;
CHÁNH VĂN:
Hán | Âm: | Dịch: |
第 七 覺 悟 | Đệ thất giác ngộ, | Giác ngộ thứ bảy, |
GIẢNG
Thứ bảy giác ngộ ngũ dục là họa hoạn. Bồ-tát tuy hiện thân vào đời, giống như người thế tục nhưng chẳng nhiễm thế tục. Các ngài thường nhớ ba y, một bình bát, giữ chí nguyện xuất gia, giữ gìn đạo nghiệp trong sạch, nuôi dưỡng phạm hạnh cao sâu, thường hành từ bi đối với tất cả chúng sanh.
Phật dạy điều giác ngộ thứ bảy có hai ý. Ý thứ nhất, nói về họa hoạn của ngũ dục tức tài, sắc, danh, thực và thùy. Ý thứ hai, đức Phật mở ra một chân trời tịnh thanh đối với người nào làm chủ được ngũ dục, mở ra cánh cửa giải thoát, sống đời an lạc trước tất cả cám dỗ của ngũ dục.
Đức Phật vì lòng từ bi, thị hiện trải qua trầm luân khổ sở trong vòng luân hồi, thể nghiệm chắc thật về vấn đề này và ngài đã nói cho chúng ta biết đây là những điều họa hoạn. Nói để làm gì? Để chúng ta nghe hiểu rồi nhớ, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống, khiến nó không còn là những họa hoạn nữa. Người biết cách làm chủ mình thì cũng sẽ làm chủ ngũ dục, nghĩa là sử dụng ngũ dục để thành tựu sự nghiệp tu hành, chứ không bị nó lôi dẫn khiến mất hết huệ mạng. Rõ ràng chúng ta cũng phải ăn phải ngủ, đâu thể không ăn không ngủ được. Nếu biết điều phục được việc ăn ngủ theo lời Phật dạy, nhất định những thứ này là chiến hữu cần thiết hỗ trợ cho chúng ta tu hành tới nơi tới chốn. Đó là đỉnh cao lý tưởng nhất mà chư huynh đệ chúng ta đang hướng tới.
Muốn làm chủ ngũ dục hay giải trừ nó thì phải biết cách. Học hiểu Phật pháp, ứng dụng Phật pháp để dần dần giải trừ nó là phương pháp xưa nay của những người tu Phật. Phật nói nó là ngũ dục nhưng nếu biết sử dụng thì nó sẽ giúp, chứ không hại chúng ta, nhưng hành giả phải khéo léo, sáng suốt mới có thể sử dụng được những phương tiện ấy. Chính Lục Tổ cũng đã dạy giác ngộ không ngoài những thứ này, giác ngộ ngay trong cuộc đời. Mình làm chủ được, sử dụng được thì giác ngộ, là người đại lực lượng. Ngược lại nếu không sử dụng được thì nó sẽ quật mình chết. Chết ở đâu? Ở trong ăn mặc ngủ nghỉ đó.
Như trong thiền viện giờ ngủ được quy định từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng, trong thời khóa tu tập có ghi rõ ràng. Người xưa sắp đặt một thời khóa tu tập thật sít sao cho chúng ta hành trì, ân đức ấy vô cùng lớn lao. Bởi vì, nhìn qua sự sắp đặt như vậy mình thấy rõ ràng các ngài đã có sự sống trải nghiệm trong công phu. Do vậy, chư Tổ đặt định thời khóa để mở ra những cánh cửa cho chúng ta bước vào được. Giả tỷ bình thường người đời chuẩn bị cho một giấc ngủ thật tốt, thật thích thú từ đầu đêm cho tới năm bảy giờ sáng, nhưng các bậc thầy của chúng ta lại có cái nhìn khác. Các ngài vẫn sử dụng ban đêm để ngủ nhưng chia ra có giờ ngủ và giờ tu. Các ngài vận dụng thời gian ngủ đủ cho sức khỏe để chúng ta ngồi dậy tu. Tu khoẻ thì trí tuệ mới phát triển, đảm bảo bước đường hành đạo không quá khó, không gãy đổ.
Tôi cảm nhận được tấm lòng này và luôn cúi đầu tri niệm ân đức của các bậc thầy, các bậc tiền bối, đã có một sự trải nghiệm chắc thực. Các ngài vì thương mà chỉ dạy cho chúng ta cho nên mình phải tuân thủ, phải tôn trọng lời chỉ dạy và sự sắp đặt này. Vì vậy lúc mình đang ngủ ngon mà có người đánh kẻng dựng dậy mình cũng vui vì biết giờ này là giờ tu. Người xưa bằng kinh nghiệm, bằng tấm lòng đại từ bi, dựng chúng ta dậy để tỉnh táo làm việc cho chính mình. Các ngài đã từng nói rằng việc đó chỉ có mình làm chứ không ai làm thay cho được. Khi chư huynh đệ nhận ra được điều này thì tu thấy rất thích thú, dù rằng những giờ giấc công phu đôi khi cũng làm mình nhọc nhằn, mệt mỏi. Tuy nhiên, khi nhớ lại đại ân đại nghĩa, nhớ lại các việc mình phải làm chưa xong, do vậy không nỡ nào nằm xuống ngủ. Một khi nằm xuống ngủ là y như mình đang nằm trên lưng con rắn, con thú dữ dằn có thể quay lại xơi mình một phát là kể như rồi đời. Do vậy, mình không sao ngủ được.
Thật ra, ngũ dục là những nhu cầu bình thường trong đời sống con người, không ai thiếu được, nhưng đừng say mê và lạm dụng nó thì yên. Một khi đã lao theo thì nó lại trở thành họa hoạn. Cho nên, người tu phải ngay nơi ngũ dục mà thực hiện Phật đạo. Đây là vấn đề chính yếu. Hồi nhỏ tôi nghe các bậc thầy nói muốn hàng đệ tử trở thành những bậc pháp khí hữu dụng trong Phật pháp, tức là trong lòng của quý ngài muốn mình khai tâm để có thể thành tựu Phật đạo ngay trong cõi đời uế trược này, chứ không phải chạy tìm kiếm ở đâu xa xôi.
Vì sao nói ngũ dục là họa hoạn? Vì nó là những cái xâu, xâu lại thành một vòng, tâm của mình kẹt ở trong vòng ấy. Người trong lòng ngổn ngang chẳng khác nào những xâu dây kẽm được xâu lại thành một cuộn to. Nó xâu lại kết thành những tồn đọng, những cố chấp cố thủ của chúng ta, đã vậy thì không biết chừng nào chúng ta mới có thể tháo gỡ được. Ví dụ như vòng kẽm gai làm rào chung quanh khuôn viên thiền viện được khoanh bằng những phương tiện cơ giới do vậy nó khít khao. Chúng ta cứ ngỡ khó mà gỡ ra được nhưng thật sự biết cách gỡ thì không khó.
Cũng thế tuy ngũ dục là họa hoạn nhưng nếu mình làm chủ được, sáng suốt biết dùng nó thì có thể tháo gỡ hết, nghĩa là phải có trí tuệ. Mỗi chúng ta phải nhớ rằng trí tuệ không thiếu, không thể để cho nó ốm yếu, phải làm sao cho trí tuệ luôn mạnh mẽ, không trống rỗng nơi mình. Đủ trí tuệ rồi, chúng ta sử dụng việc gì cũng tốt hết. Như ta đang ngủ đồng hồ báo 3 giờ thức, khi đó nếu đầy đủ sáng suốt trí tuệ thì nhất định ngồi dậy được. Khi đã ngồi dậy được thì một lô các chương trình tu đều có thể thực hiện bằng sự sáng suốt của mình. Trong bài hô thiền buổi khuya có câu “Canh năm Bát-nhã chiếu vô biên”. Chư Tổ dạy mình nhớ sáng suốt tỉnh táo, bằng tâm kiên quyết bước tới điện Phật, bước tới đạo tràng để gầy dựng sức mạnh, bảo vệ trí tuệ nơi mình không bị bất cứ thứ gì làm cho mờ tối.
Ngũ dục quá hoạn, chữ Quá là sai lầm, lỗi lầm. Nếu người phát tâm dũng mãnh, tu hành kiên quyết thì đối với tất cả những sai lầm nhất định bỏ đi. Điều đó rất tốt. Như bây giờ trong đại chúng, có vị nào phạm sai sót, các thầy lớn nhắc nhở, ngay đó tỉnh sáng thấy biết mình sai sót liền xin lỗi sám hối. Sám hối có nghĩa là không để cho những lỗi lầm ấy tái lại nữa. Khi biết lỗi rồi nhất định bằng tuệ lực làm sao khắc phục không cho nó có một cơ hội sống dậy được. Bỏ hẳn nó đi, đó chính là sức mạnh công phu của người tu. Chúng ta thường nghe nói sức mạnh của người tu hay sức mạnh của tỉnh lực, tuệ lực. Đó chính là sức mạnh tự chiến thắng mình, hơn cả chiến thắng trăm ngàn quân địch. Tự chiến thắng mình là gì? Là có những lỗi lầm sai trái nào, đủ gan dạ nhận lỗi trước mọi người, tự hứa bỏ đi. Và một khi đã hứa với mọi người thì nhất định phải bỏ. Đó là người bước đầu gầy dựng cho mình một sức mạnh. Quả thực sức mạnh đó không phải tìm kiếm ở đâu xa xôi, mà nó ngay trong đời thường của chúng ta.
Nếu chúng ta có lỗi, thầy bạn nhắc nhở chỉ ra, tuy nhiên mình chưa nhận định chính chắn đó là lỗi nên không chấp nhận, không chịu nghe không chịu sửa. Điều này làm trở ngại rất lớn cho bước tiến đạo của chúng ta. Chỉ cần biết suy nghĩ nhận ra, nghe lời nhắc đúng liền tự khắc sửa đổi, không tốn thời gian bao nhiêu và cũng không lỗ lã gì hết. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi chúng ta lúc nào cũng sẵn lòng khiêm hạ, dám nhận lỗi và sửa lỗi thì rất tốt. Được sự hướng dẫn chỉ vẽ của người lớn hơn, ngang hàng hoặc nhỏ hơn mình, mà lúc nào chúng ta cũng sẵn lòng ghi nhận trân trọng và sửa đổi, như vậy là người biết tu.
Trong đời sống hằng ngày đòi hỏi chúng ta phải biết sửa mình. Cái gánh đã nặng rồi nên khi biết vật không chính đáng thì thải ra. Thải ra cho nhẹ. Càng tu càng nhẹ càng khoẻ càng vui, chứ tại sao càng tu càng bệnh. Nếu bệnh là do cái gì? Do báo nghiệp nhiều đời, do không sáng nên cứ gây những cấu chủng. Mình đã tạo những cấu chủng ấy, bây giờ phải gánh thôi. Cho nên người tu Phật phải sáng suốt, vận dụng trí tuệ để làm thành cho mình, những gì không cần thiết loại bỏ hết đi. Người xưa thường hay vào núi sâu rừng thẳm tu hành là vì vậy. Ở đó dễ dàng gạn lọc những cấu bẩn trong tâm. Các ngài tu với thiên nhiên, với sỏi đá nắng gió, rắn độc thú dữ… thích thú lắm. Các ngài dám vào trong chỗ nguy hiểm để mà sống và gầy dựng cho mình một sức mạnh tâm linh.
Đọc lại lịch sử của đức Thế Tôn chúng ta thấy sau 20 năm ở hoàng cung với phụ vương, tất cả hoàng thân quốc thích, Ngài học hiểu cách sống và cảm thông với tất cả mọi người. Nói chuyện với thần dân, với những người hầu hạ mình rất trân quý. Một vị thái tử có tấm lòng trắc ẩn sâu thẳm ở bên trong, nhớ đến sứ mệnh cao cả nên nửa đêm vượt thành xuất gia, cởi bỏ hết những gì lâu nay đã có, vào rừng ẩn tu tìm đạo. Từ đó gắng gổ tích cực trong công phu, sửa đổi việc tu tập cuối cùng giác ngộ thành Phật. Ngài giác ngộ dưới cội Bồ-đề, nơi đó không phải là phố thị mà là dưới bóng cây. Rõ ràng do ngài phát huy được trí tuệ của mình nên thành tựu viên mãn Phật quả.
Việc tu tập phải thực hiện ngay trong thế gian mà giác ngộ. Nên ở đây nói tuy là người thế tục nhưng không nhiễm thế lạc. Thế lạc là thú vui trong tài sắc danh thực thùy. Chúng ta kiểm nghiệm lại xem mình có bị đắm nhiễm không? Nếu còn những khởi tâm, những dấy niệm về các hiện tượng tham sân si đối với ngũ dục v.v… thì không cảm nhận được chỗ vô nhiễm của Bồ-tát. Có lần về thăm Hoà Thượng Trúc Lâm, ngài lặp tới lặp lui rằng không phải huynh đệ lên núi lên non mới tu được. Có khi lên đó tu không được chạy về, cuối cùng cả đời cũng tu không được.
Tóm lại, các ngài răn nhắc chúng ta phải có trí tuệ thấy đúng và thực hiện đúng những việc làm của mình. Nếu đắm chìm dính mắc trong ngũ dục là mê lầm, là họa hoạn. Trong giấc ngủ đang say ta vẫn tỉnh mỉnh ngồi dậy nghe chuông để tu hành thì không có lỗi, không mê lầm. Chỉ sử dụng những nhu cầu cần thiết cho thân tâm, cố gắng tỉnh giác vững tiến trên đường tu hành. Người như vậy sống trong cuộc đời này không bị nhơ nhiễm nào làm vướng ngại. Hoà thượng Trúc Lâm dạy sống được với tánh giác của mình là mục tiêu cứu kính của chúng ta. Ngài mong mỏi tất cả những bậc thầy làm sao vẫn vui sống bình thường, nhưng không bị nhơ bị nhiễm bởi tất cả mọi thứ chung quanh. Được thế là tốt. Đó là một ý trong đoạn đầu của bài kệ này.
Phật dạy: “Thường niệm tam y, bình bát pháp khí”, đây là những pháp khí của người xuất gia tu hành. Khi chúng ta bước lên thềm bậc xuất gia thì phải có đủ những thứ này. Ba y, bình bát là đồ dùng của người tu hạnh thanh tịnh, ít muốn biết đủ. Đức Phật nhắc người muốn đi vào con đường xuất gia, giữ đạo hạnh trong sáng thì phải trải qua cuộc sống giản dị như vậy. Có nhiều thầy sống thuần thục trong đạo tràng, khi gặp Phật sự bên ngoài họ thấy ngỡ ngàng. Ví dụ như sáng nay phải đi dự đại lễ ở Thành phố, chứ không lên điện Phật ngồi thiền như mọi hôm, họ thấy không thích thú bằng mặc áo lên điện Phật ngồi thiền.
Tôi muốn nói đến cảm khái này là dấu ấn hình thành đạo lực công phu tu hành của mỗi người. Những gì người thường ưa thích, mình cảm nhận không nên, dừng lại, đó là biểu hiện của đạo lực. Như Phật tử tới trước chùa thấy hình tượng Phật, Bồ-tát tự nhiên giật mình khép nép. Đó là điềm báo họ có chủng tử lành đã huân tập từ trước, bây giờ có cơ hội nó hiện khởi. Đây chính là đạo lực, chủng duyên của mỗi người. Trong nhà thiền có câu chuyện về một vị Phật tử đại gia muốn cúng dường để tìm thánh tăng. Ông trình bạch với Hoà thượng Đường đầu: “Thưa ngài con muốn cúng dường để tìm một bậc thánh tăng đúng với tâm nguyện của con”. Hoà thượng bảo được rồi, ông cứ tổ chức đi. Như vậy giữa thầy trò đã có sự cảm thông và cùng nhau gạn lọc để nhận ra thánh tăng.
Vị cư sĩ này chuẩn bị một đại lễ mời toàn chúng trong thiền viện, luôn cả Hoà thượng đường đầu. Hôm đó tổ chức rất qui mô, toàn chúng đều đi dự. Ngoài cổng chuẩn bị sẵn sàng, đại chúng đi qua đều bước bình thường. Gần hết chư tăng rồi mà chưa tìm ra thánh tăng. Vị đại gia này cảm thấy hơi thất vọng, bỗng nhiên lúc ấy có hai thầy ăn mặc lôi thôi lếch thếch, vừa đi tới cổng liền lộn ngược đầu mà qua. Mọi người bảo tới giờ này mà còn giỡn. Lúc đó Hoà thượng đường đầu nhận ra và nói với vị Phật tử đại gia kia chính đó là thánh tăng. Quý vị biết sao không? Vì ở dưới cánh cổng đó có chôn một tượng Phật, một bộ kinh Đại Bát-nhã, kẻ phàm tăng làm gì biết, do vậy cứ đi bình thường. Nhân vật này quả thật là thánh tăng nên tới đó cúi đầu kính lễ và lộn qua bên kia, tức là không dẫm lên hình tượng và kinh Phật. Hoà thượng đường đầu vui mừng vì quả thật ở trong đạo tràng của mình có thánh tăng. Có thể nói dấu vết của chư vị đại thánh, Bồ-tát thị hiện trong các đạo tràng và tùng lâm lớn ở Trung Hoa đều là những trường hợp như vậy. Các ngài thị hiện mọi nơi, trong những hang cùng ngõ hẻm, nơi nào đủ duyên thì đến. Đó là câu chuyện biểu hiện sự lạ thường nhưng lại có trong cuộc đời bình thường. Từ đó cho chúng ta thấy công phu, đạo lực của người chân tu lớn mạnh ngay trong đời thường, không dính dáng gì tới màu áo, dáng vẻ hình thức bên ngoài.
Đạo lực phát triển từ công phu tu hành của chính chúng ta. Điều này không ai ban cho mình cả. Bây giờ đức Phật các vị Thánh trước nói ngũ dục là họa hoạn, chúng ta phải quyết chí tu hành, sửa đổi những xấu dở thì sẽ thành tựu đạo lực. Các ngài chỉ dạy nhắc nhở chúng ta trong phạm vi đó, làm thành cho ta thật sự có đạo lực để được giác ngộ giải thoát đều từ nơi mình chứ không ai khác. Cho nên chư huynh đệ phải cố gắng. Bây giờ nhìn chung trong đại chúng luôn cả chính tôi cũng không ngoại lệ, đều chưa thấy hết cái họa hoạn của ngũ dục nên chưa tránh khỏi bẫy lồng của nó. Chỉ những vị có trí tuệ biết đó là họa hoạn nên tự dừng tự điều phục, mới thoát khỏi họa hoạn của nó.
Hôm qua nói chuyện tại thiền viện Thường Chiếu, tôi nói nhiều về những tâm bệnh và thân bệnh. Thân bệnh và tâm bệnh này không ngoại lệ, nghĩa là đại chúng có thân bệnh tâm bệnh thì thầy Trụ trì cũng có thân bệnh tâm bệnh. Nhưng người có trí tuệ biết đó là bệnh thì sửa đổi hoán chuyển như thế nào đó, để sử dụng tốt thân tâm bệnh tật này trên con đường Phật đạo. Đó là điều quan trọng. Nói về thân bệnh, một khi mình biết nguyên nhân nào gây bệnh thì nhất định phải bỏ. Đây là cái hay của đạo Phật. Biết rồi phải buông bỏ, mà buông thì buông cho sạch. Ví dụ, người biết một chút về y lý bệnh lý, khi bác sĩ nói hút thuốc nhiều thì sẽ bị ung thư phổi chẳng hạn, biết rồi thì không hút nữa. Tuy nhiên, người sản xuất rượu vẫn sản xuất đủ loại, đủ nhãn hiệu. Đó là chuyện thường trong đời sống thế gian. Người ta có quyền sản xuất nhưng đệ tử Phật có quyền không uống. Người trí tuệ có tầm nhìn cao rộng, thấy được lẽ thật của mọi vấn đề nên không bị họa hoạn vây khốn.
Người biết tu cố gắng sống bình thường, tới giờ ăn thì ăn, tới giờ ngủ thì ngủ, tới giờ thiền thì đi ngồi thiền, mọi người đi làm chúng ta đi làm, mọi người nghỉ chúng ta nghỉ, bình thường không có gì khác. Trong đời sống chư huynh đệ nhớ vui vẻ. Người ta làm gì mình làm cái đó, người ta cười nói mình cũng cười nói, người ta nghỉ ngơi mình cũng nghỉ ngơi. Đó là một đời sống bình thường mà rất hoàn chỉnh của người có trí tuệ. Như vậy, ngay trong đời sống này chúng ta không còn thiếu thứ gì hết. Nếu có thiếu là do xuất phát từ lòng tham mà ra. Giữa mọi người tự nhiên có một người thấy sao cứ không hài lòng, làm gì cũng không thấy vui, nhất là đồ dùng không bao giờ thấy vừa ý. Đó là vì lòng tham sai khiến.
Hồi xưa có lần huynh đệ chúng tôi tọa đàm với nhau, đưa ra đề tài tìm một người lý tưởng, không dính mắc gì hết. Những anh em đi học trường lớp ngoài đời lý giải nhiều, đưa ra nhiều mẫu người lý tưởng lắm. Nhưng cuối cùng tôi nói không phải, chỉ người nào sống hài hoà vui vẻ bình yên, mọi việc chân tình với anh em là người lý tưởng. Ngược lại, người tuổi trẻ mà cứ nhăn nheo hoài, trong lòng bức xúc hoặc có một đầu óc muốn tóm thâu thiên hạ về mình. Lòng tham của họ lớn quá mà thực hiện không được nên bất an hiện ra, người đó là người có nhiều bất an bất ổn, nên biết tham là biểu hiện không tốt. Anh em chúng tôi bàn tán cả đêm, cuối cùng người bình thường lại phát triển, chưa chắc người học giỏi phát triển, chưa chắc người không đi học không phát triển. Họ không đi học ở đâu hết mà nhân cách của họ tốt thì tuyệt vời. Họ sống trong quê trong làng, trong những chỗ đường cùng ngõ hẹp mà ai cũng tìm đến. Bởi vì họ có tấm lòng, tấm chân tình đối với tất cả mọi người, quả thật đó là người lý tưởng trong xã hội.
Chúng ta không lo không sợ mình quê dốt mà tốt nhất là chỉ yên lòng tu. Ngay trong cuộc sống đời thường này, không để bất cứ một thứ gì làm động tâm. Ăn mặc ngủ nghỉ đi đứng cũng vậy, tụng niệm tu hành cũng vậy, làm tròn bổn phận một cách hết sức bình thường. Đó là người điều hòa tốt. Những người như vậy rất cần thiết trên bước đường học đạo, bước đường trải nghiệm tu hành với chúng ta. Tự mỗi người phải gầy dựng, ý thức, chủ trì mọi sinh hoạt của mình. Người phát huy được chí nguyện của mình đi vào con đường tốt, làm việc tốt, đó là người giữ được đạo thanh bạch. Từ chỗ thanh bạch bình thường này dẫn đến đầy đủ phạm hạnh và sẽ dễ dàng làm lợi ích cho tất cả mọi người. Cuối cùng trong bài kệ nêu lên bậc Bồ-tát làm mọi việc vì tất cả chúng sanh, chứ không phải vì cá nhân mình.
Đôi khi nghiệm lại chúng ta thấy mình chưa phát huy được điều đó. Đọc qua cuộc đời các vị quan thanh liêm của Trung Hoa và Việt Nam, thấy họ cũng là người làm những việc bình thường thôi. Họ đi học đi thi đỗ thủ khoa, nhưng lại vô rừng cất trại, dựng làng, lấy lá rừng làm nhà, sống chung với người dân nghèo ở chung quanh, nói những điều đạo lý, dạy dân không nên làm việc ác, phải trung thành đùm bọc nhau. Do vậy, họ được rất nhiều người quý kính, mỗi ngày dân làng đến nói chuyện, trao đổi… Dần dần họ trở thành người thân của dân. Trong quá trình học tập ở quan trường tốt nghiệp thủ khoa, lại không có những điều này. Đó là do mỗi người tự phát huy, tự ý thức, chủ động sáng tạo ra.
Thật ra, trí tuệ của chúng ta hay lắm, cho nên đạo Phật rất quý trọng trí tuệ. Từ cuộc sống chúng ta tự phát huy sở trường của mình thông qua trí tuệ. Như trường hợp làm chùa làm chiền, Hoà thượng nói “chú xem cái chùa như thế nào rồi xây dựng”. Tôi chưa từng biết cái chùa làm tốn bao nhiêu cát, xi măng, sắt… nhưng khi bắt tay vào việc thì những vị cộng sự cho biết cái nào thiếu cái nào đủ và tôi nhìn cũng thấy cái nào hoàn chỉnh, cái nào không hoàn chỉnh. Cùng nhau hòa hợp với mọi người để điều hòa cuộc sống, chúng ta sẽ gầy dựng được những điều tốt đẹp không chỉ cho riêng cá nhân mình mà cho tất cả. Điều này là thành tựu của những người con Phật, những người hành trì đạo có tâm huyết và bền bỉ.
Nói như vậy để chư huynh đệ cố gắng lên, không sử dụng trí tuệ, không có công đức tu hành thì làm sao được lợi lạc. Bởi chính mình không buông cho nên mình mới khổ. Do chưa buông được nên cứ ôm giữ, mới bị đau bị vướng trong trầm luân không ra được. Bây giờ Hoà thượng chỉ cho mình cách mở ra một chân trời sáng, chỉ mình phải buông. Nếu ngài biểu để thêm cái gì thì chắc chúng ta làm không nổi, cái gánh nặng dù là gánh ngọc ngà châu báu mà cứ để vô mãi thì nhất định sẽ gánh không nổi. Chỉ có cách thảy đồ trong đó ra hết thì nó nhẹ và cuối cùng cái gánh cũng vứt luôn mình mới hoàn toàn thảnh thơi an lạc.
Qua điều giác ngộ thứ bảy chúng ta thấy có những hoạ hoạn của ngũ dục Phật dạy nên tránh. Bên cạnh đó ngài ca tụng ý chí của những người tu hành thoát ra khỏi ngũ dục, ra khỏi họa hoạn của nó. Dù đang sống trong ngũ dục mà phát tâm xuất gia tu hành, người đó có thể thành tựu được đạo nghiệp, trở thành người thanh tịnh tốt đẹp và đem đến lợi ích cho tất cả mọi người. Họ không vướng bận vào vòng luẩn quẩn của cuộc đời, cho nên người này là Bồ-tát là đại nhân. Các ngài làm việc gì cũng vì chúng sanh chứ không nghĩ đến bản thân mình. Đó là điều chúng ta đang hướng tới để thực hiện cho được, từ đó viên thành Phật đạo.
Theo: Thường Chiểu