;
Phá thai sẽ gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống?*
Thức tỉnh lỗi lầm tại lễ cầu siêu vong linh thai nhi
Không phá thai dù biết con sinh ra sẽ tật nguyền
Tôn giáo nào cũng ra sức phản đối việc nạo phá thai. Bởi nạo phá thai nhi đồng nghĩa với giết hại một mạng sống. Đạo Phật khuyên giữ năm giới, trong đó có giới sát sinh đứng hàng đầu. Tại sao đức Phật khuyên giữ năm giới? Vì 5 giới cấm này ai phạm phải, thì người đó mất liền hạnh phúc. Đó là một thực tế, bởi nhân quả có thể là nhãn tiền, có khi là sau đó không lâu...
Đạo Phật từ bi, không phải là đạo thần quyền, nên đức Phật chỉ đưa ra giới cấm với các hàng đệ tử, còn luật nhân quả đức Phật dạy được ghi trong kinh điển thì tùy duyên với Phật pháp mà mỗi người có lòng tin, đức tin thực hiện để giảm thiểu khổ đau cho chính mình, chứ đức Phật không bắt buộc ai phải theo giáo lý của Ngài.
Luật nhân quả trong việc phá thai là một thực tế đã được đức Phật nói tới trong kinh điển Phật giáo hàng nghìn năm nay. Nhưng vì chúng ta không có tuệ nhãn để thấy được hệ quả ảnh hưởng xấu ác nghiêm trọng của việc làm này, nên những ác nghiệp không những không được giảm thiểu, mà cấp độ nạo phá thai hiện nay ngày càng gia tăng.
Những con số nạo phá thai kinh hoàng.
"Theo số liệu thống kê của WHO năm 2017 cho biết: số ca nạo phá thai toàn cầu là 55,7 triệu ca, trong đó số ca nạo phá "không an toàn" là 25,5 triệu ca (cụm từ nạo phá an toàn và không an toàn) chúng ta sẽ nói tới ở phần sau. Còn bây giờ chúng ta hãy xem con số này ở Việt Nam: cũng theo con số của Tổ chức y tế nói trên cho biết thì, Việt Nam chúng ta được xếp vào danh sách là 1 trong 5 nước ở châu Á có tỷ lệ phá thai cao nhất.
Với số ca nạo phá hàng năm chính thức là 300.000 (ba trăn ngàn) ca. Theo tác giả Đức Thiện (trên trang phatgiao.org.vn) mới đây còn cho hay, Bệnh viện Từ Dũ, 6 tháng đầu năm 2017 đã có 14.159 ca đến bỏ thai. Trong số này, phá thai ở trẻ vị thành niện chiếm hơn 1000 (ngàn) ca. Trung bình 1 ngày bệnh viện tiếp nhận từ 60-70 ca.
Cứ 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 2 người từng phá thai ít nhất một lần". Và mới đây, tại Hội nghị hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 2018, ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng vụ quy mô dân số - kế hoạch hóa gia đình, Bộ y tế cho biết, mặc dù Việt Nam có chính sách hợp pháp về phá thai, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng tình trạng phá thai vẫn ở mức rất cao đó là từ 250.000 đến 300.000 (nghìn) ca mỗi năm.
Nhìn vào con số nạo phá thai nêu trên, chúng ta thấy thật khủng khiếp. Khủng khiếp bởi những hệ lụy tiêu cực của chúng mang lại đó là: sức khỏe, tiền bạc, đạo đức, xã hội, gia đình... Còn về mặt tâm linh, chúng sẽ ảnh hưởng ra sao? Nếu là người "nhạy cảm"; hoặc dưới con mắt của các học giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu tâm linh, khi thấu thị được bản chất "sân hận"của các vong thai nhi bị tước đoạt mạng sống, thì vấn đề nhân quả tương tác xảy ra của các ác nghiệp này gây nên thật khó mà diễn tả.
Từ thực trạng nạo phá thai ngày càng gia tăng hiện nay, chắc không ít người đặt câu hỏi: với hệ lụy của việc nạo phá thai là rất nghiêm trọng, nhưng sao tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm. Để trả lời thấu đáo câu hỏi này thật không dễ, bởi chúng liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống. Trong đó, có đời sống xã hội đương đại phi "truyền thống" và truyền thống hiện nay. Chỉ nói riêng về vấn đề nạo phá thai nhi, xét về mặt tôn giáo thì hoàn toàn phản đối việc làm này. Nhưng ở góc độ tâm linh (tức thời điểm nhập thai) thì với Do Thái giáo cho rằng linh hồn không hiện hữu ở bào thai trong 40 ngày đầu.
Còn với Duy thức học Phật giáo thì Đức Đại Lai Lạt Ma khẳng định với các nhà khoa học phương Tây: "Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ giây phút đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người".
Còn vấn đề nạo phá thai với Ấn Độ giáo thì xem việc phá thai là một trọng tội, giống như việc giết cha, giết mẹ và trộm cắp". Đứng trên quan điểm của Duy thức học Phật giáo, với câu kinh nền tảng bbaats hủ thì cho rằng: "Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức" có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng ở trong trời đất này đều do cái thức duyên hợp mà có. Vậy hình thành một con người theo Phật giáo là do tinh cha huyết mẹ thân (vật lý) và sự hội nhập của Trung ấm thân tức (tinh thần) làm nên con người này. Vậy cổ ngữ mới có câu: "cha mẹ sinh con trời sinh tính", tính ở đây được hiểu là tánh của con người chỉ cho Trung ấm thân. Vậy xét về mặt tâm linh, dưới góc nhìn của Giáo lý đạo Phật chúng ta sẽ thấy những hệ lụy gì xảy ra sau khi nạo phá thai nhi:
Những tác hại và hệ lụy sau khi phá thai.
Là Phật tử, chắc ít nhất một lần chúng ta đã nghe danh cố HT. Tuyên Hóa (Vạn Phật Thánh thành) khai thị trực tiếp hoặc gián tiếp qua tác phẩm của Hòa Thượng nói về chủ đề vong thai nhi qua cuốn sách "Những vong linh thai nhi vô tội". Đây là cuốn sách thâu tóm những bài pháp của Hòa Thượng đề cập về sự phá thai có ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống xã hội đương đại. Nhân bàn về nội dung này, người viết mong độc giả cùng đạo hữu; đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta hiện nay cùng sẻ chia và suy ngẫm về vấn đề này, qua nội dung tác phẩm nêu trên của HT- Tuyên Hóa mà người viết cho đây là rất bổ ích với chủ đề nêu trên (dưới đây là một số trích đoạn) xin được đưa ra trong bài viết để chúng ta cùng chia sẻ:
Vào đầu cuốn sách, trong bài giảng khai thị của mình cố HT. Tuyên Hóa cho rằng: "Phá thai là một vấn đề quan trọng. Một trong những lý do hiện nay trên thế giới có quá nhiều hoài nghi, khó khăn, cũng như quá nhiều chứng bệnh nan y là bắt nguồn từ sự phá thai. Chúng ta hãy ngừng lại và suy nghĩ xem: Một thai nhi (tức một sinh mạng) chưa kịp chào đời đã trở thành một oan hồn; khắp nơi nhan nhản những hồn ma nhỏ bé phiêu bạt đòi mạng sống, thì theo chúng ta, xã hội có thể an ninh được sao? Những hồn ma nhỏ bé này cần phải gặp được người có Đạo hạnh và không tham tiền thì mới được siêu độ."
Trong đoạn này, cố HT. Tuyên Hóa đưa ra vấn đề là "oán này quá sâu dầy", thật khó siêu độ, cần phải là bậc tu hành không dính mắc (tham sân) tức đạo hạnh thanh cao mới có thể có "cơ hội" siêu độ cho chúng. Do đó, mọi người nhất định phải đừng mê tín mà cho rằng dùng "tiền" để tạo nhiều công đức thì sẽ siêu độ "xong xuôi" được. Nếu chúng ta làm như vậy, thì đó là không hiểu nhân quả, đảo gốc thành ngọn. Bên cạnh đó, trong các kinh Phật dạy cũng nhắc đi nhắc lại rằng "không được giết hại và phá thai".
Ví dụ, trong Kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Hộ Chư Đồng Tử Đà la ni có chép:
"Thế gian có năm điều khó diệt dầu có sám hối. Những gì là năm? 1) giết cha mình; 2) giết mẹ mình; 3) giết thai chưa sinh; 4) làm thân Phật chảy máu; 5) phá hòa hợp tăng. Những ác nghiệp như thế tội khó diệt.
Trong kinh "Phật thuyết nghiệp báo sai biệt" có đoạn nói: "Có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo đoản mạng: 1- Tự mình làm việc giết hại, 2- Khuyến khích kẻ khác làm việc giết hại...7- Hủy hoại thai tạng (tức tự mình phá thai), 8- Bảo kẻ khác hủy hoại (tức khuyên người khác phá thai)...mười nghiệp kể trên mang lại quả báo đoản mạng".
Để giúp bạn đọc, đạo hữu, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm Phật pháp lần lần tin sâu Tam bảo, chúng ta hãy cùng nghe và suy ngẫm câu chuyện dưới đây giữa đức Phật và Mục Kiền Liên đệ tử có thần thông bậc nhất và cũng là một trong mười đệ tử lớn của Ngài khi đề cập về vấn đề vong thai nhi được ghi lại trong kinh điển (cách ta nay 25 thế kỷ) để chúng ta cùng minh định và hiểu rõ thêm pháp này mà hướng đến giác ngộ-giải thoát cho các vong thai nhi vô tội. (xin được trích dẫn nội dung chánh văn câu chuyện này)
Theo kinh số 512, kinh Tạp A-hàm, tập II, bản dịch Tiếng Việt cùa HT. Thích Thiện Siêu và HT. Thích Thanh Từ (Viên nghiên cứu Phật học VN ấn hành 1994, tr 300) có kể về câu chuyện Mục Kiền Liên gặp một vong thai nhi lạ lùng (dưới đây là chánh văn):
" Ngài thấy một chúng sinh to lớn, toàn thân không có da bao bọc, chỉ là một khối thịt, đi trong hư không, bị quạ diều, kéc, kền kền, dã can chó sói rượt theo cấu xé để ăn; hoặc moi nội tạng ra khỏi xương sườn để ăn, thống khổ bức bách, kêu la, gào thét. Mục Kiền Liên nghĩ: chúng sinh này đã phải mang cái thân như vậy, mà sao còn phải chịu sự đau đớn vô ích như vậy".
Đức Phật nghe Mục Liên nói vậy, Ngài đáp:
"Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh Văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp sẽ thấy chúng sinh này, nhận định không có gì trở ngại; Ta cũng thấy chúng sinh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ đau dài".
Ngoài ra, trong kinh Phật thuyết Ưu Bà Tắc ngũ giới tướng, đức Phật nói:
"Nếu kẻ nào cố ý phá thai và thai bị chết, kẻ đó đã phạm tội không thể sám hối được vậy".
Thực tế chúng ta thấy, nghiệp phá thai đã tạo nên những vong thai nhi bất hảo. Ở Vạn Phật Thánh Thành, nơi Hòa Thượng Tuyên Hóa trụ trì, vì thương chúng, mà Tuyên Hóa thượng nhân đã làm những buổi lễ siêu độ vong linh, nhưng cố HT chỉ nói một cách rất khiêm tốn rằng: "Suốt đời tôi, tôi không bao giờ muốn tham gia việc chạy theo các lễ hội tụng kinh, sám hối, phóng diệm khẩu, thủy lục không, bởi tôi không đủ đạo hạnh. Đạo không đủ để cảm động người, đức không đủ để giáo hóa người. Chính mình còn chưa siêu độ được mình, thì làm sao có thể đi siêu độ các vong hồn?
Vì nạn phá thai gây nên những ác nghiệp khó lường, nên nhiều đối tượng phá thai đem lòng lo lắng, vì không hiểu chánh pháp đạo Phật nên đã chạy quàng, chạy xiên mời các thày bà ngoại đạo cầu siêu cho những vong thai nhi bất hảo đang hoành hành. Chính vì điều này mà ngẫu nhiên tiếp tay cho tệ nạn mê tín di đoan ra đời.
Từ thực trạng này, ngay khi đức Phật còn tại thế Ngài đã nói đây là việc rất "nguy hiểm" cho xã hội. Với sự vô minh và mê tín đó, nên ngày nay không những chỉ có các "trung tâm siêu độ vong linh" mọc lên rải rác khắp nơi, mà có cả "giá cả" ấn định tùy theo tình hình nữa. Ngay cả người tại gia cũng tham gia hành "nghề" này. Những người chuyên môn lấy việc siêu độ để kiếm tiền này thực sự là hàng ngoại đạo trà trộn vào ăn bám Phật pháp vậy! Phê phán về điều kể trên, cố HT. Tuyên Hóa cho rằng:
"Bây giờ là thời Mạt pháp (xa pháp), hàng bạch y tại gia và kẻ (ngoại đạo) tùy tiện thọ nhận đồ cúng dường của người khác, làm lễ siêu độ cho người khác, thâu tiền của người khác,(dựa Phật mặc áo, dựa Phật ăn cơm). Những kẻ tại gia mà lại có thể siêu độ người, thế thì ai sẽ siêu độ cho chính họ? Bởi vì sức công đức tu hành của người tại gia dù sao cũng không thể nào đắc lực bằng người xuất gia tu hành thanh tịnh. Nói chi người tại gia, ngay cà người xuất gia nếu mà không có đạo hạnh cũng đừng nói đến việc lễ sám, siêu độ vong linh. Còn nói về vấn đề siêu độ chân chính thì vẫn là khởi sự từ chính mình trước (tức đối tượng nạo phá thai nhi) rồi sau đó nương nhờ sự gia trì của Tam bảo và đức hạnh của vị Thầy mới được".
Y cứ vào kinh điển và lời nói theo chánh pháp của cố HT. Tuyên Hóa, ta thấy việc lễ sám, cầu siêu cho những vong linh nói chung và vong linh thai nhi bị phá bỏ vô tội quả thật là không dễ dàng . Bởi một lễ siêu độ đúng chánh pháp, ngoài phẩm vật cúng thí, người cúng (tức chủ lễ) cần phải có đạo hạnh, phẩm hạnh thanh tịnh mới đủ năng lực cảm hóa, khai thị được những vong thai nhi bất hợp tác, đầy sân hận - đối với người đã đoạt mạng sống của chúng.
Với khoa học ngày nay, những câu chuyện về tâm linh trong đời sống không còn là bí ẩn nữa. Bởi khoa học công nghệ phát triển hiện nay đã giúp cho những nhà khoa học khám phá ra được những điều vi diệu của Phật pháp và đời sống con người (trong đó có người cõi âm và các cảnh giới vô hình khác). Từ những thiết bị tối tân mà các nhà khoa học đã thấy được hành động thiện, ác của họ qua các linh ảnh và sóng âm thanh siêu tần số. Như vậy là nhân quả thiện, ác không bao giờ mất, nghiệp chướng mà chúng ta đã tạo tác cho các vong thai nhi vô tội theo duy thức học là tồn tại hiện hữu. Đưa ra những vấn đề tâm linh nói trên, người viết không có ý định quan trọng hóa vấn đề, cũng như nâng quan điểm để bạn đọc và đặc biệt là các bạn trẻ vì vô tình, hay hữu ý đã mắc phải sai lầm nạo phá thai phải sợ hãi, lo lắng, mà mục đích là để giúp các bạn nhận diện và hiểu được chánh pháp của đạo Phật để từng bước ngăn chặn việc xấu ác . Đây là việc làm hết sức nghiêm trọng bởi vô minh hoặc gây nên. Theo đó để chúng ta nương vào chánh pháp của đạo Phật mà chuyển hóa hay nói khác đi là để hóa giải chướng nghiệp xấu ác mà chúng ta đã tạo ra.
Một vài giải pháp (thay cho lời kết)
Như phần trên đã đề cập, nghiệp chướng và tội lỗi của việc nạo phá thai là rất nghiêm trọng, bởi các vong thai nhi vô tội sẽ không buông thả chúng ta. Nói như thế không có nghĩa là không còn giải pháp nào để chúng ta có cơ hội thay đổi mình trước những sai lầm đã phạm phải sao?
Theo các Tổ thầy dạy, trong giáo lý nhà Phật chỉ có Pháp Sám hối mới có thể chuyển được nghiệp xấu ác của mình đã tạo tác. Do giới hạn của bài viết, ở đây không thể nói rõ chi tiết đươc những điều cần phải sám hối. Nhưng điểm mấu chốt để khái quát được điều này đó là, chúng ta đã là người tạo nên ác nghiệp thì phải tin, và y vào chánh pháp của giáo lý đạo Phật để sám hối. Bởi chỉ có chánh pháp của Phật giáo mới làm được việc này. Và theo pháp sám hối thầy tổ dạy: Tội từ tâm tạo, thì sám hối cũng phải từ tâm khởi. Khi đã có niềm tin, đức tin vào Tam bảo, có nghĩa là mình đã nỗ lực làm một con người tốt, giữ 5 giới và hành 10 điều thiện (1). Làm được như vậy, lần lần chúng ta sẽ có phước đức và công đức. Và từ công đức đó, theo Tuyên Hóa Thượng nhân, thì các vong linh sẽ đương nhiên được ích lợi mà giải thoát. Trong Phẩm Nghi Vấn của kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn có chép rằng:
"Niệm niệm không gián đoạn là "công", tâm hành bình đẳng và ngay thẳng là "đức". Lại nữa, tu tự tánh là "công", tu tự thân là "đức". Chư Thiện Tri thức! Công đức phải thấy trong tự tánh, chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu được!" (chữ tu ở đây nên hiểu là tu sửa, sửa đổi lỗi lầm chứ không phải chỉ tu chùa).
Theo HT. Tuyên Hóa, chẳng phải nhất định là phải có tiền hoặc tụng vài bộ kinh mới có thể được lợi ích. Vậy mới có câu: "Tự tánh chúng sinh thệ nguyện độ", tức là chính ngay lúc tự độ đó là mình đang độ người rồi, ngay lúc độ người chính là đang tự độ vậy - hai bên chẳng có sự phân biệt ai trước ai sau.
Trong Phẩm Nghi Vấn của kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, còn chép rằng:
"Các chúng sinh trong tâm ta là tâm tà mê, tâm cuồng vọng, tâm bất thiện, tâm đố kỵ, tâm ác độc...các tâm như thế đều toàn là chúng sinh, mỗi mỗi phải tự tánh tự độ, đây gọi là chân độ vậy".
Y cứ vào Bảo Đàn kinh của Lục Tổ, có lần một người thỉnh vấn cố HT. Tuyên Hóa rằng, trong quá khứ mình đã giết hại hàng trăm hàng ngàn sinh mạng, như thế phải tụng Chú Vãng Sinh bao nhiêu biến (tức số lượt) mới hữu hiệu? Thượng nhân Tuyên Hóa trả lời: "Nếu ông cắt đứt ái dục, thì chỉ trì một câu thôi thì sự linh ứng đã phi thường rồi. Nếu ông chưa đoạn được lòng tham ái dục, thì dù tụng đến mười ngàn biến cũng chẳng công hiệu."
"Đoạn dục" không gì khác hơn là dạy chúng ta hãy cắt đứt phiền não, dứt trừ vô minh (mê lầm), dẹp bỏ tất cả tư dục, ái dục, cùng tánh nóng giận. Nếu chúng ta có thể đoạn trừ tư dục và lòng tham, rồi lại đem cái tâm thanh tịnh để tụng Chú Vãng Sinh, hoặc tụng kinh, thì đương nhiên sẽ có sự cảm ứng!
Thưa các bạn trẻ, tại sao cố HT. Tuyên Hóa và người viết bài này phải dẫn Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng, bởi biết đâu các bạn đã chót hơn một lần nạo phá thai và các vong thai nhi đang gây khó khăn cho các bạn; vì bất an hay lo lắng gặp thầy "tà", nên mong các bạn y pháp (tức chánh pháp của Phật giáo) thực hành và biết đâu đủ duyên "gặp được một bậc chân tu" không tham, không sân thì các hồn ma bé nhỏ đó có cơ hội được siêu độ.
Theo tinh thần của chánh pháp, cố HT. Tuyên Hóa cũng cho rằng: "Thật ra siêu độ được vong linh, quý vị cần phải có căn cơ, có đức hạnh (chỉ người thầy). Nếu quý vị có đức hạnh, thì đừng nói là tụng kinh hay niệm chú, chỉ cần quý vị phán một câu: "Hãy đi vãng sinh đi", thì cũng đủ cho vong linh đó được vãng sinh về thế giới an lạc rồi. Còn nếu quý vị đã không có đạo đức, lại càng không có sự hành trì (thực hành) gì cả, thì tôi hỏi quý vị: quý vị dựa vào đâu, và dựa vào cái gì... để siêu độ vong linh?."
Nhân đây cũng xin trích dẫn thêm một vài câu hỏi và trả lời giữa cố HT. Tuyên Hóa và các bạn trẻ xung quanh chủ đề này được ghi trong cuốn "Những vong thai nhi vô tội" của Hòa thượng, để chúng ta cùng chia sẻ. Và đây là câu hỏi của một bạn trẻ: " Bạch thầy, phá thai tạo nghiệp sát sinh. Vì con không được học giáo lý Phật, trước đây con đã phạm tội sát sinh mà không biết. Con có thể làm gì để đền bù lại nghiệp chướng của con? Hòa Thượng trả lời: - Bằng cách thêm nhiều việc phước thiện, bằng cách sám hối sửa đổi nhiều thêm, và bằng cách niệm danh hiệu Phật thường xuyên hơn. Không có điều tốt đẹp nào hơn là tự sửa đổi lỗi lầm của mình. Dầu cho tội của quý vị rất to lớn, đầy ngập trời, nếu quý vị thành tâm, xin nhắc lại là thành tâm ăn năn và sửa đổi, thì các tội lỗi dần dần sẽ tiêu sạch."
Một câu hỏi khác: "Có những người đã từng phá thai nhưng lại ngại ngùng sợ tốn tiền không lập bài vị để cầu nguyện cho vong thai nhi. Bạch HT, ngài nghĩ như thế nào về việc này? Có thực là những vong linh này có thể gây rắc rối không? Nếu như thế làm sao để điều phục những vong linh thai nhi này, và làm cho chúng an lạc? Đây là câu hỏi đưa ra nhiều ý tổng hợp. Và Hòa Thượng trả lời: Tốt hơn hết là không nên có bài vị. Tôi nói thế có nghĩa là gì? Người ta không nên phá thai ngay từ đầu; bằng cách ngăn ngừa phá thai thì không sát sinh, vì không sát sinh nên không cần bài vị. Thỉnh một bài vị cho một vong linh thai nhi là "lo cái ngọn mà quên gốc", và giống như "bịt tai để đánh chuông", vì đó là tự lừa dối mình. Những vong linh này có thể được siêu độ chăng? Món nợ này có thể giải quyết được chăng? Câu trả lời là không chắc. Vì thế, nên ngăn ngừa việc xảy ra hơn là hối hận về sau này. Trước khi kết hôn, không nên uống thuốc ngừa thai, hay giao hợp tình dục. Tại sao không thể đợi đến lúc kết hôn? Tại sao vội vàng như thế. Tại sao phải "yêu thử" trước hôn nhân?..."
Vấn nạn nạo phá thai nhi không còn là ở cấp độ cảnh báo nữa. Tất cả xã hội, các Bộ, ban ngành, gia đình, dòng tộc và mỗi chúng ta phải vào cuộc thật sự: Bởi ngày nay những người trẻ thích khiêu vũ, xem phim ảnh và ca hát. Họ hưởng thụ ăn uống, vui chơi và tìm khoái lạc. Những ham mê và hành vi dẫn đến sự mất nhân phẩm không còn có (tàm quý) nữa (1), theo Tuyên Hóa Thượng nhân, đã đến độ họ không còn ý thức việc họ là con người. Là người, phải có hành vi của người, nhưng họ lại giống ma quỷ - lén lút không tôn trọng luật lệ xã hội và gia đình..."
Để kết thúc bài viết nhỏ này, xin được mượn lời của cố HT. Tuyên Hóa Thượng nhân: "Tôi khẩn cầu mọi người, hãy ngưng lại việc phá thai! Hãy suy nghĩ xem, nếu những sinh linh trong bào thai chưa kịp chào đời đã trở thành những oan hồn; khắp nơi nhan nhản những hồn ma nhỏ bé phiêu bạt đòi mạng thì làm sao xã hội an ninh được? Những hồn ma nhỏ bé này cần phải gặp được những người có đạo hạnh và không "tham tiền", hay nói khác đi là chỉ có Chánh pháp của đạo Phật, thì mới siêu độ được những vong thai nhi bất hảo. Rất khó đối phó với những hồn ma nhỏ bé này! Rất khó giải quyết những vấn đề này. Vì vậy, với nghiệp chướng khắp nơi thì làm sao có thể hòa bình và hạnh phúc an lạc". Muốn thay đổi sự xấu ác này, chỉ bằng cách không phá thai, bằng cách không giết hại chúng sinh theo chánh pháp của nhà Phật.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
P. Quang Trung, Tp. Uông Bí, Quảng Ninh.
-----------------------
Chú thích: (1) Năm giới và Thập thiện là giáo lý của đạo Phật. (xin đọc thêm cuốn-Bước đầu học Phật của các HT. Thích Thiện Hoa và Thích Thanh Từ)
(2) Tàm quý: là từ theo Hán ngữ chỉ sự không biết xấu hổ.
Tài liệu tham khảo:
- Thí luận Tuyên Hóa Lão Hòa Thượng (đăng trên nguyệt san Vajra Bath Sea từ số 6- 1996 đến số tháng 10 -1997 (Trần Do Bân).
- "Những vong thai nhi vô tội" HT. Tuyên Hóa. Dịch từ nguyên bản Hoa ngữ và bản dịch Anh ngữ. Slide Show: http://www. Fajye. Com. Tw /edm /mov.home. html
- Bài: "Những số liệu kinh hoàng về nạo phá thai trên thế giới"- Đức Thiện - (phatgiao.org.vn, Thứ 5-ngày 24/11/2018)
- Hiển mật viên thông - Cư sĩ: Trần Giác, Tỳ kheo: Thích Viên Đức, Sa môn: Thích Đạo Chân - (chùa dược sư - Buôn mê Thuột- ấn hành Pl 2515 -1971).