;
Con đường đi ra khỏi phiền não khổ đau được mệnh danh là “thiết thực hiện tại” (sanditthika), tức phương pháp tu tập có hiệu quả tức thời, khiến cho người thực hành đạt được thân khỏe tâm an, thoát khỏi tâm khổ tâm ưu ngay trong giây phút hiện tại. Đó chính là diệu dụng của Phật pháp mà bất kỳ người nào biết cách ứng dụng thì đều cảm nhận được, dù đang ở đâu và trong hoàn cảnh nào; vì đó là sự tự do của tâm thức. Đức Phật gọi đó là trạng thái không tham, không sân, không si, sự thanh thản, an lạc của tâm thức thoát khỏi sự đeo bám và chi phối bởi tham-sân-si. Đó là tâm giải thoát, tâm an lạc, không sầu, bi, khổ, ưu, não, hiện diện ngay đây và bây giờ.
Theo lời Phật thì tâm của chúng sanh là chói sáng và thanh tịnh; chỉ do duyên bên ngoài tác động vào mà nó bị mê mờ và ô nhiễm1. Do duyên bên ngoài tác động nghĩa là do sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà tâm bắt đầu chuyển động và biến thể. Nói cách khác, tâm vốn thanh tịnh, vắng lặng, không ô nhiễm, không dao động, không phiền muộn, không khổ đau; chỉ do sự tác động của sáu căn và sáu trần mà nó trở nên vương vấn hệ lụy dẫn đến các phản ứng, hoặc vui buồn hoặc yêu ghét hoặc lạc khổ… khiến cho tập khí tham-sân-si dấy khởi và chi phối. Một khi tâm bị tham- sân-si chi phối thì nó trở nên mê mờ, dao động, căng thẳng, rơi vào mệt mỏi, phiền muộn và khổ não; hết thảy mọi hành vi do tâm ấy dẫn dắt đều trở nên sai lầm và đưa đến khổ đau.
Vì vậy, mục đích của đạo Phật là giúp con người thoát khỏi tham-sân-si, tức các tập khí ô nhiễm gây phiền não khổ đau trong nội tâm đồng thời mở lối cho các hành vi sai trái xấu ác khiến cho phiền não khổ đau tiếp tục diễn ra. Để thực hiện điều đó, đạo Phật đưa ra nhiều cách thức tu tập khác nhau, cốt yếu là nhằm ngăn chặn và loại trừ tham-sân-si, gốc rễ của phiền não khổ đau. Khi tham-sân- si được chế ngự và loại trừ thì ngay lập tức phiền não khổ đau sẽ được khắc phục và loại trừ. Nói cách khác, khi nào tâm không bị tham-sân-si chi phối thì lúc bấy giờ tâm trở nên tự do, giải thoát, thanh thản, an lạc. Đạo Phật gọi giây phút đó là “thời giải thoát” (samayavimutti), “hiện tại lạc trú” (ditthadhammasukhavihàra) hay “tịch tịnh trú” (santavihàra), tức sự thanh thản, an lạc, không lo âu, phiền muộn, không sầu não của tâm thức do vắng bóng tham- sân-si. Kinh Tăng Chi Bộ lưu một cuộc đàm đạo ngắn giữa Đức Thế Tôn và một vị Bà-la-môn trong đó Đức Phật xác định rất rõ pháp của Ngài là thiết thực hiện tại:
“Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm… Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
– Pháp là thiết thực hiện tại, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
– Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, … tâm khổ, tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại… không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại… tự mình giác hiểu.
Bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, … tâm khổ, tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại… không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại… tự mình giác hiểu”2.
Mẩu đàm đạo trên cho ta hiểu thế nào pháp là thiết thực hiện tại. Đó chính là sự ly tham, ly sân, ly si trong nội tâm, tức một tâm tư nhờ tu tập và hành trì theo giáo pháp của Phật mà rời bỏ được tham-sân-si, trở nên thanh thản, an lạc, thoát khỏi khổ ưu, không nghĩ đến hại mình, hại người, hại cả hai. Đó là thiện tâm được Phật pháp đánh thức và vận hành theo chiều hướng khiến tăng trưởng các thiện pháp và giảm thiểu các bất thiện pháp3, đạt đến trong sáng, thanh tịnh, hân hoan, thanh thản, an lạc, không ô nhiễm, không phiền não, không khổ ưu. Nói cách khác, đó là một tâm tư nhờ hành trì giới đức và thiền định mà thoát khỏi dục tầm, sân tầm, hại tầm hay dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy, thoát khỏi mọi suy tính sai lầm và trạng huống căng thẳng mệt mỏi, cảm nghiệm sự thanh thoát an lạc trong từng giây phút đi qua mà không một chút vấn vương, không một chút buồn phiền, hối tiếc, ray rứt, hy vọng hay thất vọng. Đó là thực tại an lạc của tâm thức đạt được do an trú trong giáo pháp hiền thiện của Phật khiến cho tham-sân-si không có điều kiện dấy khởi; hay sự thanh thản, hân hoan, an lạc của tâm thức đạt đến trong sáng, thanh tịnh, vắng lặng, không còn bị chi phối và sai sử bởi năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ). Tính chất thiết thực của giáo pháp Giới-Định-Tuệ hay diễn tiến an lạc của tâm thức nhờ sống theo pháp giác ngộ của Phật được Thế Tôn minh định rất rõ qua cuộc thỉnh vấn của Tôn giả Ànanda4:
– Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, các thiện giới có ý nghĩa không có hối tiếc, có lợi ích không có hối tiếc.
– Nhưng bạch Thế Tôn, không có hối tiếc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, không có hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.
– Nhưng bạch Thế Tôn, hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.
– Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.
– Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có ích lợi an lạc.
– Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.
– Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.
– Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham.
– Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ànanda, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.
– Như vậy, này Ànanda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham. Nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ànanda, các thiện giới thứ lớp dẫn tới tối thượng. Như vậy, này Ànanda, các thiện giới thứ lớp đưa đến tối thượng.
Đức Phật cũng xác nhận rất rõ kết quả lợi lạc hết sức hiển nhiên của công phu tu tập giáo pháp Giới-Định- Tuệ hay diễn tiến hạnh phúc an lạc của nếp sống phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức hướng đến cứu cánh giác ngộ. Với người hành trì giáo pháp của Phật thì mỗi bước đi của công phu tu tập chính là mỗi bước đi của thực tại giải thoát, của tâm thức an lạc:
“Và này cácTỳ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không cần phải làm với dụng ý rằng: ‘Mong rằng không hối tiếc sẽ sanh khởi nơi ta’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không hối tiếc sanh khởi. Này các Tỳ-kheo, với người không hối tiếc, không cần phải làm với dụng ý rằng: ‘Mong rằng hân hoan sẽ sanh khởi nơi ta’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người không hối tiếc, hân hoan sanh khởi. Này các Tỳ-kheo, với người hân hoan, không cần phải làm với dụng ý rằng: ‘Mong rằng hoan hỷ sẽ sanh khởi nơi ta’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người có hân hoan, hoan hỷ sanh khởi. Này các Tỳ-kheo, với người có ý hoan hỷ, không cần phải làm với dụng ý rằng: ‘Mong rằng thân ta được khinh an’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ- kheo, với người có ý hoan hỷ, thân được khinh an. Này các Tỳ-kheo, với người có thân khinh an, không cần phải làm với dụng ý rằng: ‘Mong rằng ta cảm thọ an lạc’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người có thân khinh an, an lạc được cảm thọ. Này các Tỳ-kheo, với người có an lạc, không cần phải làm với dụng ý: ‘Mong rằng tâm ta được Thiền định’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người có an lạc, tâm được Thiền định. Này các Tỳ-kheo, với người có Thiền định, không cần phải làm với dụng ý: ‘Mong rằng ta biết, ta thấy như thật’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người có tâm Thiền định, biết và thấy như thật. Này các Tỳ-kheo, với người biết và thấy như thật, không cần phải làm với dụng ý: ‘Mong rằng ta sẽ nhàm chán, ta sẽ ly tham’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người biết và thấy như thật, nhàm chán và ly tham. Này các Tỳ-kheo, với người nhàm chán, ly tham không cần phải làm với dụng ý: ‘Mong rằng ta sẽ chứng ngộ giải thoát tri kiến’. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ-kheo, với người nhàm chán, ly tham, chứng ngộ giải thoát tri kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các pháp khiến cho các pháp khác tăng thịnh; các pháp khiến các pháp khác viên mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia”5.
Như vậy, pháp của Phật được mệnh danh là thiết thực hiện tại vì đó phương pháp có khả năng ngăn chặn và loại trừ tham-sân-si, căn nguyên của phiền não khổ đau. Tham-sân-si là gốc rễ của phiền não khổ đau; chúng tiềm ẩn trong tâm chúng sanh gọi tùy miên (anusaya), và khi có điều kiện dấy khởi thì chúng quấy rầy tâm tư, khiến cho tâm thường xuyên rơi vào tình trạng dao động và quay cuồng, trở nên mê mờ, căng thẳng, phiền muộn và mệt mỏi. Mặt khác, chúng là nguyên nhân của các hành vi xấu ác bất thiện đưa đến kết quả khổ đau. Vì vậy một khi tham-sân-si được ngăn chặn và loại trừ thì lúc bấy giờ phiền não khổ đau vắng mặt, cũng đồng nghĩa là an lạc xuất hiện, tâm đạt đến “thời giải thoát”, “hiện tại lạc trú” hay “tịch tịnh trú”, tức tâm thức đạt đến thanh thản an lạc, vắng bóng mọi phiền não khổ đau ngay đây và bây giờ.
Về phương pháp tu tập nhằm ngăn chặn và loại trừ tham-sân-si khiến cho tâm trở nên thanh thản an lạc, thoát ly phiền não khổ đau, đạo Phật nói đến khả năng nhận diện và hạn chế các điều kiện (các duyên) khiến cho tham-sân-si không có lý do dấy khởi quấy rầy tâm tư. Mặc dù được xem là gốc rễ của phiền não khổ đau, tham-sân-si chỉ là các hiện tượng do duyên sanh, không có tự tánh độc lập, phải nương vào ngoại duyên mới hiện hữu và tồn tại. Tham là một hiện tượng tâm lý xuất hiện khi sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khả ái, hấp dẫn. Sân là một hiện tượng tâm lý phát sinh do không đạt được điều mình mong muốn hay khi đối diện với các vấn đề không khả ái, không thích ý, không hấp dẫn. Si cũng là một hiện tượng tâm lý hiện diện bởi sự mê mờ, tâm dao động, do dự, thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh giác. Vì vậy, đạo Phật đề xuất pháp môn phòng hộ các căn (indriyesu samvarana) nhằm hạn chế các điều kiện (các duyên) khiến tham-sân-si được ngăn chặn và dần dần đi đến tiêu trừ. Kinh Phật đưa ra lời khuyên như vầy:
“Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn”6.
Thứ nhất là tập cho tâm không bị khuấy động bởi các đối tượng tiếp xúc gọi là không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Nghĩa là tâm chỉ ghi nhận các đối tượng do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc mà không để cho các đối tượng lôi cuốn, không chạy theo các đối tượng, không đi sâu vào nhận thức các đối tượng, không suy tư, ước lượng, đánh giá, không khởi niệm phân biệt tốt-xấu, hơn-thua, được- mất khiến cho tham (abhijjhà) và ưu (domanassa) có điều kiện dấy khởi. Đây là biện pháp trực tiếp chặt đứt các duyên khiến cho tham-sân-si không có lý do sanh khởi, được chận đứng, được loại trừ hoàn toàn mà kinh Phật gọi là “trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”7. Tất nhiên đây là cứu cánh của pháp môn phòng hộ căn môn, tức khả năng dứt bặt ngay lập tức các ngoại duyên khiến cho tham-sân-si được chận đứng và tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp năng lực tâm thức chưa đủ mạnh để loại bỏ ngay các ngoại duyên thì việc phòng hộ các căn, tức sự hạn chế và ngăn tránh các duyên (nhận ra các nguyên nhân hay lý do khiến tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên để chế ngự các căn môn) cần phải được áp dụng.
Nhìn chung, sở dĩ pháp của Phật được gọi là thiết thực hiện tại vì đó là phương pháp tu tập cụ thể và minh triết do bậc Giác ngộ trực tiếp giảng dạy, có công năng giúp cho người hành trì giảm thiểu và chấm dứt hoàn toàn mọi trói buộc, phiền não, khổ đau, đạt được tâm giải thoát, tâm thanh thản, tâm an lạc ở mọi lúc và mọi nơi. Đó là một tâm tư không bị trói buộc, không bị chi phối, không bị quấy rầy, không rơi vào phiền muộn khổ đau bởi tham-sân-si. Đó là một tâm tư rời xa các vọng niệm và vọng tưởng, không bị ám ảnh bởi các ký ức và toan tính gắn liền với tham dục, sân hận và tà kiến, trở nên trong sáng, thanh thản, hoan hỷ, an lạc. Đó là một tâm tư không khởi niệm phân biệt, không tư lường, không phán xét, không rơi vào thuận ứng nghịch ứng, đạt đến tịch tịnh, quân bình, hài hòa, buông xả, giải thoát. Nói cách khác, đó là một tâm thức hoàn toàn tỉnh giác, thấy rõ tính chất duyên sinh, hư huyễn của các pháp, không vọng động, không tư niệm, không vướng lụy đối với mọi thứ đang diễn tiến, đạt đến tự do, giải thoát, thanh thản, an lạc.
Kinh Tương Ưng Bộ chép một cuộc đàm đạo ngắn giữa Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trong đó Tôn giả Sàriputta xác nhận rất rõ các pháp ở đời (các căn và các trần) vốn không ngăn ngại, không hệ lụy, không trói buộc lẫn nhau; chỉ do lòng người vọng động mà tham- sân-si phát sinh, trói buộc và chi phối tâm tư, khiến con người rơi vào phiền não khổ đau. Vì thế mà con người có thể hoàn toàn được tự do, thoát khỏi tham-sân-si, thoát khỏi phiền muộn khổ đau một khi biết phòng hộ các căn, nhiếp phục nội tâm, thực hành phương pháp “đối cảnh vô tâm”, tức không để tâm rơi vào vọng động khi xúc chạm với mọi thứ trong cuộc đời:
“Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt?… Có phải ý là kiết sử của các pháp hay các pháp là kiết sử của ý?”.
“Hiền giả Kotthika, con bò đen không phải là kiết sử của con bò trắng. Và con bò trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đen. Do sợi dây hay cái ách cột lại, cái ấy ở đây là kiết sử. Này Hiền giả, cũng vậy, con mắt cũng không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử… Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử…
“Này Hiền giả, Thế Tôn có mắt. Với con mắt, Thế Tôn thấy sắc. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn… Này Hiền giả, Thế Tôn có ý. Với ý, Thế Tôn biết pháp. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn.
“Này Hiền giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy. Mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử… Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử”8… ■
Chú thích:
Văn Hoá Phật Giáo số 221