;
Đức Phật từng dạy: “Sinh ra được làm thân người là khó. Làm thân người được nghe chánh pháp lại càng khó hơn”. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tinh thần hoằng pháp không ngừng nghỉ của các quý thầy, hàng thiện nam tử, thiện nữ nhân có nhiều cơ duyên hơn được biết đến Phật pháp. Chúng con đã biết ăn chay, niệm Phật, trì trai, giữ giới, tụng kinh, bố thí, cúng dường…theo chánh đạo.
Ngày xưa, khi đời sống còn nghèo, các cụ đã ý thức được vai trò của nhà sư trong đời sống tâm linh của dân làng: “Nhà có vàng không bằng làng có sư”. Nhờ có các nhà sư, nhân dân có điểm tựa tinh thần khi được nghe lời kinh, tiếng kệ, tiếng chuông chùa, khuyên bảo những điều hay, lẽ phải, chăm lo lễ bái, cầu an…Tuy nhiên, không phải ở vùng quê nào Phật tử cũng có điều kiện gần gũi hàng tu sĩ Phật giáo. Thái Thụy (Thái Bình) quê con là một ví dụ.
Hôm vừa rồi, con có dịp gặp một khách hàng của gia đình. Bác là một Phật tử, tham gia hội Phật giáo (hội quy) ở làng bên. Bác cho biết, bác thường nghe kinh sách, xem băng đĩa, niệm Phật, ăn chay 4 ngày mỗi tháng và đặc biệt không đốt giấy tiền, vàng mã. Con nghe thấy cho rằng đây là điều đáng mừng. Bác cũng cho biết thêm, tuy học Phật nhưng tâm bác còn nhiều tạp loạn nên rất mong muốn được nghe những lời pháp từ quý thầy để theo đó mà tu hành, xả bỏ. Bác mong muốn có một ngày được lên chùa Từ Xuyên (Tp.Thái Bình) để dự các đại lễ, khóa tu, nghe giảng pháp…Bên cạnh đó, câu chuyện bác nói nhiều với con là về các “sư, sãi” ở chùa làng.
Các Phật tử quê làm lễ quy y Tam Bảo
Chùa làng Đông Hồ (xã Thụy Phong, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có một số người được gọi là nhà “sư, sãi”. Tuy là nhà tu hành nhưng họ còn theo nghề đồng cốt, cúng bái Tứ phủ. Bác kể, chỉ các “sư, sãi” và một số Phật tử mới có “quyền” dự lễ tụng kinh trên chùa, còn những người như bác thì không có cái “ân điển” ấy. Tôi bảo bác rằng, ai cũng là người, ai cũng cùng một “dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”, tại sao lại có sự phân biệt đối xử như thế? Cho nên, các bác thèm lắm những câu kinh, lời kệ, những lời giảng của quý thầy.
Thiết nghĩ, không biết căn cứ vào đâu mà các “sư, sãi” tự cho mình cái đặc quyền ấy. Bác còn cho biết thêm, nếu họ biết các bác đi chùa khác để nghe pháp thì họ còn mắng. Các bác mong muốn quý thầy sẽ có những chuyến hoằng pháp tới mọi miền quê, cho lời giáo hóa để các bác được học theo Phật pháp đích thực.
Mong muốn của bác cũng giống mong muốn của hội Phật giáo làng con có một nhà sư về làm trụ trì ngôi Tam Bảo để ngày ngày nương bóng Phật tử bi, xây dựng một xã hội, làng xã văn minh, từ ái. Chúng con cũng mong rằng chư tôn đức GHPG tỉnh và huyện có biện pháp chấn chỉnh, chấn hưng Phật sự các vùng quê chưa có trụ trì để nhân dân được nghe Phật pháp, không rơi vào tà đạo, đồng bóng.