;
Phan Hồng Đức, bút danh Cacho - tác giả bức tranh biếm họa đùa giỡn, xúc phạm đức tin của hàng triệu tín đồ Phật tử.
Nhận định về lời xin lỗi của toà soạn Tuổi Trẻ cười vụ biếm họa xúc phạm Đức Phật
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ xin lỗi Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử
Đọc các bài viết và kiến nghị của cơ quan Phật giáo xung quan vấn đề việc phản ánh sai lầm của báo Tuổi trẻ trong phụ trang “Tuổi Trẻ Cười Online, người viết bài này vừa có ý định viết đôi lời phê phán tác giả (họa sĩ) Cacho và Ban biên tập báo này; nhưng ngay sau đó trên trang (phatgiao.org.vn) xuất hiện lời xin lỗi bạn đọc của Báo Tuổi Trẻ, thành thử tâm trạng người viết bỗng thoáng một chút nhẹ lòng, bởi lòng tôn kinh Đức Từ Phụ của chúng ta đã được ‘câu thông’.
Như thế có nghĩa là chúng ta không còn gì để nói sao…Xin thưa các Phật tử và bạn đọc: Với thâm ân cứu độ chúng sinh và muôn loài của đức Phật, chúng ta còn chưa đủ lòng tốt để trả được thâm ân của Ngài, chứ nói chi đến chuyện mang Phật pháp ra để bàn việc (sái quấy) có tính thế gian này.
Sự việc thì đã rõ rồi, nhưng tiếp theo sự việc này, ở thời Mạt pháp - với một đất nước có bề dầy lịch sử đấu tranh giữ nước và với hơn 2000 năm sống trong giáo lý đạo Phật chúng ta cần phải lần lần hiểu thêm giáo lý Tinh hoa, minh triết của Phật giáo để giảm thiểu những sai lầm đáng tiếc xảy ra ở thời mạt pháp này. Đó là lý do người viết xin có đôi lời bàn thêm với tác giả.
Có thể là hơi dài dòng đối với thời “bận rộn” và bấn loạn này; nhưng không thể không nói đến hai chữ “mạt pháp”: Mạt pháp chúng ta nên hiểu không có nghĩa là (xấu ác) cả, mà là pháp ẩn (theo tổ thày). Pháp ẩn có nghĩa là ở thời kỳ hiện đại này con người quá bận rộn, quá kiêu hãnh sống cho bên ngoài (vật chất) nhiều hơn sống cho nội tâm, nên đạo đức tạm (ẩn tàng) mà sinh ra những điều sái quấy. Và chúng ta mong ngày không xa sẽ có thêm nhiều bóng dáng của sự (Thiên lương) trên đất nước ta nói riêng, và trong cộng đồng các nước trên thế giới, thì Chánh pháp lại hiện về; và ta tin sự hiện hữu này với Phật pháp ở Âu lạc chúng ta.
Chúng ta đang sống ở thời kỳ mạt pháp (câu chuyện chúng ta đang bàn ở đây) về “tiểu phẩm cười” của báo Tuổi Trẻ cũng có nghĩa là chúng ta đang cùng nhau thao thức để bàn cho pháp hiện tức (chánh pháp) hiện hữu lâu dài trên đất nước Việt Nam này của chúng ta.
Tôi rất tâm đắc với tác giả bài viết “Người khôn biết quay đầu..” trên trang (phatgiao.org.vn) những trang viết còn nóng hổi chữ nghĩa thế này: “Không có một mốc chủ quyền nào bền vững hơn sự hiện hữu của một ngôi chùa mà nơi đó tinh thần yêu nước, yêu chúng sinh luôn là ngọn đuốc sáng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thiêng liêng. Phật giáo Việt Nam là Văn hóa Việt Nam là dân tộc Việt Nam.”
Đọc lịch sử chúng ta đã biết, Phật giáo nước ta có tuổi đời trên 2.000 năm, trong đó có 1000 năm nô dịch văn hóa Hán phương Bắc. (Phải thừa nhận rằng tín ngưỡng dân gian với tín ngưỡng Phật giáo bị “trộn lẫn” thế nên nhiều khi Chân lý Tinh hoa-Minh triết của Phật giáo bị hiểu lầm, và thực tế có giai đoạn, có thời kỳ sa lầy cùng tín ngưỡng thần quyền (mê tín dị đoan) đã làm tổn thương Chánh pháp. Theo thiển nghĩ của người viết, việc này cũng đang được các tổ thày có trách nhiệm với Phật giáo và dân tộc đang thao thức để lần lần đưa (Hiện pháp) tức vị trí (tinh hoa minh triết) của Phật giáo trở về với ngôi nhà Chánh pháp của Như Lai.
Thưa tác giả (họa sĩ) Cacho, nếu bạn là cử nhân báo chí tất phải học thể loại; nếu là cử nhân mỹ thuật thì thể loại lại càng sành. Bạn đặt Chân như pháp vào thể loại (châm biếm) thì thật là quá sai lầm. Ai cũng thừa hiểu lấy cặp đối lập để hiển chân hoặc phá ngụy. Nhưng bạn nên nhớ chỉ trong nhà thiền (thoại đầu) mới dùng đến những từ phá chấp nhằm khai mở tư duy cho thiền sinh. Còn lý luận thế trí (tức thế gian pháp) đem ra dùng ở thể ‘biếm’ là không thể! Bởi sự so sánh này dễ gây hiểu lầm và tổn thương đến chân thiện mỹ.
Sống trong thế giới này, với Chánh biến tri (trí huệ) của đức Phật, Bồ tát các chư vị không khó khăn gì khi nói rằng chúng sinh thường mang tội lỗi lẫy lừng. Chính vì điều mà chúng ta không biết, nên các chư vị khuyên chúng ta giữ giới để tránh những sai lầm cho chúng ta.
Trong 5 giới trọng của nhà Phật, giới nói dối, vọng ngữ tức lý luận hay (vẽ bậy) tội cũng không kém giới sát sinh. Bạn nên nhớ: Luật nhân quả không phải của Phật giáo mà luật của (thiên lý vũ trụ tự nhiên) đức Phật chỉ là người phát hiện sự vận hành của luật này. Vậy đức Phật chế ra giới luật (giữ giới) không phải để (hù dọa) ai hoặc giữ giới cho Phật, mà giữ giới ở đây là cho chúng ta, và Ngài lo cho đời sống kế tiếp của chính người giữ giới ấy.
Bài viết này không có thẩm quyền gì, với tư cách là người đã làm công tác báo chí từ nhưng năm 70 của thế kỷ trước, và là người có chút tìm hiểu Phật giáo nên muốn chia sẻ cùng bạn: Đúng, với báo chí người ta xếp “uy lực” của nó sau luật và có thể hơn luật là khác; bởi dư luận và sức mạnh của nó. Muốn viết về Phật giáo chúng ta cần phải đọc, phải tìm hiểu, thậm chí là cả hoc nữa để hiểu giáo lý căn bản. Đương nhiên giáo lý và kinh điển Phật giáo nhiều và rộng vô kể, nhưng không phải vì thế mà không thể hiểu được sự vi tế sâu mầu của giáo lý này.
Nếu chúng ta có thiện ý thì các cuốn Phật học phổ thông của các tổ thày đã viết và xuất bản (rất ngắn gọn dễ hiểu) nếu ta đọc, tìm hiểu cũng đủ để hiện pháp giúp chúng ta biết thêm giá trị Minh triết của Phật giáo. Học Phật pháp không cản trở gì đến việc học tập và làm việc của thế gian. Hiểu Phật pháp là chúng ta lo cho mục đích dài hạn không phải chỉ cho đời sống chỉ có (70-80) năm ở cuộc thế này, mà nó còn là tư lương cho đời sống kế tiếp. Là người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nếu có thể chúng ta cũng nên có những bài viết chuyên sâu nhuần nhuyễn về đời và đạo là điều rất có ích.
Đây cũng là dịp để chúng ta có cơ hội hoằng dương Phật pháp đến với mọi người giúp cho nhiều bạn đọc hiểu được giáo lý thâm hậu vi diệu của đạo Phật; nhưng cũng không kém phần thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, bởi giáo lý đạo Phật minh triết hiện đang có sức cuốn hút mạnh mẽ ở các khu vực thuộc cộng đồng những châu Âu và Tây Phương… Bạn đừng bởi ám thị, hoặc mất lòng tin về những điều (sái quấy) vừa xảy ra gần đây đối với Phật giáo mà làm mất đi lòng tin ở chánh pháp. Từ hơn 2500 năm trước, đức Phật đã nói tới việc của chúng ta ở thời kỳ này qua Dự ngôn của Ngài trong kinh điển.
Nhân đây cũng xin nói thêm để Họa sĩ Cacho và những ai quan tâm đến Phật giáo hiểu thêm đó là, mới đây tại ngôi chùa Bồ Bản xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị có 4 người cựu chiến binh Mỹ tuổi chừng 80 mươi tìm về ngôi chùa làng với mục đích trả lại bức tượng Phật cách đây hơn 50 năm mà một cựu chiến binh là ông Mullen đã lấy đem về Mỹ. Vì day dứt với việc làm này, mà người cựu chiến binh có tên trên rất mong ngày trở lại Việt Nam để hoàn trả lại bức tượng mà mình đã trót lấy.
Nhưng không đủ duyên để trở lại thì cựu chiến binh Mullen đã mất. Trước khi mất ông chỉ di chúc lại và nhờ người bạn cùng chiến đấu với mình ở Quảng Trị có dịp trở lại Việt Nam trả lại bức tượng mà mình đã lấy đem về Mỹ. Tại sao lại cầu kỳ như vậy? Bài viết “Bức tượng trả lại từ người cựu chiến binh Mỹ và ý niệm hóa giải” của tác giả Hoàng Công Danh trên trang Phật giáo nói khá chi tiết về điều này chúng ta có thể tìm đọc thêm.
Qua câu chuyện này chỉ muốn nói tới một điều: Từ nửa vòng trái đất những người Mỹ họ không u mê và hồ đồ để lặn lội tới ngôi chùa nhà quê hẻo lánh này mà phải dùng đến bản đồ quân sự khi xưa để tra cứu tìm về đích thực ngôi chùa Bồ Bản như đã nói ở trên.
Phật pháp tế vi là thế! Với Giáo lý đạo Phật chân lý khoa học chưa phải là tối hậu.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
(Tp.Uông Bí – Quảng Ninh)