;
Vấn đáp bổ sung kiến thức học Phật cơ bản
Lạy Phật như thế nào để có nhiều lợi ích?
Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng là ba ngôi báu quý hiếm nhất trên đời này vì Tam Bảo là cội nguồn của mọi phước báu thế gian và xuất thế gian cho tất cả chúng sanh. Đức Thích Tôn trong kinh Niệm Phật Ba La Mật thuyết: “Tam Bảo là chỗ về nương tựa của muôn loài, là ngọn đèn phá tan mọi hắc ám, là con thuyền đưa chúng sinh qua thấu bờ bên kia.” Nương tựa vào Tam Bảo với một niềm tin chân thật và vững chãi, chúng ta trở thành những kẻ vô úy, từ bi hỷ xả, an nhiên sống trong thế giới loạn động và thọ hưởng hương vị pháp lạc vì chúng ta biết chuyển hóa những buồn vui, vinh nhục của thế gian nhờ vào thực hành những lời Phật dạy trong đời sống tu hành và đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, bài tiểu luận ‘nông cạn’ này không triển khai ý niệm này mà chỉ tập trung khai thác sự quý hiếm của ba ngôi báu về mặt thời gian và không gian trên cơ sở kinh điển và thực tiễn cùng với những tâm sự của bút giả với các đồng tu quý mến.
1. Sự quý hiếm của Tam Bảo về mặt thời gian: Tỷ lệ thời gian ‘Có Tam Bảo’ và ‘Không có Tam Bảo là 1/10.000.
Các đạo hữu phát hiện gì trong đường tròn trên (Hình 1) ? Một vệt sáng bé tí tẹo là biểu thị thời gian có Tam Bảo và thời Gian không có Tam Bảo là cả một vòng tròn màu đỏ.
Phật Pháp được chia thành ba thời kỳ là thời Chánh Pháp, thời Tượng Pháp, và thời Mạt Pháp. Các thời kỳ Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi chép trong các kinh điển thì không đồng nhất, nhưng hầu hết các bậc cổ đức đều theo thuyết định thời kỳ Chánh Pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng Pháp là 1.000 năm, và thời kỳ Mạt Pháp là 10.000 năm [1]. Hiện thời chúng ta đang ở thời Mạt Pháp hơn 1.100 năm. Căn cứ vào số liệu trong Kinh Điển Đại Thừa, thời kỳ Mạt Pháp còn kéo dài khoảng 8.900 năm. Cuối thời Mạt Pháp theo Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận, kinh điển dần dần ẩn mất cho đến chỉ còn lại câu Phật hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT trụ thế thêm 100 năm nữa (theo Kinh Vô Lượng Thọ) và cuối cùng cũng biến mất. Đó là thời kỳ Phật Pháp bị tận diệt và Tam Bảo không còn tồn tại ngay cả danh từ Tam Bảo cũng trở nên xa lạ. Phật nói, “từ đó về sau không biết chuyện gì xảy ra cho đến ức triệu năm sau Đức Di Lặc Hạ sanh thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác” [2]. Trong khi đó theo Kinh Di Lặc Hạ Sanh, năm mươi sáu ức bảy ngàn năm sau, Đức Di Lặc mới giáng trần. Đơn vị ức có một số cánh tính khác nhau như sau:
Mười vạn = 1 ức, trăm vạn = 1 ức, ngàn vạn = 1 ức, 4 vạn vạn = 1 ức [3].
Nói chung là rất lâu xa. Để phát họa biểu đồ đường tròn so sánh ở trên, bút giả chỉ căn cứ vào đơn vị nhỏ nhứt của 1 ức là 100.000 và ức triệu năm sau khi kinh pháp tận diệt thì Đức Từ Thị hạ sanh thành Phật.
1. Sự quý hiếm của Tam Bảo về mặt không gian
So với dân số thế giới, số lượng người theo Đạo Phật quả thật khiêm tốn và chỉ tập trung ở một số nước Châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam, Sri-lanka, Lào, Cam-pu-chia, Đài Loan, Miến Điện, Ấn Độ…
1.1 Tỷ lệ Phật tử với dân số thế giới rất thấp
Theo số liệu năm 2010 của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA) trong tập World Fact-book về lĩnh vực tôn giáo thế giới, số lượng người theo đạo phật là 380 triệu chiếm 5.4% số thế giới [4]. Hình 2 cho thấy người theo đạo Phật chiếm một phần ‘khiêm tốn’ so với phần còn lại của dân số thế giới.
1.2 Tỷ lệ người theo đạo Phật so với các tôn giáo lớn khác trên thế giới thấp nhất
So với những tôn giáo lớn khác trên thế giới, đạo Phật chiếm tỷ lệ thấp nhất như đồ thị minh họa (Hình 2) trong tập World Fact-book cho thấy tỷ lệ người theo đạo Phật thấp hơn 1/2 lần đạo Hindu (13.26%), thấp hơn nhiều so với đạo Hồi (21.01%) trong khi đó tín đồ Cơ Đốc Giáo (Christian: 33.32%) cao hơn gần sáu lần tín đồ Phật Giáo.
2.3 Phật Giáo chỉ phát triển mạnh tập trung ở một số nước Châu Á
Số liệu của Adherents.com cho thấy những quốc gia có số lượng phật tử cao đều là những nước Châu Á như bảng số liệu dưới đây. Trung Quốc có số lượng Phật tử nhiều nhất. Về tỷ lệ so với dân số quốc gia, Thái Lan cao nhất chiếm 95% và Việt Nam ở vị trí thứ sáu chiếm 55% (49.690.00 người) trong Top Ten những nước có tỷ lệ dân số theo Phật Giáo cao nhất [5].
Mười Quốc Gia có số Phật tử nhiều nhất thế giới
Nước | Số lượng Phật tử |
Trung Quốc | 102.000.000 |
Nhật Bản | 89.650.000 |
Thái Lan | 55.480.000 |
Viet Nam | 49.690.000 |
Miến Điện | 41.610.000 |
Sri Lanka | 12.540.000 |
Nam Hàn | 10.920.000 |
Đài Loan | 9.150.000 |
Cambodia | 9.130.000 |
Ấn Độ | 7.000.000 |
1. Tâm tình của bút giả
1.1 Trân quý Ngôi Tam Bảo
Chư Phật tử quý mến! Chúng ta quả thực may mắn có được thân người trong thời gian Giáo Pháp của Đức Thế Tôn đang tồn tại và phát triển. Có thể nhận ra sự may mắn này qua tỷ lệ chênh lệch quá lớn: 1 năm có Tam Bảo và 10.000 năm không có Tam Bảo. Càng may mắn hơn nữa là chúng ta được sinh ra và lớn lên ở những nơi Tam Bảo Phát triển mạnh như Việt Nam. Cuối cùng, chúng ta đầy phước báu và thiện căn trở thành những Phật Tử được bảo vệ, che chở và trưởng dưỡng trí tuệ giải thoát – Niết Bàn bởi Ngôi Tam Bảo quý hiếm này. Vì thế, chúng ta phải trân quý ba Ngôi Báu này và quý thân người khó có đặng của mình bằng cách dành thời gian tu tập hạnh nhân thiên, giải thoát – Niết Bàn.
1.2 Hộ trì Chánh Pháp
Bằng cách tu tập và làm theo những giáo huấn của Đức Phật trong các Kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa. Hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tu tập với các bạn đồng tu. Phật tử của những tông phái Phật Giáo phải đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và coi nhau như thành viên của một đại gia đình Phật Giáo và hơn thế nữa đối xử với những ngoại đạo như những Phật tử đương lai. Để Chánh Pháp được trường tồn và phát triển trong thế giới hiện đại, hãy siêng bố thí cúng dường, xây chùa, dựng tháp, ấn tống kinh sách và đem giáo pháp của Như Lai (dù chỉ một bài kệ) tùy duyên mà gieo duyên với nhiều người khác nhằm mang ánh sáng trí tuệ và từ bi của đạo Phật đến với càng nhiều người càng tốt. Cuối cùng, Ban Giáo hội và Các Chư Tôn Đức Thế Giới cùng nhau chủ động xây dựng chương trình phát triển Phật Giáo ở những nơi chưa có Tam Bảo.
1.3 Siêng tu hạnh lành và tiêu trừ tật xấu
Đừng bỏ qua bất kỳ cơ hội thực hiện một hạnh lành nào dù chỉ nhỏ như việc tình nguyện nhường ghế ngồi cho người lớn tuổi trên xe buýt vì “để thành tựu một hạnh lành cũng phải trải qua nhiều kiếp”[6]. Sống trong thế giới Ngũ trược ác thế này trong thời có Tam Bảo ngắn ngủi và ở những nơi có Tam Bảo phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, Lào vv là một ruộng phước lớn cho những ai tu pháp lành như Bồ tát Hạnh. Ví dụ ‘ thô thiển’ là cơ hội làm từ thiện ở Việt Nam cao hơn nhiều so với những nước phát triển như Úc, Mỹ, Đức. Muốn làm hạnh phóng sanh thì sẽ thực hiện được ngay ở Việt Nam nhưng ở Úc thì khó hơn nhiều. Kiên tâm tiêu diệt vô lượng tật xấu. “Để tiêu diệt một tật xấu nhỏ thôi cũng đòi hỏi nhiêu kiếp” [7]. Vì thế hãy luôn giữ chánh niệm và kiên tâm với pháp môn mình đã chọn với niềm tin chân thật và vững chãi thì sẽ tiêu trừ được vô lượng nghiệp xấu và trí huệ hiển phát.
1.4 Phóng sanh và Niệm Phật
Những chúng sanh (Hóa sanh, thai sanh, hóa sanh và thấp sanh) sống chung với nhau ở những nơi có Tam Bảo phát triển mạnh như Việt Nam đều có một nghiệp chung, đó là cộng nghiệp nên mới ở cùng chung với nhau để báo ân và trả nghiệp. Hãy nhận thức rằng chim, cá, dê, gà vv... đều là cha mẹ, anh em với ta thậm chí còn rất gần với ta. “Chuyện kiếp xưa” là một mẩu chuyện cổ Phật Giáo kể lại rằng cách thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn 700 năm, có một vị A La Hán Kỳ Dạ Đa ở Kệ Tân miền Bắc Ấn Độ thần thông quảng đại cùng với những môn đệ của ngài vân du về phía Nam và khi đi ngang qua những sườn núi, hai bên đường có những ngọn cây cao vút, tôn giả tình cờ ngước đầu nhìn lên cành cây có một con quạ đen đang đậu. Tôn giả nhìn kỹ rồi nhẹ mỉm cười, gật gật đầu. "Bạch Tôn Giả, vì sao ngài lại mỉm cười với con quạ đó? Tôn giả ôn tồn trả lời: con quạ đó là con trai của ta, không ngờ nó lại đến nổi này. Coi như còn có duyên nên hơn mười kiếp qua rồi mà còn gặp mặt nhau" [8]. Vì thế, hãy tích cực phóng sanh và tăng cường ăn chay để trưởng dưỡng tâm từ bi.
Sau khi Pháp bị tận diệt, thế giới này chìm trong ‘bóng tối’ ít nhất 100 triệu năm trong khoảng thời gian này danh từ Tam Bảo không được biết đến huống gì nói đến lời kinh, tiếng kệ, và tiếng niệm Phật. Vì thế, hỡi các Phật tử bất kể tông phái nào, hãy cùng nhau cầu nguyện, rãi tâm từ, tụng kinh, trì chú cầu nguyện đến cho muôn loài gần ta và ở trong tất cả các pháp giới. Riêng đối với hành giả Tịnh Độ Tông, thì hãy đặt niềm tin vững chãi nơi Thánh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và sẵn sàng ban cho bất kể chúng sanh nào với niềm tin rằng nghe danh hiệu Phật được phước báu vô lượng như nhiều Kinh Đại Thừa đã nói. Hãy tin rằng Biển Đại Nguyện Bi Trí Viên Mãn vô lượng công đức bất khả thuyết của A DI ĐÀ PHẬT là cứu cánh rốt ráo, không một chúng sinh hay bất kể hữu tình nào, nhất là chúng sanh chịu tội khổ ở Tam Ác Đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh) mà Ngài bỏ sót, bỏ rơi như Nguyện 1 và 2 trong 48 lời Đại Nguyện ‘Cõi nước tôi không có Địa Ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, và Chúng sanh ở Tam Ác đạo về cõi nước tôi, thọ giáo pháp tôi thì sẽ thành Chánh Đẳng Chánh Giác” [9].
2. Nguồn Tham Khảo
[1] Hiền Kiếp, Ma-Ha-Ma-Gia, và Đại Tập Nguyệt Tạng
[2] Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận và Đại Bi Kinh
[3] Phật Thuyết A DI ĐÀ Kinh Yếu Giải Giảng Ký – Pháp Sư Tịnh Không
[4] World religions by percentage, according to the CIA World Factbook. June 20, 2010
[5] http://www.adherents.com/largecom/com_buddhist.html
[6] và [ 7] Bồ Tát Hạnh. Phạn Văn: Sàntideva; Việt Văn: Thích Trí Siêu
[8] Truyện Cổ Phật Giáo
[9] Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp các pháp giới
Đồng sanh cõi Cực Lạc.