;
Quê hương miền Tây thật hiền hoà, xinh đẹp không chỉ trong mắt những người con được diễm phúc sinh ra và lớn lên nơi này, mà
cả những người có duyên hay chỉ một lần ghé qua mảnh đất với bề dày lịch sử hào hùng: chín nhánh sông rồng bồi đắp phù sa màu mỡ, cánh đồng lúa chín vàng kéo tận đến chân trời, những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm…
Chính những điều kiện thổ nhưỡng, sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng, nên con người nơi đây cũng rất thân thiện, gần gũi, hòa đồng, chất phác, thật thà.
Họ luôn sống hết lòng vì người khác, không chỉ riêng bản thân hay gia đình mình, vì thế ai đến đây cũng lưu luyến không muốn rời và mong ngày trở lại. Chính vì vậy, khi Phật giáo du nhập vào mảnh đất này cũng có những đặc điểm, tính chất riêng để hòa nhập với con người, văn hóa, phong tục tập quán địa phương.
Như mọi miền trên đất nước Việt Nam, nhiều dân tộc cùng chung sống với nhau trên mảnh đất miền Tây Nam Bộ, nhưng đông nhất vẫn là người Kinh và Khơ-me. Hai dân tộc này sinh hoạt cộng hưởng trong một môi trường, từ đó tạo nên tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong thời bình cũng như thời chiến. Sự hòa hợp ấy được ví như hình ảnh “sữa với nước”.
Họ không có sự đấu tranh, phân chia giai cấp, kỳ thị màu da như một số quốc gia khác. Đây là một trong những đức tính, phẩm chất đặc trưng mà người miền Tây đã xây dựng từ xa xưa.
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên tại miền sông nước. Nơi có dòng sông ngày đêm êm đềm chảy hai bận lên xuống, bên cạnh những ngôi chùa cổ kính, uy nghi tráng lệ. Mặc cho vô thường tác động, nó vẫn tồn tại theo thời gian nhờ sự hộ trì của hàng Phật tử. Chính vì thế hình ảnh mái chùa, tiếng kinh rất đỗi quen thuộc với tôi từ thuở bé đến bây giờ. Tôi còn nhớ hình dáng người tu sĩ Phật giáo là những vị sư quấn tấm y trên mình, hay trì bát đi khất thực trên đường…
Lúc đấy, tôi thấy hơi lạ lẫm, sợ sệt, vì đa số các vị sư đều là người Khơ-me, có nước da ngăm đen, lại còn đi chân đất. Sợ cũng do một phần không biết sư đang nói những gì vì ngôn ngữ địa phương, các buổi lễ trong chùa cũng khác lạ so với những ngôi chùa mà mẹ hay dẫn tôi đi.
Đến khi lớn lên, tôi mới có cái nhìn toàn diện về các sư. Do các sư theo truyền phái Phật giáo Nguyên Thuỷ, nên cách ăn mặc và sinh hoạt có phần khác hơn với các tu sĩ Phật giáo Đại Thừa. Khi có duyên được tiếp xúc học hỏi, nghiên cứu giáo lý Phật đà, hình ảnh các sư hiện lên trong tâm trí tôi là một đức Phật rất thân thiện, gần gũi.
Hình ảnh đức Thế Tôn khoác lên mình tấm y đơn giản, hằng ngày trì bát khất thực, với bước chân trần an nhiên, tĩnh lặng, đi khắp đất nước Ấn Độ để hoằng hoá lợi sinh. Bằng trí tuệ siêu việt, với tấm lòng từ bi vĩ đại, Ngài đã đem giáo lý tự mình chứng ngộ giúp đỡ chúng sinh đoạn trừ đau khổ, hướng đến an vui.
Tinh thần dấn thân hoằng pháp này được đức Phật truyền trao và nhắn nhủ đến hàng đệ tử: “Này các thầy Tỳ-kheo, hãy lên đường thuyết pháp, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người, mỗi thầy hãy đi về một hướng[1]”.
Hành giả tu tập không chỉ vì sự giải thoát cho bản thân, mà còn giúp ích cho tất cả mọi người. Lấy niềm vui, an lạc, hạnh phúc, lợi ích của chúng sinh để tăng trưởng sự nghiệp hoằng pháp của bản thân đã được đức Phật khẳng định, hướng hàng đệ tử noi theo. Như thế mới đúng theo tôn chỉ đầu tiên mà đức Phật đã lưu truyền trong Tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” - Tức là nguyện giúp cho vô số chúng sinh. Chính vì tư tưởng này nên nhờ đó đạo Phật được truyền bá khắp nơi trên đất nước Ấn Độ cổ đại và sang các nước khác trên thế giới.
Tinh thần hoằng pháp đem đạo vào đời được tiếp nối và truyền từ đời này sang đời khác, từ đất nước này sang đất nước khác. Một trăm năm sau cuộc kết tập lần thứ nhất, cuộc kiết tập kinh điển lần thứ hai của Phật Giáo được diễn ra. Có một số tài liệu cho rằng, cuộc kiết tập này xảy ra 110 năm sau khi Phật nhập diệt.
Dù thế nào, vào khoảng thời gian ấy, Tăng Ðoàn Phật Giáo chia làm hai nhánh chính, một nhánh được gọi là Theravada hay Thượng Tọa Bộ và nhánh thứ hai là Mahasanghika hay Ðại Chúng Bộ. Thượng Tọa Bộ về sau truyền bá xuống những quốc gia phương Nam và Ðông Ấn Ðộ, đó là khởi nguồn của Phật Giáo phát triển ngày nay ở Tích Lan, Thái Lan, Miến Ðiện, Lào, Campuchia, Việt Nam…
Thượng Toạ Bộ chủ trương thực hành theo lời Phật dạy không thay đổi, phần đông các sư theo chủ trương này. Hằng ngày, các sư ôm bình bát đi khất thực, không ăn quá ngọ, chiều về thuyết pháp độ sinh và thực hành thiền định, thông thạo Tam tạng kinh điển, không chú trọng xây cất chùa chiền cao lớn.
Với sự thể này, chúng ta có thể ước đoán rằng những tác nhân đưa đến cuộc kết tập lần thứ hai rất khác với lần thứ nhất, khi những đệ tử của Ðức Thích Ca Mâu Ni họp lại để tỏ lòng cung kính và tưởng niệm Ngài.
Chúng ta được biết rằng Ngài Ưu Ba Ly, người đóng một vai trò trọng yếu trong Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất, qua đời sau Phật ba mươi năm, và chúng ta giả thiết rằng hầu hết đệ tử của Phật cũng đã qua đời trong khoảng thời gian đó. Chắc chắn chúng ta không thể nào tưởng tượng được rằng có một người trực tiếp thấy được Phật còn tồn tại đến một trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng trong thời gian Cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai, Giáo Ðoàn được lãnh đạo do những vị thuộc thế hệ thứ tư hay thứ năm.
Trong trăm năm đó, thời gian chắc chắn đã làm xã hội thay đổi một cách đáng kể, cũng như cách sống của người Ấn Ðộ, và điều không thể tránh là những sự khác biệt về cách giải thích những di huấn và giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng đã xảy ra.
Chúng ta biết rằng Ðạo Phật đã từ từ chiếm giữ một địa vị quan trọng trong xã hội Ấn Ðộ và đã có nhiều tín đồ trong quần chúng. Một chứng minh cho điều này là Ðại Chúng Bộ (Mahasanghika) đã được sự giúp đỡ lớn lao từ phía những Phật tử tại gia, chứng tỏ rằng tôn giáo mới mẽ này đã lan rộng trong quần chúng. Ðồng thời, số Phật tử trong hàng quý tộc ở các đô thị cũng như trong hàng ngũ thương gia và nông dân cũng đã tăng lên.
Chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi và đạo Phật từ miền Ðông Ấn quanh vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha), đã dần dần lan ra khắp nơi. Ðại Chúng Bộ được các thầy đi về phía Bắc để truyền đạo, qua Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam... Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, các thầy bị ảnh hưởng bởi Khổng Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo. Đây là ba tôn giáo ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân Trung Hoa. Vì vậy để tiếp cận, giáo hóa các thầy đã đưa ra những phương tiện hoằng pháp nhằm phù hợp với mọi người.
Người Trung Quốc luôn quan niệm rằng: Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín; Tam Tòng Tứ Đức; Trung Với Nước, Hiếu Với Dân,… làm thước đo để thu phục, cảm hóa lòng dân. Muốn cải hóa họ theo một tư tưởng mới, chư Tổ trong công cuộc hoằng pháp đã chọn lọc những lời dạy của đức Phật trong kinh tạng sau đó biên tập thành các bài kinh phù hợp với văn hóa, con người, dân tộc họ. Đây được xem là sự thành công của chư tổ trong việc đưa Phật giáo vào đời.
Tùy theo mỗi quốc gia, lãnh thổ mà các thầy có sự lựa chọn phương thức truyền đạo để phù hợp với nhu cầu tâm linh của dân tộc ấy. Khi đến các nước còn nhiều mê tín, các thầy đưa ra nhiều hình ảnh của chư Phật, Bồ-tát có khả năng cứu giúp chúng sinh; về nhân quả, tội phước thông qua những cảnh địa ngục và hình thức xử phạt dưới địa ngục nhằm giáo dục con người hướng đến con đường chân thiện mỹ.
Ngày nay, đạo Phật được truyền bá sang các nước phương Tây. Đây là những nước khoa học tiến bộ, con người sống thực tế hơn, họ không tin những thứ hư ảo, huyễn hoặc, không mơ hồ phù phiếm... Đối với họ kiến thức để tiếp thu là phải thực tiễn, phù hợp với khoa học, khi áp dụng sẽ đem đến lợi ích cho bản thân.
Cho nên chư Tăng đã tuyên thuyết cho họ bằng những giáo lý đức Phật dạy trong tạng kinh Nikaya và hoằng hóa theo tư tưởng, chí nguyện Đại Thừa, giúp cho mọi người có cách nhìn thiện cảm hơn với đạo Phật. Không những thế, khi họ biết áp dụng những giáo lý ấy vào trong đời sống còn có thể giúp họ xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội được ấm no, một đất nước hòa bình…
Đạo Phật đã rất thiết thực trong đời sống hằng ngày, vì vậy họ đã đón nhận Phật giáo một cách niềm nở và thân thiện.
Giáo lý Ðạo Phật có đề ra một nguyên tắc gọi là "khế cơ". Theo nguyên tắc này, những giáo lý và giới luật nền tảng được giảng dạy để thích nghi với phong tục tập quán và sự thực hành ở mỗi địa phương. Ví dụ Ðức Thích Ca Mâu Ni đã nói với các vị Sa-môn rằng, về việc kiêng cử và giờ giấc ăn uống, họ có thể tùy theo tập quán ở mỗi địa phương nơi họ sống và không cần khép chặt vào giới cấm mà Ngài đã đề ra.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, do vậy khi Phật giáo du nhập đến đâu đều uyển chuyển thích ứng với văn hóa, bản sắc dân tộc ấy để dễ dàng truyền đạo. Dẫu biết sự thích nghi, hòa hợp sẽ rất tốt để phát triển, nhưng phải luôn giữ được bản sắc riêng biệt để không bị đồng hóa, pha tạp. Vì vậy, hoà nhập nhưng đừng bao giờ để hòa tan.
Đó là sự khéo léo, uyển chuyển của chư Tổ trong việc hoằng pháp lợi sinh. Giúp mọi người thấu rõ đạo Phật là một con đường hướng chúng sinh đến bến bờ giải thoát; là chân lý vi diệu có công năng chuyển hóa khổ đau, phá trừ si mê, phiền não; là ánh sáng trí tuệ không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Với một bề dày lịch sử hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển, Phật giáo đã trải qua bao biến cố thăng trầm trong công cuộc hoằng hóa. Phật giáo dù có phân chia các bộ phái, ngăn cách do địa lý Nam, Bắc nhưng hình ảnh người tu sĩ vẫn là một tượng đài của sự giải thoát, an nhiên, tĩnh lặng, thanh tịnh, hòa hợp,… bởi bên trong mỗi Ngài là bản tính chân như, giác ngộ.
Đất nước Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói riêng là một nơi rất đặc biệt trên thế giới, hiếm đất nước nào có được. Vì đây là nơi dung hòa cả hai truyền thống Phật giáo, có lẽ ấy nên hình dáng quý sư trong theo truyền thống Nguyên Thủy hay quý thầy theo hệ phái Phật giáo Đại Thừa đều rất dễ thương, gần gũi trong suy nghĩ mỗi người Phật tử.
Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Đất có chia Nam Bắc, tính Phật thì không có Nam Bắc, con người có cao có thấp nhưng tính Phật thì không phân chia cao thấp”. Cũng vậy, Phật giáo có phân chia ra các bộ phái, mỗi người có thể chọn cho mình một truyền thống tu tập khác nhau, nhưng bản chất đặc trưng vốn sẵn có trong lời Phật về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ, nhân quả,… đều có điểm chung nhất.
Đó là hướng chúng sinh đến sự giải thoát, an vui, Niết-bàn. Vì vậy, hành giả tu tập cùng một chí hướng giải thoát; cùng tôn thờ đức Bổn Sư Thích Ca; cùng hành trì giáo lý giác ngộ phải luôn yêu thương, giúp đỡ, sống theo tinh thần lục hòa nhằm góp phần xây dựng một đạo Phật thống nhất, đem an vui hạnh phúc đến cho bản thân, gia đình và xã hội.
Màn đêm buông xuống, dòng người đang tất bật, hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc. Ung dung, tự tại trong sự thay đổi của con người và vạn vật là hình ảnh hai tu sĩ, một Bắc Tông, một Nam Tông đang ngồi đàm đạo, nhằm tìm ra con đường để dung thông hai giáo lý, để chúng sinh được hưởng trọn niềm an lạc mà Đức Thế Tôn truyền trao.
Để một lần chúng ta vô tình bắt gặp hình ảnh một vị sư trì bát đi khất thực, an nhiên ngồi dưới gốc cây thọ thực; bóng dáng một vị thầy trang nghiêm, với ánh mắt từ bi, với nụ cười luôn hiền hòa ngồi trên pháp tòa thuyết giảng. Ôi! Các Sư, các Thầy sao mà dễ thương và cao đẹp đến thế…!
Thích Tâm Quyền