;
Xin bạn đừng cố chấp và cho rằng: những gì ta không nhìn thấy là nhất định không có. Gió có nhìn thấy tướng của gió đâu mà làm cho cây đổ, vật rơi. Khí có nhìn thấy tướng của khí đâu mà ta hằng ngày thở ra hít vào. Và nếu một sát-na không có chúng thì muôn loài không tồn tại.
Vậy quỷ cũng nghe kinh chứ !?
Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu câu chuyện quỷ nghe kinh :
« Một thời, đức Phật ở tại nước Ma- kiệt- đề du hành trong nhân gian cùng với đại chúng, đến nghỉ đêm tại trụ xứ mẹ của quỷ con Phú-na-bà-tẩu. Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ kheo nói pháp tương ưng bốn Thánh đề : khổ thánh đế, khổ tập thánh đế, khổ diệt đạo tích thánh đế.
Khi ấy quỷ mẹ Phú-na-bà-tẩu có con là Phú-na-bà-tẩu cùng quỷ nữ Uất-đa-la. Hai con quỷ nhỏ này khóc đêm. Quỷ mẹ Phú-na-bà-tẩu nói kệ dạy hai đứa con trai và gái của nó :
«Này Phú-na-bà-tẩu / Uất-đa-la đừng khóc / Để mẹ được lắng nghe / Như Lai đang thuyết pháp / Cha mẹ không thể nào / Khiến con giải thoát khổ / Nghe Như Lai thuyết pháp / Giải thoát được khổ này / Người đời theo ái dục / Bị các khổ bức bách / Như Lai vì thuyết pháp / Khiến hủy diệt sanh tử / Nay mẹ muốn nghe pháp / Các con nên im lặng / Khi ấy Uất-đa-la / Và Phú-na-bà-tẩu / Đều vâng lời mẹ chúng / Im lặng mà lắng nghe / Lời mẹ nói hay thay / Con cũng thích nghe pháp
Thế Tôn chánh giác này / Ở thắng sơn Ma-kiệt / Vì các loài chúng sinh / Diễn nói pháp diệt khổ / Nói khổ cùng nhân khổ / Khổ diệt, đạo diệt khổ / Từ bốn Thánh đế này / An ổn đến Niết bàn / Vậy mẹ hãy lắng nghe.
Khi ấy quỷ mẹ Phú-na-bà-tẩu liền nói kệ :
Lạ thay con trí tuệ / Khéo hay chiều tâm ta / Con Phú-na-bà-tẩu / Cùng con Uất-đa-la / Nên sinh lòng tùy hỷ / Ta đã thấy Thánh đế.
Sau khi quỷ mẹ Phú-na-bà-tẩu nói kệ xong, quỷ con trai và quỷ gái, tùy hỷ im lặng.
(Kinh Tạp A-hàm 1322)
Đôi lời lạm bàn :
Đề cập về đoạn kinh văn trên, người viết không có ý định cổ xúy cho mê tín dị đoan vốn đã ăn sâu vào tiền thức vô minh (cuồng tín) của con người, mà muốn nói điều ngược lại của vấn đề này.
Theo kinh điển Phậ giáo, trong không gian tồn tại của chúng ta không chỉ có loài quỷ ma, mà còn có muôn loài (ngũ thú) tạp cư cùng cộng tồn trên trái đất này.
Dưới góc nhìn của con người, quỷ ma là xấu ác. Chính vì vậy mà họ bị dọa lạc ở cảnh giới ác đạo mà mắt thường chúng ta không thể thấy được, nhưng đức Phật đã thấu tỏ về đời sống của họ, nên Ngài đã khuyên chúng ta sống thiện lành ngay trong hiện tại này, để khỏi đọa lạc vào ác quỷ. Đây là bài học thực tế mà chúng ta cảm nhận được qua lời kinh điển sâu sắc nói trên.
Thực tế ma quỷ cũng muốn thay đổi đời sống xấu ác, khổ đau của mình để có được sự an lành. Thế nên Quỷ mẹ và quỷ con Phú-na-bà-tẩu đều bảo nhau phải (lặng im) để nghe chánh pháp của Phật. Đây là điều khiến chúng ta suy ngẫm về chánh pháp từ bi của Như Lai và Bồ-tát đối với muôn loài.
Mùa báo hiếu Vu Lan đã tới, lòng hiếu nghĩa với ông bà, tổ tiên của chúng ta trong việc cúng lễ lại diễn ra. Theo tìn ngưỡng dân gian, Vu Lan là ngàychúng ta cúng lễ ông bà, tổ tiên và cô hồn các đảng.
Vậy ma quỷ cô hồn các đảng là ai ? Theo giáo lý nhà Phật, ai hành các nghiệp thì đều đọa ở cảnh giới này. Đọc kinh Vu Lan cho chúng ta thấy, bà Thanh Đề, mẹ của ngài Mục Kiền Liên là (đệ tử lớn) của Phật cũng bị đọa lạc loài ngã quỷ. Thần thông của ngài Mục Kiền Liên thật tài giỏi, nhưng cũng không cứu được mẹ (tức bà Thanh Đề) mà phải nhờ đến chánh pháp của Như Lai mới thay đổi được cảnh giới an lành cho bà. Từ sự kiện này nên mới ra đời kinh Vu Lan báo hiếu. Và ngày lễ trọng Rằm tháng bẩy này là ngày lễ chung cho tất cả các loài.
Theo chánh pháp đạo Phật, cúng lễ có 2 phần : (vật chất và tinh thần).
-Vật chất gồm : hương, hoa, trà, quả, nhang đèn…thanh tịnh, hoặc mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà (không cầu kỳ) bằng những món ăn hàng ngày với (thân tâm) thanh tịnh, đó là thâm ân của chúng ta gởi đến ông bà, tổ tiên. Bởi lẽ nếu ông bà, tổ tiên của chúng ta đã siêu sinh cảnh giới trên (tức cảnh giới chư thiên) thì chỉ hương hoa cúng là đủ ; vì cảnh giới trên không sinh hoạt phàm tình như chúng ta
-Về tinh thần : điều cần ở chúng ta là lòng thành thật, theo HT Tuyên Hóa : « Một lời thành tín cúng lễ trong sáng của chúng ta cầu cho ông bà, tổ tiên vãng sinh cảnh giới an lành cũng ví như một câu chú nguyện » (không cứ phải dài dòng chấp lễ, bởi đồng thanh tương ứng… )
Theo kinh Địa Tạng : sát vật để cử hành cúng kiến là chúng ta đã tăng nghiệp ác (ác chồng ác) đây là việc làm u mê vô ích. Vậy nên chúng ta cần tư duy để làm theo chánh pháp.
Trong bối cảnh dịch covid đang hoành hành, ngày lễ này chúng ta lòng thành làm lễ cúng ông bà, tổ tiên (trong nhà) ; và ngoài sân, hoặc đầu ngõ chúng ta cúng cô hồn các đảng bằng : hoa, quả, bỏng nẻ, cháo hoa…lễ vái chẳng cầu kỳ, chỉ thành tâm kêu cầu cho họ (tức cô hồn các đảng) sớm giác ngộ, đoạn trừ nghiệp ác để thay đổi cảnh giới an lành, chấm dứt khổ đau, đây là pháp thí thành thật của chúng ta đến với họ. Việc làm này cũng không cần (cúng kiến lê thê dài dòng, bởi tâm xuất quỷ thần biết)
Với nghìn năm ảnh hưởng văn hóa Hán (phương Bắc), với lề thói cúng kiến kiểu (nho-lão) không theo chánh pháp của đạo Phật là mê tín. Phật tử chúng ta cũng như mọi người cần nên tỉnh thức để làm trong sáng dần phong tục thờ cúng tổ tiên của chúng ta như thời Lý-Trần đã làm. Đó là điều mà chúng ta cần thao thức để thực hiện cho được lời dạy của Như Lai và tổ thầy trong khi cúng lễ nói chung, và ngày rằm tháng bẩy báo hiếu này.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh (Tp. Uông Bí – Quảng Ninh)