;
Anh Hải đang trao lại túi đồ bị thất lạc cho chủ nhân. |
Thỉnh thoảng đọc trên báo, tôi rất vui và nhẹ lòng khi đọc những mẩu tin về người tốt việc tốt. Thế nhưng không hiểu sao, trên các báo, những bài viết tốt đẹp ấy toàn lặn xuống chân trang, hoặc bị tòa soạn đưa vào góc khuất, để dành chỗ trang trọng hơn ưu tiên cho tin cướp giết đâm chém, tham nhũng tiêu cực. Hình như mỗi khi nói về điều tốt, người ta thường cảm thấy…xấu hổ hay sao ấy. Thật kỳ lạ.
Sáng nay tôi đọc trên báo Tiền Phong một câu chuyện tốt, đó là một nhà báo trên đường đi công tác ở Sơn La, cô để quên một túi xách ở một quán ven đường, trong đó có một máy tính Ipad trị giá 15 triệu đồng cùng với 5 triệu đồng tiền mặt và một số vật dụng có giá trị. Đi được khoảng hơn 120km cô mới phát hiện mình quên túi xách và khi đó đã hơn 10h đêm.
Đang chưa biết làm sao thì bất ngờ, cô được nhận lại chiếc túi xách “nguyên đai nguyên kiện” từ một người đàn ông lạ mặt. Hóa ra, anh đi chuyến xe sau đó, cũng ghé vào quán, chị chủ quán nhờ anh đuổi theo để trả lại túi xách cho chủ nhân.
Người đàn ông đó đã đuổi theo người để quên đồ hơn 100km trong đêm tối, anh bảo, nếu không tìm được chủ nhân, anh sẽ lần tìm theo thông tin trong điện thoại, trong túi xách để trả bằng được. Anh không chịu nhận quà “cảm ơn”, anh cho biết mình tên là Chu Trọng Hải, sống tại số nhà 107 B8 Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Câu chuyện về việc làm tốt đẹp của anh Hải làm buổi sáng ngày đặc biệt- ngày tận thế 21/12/2012 theo dự đoán của người Maya trở nên tươi đẹp nhẹ nhàng. Cho dù hôm nay có là ngày tận thế, thì tôi cũng không cảm thấy quá sợ hãi, vì dẫu tất cả cùng nhau bắt đầu cuộc hành trình về một thế giới nào khác, thì ở đâu đó, vẫn có nhiều người tốt. Và ở chỗ nào có người tốt, có những người luôn sống đúng với phẩm chất con người, thì quanh họ lúc nào cũng là thiên đường, là hoa thơm, là nắng đẹp.
Thật ngưỡng mộ những người không tham của đánh rơi, và lại còn quyết tâm tìm lại người mất để trả. Họ là người có tấm lòng cao cả, bởi họ biết, người mất đồ có thể đang rất thất vọng và một thứ quan trọng hơn đang mất đi, đó là mất niềm tin.
Tôi hay bạn, phải đến 99% trong chúng ta trong cuộc sống hôm nay đều tin rằng, nếu mình làm rơi, làm mất thứ gì thì mình sẽ không bao giờ còn cơ hội nhận lại nữa. Vì cuộc sống khó khăn, đạo đức sa sút, “hoàn cảnh xô đẩy” khiến nhiều người dù luôn có ý thức cố gắng giữ gìn thiên lương vẫn nhiều khi “tặc lưỡi”.
Chính bởi vì mất niềm tin vào sự lương thiện và trung thực của con người, nên nhiều khi chúng ta buông xuôi, “tặc lưỡi” bỏ qua một việc tốt, nghĩ rằng một mình mình làm việc tốt thì có ý nghĩa gì đâu trong cả biển đời đen bạc ngoài kia. Điều đó thực sự nguy hiểm.
Chúng ta rồi sẽ bị nhấn chìm trong cái suy nghĩ ấy. Vì thế mà tôi ngưỡng mộ và kính trọng những người như anh Hải và rất nhiều những người tốt khác trong xã hội.
Họ là những người bơi ngược dòng. Họ giống như con cá nhỏ, cố tình bơi ngược dòng nước để đem lại cho những chú cá khác, đang chấp nhận buông xuôi một chút niềm tin. Tôi rất mong những bài báo về người tốt việc tốt xuất hiện nhiều hơn báo chí, và xuất hiện một cách đàng hoàng, đĩnh đạc ở vị trí cover cho số báo chứ không phải dấm dúi ở một góc úi xùi nào đó.
Tôi mong các cô giáo, thay vì giảng cho trẻ con những bài học đạo đức xơ cứng giáo điều trong sách giáo khoa, hãy sưu tập những bài báo viết về người tốt việc tốt như thế này, để đọc cho trẻ nghe.
Nếu làm được điều đó, tức là người lớn chúng ta đang mỗi ngày tưới lên những mầm cây thiện, cây nhân trong lòng lũ trẻ, để chúng xây dựng niềm tin vào cuộc đời. Thế hệ chúng ta có thể phần nào đó hỏng rồi, nhưng không bao giờ chúng ta được phép lơ là trách nhiệm với tương lai.