;
Vượt rào, không vượt nổi số phận
Bẵng đi đến vài năm, tôi mới gặp lại Vũ Bích Hường, kể từ hồi chị treo giày nghỉ hẳn vận động viên. Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, vì qua điện thoại, chị dặn "đến nhà cứ đẩy cửa mà vào, chị không ra mở được" nhưng nhìn thấy chị, tôi vẫn sốc.
Nữ hoàng điền kinh Vũ Bích Hường
Người đàn bà sức vóc, vâm váp ngày nào được coi như "thú hoang" trên đường chạy, tôi vẫn nhớ từng thớ cơ đùi của chị cuồn cuộn lúc qua rào, bây giờ lại nằm rúm ró ở một góc phòng, xung quanh ngổn ngang những túi chườm đa năng, phim X-quang, cả tấm ảnh chân dung hồi chị còn sung sức...
Chân trái chị thẳng đơ, teo gần hết thịt, lấy tay cấu thật mạnh cũng chỉ hơi tê tê. Khó nhọc lắm, chống cả hai cùi tay xuống chiếu để nâng phần lưng bụng đang phải đeo đai cố định, chị mới ngồi lên được để dựa vào tường. Chị bảo như thế này là đỡ lắm rồi, chứ cách đây vài tháng thì chỉ có nằm tại chỗ.
Chị bị tai nạn từ trước Tết âm, đúng ngày 20 tháng Chạp. Chỉ có đi xe máy bị tạt đầu, phanh gấp, ngã ngồi xuống đất, thế mà ra nông nỗi ấy.
Oái oăm ở chỗ thoạt đầu, chị chỉ thấy chân đau nhức mà không để ý cái lưng. Ai ngờ đốt sống số 4 và số 5 lệch ra, sập xuống, chèn ép dây thần kinh, nó cho chị đi lại thêm được 2 hôm nữa rồi qụy hẳn.
"Đêm ấy tôi đi ngủ vẫn không có chuyện gì. Nhưng sáng hôm sau, tỉnh dậy, không sao bước nổi cái chân xuống đất nữa, tôi biết hỏng rồi"... Ai rơi vào cảnh liệt giường cũng đều bất hạnh, nhưng người chạy cả đời như chị mà phải nằm một chỗ thì đúng là "thà chết có khi còn dễ chịu hơn".
Vũ Bích Hường (sinh năm 1969) là một tượng đài của thể thao Việt Nam thời kỳ hội nhập cùng khu vực. Chị là người đầu tiên giành được một tấm HCV điền kinh tai SEA Games (1995), ở nội dung 100 m rào nữ. Người ta bảo một vàng điền kinh có giá trị bằng nhiều vàng khác như Wushu, đá cầu... vì điền kinh là môn Olympic, là bộ mặt của thể thao quốc gia.
Chuyện Bích Hường thành cô gái Vàng cũng có nhiều tình tiết ly kỳ. Hường chơi chạy vượt rào từ năm 16 tuổi, đến 18 tuổi đã phá kỷ lục quốc gia (năm 1987). Nhưng ngày ấy, chỉ bóng đá là Vua thì có khán giả, còn điền kinh, tiếng là Nữ hoàng nhưng chẳng ai xem. Chán nghề, Hường rẽ ngang đi lấy chồng.
Hiện tại hoàn cảnh của chị rất khó khăn, bản thân chị đang dưỡng bệnh tại nhà
Chồng của chị trước là công nhân lắp xe ca, nhưng hết thời bao cấp, anh thành ra thất nghiệp. Hai vợ chồng sinh đứa con đầu lòng, trong túi không còn một xu, nghề ngỗng cũng chẳng có gì. Hường quay lại đường chạy, cố gắng kiếm một cái bằng huấn luyện.
Để có bằng huấn luyện thì phải đi học, mà chỉ có kiện tướng đi học mới không phải đóng tiền. Hường nhảy tàu vào Nam thi kiện tướng. Thi đỗ. Đỗ xong, đi học, lại thấy có thành tích nên Hường tái xuất giang hồ. Ai ngờ,"gái một con” phất lên vùn vụt.
Ngay ở mùa đầu tiên chơi lại, Vũ Bích Hường đoạt luôn HCV giải vô địch quốc gia (1992). Một năm sau, chị giành huy chương đồng SEA Games. Và đến năm 1995, như đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam, chị khiến cả Đông Nam Á sửng sốt khi vượt qua huyền thoại Elma Muros người Philippnes để lấy Vàng.
Càng vinh quang lắm, càng oan trái nhiều
Trước khi bị nạn, Vũ Bích Hường chưa bao giờ có một ngày nghỉ nào đúng nghĩa. Nằm một chỗ mấy tháng liền, chị bỗng sinh ra triết lý. "Ông trời cho cái nọ thì phải mất cái kia. Chắc vì tôi có sự nghiệp vinh quang quá nên gia đình phải gánh cái thiệt thòi"
Những ngày Bích Hường ngoài ba mươi tuổi vẫn miệt mài thắng hết đàn em này đến đàn cháu khác ở các giải quốc gia, chị còn tranh thủ sinh thêm con trai thứ hai. Không may, cháu mắc chứng tự kỷ.
"Chuyện này tôi nói ra không phải để oán thán ai cả, chung quy cũng tại mình thiếu thời gian chăm sóc con, nhưng thật sự là cháu nó mắc bệnh oan. Lúc đẻ ra, nó thông minh, sáng láng. Nhưng đi nhà trẻ, nó bị cô giáo phạt nhét vào nhà xí nhiều quá, thành ra hoảng loạn. Cộng thêm đúng đợt ấy tôi đưa nó đi cắt bao quy đầu, nên nó sợ hãi đến mức sun cả dây thần kinh lại", chị Hường kể giọng đầy ân hận.
Thế là chị hỏng mất một đứa con. Vợ chồng chị đổ bao nhiêu tiền chạy chữa, thuốc thang cho cháu nhưng cũng không kết quả. Bây giờ, cháu đã học hết lớp 4, nhưng suốt ngày chỉ thích đánh game.
Chị rầu rĩ: "Chiều nó thì làm nó bệnh thêm, nhưng không chiều nó thì nó phá. Tôi nằm một chỗ như thế này, mà có hôm nó tức lên, đá tôi một phát trúng vào lưng mà tê râm ran hết một nửa bên người. May mà con dâu nó có nhà, gọi được cấp cứu"
Những lúc cơ cực này, chị Hường mới thấy thèm khát trong nhà có bóng dáng người chồng. Nhưng nghiệt ngã thay, anh lại ra đi sớm quá.
Chồng chị mất hơn 3 năm về trước vì ung thư phổi."Nhìn anh ấy, chẳng ai nghĩ là người có bệnh. Anh nặng hơn 90 cân, cao to, lực lưỡng".
Chị nhớ mãi một đêm tháng 9, chồng chị bỗng nhiên thất thanh gọi chị từ trên gác xuống. Anh mọc một cái hạch to như quả ổi ở vai. Chị đưa anh đi sinh thiết, rồi giấu anh khóc đến cạn nước mắt khi nhận kết quả "dính K". Sau hôm đó, chị bán căn nhà đang ở, đi thuê tạm một chỗ khác để chữa trị cho anh. Nhưng anh cũng chỉ sống thêm với chị được 9 tháng nữa trong đau đớn.
Chồng chết, một mình chị Hường gánh vác cả gia đình. Con trai lớn của chị cũng theo nghiệp chạy rào như mẹ, nhưng chế độ của cháu cũng chỉ vừa xoẳn trang trải cho bản thân. Con dâu chị tốt nghiệp trung cấp, không có việc làm, chạy vạy mãi mới tìm được một chân bán hàng thuê với đồng lương bèo bọt. Hai vợ chồng không đủ nuôi đứa con gái 4 tuổi, chị Hường phải chu cấp luôn cho cả cháu lẫn con bệnh tật.
"Cả nhà trông vào có mỗi mình tôi, thế mà ông trời bắt tội tôi thế này, quả tình là không biết trông vào đâu để sống". Chị Hường quanh quẩn ở xó nhà, chỉ biết nước mắt vòng quanh. Người đàn bà "thép"như chị mà phải nói đến nước mắt là khổ tâm vô cùng tận.
Đúng đợt chị đau bò lê bò càng thì bên thuê nhà"trát"đến một cái giấy đòi nợ 279 triệu đồng. Căn hộ đang ở là chị được Sở TDTT Hà Nội đặc cách cho mua theo diện "nhà xã hội" chỉ phải đóng 20% đã được nhận nhà. Tính ra, mỗi tháng chị phải trả góp 7 triệu rưỡi, còn nếu mua "đứt"một lần thì đóng 880 triệu đồng nữa.
'Tôi đã trả được tháng nào đâu. Vừa nhận nhà thì chồng ốm, con bệnh, cả nhà trông vào chế độ của tôi tháng được 8 triệu đồng, ăn là vừa hết, lấy gì ra mà lo công nợ?"!
Chị Hường bảo mấy tháng nay, nếu không có anh chị em vận động viên cùng thời xúm vào trợ giúp thì chị cũng không biết xoay xở làm sao. Tiền viện phí của chị, bên Sở lo cho hết. về nhà, bạn bè lại giới thiệu chị đi châm cứu phục hồi tận Hưng Yên, tuần 2 buổi, họ đỡ cho từ tiền taxi tới tiền thuốc.
Nhờ gặp thầy gặp thuốc, từ chỗ đặt đâu nằm đấy, giờ chị đã nhúc nhắc ngồi lên được. Thầy thuốc bảo vài tháng nữa sẽ có thể chống nạng tập đi.
"Nghĩ đời nó tủi, trước tôi lúc nào cũng khát khao phải nhanh nhất, mạnh nhất, bây giờ chỉ ước ao mình có cái chân đi được như người bình thường. Phải đi được thì mới kiếm tiền được chứ, tôi là bà nội rồi nhưng vẫn là lao động chính trong nhà".
Theo Anh Đức/ Người giữ lửa
Nguồn: http://8showbiz.com/tsbdetail/360do/nu-hoang-dien-kinh-vu-bich-huong-gio-nam-liet-giuong-nuot-nuoc-mat.24345/