;
Thời pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa giảng tại Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Hòa thượng Thích Minh Nghĩa, trú trì Tổ đình Giác Nguyên và Tu viện Toàn Giác tại Việt Nam.
Thưa thượng tọa Thích Pháp Hòa, trú trì chùa Trúc Lâm Tây Thiên tại Canada.
Cùng toàn thể đại chúng đang có mặt ở trong giảng đường của Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Vương quốc Thái Lan quý mến.
Thưa quý vị,
Chúng ta sinh ra làm người đã là khó, xuất gia lại càng khó hơn. Nhưng xuất gia rồi lại được học Phật, học Phật rồi lại được chiêm nghiệm lời Phật dạy và sau khi chiêm nghiệm lời Phật dạy rồi, thấy pháp học này, pháp hành này thích ứng với chúng ta và chúng ta đưa pháp học, pháp hành đó ứng dụng vào trong đời sống của chúng ta lại là rất khó.
Và khó hơn nữa là chúngta ứng dụng pháp học pháp hành ấy vào trong đời sống chúng ta mà dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu trong tâm thức ta hoàn toàn lắng yên, tịch lặng, khiến cho hết thảy điều ác từ nơi thân khẩu ý không còn có điều kiện để biểu hiện, khiến cho tất cả những điều thiện luôn luôn biểu hiện nơi thân ngữ ý của chúng ta lại là rất khó.
Và khó hơn nữa, là chúng ta luôn luôn giữ tâm ý thanh tịnh đúng như lời Phật dạy, đó là thiên nan vạn nan trong đời sống tu học của chúng ta. Nhưng giữ được tâm ý thanh tịnh khó như vậy mà chưa khó bằng dấn thân hành đạo giữa muôn ngàn khó khăn, giữa muôn ngàn làn tên dáo mác đang chĩa vào những người con Phật chúng ta.
Chúng ta xem những cái đó là cái đang hỗ trợ chúng ta hành động một cách tích cực như voi chúa lâm trận. Cái đó mới là cái cực khó mà chúng ta phải lập nguyện để có được sự vững chãi, hùng tráng, sâu thẳm như voi chúa lâm trận giữa muôn ngàn làn tên dáo mác mà vẫn bất động với chí nguyện của mình, với hoằng nguyện của mình. Đó mới là báo đáp được ân đức của Tam Bảo, đó mới là báo đáp được ân đức của Thầy Tổ chúng ta, đó mới là báo đáp được những gì kỳ vọng từ nơi hàng Phật tử, tín đồ quần chúng của chúng ta.
Cho nên, chúng ta tu không phải riêng cho chúng ta. Mà ta tu là vì ta thương cha ta, mẹ ta; ta thương anh em của chúng ta; ta thương mọi người và muôn loài chúng sinh mà ta đi tu, ta xuất gia, ta làm đệ tử của Phật. Và ta thương quê hương của chúng ta mà ta xuất gia, ta đại diện cho cả quê hương chúng ta để ta xuất gia.
Bởi vì trong quê hương chúng ta có phải ai cũng đủ điều kiện xuất gia đâu, cho nên chúng ta đại diện cho cả quê hương chúng ta mà xuất gia, chúng ta đại diện cho cả quê hương chúng ta để đi học, chứ không phải ai cũng được học.
Và chúng ta thay mặt cho tất cả chúng sinh để tu hành mỗi ngày. Cho nên việc tu học của chúng ta rất cao cả, rất chí thượng. Tôi mong rằng tất cả những quý vị có mặt trực tiếp, gián tiếp ở trong không gian đại học này, luôn luôn ý thức được việc chúng ta đang làm, nguyện chúng ta đang hướng tới và đời sống của chúng ta đang được vun bồi để trở thành những hạt kim cương sáng ngời giữa thế gian này.
Muốn như vậy, chúng tôi xin chia sẻ đến quý vị mấy điều đối với Phật giáo, quý vị cần lưu ý: Phật giáo có đến năm phân khoa.
Phân khoa thứ nhất Phật giáo đại chúng.
Cho nên, mình học là vì đại chúng, mình không bỏ bất cứ ai, mình học để thành đạt sở học của mình, nhưng mà không bao giờ lấy cái sở học đó làm sở đắc, rồi tăng lên cái bản ngã của mình, tạo ra những kiến thức chấp ngã, chấp pháp một cách tầm thường, rồi khinh khi những người ít học hay thiếu học.
Nếu chúng ta học mà có sở đắc về học, rồi đem cái sở đắc đó mà khinh khi những người thiếu học, thì cái học của chúng ta càng ngày càng trở nên lụn bại và vô minh, tư cách của chúng ta càng ngày càng mất hết.
Cho nên, chúng ta học để chúng ta có điều kiện giúp những người ít học, những người thiếu học trở nên những người dễ thương và hiểu biết như chúng ta. Chúng ta học để chúng ta có thể đi tới được với mọi thành phần xã hội, đến với mọi người. Còn nếu chúng ta học mà không đi tới được với ai cả, thì cái học đó là cái học sai lầm.
Cho nên chúng ta có học, đi tới với người nghèo cũng vô ngại mà đi tới với người giàu cũng vô ngại; đi tới với giai cấp quyền lực cũng vô ngại mà đi tới với giai cấp không có quyền lực cũng vô ngại; đi tới với giai cấp trí thức xã hội cũng vô ngại, mà đi tới với giai cấp bình dân cũng vô ngại. Cho nên, chính cái vô ngại đó, mới là người học Phật, tu Phật, mà chúng ta được diễm phúc đứng ở trong không gian này, đứng ở trong phân khoa đó để được đào tạo và nuôi lớn những người con Phật hữu ích cho thế gian này, chứ không phải sống vô dụng đối với thế gian.
Phân khoa thứ hai là phân khoa học thuật.
Đại chúng phải biết rằng, học thuật Phật giáo không phải chỉ nhắm tới số kiến thức thế gian. Học thuật Phật giáo đầy đủ cả năm thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa. Cho nên, chúng ta học thông Nhân thừa chúng ta bước qua Thiên thừa; học thông Thiên thừa chúng ta bước qua Thanh văn thừa; học thông Thanh văn thừa chúng ta bước qua Duyên giác thừa; học thông Duyên giác thừa chúng ta bước qua Bồ tát thừa; và học thông Bồ tát thừa, chúng ta nhập vào Phật thừa, chúng ta mới gia nhập được vào dòng dõi của Như Lai, chúng ta mới có đủ khả năng gánh vác sự nghiệp của Như Lai.
Cho nên, học thuật Phật giáo không chỉ dừng lại ở nơi những gì mà thế gian này hiểu biết, mà phải siêu xuất thế gian này. Đó là phân khoa thứ hai ở trong Phật giáo, đó là Phật giáo học thuật. Cho nên chữ học thuật trong Phật giáo nó phải bao quát từ Nhân thừa cho tới Phật thừa.
Phân khoa thứ ba là phân khoa tổ chức.
Phải nói rằng, trong thế gian này, không có tổ chức nào hoàn hảo và xuyên suốt bằng tổ chức Phật giáo. Nói đến tổ chức là nói đến luật. Phật giáo có cả một tạng luật, có cả một kho tàng luật. Luật đó bao gồm từ Nhân thừa cho tới Phật thừa. Mà giới luật đó rất bình đẳng, bình đẳng cả hai giới tính, nam tính và nữ tính. Nâng giới tính thuộc về nam từ nơi con người mà bước lên địa vị vô thượng giác.
Nâng từ nơi giới tính nữ, phước báo của một con người chưa hoàn hảo bằng nam giới qua Bát Kỉnh Pháp, rồi từ nơi Bát Kỉnh Pháp tạo ra một giới tính bình đẳng phước báo giữa nam và nữ, rồi nâng giới tính nữ chứng được quả vị A-la-hán như nam giới. Tỳ-kheo-ni cũng chứng được A-la-hán như tỳ-kheo-tăng.
Và trong tổ chức như vậy, “khai, già, trì, phạm; danh, chủng, tánh, tướng” cho nhị bộ Tăng già rất rõ ràng, rất minh bạch. Tăng phải thọ giới như thế nào để trở thành tỳ-kheo-tăng và ni phải thọ giới như thế nào để trở thành tỳ-kheo- ni. Và khi đã trở thành tỳ-kheo-ni hay tỳ-kheo-tăng thì mới là thành viên chính thức của Tăng bảo, mới là thành viên chính thức của Tăng đoàn.
Không những vậy, mà giới cư sĩ còn có ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, làm nền tảng để Phật giáo phát triển. Cho nên ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cũng có năm loại, chứ không phải chỉ một loại. Quy y Phật-Pháp-Tăng chỉ thọ một giới trong năm giới thì gọi là nhất phần ưu-bà-tắc hay nhất phần ưu-bà-di; quy y Phật-Pháp-Tăng, thọ hai giới, gọi là thiểu phần ưu-bà-tắc, thiểu phần ưu-bà-di; quy y Phật-Pháp-Tăng, thọ ba giới gọi là bán phần ưu-bà-tắc, bán phần ưu-bà-di; thọ tam quy và thọ bốn giới thì gọi là đa phần ưu-bà-tắc, đa phần ưu-bà-di; thọ tam quy và thọ đầy đủ năm giới gọi là mãn phần ưu-bà-tắc, mãn phần ưu-bà-di.
Người chỉ quy y Tam Bảo mà không thọ giới pháp nào thì ở vị trí nào ở trong Phật pháp; người quy y Tam Bảo mà mới thọ một giới, hai giới thì ở vị trí nào ở trong Phật giáo ở trong luật tạng Phật giáo nói rất rõ. Và quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới đầy đủ, có niềm tin bất hoại đối với Phật-Pháp-Tăng và Giới, những vị đó dự vào dòng dõi bậc thánh dự lưu, thân kiến thủ không còn, giới cấm thủ không còn, nghi ngờ về Phật-Pháp-Tăng không còn, vị đó còn bảy đời sinh tử trở lại ở trong dục giới.
Những vị đó không bao giờ phỉ báng Tam Bảo, không bao giờ nói xấu và chỉ trích các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, mặc dù trong đời sống các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, đôi khi cũng có các dục lậu, hữu lậu. Nhưng mà, một vị tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đứng vào vị trí của Tăng mà dục lậu vẫn còn có những sơ suất, thì hàng ưu-bà-tắc, ưu-bà-di gia nhập vào dòng dõi bậc thánh chứng sơ quả họ không bao giờ khởi tâm khinh thường, không bao giờ nói lời xúc phạm.
Hòa thượng Thích Thái Hòa thăm và thuyết giảng tại Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan
Cho nên, phân khoa tổ chức Phật giáo quý vị phải thấy rõ ràng. Phật giáo là một tôn giáo, một học thuật, một hệ thống tổ chức trọn vẹn từ phàm tới thánh và hoàn hảo cho cả hai giới tính nam và nữ. Và như vậy mới mệnh danh là Phật giáo chính thống, Phật giáo hoàn hảo. Không phải vậy, chưa thể mệnh danh là Phật giáo chính thống hay là Phật giáo hoàn hảo.
Phân khoa thứ tư là phân khoa thực nghiệm.
Nói đến Phật giáo, mà nói đến lý thuyết thì chưa phải là Phật giáo. Cho nên, Phật giáo nhấn mạnh đến sự thực nghiệm. Nói thở vào thì phải nhắm mắt lại và thở vào bằng ý thức của mình, chánh niệm tỉnh giác, chứ không phải miệng nói thở vào mà tâm thì không dính gì cái sự thở vào trong từng hơi thở đó.
Nói thở ra thì ý thức rất rõ về hơi thở ra của mình, từ khi bắt đầu thở ra cho đến cái hơi thở ra nó chấm dứt và đi vào thì mình ý thức trọn vẹn chánh niệm tỉnh giác trong hơi thở ra và thở vào như thế.
Tôi nói chỉ một phương pháp hơi thở vào và ra thôi, mình không thực tập thì không thấy được cái hơi thở vào và ra chứ nói gì đến hơi thở toàn thân. Cho nên, chúng ta phải thực nghiệm và nhờ thực nghiệm pháp của Phật như vậy, phiền não chúng ta lắng yên, gọi là vô nhiệt.
Phiền não làm cho tâm chúng ta bị oi bức, đốt cháy sự an lạc ở trong các cảm thọ của chúng ta. Cho nên, nhờ thiền tập mà thiền tập đó phải thiết lập trên nền tảng của Giới, trên nền tảng của niềm tin Tam Bảo, thì đó mới là thiền tập Phật giáo.
Còn Phật giáo thiền tập mà không thiết lập trên niềm tin Tam Bảo, không quy y Phật-Pháp-Tăng mà ngồi thở vào, thở ra thì đó là thiền của ngoại đạo, bởi vì ngoại đạo cũng thực tập loại thiền này. Không những thực tập loại thiền này mà ngoại đạo còn chứng đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; ngoại đạo còn chứng tới không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi phi tưởng xứ.
Cho nên, chúng ta đừng lầm lẫn thiền tập giữa Phật giáo với ngoại đạo. Tất cả thiền tập của Phật pháp đều phải đặt trên nền tảng của Giới, và Giới đó phát sinh ra Định, Giới đó phát sinh ra Tuệ. Mà Giới là từ nơi niềm tin Tam Bảo một cách kiên cố, thâm sâu mà phát sinh.
Cho nên, mọi sự thực tập của chúng ta trong đời sống, phải thiết lập trên nền tảng Tam Bảo để chúng ta có sự thí nghiệm, chúng ta có sự thực nghiệm trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Rồi ăn ở trong chánh niệm thì chúng ta phải ăn và biết rõ thực phẩm này từ đâu mà tới, ai nấu cho mình ăn, ai lao tác để có thực phẩm này phải thấy cho rõ.
Thấy rõ ở đâu, thấy rõ ngay trong từng giây phút của thực tại hiện tiền mà chúng ta đang tiêu thụ những cái đó. Mặc chiếc áo, ta phải biết chiếc áo này từ đâu mà có, không phải bỗng nhiên mà có chiếc áo này.
Đọc một trang kinh, chúng ta phải biết trang kinh này từ đâu mà có, chứ không phải khi không mà có trang kinh trước mặt chúng ta. Tất cả những cái đó chúng ta phải thực tập, chúng ta phải thực nghiệm.
Từ đó, đức Thế Tôn dạy: “Pháp của Như Lai đến để thấy”. Thấy những gì chơn thật và thấy những gì không chơn thật. Chơn thật thì để lại duy trì và phát triển; không chơn thật thì gởi cho gió, cho mây, cho thế gian hư huyễn chứ đừng bám lấy.
Nếu chúng ta bám lấy những cái danh tướng của thế gian hư huyễn, cái đó sẽ tồn đọng lại trong tâm thức chúng ta tạo ra pháp trần. Và chính cái pháp trần đó nó trở ngại cho sự thiền tập của chúng ta, trở ngại thiền định của chúng ta, trở ngại việc học Phật của chúng ta, trở ngại sự thẩm thấu chân lý Khổ-Tập-Diệt-Đạo trong đời sống của chúng ta. Khổ-Tập-Diệt-Đạo, đức Phật nói không phải trên trời, không phải dưới đất mà nhìn vào ở nơi thân năm uẩn này của chúng ta mà nói.
Cho nên, chúng ta phải thực nghiệm. Phật giáo là một tôn giáo thực nghiệm, là một tôn giáo khoa học thực nghiệm, mà không phải là một triết lý, một hệ thống triết học. Ai học Phật với cái tâm trạng như là một hệ thống triết học để trở thành một triết gia, kẻ đó là một kẻ ngoại đạo trong Phật giáo.
Bởi vì, triết gia thế gian không thiếu. Và các thầy, các cô học rồi, Kinh Phạm Võng ở trong văn hệ Pali và Kinh Phạm Động ở trong văn hệ Hán tạng, thế gian này học mấy đi nữa cũng không vượt qua khỏi cái lưới sáu mươi hai mắc lưới tà kiến. Ngã là thế này, ngã là thế kia, ngã là thế nọ, ngã là sắc, ngã là thọ, ngã là tưởng, ngã là hành, ngã là thức, ngã tồn tại bên trong, ngã tồn tại bên ngoài...
Thế gian này nhảy mấy cũng không ra khỏi cái lưới của bản ngã. Cho nên, chúng ta học Phật phải thực nghiệm, phải biến lời Phật dạy trở thành đời sống của chúng ta. Và có như vậy, thì chúng ta mới là người con của đức Phật.
Phân khoa thứ năm là phân khoa chứng nghiệm.
Thực nghiệm thì đưa tới chứng nghiệm. Chứng nghiệm từng phần và chứng nghiệm toàn phần. Chứng nghiệm từng phần là Thanh văn giác, từng phần là Duyên giác, từng phần là Bồ tát, gọi là Bồ tát giác, nhưng mà toàn phần là đức Phật.
Cho nên, đức Phật gọi là bậc Toàn giác, bậc Chánh biến giác, bậc Chánh biến tri. Vì vậy, chúng ta kính lễ đức Phật mỗi ngày, chúng ta tôn trọng, xưng tán công hạnh của đức Phật mỗi ngày, để nuôi dưỡng chất liệu Chánh biến tri, Chánh biến giác đó trở thành ra một đời sống của những người con Phật chúng ta. Đại chúng thấy năm phân khoa Phật giáo rõ ràng không?
Đại học Phật giáo phải thiết lập trên nền tảng này. Và không thì đó là một đại học mang tính thế tục, đào tạo cho những con người thế tục và mang tính thế trí biện thông chướng ngại Phật pháp, chướng ngại thiện pháp, và tạo ra những rối rắm, tranh cãi với thế gian. Thế gian thiếu gì tranh cãi, đợi chi mình đi tu học rồi cũng ra tranh cãi.
Tất cả đều là hý luận, mà hý luận là trá hiện của phiền não, trá hiện của Tập đế dẫn tới Khổ đế. Cho nên, muốn chứng Diệt đế phải chấm dứt mọi sự hý luận qua sự thực hành Đạo thánh đế. Cho nên, tôi nói rằng, chúng ta học Phật, chúng ta phải học đầy đủ năm phân khoa, đại chúng nhớ không!
Và chúng ta là kẻ học Phật, là kẻ đi tìm chân lý, là kẻ đi tìm sự thật để hiến tặng cho đời và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Cho nên, tâm người tu không có phân biệt, ai còn phân biệt Nam truyền, Bắc truyền, người đó chưa phải là người chính thống trong Phật pháp. Ai là người còn phân biệt Nam tông và Bắc tông người đó trở thành người nghèo nàn và lạc hậu ở trong Phật pháp.
Phật pháp không có tông, mà đã có tông thì tự trói mình và làm cho mình nghèo đi, đại chúng nhớ không! Phật pháp như biển cả, rộng lớn như hư không, nhưng mà cần có tông để giúp nhau vươn tới cái rộng lớn như hư không đó thì nên có. Nhưng, tạo ra rồi mà để trói nhau thì không nên có. Từ biển lớn mà trở thành sông, suối, rạch, như vậy là có lỗi trong sự tu học của chúng ta, nhớ không!
Cho nên, chúng ta học phải như thế nào cho tâm chúng ta rộng lớn như hư không. Ngoại đạo mà còn có không vô biên xứ, ngoại đạo còn có thức vô biên xứ, ngoại đạo còn có vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, chúng ta là đệ tử của đức Thế Tôn mà bị kẹt vào ở nơi chữ tông, chúng ta có xứng đáng không! Chúng ta có xứng đáng đệ tử Phật không! Cho nên, các thầy các, các cô học phải nhớ điều này. Tôi nói, tôi chịu trách nhiệm.
Ngài Huệ Năng, khi tới cầu tu học với Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi ngài Huệ Năng: “Ông từ đâu tới?”-“Dạ con từ phương nam tới”. Ngũ Tổ nói “Phương nam mọi rợ như vậy tới đây làm chi?”, thì ngài Huệ Năng nói “Dạ, con tới đây cầu làm Phật”. Tổ nói “Mọi rợ như ngươi lấy chi làm Phật”, ngài Huệ Năng nói “Dạ bạch thầy, người thì có nam, có bắc, chứ Phật tính đâu có nam có bắc”.
Cho nên, chúng ta tu học phải đi tới với tinh thần “Ưng vô sở trú” đó, thì chúng ta mới dấn thân hành đạo. Còn chúng ta khởi lên một niệm phân biệt mang tính kỳ thị Nam tông, Bắc tông, Nam truyền, Bắc truyền, Tịnh độ, Thiền tông thì đóng cửa mà tu tiếp, đừng bước ra ngoài, mà gây rối rắm cho Phật pháp, rối rắm cho xã hội, nhớ không!
Tu như thế nào mà thấy hoàn toàn vô ngã, cái niệm ngã không còn khởi lên ở trong tâm thức chúng ta, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thì khi đó mới thọc tay vào chợ mà viết Trường Mộng Ca cho đời. Chứ còn ngã, thì đừng có nói gì hết, bởi vì càng nói, càng sai, càng làm, càng hỏng, nhớ không!
Đó là những điều mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các thầy, các cô đang du học tại trường Đại học quốc tế Vương quốc Thái Lan này.
Mong rằng, tất cả quý vị lắng nghe và ai đủ duyên ngang đâu thì thực tập ngang đó. Và chúng ta phải có tiến bộ mỗi ngày, nếu tu mà không tiến bộ mỗi ngày thì pháp tu đó là sai rồi, nhớ không!
Cho nên, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia trở thành một vị Điều Ngự Giác Hoàng, lên pháp tòa Ngài nói về Phật-Pháp-Tăng, vị Tăng đứng dưới xin phát biểu “Bạch thầy, Phật-Pháp-Tăng là gì mà Ngài nói luôn vậy, ngày hôm qua thầy cũng nói, ngày hôm kia thầy cũng nói, bây giờ thầy cũng nói”.
Ngài Điều Ngự Giác Hoàng nói: “nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân”, một lần nêu lên là một lần mới. Cho nên, Phật-Pháp-Tăng khi mình mới bước vào chùa mình hiểu khác, nhưng mình tu mười ngày mình sẽ hiểu khác; mà mình tu năm mươi ngày mình sẽ hiểu khác; nếu mình tu một năm mình lại hiểu khác, mình tu hai năm mình sẽ hiểu khác, mình tu ba năm mình hiểu khác, mình tu bốn năm, mình sẽ hiểu khác, nhớ không!
Nếu mình hiểu đúng và đúng thì Phật-Pháp-Tăng luôn luôn mới và hiện hữu với chính mình trong lời nói, trong bước đi, trong việc làm, trong cách ứng xử với mọi vấn đề. Mình tu sai thì nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên và tam niên bất kiến Phật, nhớ không!
Tu mà ba năm không thấy Phật là xong om rồi nghe chưa. Đi lạc đường rồi con ơi, đi lạc đường rồi em ơi, đi lạc đường rồi anh ơi, đi lạc đường rồi thầy ơi. Thầy cũng lạc đường, thầy đã lạc đường dắt luôn cả đàn học trò đi lạc đường, tà sư dẫn thêm tà đệ, rồi tà sư, tà đệ bàn bạc với nhau làm những việc ác kiến, tà kiến phá hoại chánh pháp, dối gạt thế gian, tội lỗi vô cùng, nhớ không!
Đó là những gì tôi nhắn gởi đến quý vị. Và mình tu học rồi về chùa, mình sống với thầy mình dễ thương hơn, mình sống với anh em mình dễ thương hơn, mình sống với Phật tử của mình dễ thương hơn. Học xong đại học về rồi mà tụng kinh không được. Khi kia chưa học đại học, thì tụng kinh ngon lành, mà học xong đại học về rồi, tụng kinh không được, như thế là xong rồi em ơi, xong rồi con ơi!
Khi kia mà chưa học đại học, Phật giáo trong nước và quốc tế, thỉnh tiếng chuông nghe nó đầm ấm, mà học xong rồi về thỉnh chuông, cuối cùng tiếng chuông trở thành ra tiếng phèng la. Không xong rồi em ơi, không xong rồi con ơi, không xong rồi chú ơi, nhớ không!
Cho nên, mình ở chùa đã từng đi công phu rồi, đã hành trình giới luật rồi, đã hành trì thiền định rồi, đã có cái tuệ quán rồi, bây giờ mình đi học thì tất cả những cái đó nó sáng lên và nó vững chãi thêm.
Cái tâm mình khi ở chùa nó còn nhỏ, mình đi học cái tâm nó lớn ra, cho nên về chùa thấy gì khó khăn mình đưa vai vào để gánh vác cho thầy mình, cho anh mình, cho em mình, đó mới là người đi học Phật, nhớ không các thầy, các cô!
Đại chúng: Mô Phật.
Không được mô Phật nghe! Không có mô Phật. Nam mô Phật-đà-gia, Nam mô Đạt-ma-gia, Nam mô Tăng-già-gia.Nam mô Buddhaya, Namo Dharmaya, Namo Sanghaya. Làm chi có cái chữ mô Phật, mô Phật tìm đâu ra!
Cho nên, chữ mô Phật vừa thiếu văn hóa, vừa thiếu đạo đức, vừa vô lễ, nhớ không! Mô Phật là nghĩa gì, không có nghĩa gì hết, mà trở thành sự châm biếm của ngoại đạo.
Mô Phật nói theo giọng Huế: Phật ở mô? Nói theo giọng của Nho giáo: mô Phật nghĩa là không có Phật, mô là vô, là không. Mô Phật nghĩa là không có Phật.
Cho nên, các thầy, các cô phải nhớ, chứ đừng tiếp tay với đám ngoại đạo phá Phật pháp, nói một cách thiếu ý thức, thiếu văn hóa, thiếu sự thực tập. Cho nên, mình ít ra, nhác gì thì nhác, cũng phải nói Nam mô Phật, nhớ chưa! Nhác gì thì nhác, cũng phải nói Nam mô Pháp, nhớ chưa! Nhác gì thì nhác, cũng phải nói Nam mô Tăng, nhớ chưa!
Chứ còn nếu mình nói mô Phật, rồi vài bữa nói mô Pháp, rồi vài bữa nói mô Tăng, không ai hiểu gì hết.
Cho nên, phải nhớ, chính những cái đó mình phải cẩn thận, mình phải cẩn trọng để phước đức mình nó lớn lên.
Mình Nam mô Phật, có tín tâm ở trong, có sự cung kính ở trong, có sự trở về ở trong, có sự nương tựa ở trong. Đó là những gì chúng tôi chia sẻ. Bởi vì, quý vị sắp sửa tiến sĩ cả rồi, thạc sĩ cả rồi.
Cho nên, gắng lên, sĩ cho ra sĩ. Sĩ mà không ra sĩ, thì nông cũng không ra nông, công cũng không ra công, thương cũng không ra thương. Cuối cùng trở thành gánh nặng cho đạo, trở thành gánh nặng cho đời, nhớ chưa!
Cầu nguyện cho tất cả quý vị thực tập thành công.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trước khi chúng tôi ra về, các Tăng Ni sinh cho phái đoàn chúng tôi kính lời cám ơn đến: Hòa thượng Viện trưởng, Hòa thượng Khoa trưởng, Quý vị điều hành của trường Đại học này; Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã duy trì Phật Pháp trên quê hương này, giữ gìn Chánh Pháp trong quê hương này, đã tạo điều kiện cho tất cả Tăng Ni sinh Việt Nam nói riêng, cho Tăng Ni sinh trên toàn thế giới nói chung, về đây có cơ hội học Phật, về đây có cơ hội nắm tay nhau kết thành những người con Phật dễ thương, loại bỏ những gì tầm thường trong nói năng, trong đi đứng, trong chiêm nghiệm, trong suy nghĩ để chúng ta ở đâu, lúc nào cũng đủ khả năng kế thừa Chánh pháp của đức Phật.
Tất cả chúng ta học hành, cùng nhau làm việc với vai trò này, vai trò khác, không ngoài mục đích là chúng ta kế thừa chánh pháp của Như Lai mà không kế thừa bất cứ cái gì của thế gian này.
Và chỉ khi nào chúng ta kế thừa Chánh pháp của Như Lai, thì chúng ta mới làm cho thế gian này rạng rỡ thêm, làm cho đất nước này bình yên, làm cho mọi quê hương được thanh bình, làm cho người sống yên tâm bước lên con đường chí thiện, và làm cho những con người qua đời nhìn chúng ta sung sướng, mỉm cười, vì mình nằm xuống có những thế hệ tiếp nối.
Cho nên, quý vị nhớ chuyển lời của phái đoàn chúng tôi đến những vị mà chúng tôi đã nêu trên. Và nhân đây phái đoàn chúng tôi cũng cúng dường cho Tăng ni sinh 60 vị, bì thư này gói ghém tấm lòng của chúng tôi, quý vị tùy nghi phân chia cho hợp pháp, hợp lý đúng như lời Phật dạy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Đệ tử Nhuận Pháp Nguyên kính phiên tả