;
Người trong cuộc đã hối lỗi ăn năn, sám hối, viết tâm thư. Người ngoài cuộc cũng cảm thấy có liên quan. Giới showbiz vẫn bình chân như vại, với họ mà nói scandal đã trở thành thói quen, thứ gia vị không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày. Dư luận các bên cũng bắt đầu lắng dịu. Xem ra chỉ có hình ảnh tăng đoàn là bị tổn hại nghiêm trọng, niềm tin nơi Phật giáo suy giảm đi ít nhiều.
Sau cơn khủng hoảng truyền thông, đây là lúc thích hợp để nhìn lại mọi việc một cách thấu đáo hơn nhằm rút ra bài học kinh nghiệm xương máu trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh sau này của Phật giáo.
1. Về mặt cá nhân người trong cuộc
Quý sư phạm lỗi đã có tăng đoàn giáo hội xử phạt theo giới luật. Song về mặt cá nhân tôi nghĩ quý sư cũng không ngờ một phút "bốc đồng" của mình lại để lại di họa khó tưởng tượng như vậy. Điều này xảy ra vì chúng ta đang sống trong một thế giới mở hơn rất nhiều. Internet góp phần phát tán thông tin đi với cấp lũy thừa. Internet không có tội, nó chỉ là phương tiện như bao phương tiện khác.
Trong những trường hợp thế này, đối với đương sự, phương án đối phó hay nhất là hãy xin lỗi và im lặng.Mọi phát ngôn dù nhỏ nhất sẽ bị mọi người đem ra mổ xẻ phân tích làm trầm trọng thêm vấn đề vốn rất trầm trọng.
2. Về mặt tăng đoàn giáo hội.
Sự lên tiếng của người đại diện tăng đoàn hoặc giáo hội là cần thiết một là thay lời người trong cuộc, hai là để trấn an dư luận, ba là để chủ trì công đạo.
Trong sự kiện này tăng đoàn đã xử lý rất tốt. Ngay sau khi có thông tin chư tăng Thiền viện Phước Sơn đã tiến hành lễ Tác pháp Yết Ma, cử tội chung đối với hai vị thì "cơn bão" đã có phần lắng dịu.
Tuy nhiên giáo hội cũng cần có người phát ngôn chính thức để tỏ rõ lập trường, thể hiện sự quan tâm của giáo hội đối với tăng chúng và các sự kiện xã hội
Đối phó với dư luận truyền thôn, giải trừ những nghi vấn của bà con Phật tử là một lẽ. Nhưng giáo hội cũng cần điều tra sự việc kỹ càng các nguyên nhân và đưa ra các đối sách phòng tránh các sự việc đáng tiếc sau này để tránh bị lợi dụng bởi ngoại đạo và giới truyền thông lá cải.
3. Về mặt truyền thông đại chúng
Đương nhiên chúng ta không thể cấm giới truyền thông khai thác các thông tin giật gân nóng hổi. Chúng ta không nên né tránh, cũng không được chỉ trích giới truyền thông. Né tránh sẽ khiến giới truyền thông tiếp tục khai thác, chỉ trích sẽ khiến họ đưa tin cay độc hơn. Cần nhìn thẳng vào sự việc một cách khách quan, nếu có lỗi hãy xin lỗi nếu có hiểu lầm hãy hợp tác với báo giới để đưa ra thông tin chính thức, rõ ràng có độ chính xác từ những người có liên quan.
Trong những tình huống như thế này các cơ quan ngôn luận truyền thông Phật giáo giữ vai trò rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí được xem là quyền lực thứ tư. Truyền thông có thể định hướng dư luận bởi thế người làm báo cần phải có tấm lòng vă sự kiên định. Báo chí cần độc giả, truyền thông cần sự kiện nhưng cách thức truyền tải thông tin đến người nghe cần phải cân nhắc. Thông tin càng nhạy cảm thì người đưa tin càng cần phải cẩn thận.
4. Về mặt Phật tử
Có nhiều quý vị Phật tử rất bức xúc và có những bình luận gay gắt. Điều này có thể hiểu được nhưng đứng ở góc độ người học Phật tu Phật thì điều này không có lợi cho cả bản thân nói riêng và Phật giáo nói chung. Trước tiên phải giữ bình tĩnh, tìm hiểu sự việc kỹ càng qua nhiều góc độ. Dư luận nói gì, người trong cuộc nói gì, kẻ liên quan nói gì. Nếu nhận định sai dẫn đến bình luận thiếu suy nghĩ không giúp ích gì được đã đành mà còn đổ dầu thêm lửa. Sự mất tỉnh thức trong trường hợp này rất dễ bị ngoại đạo và giới truyền thông lá cải khai thác lợi dụng.
Khi bày tỏ ý kiến bằng các bài viết hoặc bình luận cần xem xét lại tâm mình xem xuất phát điểm từ đâu? Nếu là vì cái chung vì lòng từ bi mà góp ý thì rất nên làm; nếu chỉ vì bức xúc nhất thời, thỏa mãn cơn giận hoặc hùa theo đám đông thì không nên chút nào. Phật tử nói điều cần nói, làm điều cần làm và im lặng khi cần thiết là nói năng như chánh pháp, hành xử như chánh pháp.
Hồng Hòa Vi - Người áo lam