;
Tâm giác ngộ là chân lý thiết yếu, phổ quát.
Tư tưởng thuần khiết nhất này là nguyện ước và mong muốn giúp tất cả chúng sanh đạt được thực chứng năng lực cao nhất: Giác ngộ vô thượng.
Bồ tát nhìn thấy bản nhiên pha lê hiện hữu trong tất cả mọi người, và nhận ra vẻ đẹp của tiềm năng con người, nên luôn luôn có sự tôn trọng.
Nếu có tư tưởng thiếu tôn trọng, thì con người sẽ như cỏ rác, chỉ để sử dụng mà thôi. "À, người ấy không có nghĩa gì đối với mình. Loài người không có ý nghĩa gì cả đối với mình."
Tất cả chúng ta đều cố lợi dụng người khác, chỉ vì lợi ích của chính mình. Toàn thể thế giới được xây dựng trên sự tham chấp. Những nước lớn lấn át các nước nhỏ, trẻ lớn lấy kẹo của trẻ nhỏ, chồng lợi dụng vợ. Tôi làm bạn với người nào đó bởi vì người ấy có thể làm lợi cho tôi. Thế giới đều như vậy cả. Bạn gái, bạn trai. Mọi người đều ham muốn điều gì đó.
Mong muốn kết bạn chỉ vì lợi lạc cho người khác là cực kỳ hiếm hoi; tuy thế, đây là điều hết sức quý giá. Đức Phật giải thích rằng ngay cả một niệm của tâm thức này được hồi hướng cho sự giác ngộ vì lợi ích của chúng sanh có thể tiêu hủy hàng trăm nghìn kiếp nghiệp báo tiêu cực.
Chính những dính mắc làm cho chúng ta trở nên tầm thường và thiếu tự tin. Nhưng chỉ một chớp lóe thậm chí rất nhỏ của ánh sáng tâm giác ngộ cũng làm cho trái tim ấm áp và thư thái.
Tâm giác ngộ là giải pháp tối ưu, là năng lượng nguyên tử giúp tiêu trừ tất cả tham chấp.
Tâm giác ngộ không phải là cảm xúc từ ái. Bằng việc hiểu rõ bản chất tương đối của chúng sanh và thấy được con đường tối thượng họ có thể đi, và bằng việc phát triển chí nguyện đưa tất cả chúng sanh đến sự giác ngộ, tâm thức sẽ tràn đầy tình yêu thương phát sinh từ tuệ giác chứ không phải cảm xúc.
Tâm giác ngộ không mang tính cục bộ. Với tâm giác ngộ nếu bạn gặp bất kỳ người nào, dù giàu hay nghèo, da đen hay da trắng, bạn cũng luôn luôn thoải mái và bạn có thể giao tiếp.
Chúng ta có một ý tưởng cứng nhắc; đời sống phải thế này hay thế nọ. "Điều này là tốt. Điều này là xấu." Chúng ta không thấu hiểu những khía cạnh khác nhau của thế giới con người. Nhưng, nếu có tư tưởng phổ quát phi thường này, suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta sẽ tự động tan biến. Rất đơn giản: chúng ta có không gian và đời sống trở nên dễ dàng hơn.
Thí dụ, có người nào đó nhìn vào chúng ta, vào ngôi nhà của chúng ta, vườn tược của chúng ta và chúng ta cảm thấy khó chịu. Chúng ta cảm thấy bất an và chật hẹp trong trái tim mình. Kiêu mạn. "Đừng có nhìn tôi." Nhưng với tâm giác ngộ thì bạn có không gian. Khi người nào đó nhìn bạn thì bạn có thể nói, "Ừm. Người đó đang nhìn mình. Nhưng không sao." Bạn có hiểu không? Thay vì cảm thấy khó chịu thì bạn biết là không sao cả.
Tâm giác ngộ là chất gây tê ,gây mê giúp hoá giải niềm đau, và làm cho chúng ta an lạc.
Tâm giác ngộ là thuật giả kim có thể chuyển hóa mọi hành động để làm lợi ích cho người khác.
Tâm giác ngộ là vầng mây có thể mang mưa năng lượng tích cực để nuôi dưỡng làm mọi thứ lớn mạnh.
Tâm giác ngộ không phải là một học thuyết. Nó là một trạng thái tâm. Kinh nghiệm nội tại này hoàn toàn mang tính cá nhân. Vậy thì làm sao chúng ta thấy được ai là Bồ tát, ai là không? Chúng ta có nhìn ra được cái tâm luôn tự ca tụng mình không?
Nếu bản thân chúng ta cảm thấy bất an thì chúng ta sẽ lây lan cảm giác tiêu cực này đến người khác. Chúng ta cần có tư tưởng thuần khiết sâu thằm nhất của tâm giác ngộ; cái này sẽ chăm sóc cho chúng ta ở bất cứ nơi nào.
Nguyên tác: Making Space with Bodhicitta
Tác giả: Lama Yeshe
Chuyển ngữ: Hoa Chí
Brisbane Thứ Năm 24/12/2015