;
Hình minh họa
Kinh Duy Ma Cật có mỗi tiết chuyện nhỏ nhân duyên là Ngài Duy Ma Cật bị bệnh, nhưng khi Đức Phật cử các đệ tử đi thăm bệnh thì ai cũng từ chối, không dám đi. Ngài Quang Nghiêm Đồng Tử là một trong số đó:
Đức Phật gọi Quang Nghiêm Đồng Tử bảo: "Quang Nghiêm! Ông hãy đi thăm bệnh Trưởng giả Duy Ma Cật".
Quang Nghiêm Đồng Tử thưa: "Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật! Bởi vì, trước đây vào một hôm nọ, con từ thành Tỳ Da Ly đi ra, Ngài Duy Ma Cật thì từ ngoại thành đi vào. Con lễ phép chào và hỏi:
- Thưa cư sĩ! Ngài từ đâu đến đây?
Ông Duy Ma Cật đáp: Tôi từ đạo tràng đến.
Con lấy làm lạ hỏi: Ngài nói đạo tràng, vậy đạo tràng nào? Ở đâu?
Ông Duy Ma Cật đáp:
1. Trực tâm là đạo tràng: Tâm hạnh thành thật, thẳng thắn không hư dối quanh co.
2. Phát hạnh là đạo tràng: Siêng năng tinh tấn làm tất cả việc.
3. Thâm tâm là đạo tràng: Luôn luôn vun bồi công đức và làm tăng trưởng công đức.
4. Bồ đề tâm là đạo tràng: Vận dụng trí tuệ trong sự thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết...để tránh mọi si mê lầm lạc.
5. Bố thí là đạo tràng: Thí tài, thí pháp và thí cả vô úy cho chúng sanh mà không hy vọng đáp đền ơn nghĩa.
6. Trì giới là đạo tràng: Giữ giới thanh tịnh đúng như chí nguyện mong ước lúc phát khởi sơ tâm.
7. Nhẫn nhục là đạo tràng: Tâm được điều thuận, nhu nhuyễn đối với tất cả chúng sanh không còn bị chướng ngại.
8. Tinh tấn là đạo tràng: Không lúc nào giải đãi trong việc học chánh pháp, hành chánh pháp và sống trong chánh pháp.
9. Thiền định là đạo tràng: Tâm nhu hòa an ổn, không rong rủi ở lục dục thất tình.
10. Trí tuệ là đạo tràng: Thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã và bất tịnh của các pháp đúng như thật.
11. Từ là đạo tràng: Đối với tất cả chúng sanh đều thương như con một.
12. Bi là đạo tràng: Vận dụng mọi phương tiện cứu khổ cho chúng sanh.
13. Hỉ là đạo tràng: Lúc nào cũng vui mừng khi thấy người khác được vui.
14. Xả là đạo tràng: Đoạn hết mọi ý niệm ghét thương trong lòng.
15. Thần thông là đạo tràng: Thành tựu đầy đủ lục thông.
16. Giải thoát là đạo tràng: Luôn luôn vận dụng pháp bội xả và sống trong pháp bội xả.
17. Phương tiện là đạo tràng: Giáo hóa chúng sanh bằng nhiều hình thức, tùy căn cơ, đối tượng.
18. Tứ nhiếp là đạo tràng: Thuyết pháp độ chúng sanh bằng nhiều cách và tùy cơ duyên mà hóa độ.
19. Đa văn là đạo tràng: Nghe chánh pháp rồi thực hành đúng chánh pháp.
20. Phục tâm là đạo tràng: Vận dụng chánh quán mà quán các pháp.
21. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng: Rời bỏ hết các pháp hữu vi.
22. Tứ đế là đạo tràng: Thấy đúng như thật, biết đúng như thật, nói đúng như thật các pháp thế gian.
23. Duyên khởi là đạo tràng: Biết rõ từ vô minh cho đến lão tử đều không có cái hết.
24. Các phiền não là đạo tràng: Vì nhận biết sự tác hại của phiền não một cách quyết định.
25. Chúng sanh là đạo tràng: Vì nhận biết sự hòa hợp, sự nương gá tạm bợ, biết rõ tánh chất vô thường vô ngã của chúng.
26. Tất cả pháp là đạo tràng: Vì biết rõ tất cả pháp vốn không.
27. Hàng ma là đạo tràng: Vì biết trước các thế lực bất hảo của ma.
28. Tam giới là đạo tràng: Dù nhận có tam giới mà không bị ràng buộc trong tam giới.
29. Sư tử hống là đạo tràng: Vì sự thuyết pháp độ sanh đạt đến vô sở úy.
30. Thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp là đạo tràng: Vì thân, khẩu, ý đã thuần thục đạt đến chỗ tột cùng của thanh tịnh, không còn có sự sai lầm.
31. Tam minh là đạo tràng: Nhận thức các pháp thấu suốt tận gốc, tột nguồn.
32. Nhất niệm tri nhất thiết pháp là đạo tràng: Vì thành tựu nhất thiết chủng trí.
Thế đấy! Quang Nghiêm đồng tử! Bồ Tát nếu ứng dụng trí tuệ ba la mật giáo hóa chúng sanh thì mọi hành động giở chân lên, hạ chân xuống đều từ đạo tràng đến và lúc nào cũng ở trong Phật pháp vậy.
Bạch Thế Tôn! Quang Nghiêm thưa. Trưởng giả Duy Ma Cật nói thời pháp ấy rồi có năm trăm trời, người đều phát tâm vô thượng Bồ đề. Vì vậy con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh". (Trích Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh).
Đoạn kinh văn này, đúng nghĩa là để dạy các hàng Bồ Tát hay các hàng đệ tử muốn xuất ly tam giới. Việc Phật phái ngài Quang Nghiêm Đồng Tử chỉ là cái cớ, tức nhân duyên để Ngài nhắc lại bài học về hai chữ "đạo tràng" mà ngài đã hiểu lầm và nhờ đó đã được Ngài Duy Ma Cật chỉ giáo để cho hàng hậu học noi theo.
Trong bài viết này chỉ muốn đề cập tới hai từ "đạo tràng" mà rất nhiều Phật tử tại gia lầm lẫn, thậm chí không biết. Bởi với nhiều người cứ phải đến chùa, chùa thật to, thật hoành tráng, phải có các giảng sư là tiến sĩ, thạc sĩ, phải vân tập cả vải ngàn người về tu.v.v... mới là đạo tràng, mới là tu, mới là thực tu, nói khác đi mới là: Phật tử sịn!
Hòa thượng Thái Hòa trong một bài giảng cho các Tăng sinh đã ưu tư nói (TN nói đại ý): chùa thời nay giống như một cái chợ lớn, bởi nơi này tụ hội thập phương bá tánh.
"thập phương" là ý nói đến từ khắp mọi miền.
"bá tánh" là đủ mọi thành phần, đủ mọi hạng người.
"chợ lớn" là nơi buôn bán, đổi chác, đủ chuyện thị phi, đủ các loại hình, đủ các phương tiện.
Cùng hình dung: hàng ngày, với hàng "thập phương bá tánh" đó đến chùa, chùa sẽ ra sao?
Cùng tư duy một chút: Tăng chúng trong chùa (chợ lớn) là người giữ chùa (quản chợ lớn), là người duy trì trật tự và hướng dẫn "thập phương bá tánh" nếu không có đủ bi-trí-dũng, không có đủ giới-định-huệ, liệu có thể đảm nhiệm được vai trò của mình? hay sẽ bị "thập phương bá tánh" đồng hóa và nhận chìm?
Góc độ "thập phương bá tánh": thực tế rất nhiều người khi được vào những "ngôi chợ lớn" đó tưởng, ngỡ như mình đã học được rất nhiều điều, tu được rất nhiều điều, giác được rất nhiều điều...nhưng ít người nhận ra: mình đã, đang bị chìm đắm không lối thoát trong những "ngôi chợ lớn". Tại sao? Bởi nhiều người đã xa rời mất bản tâm thanh tịnh-bình đẳng-giác vốn có của chính mình.
Bản tâm đó Ngài Duy Ma Cật gọi là trực tâm, tức chân tâm hay còn gọi là Phật tâm - là đạo tràng của chính mình.
Đạo tràng mà không có giới, coi thường giới = đại chợ lớn với đủ thứ buôn bán, đổi chác...
Đạo tràng mà không có định, không tu định = đại chợ phiền não với đủ mọi tham, sân, si;
Đạo tràng mà không có huệ = đại chợ tà tri, tà kiến, điên đảo, mê tín, cuồng tín, mê mờ nhân quả.
Một bá tánh đã vậy, như vậy. Tập hợp "thập phương bá tánh" đồng như vậy, thường như vậy mà muốn tu đạo giải thoát, nói đạo giải thoát, chúng ta phải biết đó đích thực là chợ chứ không phải đạo tràng mà Ngài Duy Ma Cật dạy.
Mô hình chợ này hiện nay đang rất thịnh hành, đang được cổ súy khắp nơi và nhiều người coi đó là xu thế tất yếu của thời đại Phật Pháp "@" và 4-5G lên ngôi.
Rất tiếc là không ít tu sĩ, cư sĩ lại có chung một tư tưởng: nếu thiếu những đạo tràng này thì Phật pháp sẽ bị hủy hủy diệt. Thực tế các đạo tràng (các chợ lớn) đang tự hủy diệt nhưng không phải do các thế lực "ngoại đạo" gây nên, như nhiều người đổ thừa, trái lại do chính những chủ "chợ lớn" cùng những người tham gia họp "chợ" đang tự mình phá sập.
Cảnh giác để không bị nhận chìm trong những ngôi "chợ lớn" như vậy!
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Thiện Nhân