;
Cách nay sáu mươi năm, sau khi trốn khỏi Tây Tạng nhà sư lưu vong Đạt-lai Lạt-ma vẫn luôn lạc quan trước tương lai của nhân loại, trong khi đó dân tộc Ngài thì lại lo lắng không biết rồi đây cuộc sống sẽ ra sao khi Ngài không còn đó.
Hình 1 : Đức Đạt-lai Lạt-ma đang uống trà trong gian phòng nơi lưu trú của Ngài tại Dharamsala, và cũng là nơi Ngài tiếp đón các người viếng thăm đến từ khắp nơi trên thế giới.
« Hãy khe khẻ mở cánh cửa gỗ đưa đến khu lưu trú trang nghiêm và kín đáo của Đức Đạt-lai Lạt-ma, và cũng là nơi mà Ngài thiền định từ ba đến bốn giờ liên tiếp vào mỗi buổi sáng trước khi hừng đông ló dạng. Thế nhưng phải cẩn thận đấy nhé, không được làm xao động các nhà sư Tây Tạng đang tụng niệm,»
Sau khi bước vào tòa nhà nơi lưu vong của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Dharamsala trên miền bắc Ấn, chúng tôi được hướng dẫn đến tận nơi dành riêng cho Ngài.
Gian phòng khá tối vì ánh sáng chỉ lọt qua các cử sổ, thế nhưng chúng tôi vẫn trông thấy được cả rặng Hy-mã Lạp-sơn mà cách nay sáu mươi năm, Ngài đã phải băng ngang từ quê hương Tây Tạng để đến nơi này.
Lúc đó Ngài là một vị lãnh đạo tinh thần và chính trị trẻ tuổi, thế nhưng đã phải bỏ trốn vì e người Trung quốc đang tìm cách bắt Ngài.
Gian phòng được trang trí với các bàn ghế đơn sơ, ngoại trừ chiếc tủ kính trưng bày các ảnh tượng thiêng liêng. Đức Đạt-lai Lạt-ma ngồi trên một chiếc ghế phía cuối gian phòng, hai chân tréo vào nhau, im lìm và yên lặng.
Chúng tôi bước khe khẽ với những bước chân thật chậm để chiêm ngưỡng bầu không gian thầm kín và độc nhất đó của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, hóa thân của vị Bồ-tát biểu trưng cho lòng tử bi…, bỗng chợt đôi mắt Ngài hé mở.
Ngài tươi cười : « Chào các bạn, Chào các bạn ».
Ngài vẫy tay gọi chúng tôi đến gần. Theo phong tục Tây Tạng thì đấy là lúc mà chúng tôi phải chắp tay, cúi đầu hướng về phía Ngài, và Ngài thì cũng làm như thế khi hướng vào phía chúng tôi.
Không phải là người Phật giáo, cũng chẳng phải là người Tây Tạng, tôi lúng túng gập mình, thế nhưng lại ngẩng đầu quá sớm, trong khi Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn còn đang cúi đầu tìm cách để trán Ngài chạm vào trán tôi, đúng với tục lệ tỏ bày sự thân thiện và kính mến của mình.
Tôi cũng phải thú nhận trong các lần gặp Ngài nhiều năm trước đây, tôi chẳng kịp suy nghĩ cứ nắm chặt tay Ngài và ôm cả vào hai cánh tay tôi, khiến những người phụ tá Ngài phải cau mày khó chịu.
Thế nhưng lần này thì tôi tiến lên để cúi đầu và gập người trước mặt Ngài thì Ngài lại nắm bàn tay phải của tôi và siết thật chặt kéo tôi đến gần Ngài hơn, khiến trán Ngài và trán tôi chạm vào nhau. Sau đó thì Ngài bật lên vài tiếng như gà mẹ gọi đàn gà con.
Thông thường các vị lạt-ma không có lệ ôm chào người mình gặp. Dù rằng người Phật giáo Tây Tạng tôn kinh Ngài như là một nhân vật thiêng liêng, thế nhưng Ngài thì khăng khăng: « Tôi chỉ dơn giản là một nhà sư Phật giáo».
Thường mỗi khi có ai gặp Ngài thì Ngài đều có một cử chỉ nói lên sự gần gũi giữa mình và người ấy, giữa hai con người với nhau. Chẳng hạn như bạn hói đầu thì Ngải có thể sẽ vuốt đầu bạn rồi vuốt đầu Ngài và bật cười thật vui vẻ. Ngài nắm tay bạn thật lâu, nhìn vào đôi mắt bạn một cách hóm hỉnh, thế rồi một nụ cười trong sáng nở ra trên gương mặt Ngài. Lúc nào Ngài cũng tươi cười.
Thật hết sức khó để không cùng cười với Ngài.
Nay đã ngoài tám mươi và trong một cuộc phỏng vấn gợi lại cuộc vượt biên đầy can trường của mình, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nêu lên một cách thành thực quá khứ và cả tương lai của mình, sự quan hệ với chính quyền Trung quốc, quan điểm của Ngài về thời đại ngập tràn thù hận của chúng ta, cách mà Ngài bước vào tuổi già và cả các lý do khiến Ngài luôn tin tưởng nơi tương lai của nhân loại.
Suốt trong sáu thập niên từ khi lưu vong, Đức Đạt-lai Lạt-ma không ngừng ra sức bảo toàn văn hóa, tín ngưỡng, dân tộc tính của nước Tây Tạng trong hơn sáu mươi quốc gia. Sự kết thân dễ dàng của Ngài với người khác có thể giải thích phần nào sự kính phục sâu xa mà Ngài đã gợi lên cho rất nhiều tôn giáo khác trên thế giới, dù trước đây ngoài đất nước Tây Tạng ra không mấy người biết đến Ngài là ai.
Nơi vương quốc đó của Ngài, cheo leo trên nóc nhà thế giới, người dân mỗi khi bất chợt trông thấy Ngài đều dập đầu chấm đất để cúi lạy, với tất cả lòng tin đây là vị tái sinh của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII trước đây, thuộc cùng một dòng truyền thừa bắt đầu từ thế kỷ XV.
Năm 1937, lúc đó Ngài mới lên hai, có một phái đoàn gồm các nhà sư lãnh đạo theo các điềm tiên tri đã tìm đến tận nhà của gia đình Ngài nơi một ngôi làng bé tí xíu sống bằng nghề nông. Các nhà sư trong phái đoàn thuật lại là khi họ đưa ra một lô đủ mọi thứ vật dụng thì đứa bé chọn ngay các thứ mà trước kia là của vị Đạt-lai Lạt-ma tiền nhiệm, không sai một thứ nào, trong số này có một chiếc gậy và xâu tràng hạt. Đứa bé dường như nhận ra được các nhà sư và gọi đích danh một vị bằng tên thật của vị này.
Ngoài ra đứa bé còn phải trải qua các cuộc trắc nghiệm khác nữa trước khi được phái đoàn mang đi để cùng tham gia vào một cuộc hành trình kéo dài ba tháng, xuyên qua những vùng núi non hùng vĩ, bao quanh là các cánh đồng bát ngát, và sau cùng đã đến được Lhassa, kinh đô cũa xứ Tây Tạng.
Tại đây, những « đoàn người đông nghịt » kéo đến đón mừng. Lúc lên bốn cậu bé chính thức được đưa lên ngồi trên chiếc ngai Sư tử to rộng, khảm các thứ ngọc quý, với tư cách là vị lảnh đão tinh thần của cả xứ Tây Tạng.
Thế nhưng số mệnh của Ngài đã bị đảo lộn bởi Mao Trạch Đông khi các đạo quân Trung quốc tràn vào xâm chiếm Tây Tạng năm 1950, một năm sau khi vị lảnh tụ này phát động phong trào cách mạng cộng sản, đưa đến sự hình thành của nước Công hòa Nhân dân Trung quốc.
Trong khi đó nước Tây Tạng không hề được chuẫn bị trước để chống lại các đoàn quân gồm hàng chục ngàn quân lính Trung quốc tiến thẳng vào Lhassa. Chánh quyền Tây Tạng đưa Đức Đạt-lai Lạt-ma ra khỏi thành phố để tìm nơi ẩn nấp. Thế nhưng Ngài lại lo lắng cho số phận của dân tộc Ngai nhiểu hơn nên đã quay lại kinh đô với hy vọng có thể thương thảo để tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Khi tiếp xúc với chủ tịch Mao để thương thảo tay đôi tại Bắc Kinh thì Ngài mới 19 tuổi. Ngày nay hàng chục thập niên đã trôi qua, thế nhưng Ngài vẫn cho biết là sau khi cuộc gặp gỡ đó dường như Mao có vẻ hoà hoãn hơn với Ngài. Lãnh tụ đó cũng đã khiến Ngài phải ngạc nhiên, khi nêu lên với Ngài những lời khuyên giải thật rộng lượng về nghệ thuật lãnh đạo tốt đẹp đối với dân tộc Ngài.
Sau khi quay về Tây Tạng Ngài cho biết là Ngài cảm thấy «thật vũng tin, đầy hy vọng» sẽ mang lại được hòa bình.
Thế nhưng người dân Tây Tạng thì lại nổi dậy chống lại sự thống trị của Trung quốc. Theo phúc trình do Ủy ban Quốc tế của các Luật gia (ICJ) đưa ra trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1960, thì «các hành động tra tấn, cách đôi sử tàn bạo, vô nhân đạo và các hành động phá hoại diễn ra thật quy mô tại Tây Tạng».
Ngoài ra phúc trình này cũng cho biết là «nền văn hoá lâu đời của Tây Tạng, trong đó kể cả tín ngưỡng của quê hương này cũng bị tàn phá với chủ tâm xóa bỏ».
Một loạt những cuộc nậi dậy bùng lên. Chính quyền Trung quốc ra lệnh bắt các vị Lạt-ma nổi tiếng và các viên chức cấp bậc cao. Ngày 10 tháng 3 năm 1959, hàng ngàn người dân Tây Tạng lo cho chính Đức Đạt-lai Lạt-ma có thể sẽ bị bắt, họ kéo đến vây quanh cung mùa hè tại Lhassa, tạo thành một tấm khiêng người để bảo vệ cho Đức Đạt-lai Lạt-ma. Họ nhất định không giải tán.
Đức Đạt-lai Lạt-ma vãn còn nhớ: «Tôi làm hết sức mình để tình thế bớt căng thẳng», thế nhưng «ngày càng căng thẳng thêm».
Người Trung quốc bắn tin: họ sẽ đứng ra bảo vệ cung điện này. Thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng không thể nào tin được mục đích đó của họ.
Họ muốn bảo vệ cung điện hay chỉ là cách thừa dịp để bắt Ngài? Các quả đạn súng cối rót vào khu cung điện. Ngày 17 tháng 3 Đức Đạt-lai Lạt-ma quyết định «không còn giải pháp nào khác hơn là phải bỏ trốn».
«Ngay vào đêm hôm đó» Đức Đạt-lai Lạt-ma khoác một chiếc áo khoác thật rộng, vai đeo súng giả dạng một người lính, thoát ra khỏi khu cung điện bằng cách đi bộ.
Một cuộc vượt biên không khác gì một thiên anh hùng ca bắt đầu diễn ra từ đó, một cuộc phiêu lưu xuyên qua rặng Hy-mã- Lạp-sơn mà cả thế giới không hề hay biết một tí gì. Khi người Trung quốc biết được Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trốn khỏi thành phố, thì khi đó Ngài và đoàn tùy tùng trong đó có cả mẹ của Ngài, đã trèo qua khỏi một ngọn đèo cao 4694m bên ngoài thành phố Lhassa.
Các người Trung quốc bèn ra lệnh đóng các cửa khẩu tại các biên giới và xua quân đuổi bắt. Một đoàn tuần thám suýt chộp được Ngài ngay vào đêm hôm đó khi Ngài đang tìm cách vượt qua con sông Kyi.
Thuật đến đây bổng dưng đôi mắt Ngài vụt mở lớn hơn. Quân đội giải phóng nhân dân đang đóng phía bên kia bờ sông, Ngài vẫn còn nhớ khoảng cách rất ngắn, hai bên bờ sông «có thể nói chuyện với nhau.
Lúc đó là vào mùa đông, nước trong lòng sông rất cạn. Chúng tôi rơi vào một tình thế vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng bằng mọi cách chúng tôi cũng đã trốn thoát, và đã sống còn».
Sau mười bốn ngày chống chỏi với bão tuyết và sau đó là những cơn mưa như thác lũ, những lúc sợ hãi và những cơn mệt lã, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đến được biên giới Ấn ngày 31 tháng 3 năm 1959 – Ngài nói «thế là đã tìm được tự do». Hai mươi ba tuổi với tư cách một ngừi xin tị nạn, Ngài đã được Thủ tướng Jawaharlal tiếp đón. Thế nhưng thảm kịch kịch cũng chỉ mới bắt đầu.
Tại Lhassa hai ngày sau cuộc vượt biên, cac đạo quân Trung quốc rót đạn vào cung mùa hè và nhả đạn liên thành vào các đám đông hàng ngàn người. Phúc trình của Ủy ban Quốc tế các Luật gia (CIJ) năm 1977, cho bết «kể tư năm 1976, gia tài văn hóa và tín ngưỡng của Tây Tạng, trong đó gồm toàn bộ chùa chiền, đã trở thành hoang phế, Hàng chục có thể là hàng trăm nghìn người bị giết».
Kinh sách thiêng liêng của Phật giáo bị đốt sạch, các tranh vẽ trên tường bị bôi phá. Ngoài ra Ủy ban Quốc tế các Luật gia còn cảnh báo về số người Trung quốc di dân vào Tây Tạng gia tăng nhanh chóng. Thú hoang và cây rừng bị tàn phá, tiếng Tây Tạng cũng đang bị mất gốc. Bất cứ ai bắt gặp cất dấu hình ảnh của Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ bị bắt và bị giam cầm.
Đức Đạt-lai Lạt-ma thốt cao tiếng nói cho biết là «phải hoàn toàn lên án» các hành động tàn phá những gì thuộc bản sắc của xứ sở Tây Tạng. Họ không được làm những việc như thế Họ phải kính trọng nền văn hóa Tây Tạng». Ngài còn cho biết là các nhà khảo cổ Trung quốc đã khám phá ra các di tích của những người sinh sống trên cao nguyên Tây Tạng từ những thời kỳ đồ đá.
Dù vô cùng đớn đau khi nhìn thấy từ một nơi xa xôi những gì xảy ra trên đất nước Tây Tạng, thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma nhất định không cỗ vũ các hành động bạo lực. Khi Ngài được hỏi là phải làm thế nào để tránh sự giận dữ và chua chát thì Ngài cho bết rằ ng các nhà sư Tây Tạng được đào tạo theo tinh thần truyền thống của đại học Na-lan-đà, vì thế chúng tôi rất thực tế: tất cả mọi con người đều là anh chị em với nhau».
Dọc ngang trên trên khắp hành tinh để tìm một giải pháp ngoại giao. Nhiều lần Đưc Đạt-lai Lạt-ma đã kêu gọi tổ chức Liên Hiệp Quôc, năm 1987 từng đề nghị với chính quyền Washington một chương trình hòa bình, và năm 1988 cũng đã từng kêu gọi Quốc Hội Âu châu. Thay mặt dân tộc Tây Tạng, Ngài từng tiếp xúc tay đôi với các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong số đó có cả các nguyên thủ quốc gia và Đức Giáo hoàng Jean-Paul II.
Trong một số các giải pháp mà Ngài đề nghị với Trung quốc, có một giải pháp rất gần với «Con đường Trung đạo»: có nghĩa là từ bỏ giấc mơ về một nền độc lập cho xứ Tây Tạng và sẵn sàng chấp nhận một nền tự trị mang lại lợi ích chung, hầu bảo toàn nên văn hóa Tây Tạng. Dù đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1989, thế nhưng Ngài đã thất bại trước công cuộc bảo vệ đất nước Tây Tạng
Người ta hỏi Ngài cách tiếp cận đó của Ngài phải chăng là một sự sai lầm, thì Ngài trả lời rằng theo Ngài thì phương cách đó vẫn có hiệu quả. Ngài cho biết chũ tịch Trung quốc Tập Cận Bình tỏ ra rất can đảm khi chủ trương chống lại nạn tham nhũng trong xứ sở của ông ta và ôm ấp «các quan điểm mới hơn so với một nền chính trị đi đến cùng kéo dài đã bảy mươi năm. Chúng ta hãy chở xem, trong vòng một hay hai năm tới đây, tôi nghĩ rằng sẽ có môt chút thay đổi nào đó ».
Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng thổ lộ rằng Ngài hy vọng Tập Cận Bình sẽ cho phép Ngài đi hành hương tại Trung quốc để viếng thánh địa Phật giáo Ngũ-đài-sơn – đây là một «việc thật tốt lành» mà Ngài hằng ước mơ đả sáu mươi năm nay.
Biết bao năm tháng dài đã trôi qua, thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn chưa quên cái thế giới mà Ngài đã phải từ bỏ để ra đi. Tuy nhiên Ngài cũng nghĩ rằng nếu không lấy quyết định đó thì truyền thống Phật giáo nghìn năm của xứ Tây Tạng biết đâu đã không còn nữa.
Ngài cố gắng quảng bá trí tuệ của tín ngưỡng với quần chúng trên khắp hành tinh này, chia sẻ với họ sự hiểu bết của mình về các phương pháp giúp con người cảm thấy hạnh phúc và bớt khổ đau hơn. Ngài thường nêu lên những điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học hiện đại, cả hai đều chứng minh cho thấy lòng tư bi mang lại nhiều lợi ích cho não bộ.
Ngài cho bết ngày nay tinh thần Tây Tạng «không hề đang tàn lụi. Tinh thần Tây Tạng rất mạnh». Đức Đạt-lai Lạt-ma cỏn cho biết thêm là tinh thần đó «dù có mất đi một gian nhà nhỏ» nhưng dã tìm thấy «một gian nhà thật lớn». Vậy gian nhà đó là gì? Là «toàn thể thế giới».
Thế nhưng cái thế giới đó có thể là Ngài sẽ còn mấy dịp để được trông thấy nó. Thân xác Ngài không cho phép Ngài bắt kịp cái thế giới đó. Ngài nói: «Tôi cảm thấy sự mệt mỏi ngày càng tăng. Với tuổi tác thì chuyện đó cũng là tự nhiên thôi». Ngài ít đi máy bay và cho rằng việc đó «nay đã trở nên khá khó khăn». Mỗi khi trèo lên hay bước xuống các bậc thang thì Ngài cam thấy đau ở hai đầu gối.
Cuộc tham dự của Ngài tại Bắc Mỹ năm vừa qua đã phải hủy bỏ, tuy thế Ngài cũng cố gắng đi Âu châu, chuyến đi này tương đối có thể kham được. Theo quyển nhật ký của Ngài thì trong năm 2019 Ngài chỉ đi những nơi không quá xa với nơi cư ngụ của Ngài trên đất Ấn.
Cách nay vài năm Ngài được chăm sóc về chứng ung thư tuyến tiền liệt (prostate), nhưng theo các bác sĩ cho biết thì nay Ngài hoàn toàn khỏi hẳn. Qua dáng đi và dọng nói thì Ngài có vẻ trẻ hơn tuổi tác của mình. Dù vậy các người phụ tá của Ngài cũng cứ giới hạn bớt chương trình sinh hoạt hằng ngày của Ngài. Các cuộc tiếp xúc với các quan chức và cả các người khác trước đây thường kéo dài đến 5 giờ chiều, nay đã được rút ngắn và chấm dứt trước bữa ăn trưa, dù Ngài vẫn cứ muốn làm việc nhiều hơn so với sự ước tính hợp lý hơn của những người phụ tá của Ngài. Nhiều hôm có đến hơn một nghìn người đến tận đây từ khắp nơi trên thế giới, nối đuôi nhau dể mong được trông thấy Ngài.
Ngài đi xuống theo một con đường mòn, tiến đến đám đông đang thì thầm nho nhỏ. Khi trông thấy đám người xếp thành hàng dài chờ Ngài thì Ngài vẫy tay chào và nở một nụ cười thật nồng nhiệt. Ngài cẩn thận trèo lên nhiều bậc thềm, ngồi vào một chiếc ghế bằng gỗ và tiếp từng người. Một bà mẹ ẵm con bị khuyết tật trèo lên tận bậc thềm cao nhất và bật khóc. Một phụ nữ trọng tuổi vừa thở dốc vừa xin Ngài ban phúc chữa bệnh cho mình. Ngài thực thi ngay. Một người đàn ông lớn tuổi chống nạng thuật lại với Ngài các thứ đau đớn trên thân xác mình. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói: «Tất cả chúng ta đều được sinh ra để mà chết».
Nhiều người trong số hơn 100 000 người tị nạn và hơn 6 triệu người còn lại bên trong nước, tõ ra lo lắng không biết rồi đây dân tộc họ sẽ ra sao sau khi Đức Đạt-lai Lạt-ma đã khuất.
Trong buổi ăn trưa hằng ngày tại Dharamsala, một nhóm người gồm thi sĩ, khảo cứu gia, nghệ sĩ, chính trị gia Tây Tạng và cả các thành viên chiến đấu, đang bàn thảo với nhau rất thẳng thắn về vấn đề này. Một người tên là Tenzin Tsundue ngồi bên dưới các tấm bích chương mang hình Gandhi và Martin Luther King, cất lời trước nhất: «Chúng ta là con của Ngài […]. Chưa hề có một tập thể nào lại có một vị lãnh đạo mang tầm cỡ đó. Thé nhưng đây lại là một cuộc chiến vì tự do […]. Chúng ta phải làm nhiều hơn như thế. Bây giờ là lúc đến lượt chúng ta phải ra tay».
Thế nhưng họ lại không biết là phải làm như thế nào. Con đường Trung đạo do Đức Đat-lai Lạt-ma quảng bá có đủ hay không? Một chính trị gia còn tự hỏi là trước sự đối xử đó của Trung quốc đối với Tây Tạng, họ có còn đủ sức bước theo con đường phi-bao-lực của Đức Đạt-lai Lạt-ma hay không?
Tại Namgyal, tu viện của Đức Đạt-lai Lạt-ma, vị lạt-ma Thamthog Rinpoché long trọng tuyên bố: «Sư ra đi của Ngài sẽ là cả một thảm trạng. Không có một vị lãnh đạo nào khác có tầm cỡ đó cả».
Vị trụ trì của tu viện này là Kunga Gyatso còn cho biết thêm Đức Đạt-lai Lạt-ma là «cả một cột trụ chống đỡ. Đức Phật luôn còn sống với chúng ta là nhờ vào những lời giảng huấn của Ngài […], và đang trong lúc này đây, chúng ta vẫn còn giữ được sự đoàn kết. Mối âu lo là rồi đây chúng ta có còn giữ được sự doàn kết như chúng ta đã làm cho đến giây phút này hay không?». Sau đó vị này còn tiếp thêm: «Đức Đạt-lai Lạt-ma không cần phải quay trở lại. Nếu cần có Ngài thì người ta sẽ tìm thấy Ngài. Trong năm hay mười năm nữa Ngài sẽ cho biết rõ ràng là Ngài sẽ quay trở lại hay không. […] Ngài có thể tái sinh tại Nepal, tại Ấn-độ hoặc biết đâu cũng có thể là tại New-York».
Trong tu viện tiếng tụng niệm của những người tu hành còn trẻ vang lên trong bầu trời từ lúc hừng đông chưa ló dạng. Những tiếng tụng niệm đó vang lên từ hơn một trăm đứa bé trai, trong số này nhiều đứa chưa đến 6 tuổi, chúng gập người trên những quyển kinh trong một lớp học có những cánh cửa sổ thật rộng.
Khi những tia nắng sớm của buổi bình minh rọi những tìa nắng vàng ấm áp vào bên trong lớp học, lướt nhẹ trên mặt tường và cả bức chân dung thật lớn của Đức Đạt-lai Lạt-ma, chiều ngang hơn một thước, sau đó lại tiếp tục tô vàng các gương mặt trẻ trung. Vị trụ trì cho biết là cách học thuộc lòng các kinh điển ngàn năm đó – đôi khi có những bài kinh phải tụng suốt cả ngày mới hết – là cách mang lại «sự thăng bằng cho tâm thức, tăng cường trí nhớ và làm gia tăng sự tỉnh thức». Các đứa trẻ ấy tụng câu kinh giúp mình phát động lòng từ bi, lòi tụng thật ăn nhịp: «cầu xin sao cho tôi đạt được Phật tính để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh».
Khi Đức Đạt-lai Lạt-ma được hỏi về lòng tư bi đối với tất cả nhân loại là như thế nào, khi sự thù hận đang chia rẽ các dân tộc với nhau, thì Đức Đạt-lai Lạt-ma giữ một sự im lặng. «Tôi nghĩ rằng những người nắm giữ quyền bính ngày nay khi phải đối đầu với khó khăn, thì đôi khi vẫn còn suy nghĩ theo cung cách của thế kỷ XX, tức là chỉ muốn giải quyết các khó khăn ấy bằng vũ lực». Trong khi Ngài là Đức Đạt-lai Lạt-ma, đã từ hơn tám mươi năm nay, thì Ngài lại cho rằng «con người đã trưởng thành hơn».
Ngài nhìn vào «thế giới ngày này, trên bình diện tổng quát, tràn đầy hy vọng», thế nhưng Ngài thì lại cho rằng chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu hiểu được là mỗi người trong chúng ta chỉ là thành phần của một tổng thể duy nhất gồm bảy tỉ người» trong thế giới này. «Góp phần mình để cải thiện con người, dù chỉ được một ti xíu đi nữa, cũng đũ mang lại cho cái tổng thể nhân loại đó thật nhiều và thật nhiều hạnh phúc».
Khi người ta hỏi Ngài đã đóng góp phần mình như thế nào thì Ngài tỏ ra rất ngạc nhiên và cho ngay một bài học: «Quả là bệnh hoạn» khi nghĩ rằng điều đó là một sự thành công cá nhân. Ngài cho biết thêm là chỉ cần cố gắng đóng góp một cách giản dị cho đến khi nào mình vẫn còn sức để làm.
Có chăng một chút nào đó bên trong Ngài khiến Ngài muốn rút lui hay chăng? Ngài quả quyết : «Không, không, không, không, không. Mỗi ngày phải là một lời cầu nguyện, một sự quyết tâm. Thân xác tôi, những lời thuyết giảng của tôi, tâm thức tôi, tất cả tôi đều hiến dâng cho sự an lành của tất cả chúng sinh, cho đến hơi thở cuối cùng của tôi. Và biết đâu còn hơn thế nữa. Cho đến khi nào vẫn còn không gian, cho đến khi nào chúng sinh vẫn còn đau khổ, thì tôi cũng sẽ vẫn còn đây để giúp đỡ chúng sinh. Và đấy cũng là lời cầu nguyện chủ yếu nhất của tôi».
Ngài đứng lên vì còn nhiều người đang chờ được gặp Ngài. Các nhà sư nhìn vào đồng hồ, xì xào và lo lắng. Bước ra bên ngoài, dãy núi khuất mờ phía sau một lớp sương mù trắng xóa, Ngài hiện ra luôn tươi cười, thế nhưng những bước chân đã bắt đầu châm lại. Trời đổ mưa, một chiếc xe đang chờ đưa Ngài trở lên đỉnh đồi, đến tận khu an trú dành cho Ngài. Ngài vẫy tay tạm biệt. Đã đến lúc Ngài phải nghỉ ngơi trước khi thức dậy để góp phần xóa bỏ niềm đau thương của nhân loại.
Ann Curry, phóng viên chuyên viết về các vị lãnh đạo trên thế giới, chiến tranh và các thiên tai của nhân loai.
Saumya Khandelwal, nhiếp ảnh gia, sinh sống tại Ấn-độ.
Hoang Phong, chuyển ngữ.
Hình 2 : Nơi ngôi làng trẻ em Tây Tạng tại Dharamsala Ấn-độ, các em đang tụng niệm vào lúc sang sớm, một cách góp phần bảo toàn nền văn hóa trong cảnh lưu vong. Hầu hết các em là con cháu của những người tị nạn Tây Tạng bỏ xứ chạy theo Đức Đạt-lai Lạt-ma trên đắt Ấn. Tâm tranh trên tường phía sau bục giảng là lâu đài Potala, là cung điện mùa đông của các vị Lạt-ma trước đây trên Lhassa Tây Tạng.
Nơi tu viện Namgyal tại Dharamsala, các chú tiểu, nhiều chú chưa đến sáu tuổi, thức dậy từ lúc hừng đông chưa ló dạng, để học thuộc lòng các kinh điển xưa. goài kinh Kalachakra, các chú còn phải học cả toán học, khoa học, văn phạm Tây Tạng, tập cách tranh biện, v.v.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đang tiếp xúc với những người Tây Tạng tại Dharamsala, tháng 8 năm 2018. Đối với những người Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt-lai Lạt-ma là hóa thân của vị Thánh nhân Avalokiteshvara, tức là vị Bồ-tát của lòng từ bi. Họ đang chờ đến lượt mình để bày tỏ những niểm đau đớn của mình và xin Ngài ban phép cho mình.
Hình 5 : 1940
Đức Đạt-lai Lạt-ma đang du hành trên một chiếc kiệu, ngày 22 tháng 2 năm 1940, và cũng là ngày mà Ngài chính thức được tấn phong làm vị lãnh đạo tinh thần của xứ Tây Tạng. Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân năm 1935, mang tên là Lhamo Dhondup, và đã được thừa nhận là vị tái sinh trên dòng truyền thừa Đạt-lai Lạt-ma, lúc đó Ngài chưa đầy ba tuổi.
Hình 6 : 1954
Trung quốc xâm chiếm Tây Tạng năm 1950. Đức Đạt-lai Lạt-ma được tấn phong thêm một tước vị mới là Vị lãnh đạo chính trị của dân tộc Tây Tạng, lúc đó Ngài mới 15 tuổi. Năm 1954 Ngài gặp Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh để thương thảo về nền hòa bình và độc lập của xứ Tây Tạng. Hai người hội kiến với nhau ít nhất là 12 lần, nhưng không tìm được một giải pháp nào thỏa đáng.
Hinh 7 : 1959
Các người kháng chiến Tây Tạng, sau cuộc nổi dậy chống người Trung quốc thất bại, và Đức Đạt-lai Lạt-ma (người thứ ba từ bên phải cưỡi một con ngựa trắng) có thể sẻ bị bắt, đang tập họp để bảo vệ mạng sống của Ngài trên đường tị nạn. Trong khi đó Quân đội nhân dân giải phóng Trung quốc đang xua các đoàn quân đuổi theo.
Hình 8 : 1973
Chuyến viếng thăm Âu châu đầu tiên của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài ẵm một đứa bé Tây Tang trong một gia đình đi đón Ngài. Lúc đó tại Anh quốc, số người tị nạn Tây Tạng chưa đây bốn mươi người, thế mà họ đã thiết lập được một trung tâm Phật giáo Tây Tạng và hiệp hội những người Tây Tạng.
Hình 9 : 1989
Đức Đạt-lai Lạt-ma nhận giải Nobel Hòa bình tai Oslo, nhờ chủ trương chính sách phi bạo lực chống lại sự xâm chiếm Tây Tạng. Ủy ban trao giải Nobel tuyên bố như sau: «Sự kiện vị lãnh đạo Tây Tạng quyết tâm tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp và hàn gắn, dù phải đối đầu với những sự vi phạm thật tàn nhẫn [về nhân quyền] là các điểm thuận lợi nổi bật nhất [đưa đến quyết định trao giải thưởng này cho Ngài].