;
Vì vậy sự niệm Phật của họ không hợp với bản ý của đức Thế Tôn. Thử kiểm điểm lại, ta sẽ thấy:
* Có những vị đi chùa thấy người niệm Phật cũng bắt chước niệm theo, hoàn toàn không chủ định. Hành động này tuy cũng gieo căn lành phước đức về sau, nhưng không hợp với bản ý của Phật.
* Có những vị niệm Phật nguyện cho tiêu tai khỏi nạn, cầu gia đình khỏe mạnh bình yên, việc sinh hoạt càng ngày thêm thạnh vượng. Nguyện cầu như thế cũng tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.
* Có những vị đời sống gặp nhiều cảnh không vừa ý, sanh nổi u buồn phẩn chí, niệm Phật cầu cho mình hiện tại và kiếp sau không còn gặp cảnh ấy nữa, sẽ được xinh đẹp vinh hoa, mọi việc đều thuận lợi như ý. Cầu như thế cố nhiên vẫn tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.
* Có những vị cảm thấy cuộc sống trần gian không điều chi hứng thú, dù cho sang giàu quyền thế cũng còn nhiều lo lắng khổ tâm. Họ hy vọng dùng công đức niệm Phật để kiếp sau được sanh lên cõi trời, sống lâu nhàn vui tự tại. Cầu như thế cũng là điều tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.
* Lại có những vị, nghĩ mình tội chướng đã nhiều, trong một kiếp này dễ gì giải thoát, nên niệm Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, xuất gia tu hành, làm bậc cao tăng ngộ đạo. Cầu như thế có thể gọi là xuất cách, nhưng còn thiếu trí huệ và đức tin, cũng không hợp với bản ý của Phật.
* Vậy niệm Phật thế nào mới hợp với bản ý của Phật?
- Đức Thế Tôn thấy rõ pháp hữu vi đều vô thường, tất cả chúng sanh vẫn sẵn đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng do bởi mê bản tâm nên tạo ra nghiệp hoặc, mãi chịu sống chết luân hồi. Dù cho được sanh lên cõi trời, khi hưởng hết phước rồi, cũng bị sa đọa. Vì thế, bản ý của đức Thế Tôn muốn cho chúng sanh do nơi pháp môn Niệm Phật, sớm thoát khỏi khổ sanh tử luân hồi.
Chư Phật trong nhiều a tăng kỳ kiếp đã từng huân tu phước huệ, nếu kẻ nào xưng niệm hồng danh của Như Lai, sẽ được vô lượng vô biên công đức. Lại, đức A Di Đà Thế Tôn đã lập thệ: Nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài cầu về Cực Lạc, kẻ ấy khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, chứng lên ngôi bất thối chuyển. Đem công đức vô lượng của sự niệm Phật, mong cầu những phước lợi nhỏ nhen ở cõi người, cõi trời mà không cầu vãng sanh giải thoát có khác chi trẻ thơ đem hạt châu ma ni vô giá đổi lấy viên kẹo để ăn? Như thế thật là phí uổng không xứng đáng chút nào! Lại nguyện lực của Phật rất lớn, người nào nghiệp chướng dù nặng mà chí tâm niệm Phật ngay một đời nầy cũng được tiếp dẫn vãng sanh. Cầu đời sau làm cao tăng ngộ đạo, là thiếu trí huệ và đức tin, làm sao bảo đảm bằng hiện đời sanh về Tây Phương, thành bậc Bồ Tát ở ngôi bất thối chuyển? Cho nên bản ý của đức Thế Tôn là muốn cho chúng sanh niệm Phật để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, và sự giải thoát ấy lại có thể thật hiện ngay trong một kiếp.
Nhưng tại sao chúng ta cần phải thoát vòng sống chết luân hồi?
- Đó là vì ở trong nẻo luân hồi chúng ta xác thật đã chịu nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Nếu người học Phật mà không để tâm như thật quán sát nỗi thống khổ ấy, thì dù học Phật cũng không được kết quả tốt, bởi không có tâm lo sợ cầu thoát ly. Kinh nói: "Nếu tâm lo sợ khó sanh, tất lòng thành khó phát." Đức Thế Tôn khi xưa thuyết pháp Tứ Diệu Đế cho năm người nhóm ông Kiều Trần Như, trước tiên đã nói về Khổ Đế, vẫn không ngoài ý này. Vậy chúng ta thử y theo thuyết Khổ Đế của đức Phật đã chỉ dạy, mà quán sát nỗi thống khổ của kiếp người. Như thế ta sẽ có được một quan niệm rõ hơn: "Tại sao mình lại cần phải mau thoát vòng luân hồi sanh tử?"
Trích Niệm Phật Thập Yếu của HT Thích Thiền Tâm