xưa được dựng trên một gò đất cao, xung quanh toàn đầm lầy và cây dại. Muốn vào được chùa, người dân phải dùng thuyền 2 mảnh chèo vào. Văn bia còn lưu giữ được từ thời mới lập chùa ghi rõ, chùa là ngôi cổ tự được đích thân nhà vua ra chiếu chỉ dựng nên, trong chùa xưa có tòa cửu phẩm liên hoa, có khánh đá, chuông đồng... vào loại lớn nhất nhì vùng Đông Bắc.
Cổng vào hang (động) Thánh Hóa - nơi gắn liền với sự tích sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch.
"Ngày xưa nơi này hoang vu lắm, cây cối mọc um tùm, nhiều nhất là cây bồng bồng, vắt vẻo khắp lối đi. Loài khỉ vàng sống ở đây rất nhiều. Mỗi lần có người đi vào là chúng lại nắm tay nhau dàn thành hàng dài để trêu chọc. Mỗi lần chùa trồng khoai, trồng sắn... là chúng lại kéo nhau xuống đào trộm củ ăn. Về sau dân làng hay bắt chúng, lại đánh mìn khai thác đá nên chúng sợ hãi, bỏ chạy đi đâu không biết. Các loại cây cổ và động vật mà không bị đốn chặt, săn bắt thì bây giờ còn lại nhiều lắm, quý giá lắm..." - sư thầy Mơ chia sẻ.
Điều độc đáo hiếm hoi là chùa Nhẫm Dương là ngôi cổ tự duy nhất ở Hải Dương nói riêng và miền Bắc nói chung được "bao vây" bởi hơn 50 hang động, rải rác khắp các dãy núi đá xung quanh chùa. Và kỳ lạ hơn là, tất cả các dãy núi đá này đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương - nơi ngôi chùa tọa lạc. Ngoài hai hang Thánh Hóa và Tĩnh Niệm phía sau lưng chùa, có thể kể tới hang Bò Lê, hang Cá, hang Tối, hang Ma, hang Mạt, hang Trâu, hang Thung Xanh, hang Thung Thóc, hang Đình... và hầu hết các hang động này đều được thiên nhiên kiến tạo rất độc đáo, kỳ vĩ. Một số hang còn chứa đựng nhiều dấu tích về cuộc sống của người Việt cổ thời xa xưa.
Sư thầy Thích Đàm Mơ bên pho tượng đá sư tổ Thủy Nguyệt được đặt thờ trong chính điện.
Hang Tĩnh Niệm hay còn gọi hang Gió, hang Dơi chính là nơi khi xưa sư tổ Thủy Nguyệt cùng các đệ tử dùng làm nơi tọa thiền, đàm đạo. Sau này, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hang trở thành nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng như Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Cộng Hòa... Thời chống Mỹ, đây cũng là nơi đóng quân của một tiểu đội pháo và bệnh viện của Quân y viện 7, quân khu 3. Một số chiến sĩ đã hy sinh ngay tại hang khi Mỹ đánh bom làm sập cửa hang. "Bây giờ, vào ngày giỗ hoặc ngày thương binh liệt sĩ, thân nhân của các liệt sĩ vẫn về đây thắp hương" - sư thầy Mơ nói. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy một số hiện vật như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, các hiện vật trên thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Hang Tĩnh Niệm có khả năng là di chỉ có niên đại thuộc hậu kỳ đá cũ. Trong tương lai, nếu khai quật lớn sẽ có nhiều tài liệu khảo cổ học quan trọng.
Nằm kề bên đỉnh Nhẫm Dương là núi Dương Nham (thuộc xã Phạm Mệnh). Theo thống kê của Phòng Văn hóa xã, ngọn núi này có tới 22 hang động, trong đó đáng kể nhất là động Kính Chủ hay còn gọi là Động Dương Cốc, từng được phong là "Nam Thiên đệ lục động". Trong lòng động hiện vẫn lưu giữ tới 53 văn bia của nhiều bậc tao nhân mặc khách từng tới đây vãn cảnh đề thơ. Đặc biệt nhất là tấm bia của thi nhân nổi tiếng thời Trần - Phạm Sư Mạnh.
Trải qua hai cuộc chiến tranh, hang Tĩnh Niệm vẫn đầy những nét kỳ vĩ và tráng lệ.
Nằm cách động Kính Chủ không xa, trên độ cao khoảng 70m so với mặt ruộng canh tác là khu Động Tiên. Trong động cũng đang lưu giữ một vật quý là tấm bia có niên đại năm 1630. Phía dưới chân núi Dương Nham là hang Chùa, người dân vẫn gọi đây là hang nước vì mùa mưa, nước chảy từ các mạch trên núi xuống cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, nhưng mùa khô nó lại là một hang động đẹp với vô số những nhũ đá kỳ vĩ, có thể đi sâu vào lòng núi tới 30m...
Đặc biệt, trong quần thể hang động tại đây, trên hòn Tháp Bút có một hang động có cái tên rất lạ: Hang Mả táng treo. Theo một số người dân quanh vùng, trước đây người ta phát hiện có một mộ táng treo trên vách hang, đến khoảng những năm 1980 thì mộ bị mất. Cửa hang nằm nghiêng nên khá rộng, nhưng hiện do quá trình khai thác đá, cửa hang bị lẹm vào tới nửa mét, khiến đường vào rất khó khăn.
Các hang Đầu Trâu, hang Hậu, hang Dong, hang Tối, hang Đình... nằm trong lòng các dãy núi đá bên cạnh, vốn xưa là những hang động thiên nhiên chất chứa nhiều nét kỳ vĩ, mỹ lệ hiếm thấy thì nay đã bị biến dạng hoàn toàn do trở thành "nạn nhân" của các nhà máy xi măng trong vùng. Cá biệt như hang chợ Trời - đỉnh cao nhất của núi Lĩnh Đông, xưa từng là nơi trực chiến của du kích xã Phạm Mệnh - do khai thác đá, đường lên hang đã mất hoàn toàn, thay vào đó là vách núi thẳng đứng.
Sư thầy Thích Đàm Mơ đang dùng đèn pin chỉ vết lõm nơi sư tổ Thủy Nguyệt ngồi kiết già.
Xót xa trước thực tế đau lòng, ông Nguyễn Tiến Bình - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kinh Môn phải thốt lên: "Hệ thống hang động phong phú ở Kinh Môn là do sự biến đổi của tự nhiên từ hàng triệu năm mà có được. Chúng từng đã từng góp phần tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và môi trường sinh thái hấp dẫn, rất giàu tiềm năng du lịch. Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã và đang biến mất trước sự hờ hững của các cấp ban ngành có thẩm quyền. Trong số 4 khu hang động chính trên địa bàn (gồm Nhẫm Dương, Dương Nham, Nhị Chiều và Chùa Mộ) mới chỉ có duy nhất khu động Kính Chủ là được cắm mốc bảo vệ mà thôi".
Nếu các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương vẫn còn tiếp tục hững hờ và chậm trễ thì những " quà tặng " vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng này sẽ biến mất trong nay mai. Lúc đó, thế hệ mai sau sẽ chỉ được thấy niềm tự hào của quê hương mình qua lời kể mà thôi.
(Còn tiếp)
Theo Hà Tùng Long - GĐ&XH