;
Thế Tôn là bậc tuệ tri mọi pháp, bậc y vương, thầy của trời người trong tam giới. Vì thế, Đấng Thiện Thệ trong 45 năm thuyết pháp đã để lại cho thế gian một kho tàng pháp bảo, là những diệu dược tùy theo bệnh (tham sân si) của chúng sanh mà kê toa thích ứng nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, niết bàn.
Riêng trong tạng Pali, ngoài tứ niệm xứ, minh sát tuệ, Thế Tôn từ mẫn với trí tuệ toàn giác (tuệ tri mọi pháp) đã 'có nhiều phác đồ điều trị khác nhau trên nền tảng của đạo đế: Bát Chánh Đạo' diệu dụng mà theo đó tùy theo căn cơ (tùy pháp, hành pháp), sẽ đến bờ giải thoát, hoặc bậc hữu học vv.
Thế Tôn đã nhìn thấu sự việc ba thời: quá hiện vị lai nên biết trước tương lai trong thời mạt pháp, giáo pháp của Ngài sẽ có những kiến giải sai lệch (theo cái thấy hạn hẹp, chấp trước) nên trước thời khắc nhập vô dư niết bàn, Như Lai từ mẫn ân cần để lại di giáo tối thượng, "Pháp và Luật của ta là thầy của các con, đừng nương tựa vào bất kể điều gì khác" (Trường Bộ Kinh Nikàya, Đại Bát Niết Bàn).
Hơn nữa chân ngôn của Như Lai để lại trong "Khởi Thế Nhân Bổn" (Trường Bộ Kinh Nikàya) như Tiếng Hống của Sư Tử làm cho đại địa rúng động, khiến mười ngàn thế giới chấn động: "Đệ tử của Như Lai sinh ra từ miệng Như Lai, do pháp sinh ra, do pháp tạo ra, là con cháu thừa tự pháp. Những đệ tử nào sinh ra từ miệng của Như Lai, do pháp sinh ra, do pháp tạo ra sẽ không bị phá hoại bởi Sa-môn (Tỷ Kheo, Tỷ Kheo ni), Bà-la-môn, Ma vương, Phạm Thiện, chư thiên, và bất kể ai trên đời".
Giáo pháp của Ngài (chỉ riêng tạng Pali) giúp chúng sanh sống được an lạc, tương lai được an lạc, đặc biệt giúp chúng sanh được giải thoát, niết bàn. Vì thế, đối với tám loại thiền: Hiện tại lạc trú: sơ thiền đến tứ thiền; và Tịch Tịnh Trú: Không vô biên xứ đến phi phi tưởng xứ trong giáo Pháp của Ngài, là phương tiện để giúp hành giả tăng thượng tâm, đặc biệt với tứ vô ngại giải đạo, khi các hành giả thành tựu một trong 8 loại thiền này, ngài 'gia thêm' vào phác đồ điều trị bằng loại thuốc bất tử 'quán vô thường, khổ và vô ngã' của những pháp hữu vi này để rồi ly tham, đoạn diệt, giải thoát, niết bàn.
Quý đạo hữu có thể thấu rõ điều này trong kinh “Đoạn Giảm” số 8 Trung Bộ Kinh với đoạn trích dẫn về cách xả ly những sở kiến để được giải thoát hoàn toàn như sau:
Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận—chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy.
(Trung Bộ Kinh. 8 Đoạn Giảm, Hòa Thượng Thích Minh Châu)
Tuy nhiên, trong thời mạt pháp, việc tập trung phát triển các loại thiền này có thể nói là rất khó vì căn cơ chúng sanh rất hạ liệt, và nếu thành tựu rất mất nhiều thời gian và công phu. Trong 8 tầng thiền trên, có thể nói, sơ thiền là dễ dàng nhất, vì chỉ cần hướng tâm đến một đối tượng tịnh tướng (Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí (bố thí), Niệm Thiên như Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 6 Sáu Pháp vv), khi hành giả chánh niệm, tỉnh giác và tinh cần, có thể vào được sơ thiền. Chỉ sơ thiền là đủ, vì khi thành tựu, hành giả quán tánh ly tham, đoạn diệt, thì sẽ đoạn tận mọi kiết sử, thành tựu chánh trí giải thoát.
(Sơ Thiền, Ly Dục, Ly Bất Thiện Pháp, Đúng Sai Tự Minh Định, Tâm Tịnh).
Tương tự như vậy, những hành giả nào có hạt giống từ bi phát triển mạnh, nên trưởng dưỡng cho đến thành tựu và từ đây quán tánh ly tham, đoạn diệt tâm hỷ lạc do thành tựu từ tâm giải thoát, hoặc bi tâm giải thoát, thì gánh nặng sẽ được đặt xuống, cứu cánh giải thoát...
(Trung Bộ Kinh, 52 Bát Thành, Hòa Thượng Thích Minh Châu)
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh Tây Phương Tịnh Độ