;
Lời giới thiệu của người dịch
Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.
Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài phỏng vấn bà tại một ngôi chùa tại miền bắc Ấn, đăng trong tập san "Hướng nhìn Phật giáo" (Regard Bouddhiste, số 11, năm 2015), và cũng là bài thứ tư trong loạt bài "Phật giáo và người Phụ nữ":
Bài 1: Phật giáo và người phụ nữ: một sự nghịch lý hay mâu thuẫn (Philippe Cornu)
Bài 2: Phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo (Dominique Trotignon)
Bài 3: Con đường của sự quyết tâm (Ilan Dubosc)
Bài 4: Tenzin Palmo: Một nữ du-già nơi xứ tuyết (Dominique Dutet)
Tenzin Palmo (nhiếp ảnh gia Olivier Adam)
Tenzin Palmo là một trong số các phụ nữ Âu Châu đầu tiên được thụ phong ni sư Tây Tạng. Bước vào con đường tu tập với một lòng quyết tâm vô song, bà biệt tu xa lánh trần tục suốt mười hai năm trong một hang động ở độ cao hơn 4000m. Sau đó bà đã vạch ra một con đường thật độc đáo chưa từng có ai thực hiện được, nhằm hỗ trợ những người phụ nữ Phật giáo Tây Tạng và cả những người nữ tu trong toàn vùng Hy-mã Lạp-sơn.
Hoa giấy và hoa mộc lan nở rộ trên các cánh đồng trồng trà xanh ngát của thị trấn Kangra trong tỉnh Himachal Pradesh trên miền Bắc Ấn. Mùa xuân đã đến. Chiếc taxi đưa chúng tôi dừng lại trước cổng của ngôi chùa Dongyu Gatsal Ling, nơi tu tập của một tăng đoàn gồm chín mươi nữ tu sĩ Phật giáo, do chính bà Tenzin Palmo thảnh lập cách nay đã gần 15 năm...
Câu hỏi đầu tiên hiện lên trong tâm trí chúng tôi là sức mạnh nào đã thúc đẩy một cô gái trẻ măng người Anh là Diane Perry, lớn lên sau thế chiến trong một khu bình dân của thành phố Luân Đôn, từ bỏ tất cả để sang Ấn Độ, cạo phăng đi những lọn tóc nâu óng ả và chối bỏ cả cuộc đời một người phụ nữ, để trở thành một ni sư Tây Phương thứ hai của toàn thể Phật giáo Tây Tạng, và để mang thêm một tên mới là Tenzin Palmo. Một điều chắc chắn không thể sai lầm được là người con gái đó nay đã hơn 70 tuổi (gần như không có tư liệu nào cho biết ngày sinh của bà, có thể đây là một sự tế nhị của người Tây Phương không cho biết ngày sinh của một người phụ nữ (?), thế nhưng đối với một người tu hành thì tuổi tác là một điều đáng kính. Người chuyển ngữ cũng đã tra tìm được một nguồn tư liệu hiếm hoi cho biết bà sinh năm 1943, và như thế năm nay - 2016 - bà đã bước vào tuổi 73) và công trình mà người con gái ấy đã thực hiện được quả là một tấm gương cho chúng ta soi. Khi vừa bước qua khỏi cổng chùa thì thật hết sức rõ ràng là những gì hiện ra trước mặt chúng tôi quả không sai với câu châm ngôn mà bà thường nêu lên: "Khi làm một việc gì thì phải làm thật nghiêm túc".
Từ xa thoáng hiện bóng dáng của bà Tezin Palmo, mảnh mai nhưng phảng phất một phong thái thật can trường. Bà siết tay chúng tôi thật chặt và thật chân tình, một nụ cười hồn nhiên tỏa rộng trên gương mặt bà, phản ảnh một thể dạng tâm thức luôn gắn liền với thực tại.
Bà thuật lại với chúng tôi: "Năm mười tám tuổi, một quyển sách Phật giáo đã làm chuyển hướng cả đời tôi" (đó là quyển "Mind Unshaken: A Modern Approach to Buddhism"/"Tâm thức vững mạnh: Một phương pháp hiện đại giúp tiếp cận với Phật giáo", tác giả John Watters, Paperback, tái bản lần thứ II, năm 1971, và cũng là một trong các sách bán chạy nhất của Amazon trên mạng, 2.141.474 cuốn, tính đến ngày 27/01/16!). Chưa đọc được nửa quyển thì cô Diane đã nói với mẹ rằng: "Mẹ à, con là một người Phật giáo". Mẹ cô là một người thật mộc mạc (trong nguyên bản là chữ prosaïque/prosaic, hiểu theo nghĩa bóng là: giản dị, tầm thường...) đã trả lời như sau: "Thì cứ làm cho xong đi đã rồi tính sau!" (có nghĩa là bà chẳng hiểu "người Phật giáo" có nghĩa là gì cả mà nghĩ rằng con mình muốn làm một việc gì đó). Thế nhưng thật ra thì cô Diane đã hé thấy con đường tâm linh chi phối cả đời mình, và cô cũng đã bước ngay vào con đường đó với tất cả sinh lực của mình (quyển sách chỉ là cơ duyên làm bùng lên nghiệp từ kiếp trước của cô Diane Perry. Trong trường hợp của bà Alexandra David-Néel - nói đến trước đây trong bài thứ ba của loạt bài "Phật giáo và người phụ nữ" - chúng ta cũng có thể nhận thấy khá dễ dàng các sự kiện, biến cố và sự quyết tâm của bà, cũng là những gì mang lại từ nghiệp trong quá khứ). Cô tìm gặp Chögyam Trungpa (1939-1987), một vị Thầy Tây Tạng khác thường, và cũng là một trong các vị thầy đã đưa Phật giáo Tây Tạng vào Âu Châu và Mỹ Châu) tại Luân Đôn, vị này khuyên cô nên tu tập theo Phật giáo Tây Tạng và hãy tự đi tìm một vị thầy cho mình. Tháng hai năm 1964, cô lên một chuyến tàu chở hàng (các tàu chở hàng đôi khi lén lấy thêm một vài hành khách với giá rẻ) và hai tuần sau thì đến Bombay, sau đó cô lên tận miền bắc Ấn và tìm được một chân dạy tiếng Anh trong một ngôi trường đào tạo các vị lạt-ma trẻ tuổi (lama/lat-ma là cách viết tắt từ các chữ "bla na med pa", có nghĩa là "không có gì vượt cao hơn", một thuật ngữ dùng để chỉ các vị thầy hay các nhà sư đã thực hiện được một cấp bậc tu tập thật cao, đôi khi cũng được dùng để chỉ một vị tái sinh của một dòng truyền thừa). Lúc đó thì bà hiệu trưởng cũng vừa nhận được một lá thư của vị Lạt-ma Kamthrul thứ VIII đang tị nạn ở Ấn (vị Lạt-ma Khamtrul Dongyu thứ VIII (1931-1980), là một nhà sư trẻ khi quân đội Trung Quốc tràn vào Tây Tạng. Ông từng tham gia các đạo quân kháng chiến ở các tỉnh Kham và Amdo, nhưng đến năm 1956 thì các đạo quân này bị đánh tan. Năm 1958, ông vượt biên sang Ấn Độ dẫn theo mười sáu nhà sư khác, trước khi cuộc nổi dậy của toàn dân Tây Tạng bị nghiền nát năm 1959, và trong năm này Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV cũng vượt biên sang Ấn). Bà Tenzin Palmo tỏ ra rất xúc động khi kể tiếp: "Vừa nghe đến tên của vị này là tôi đã cảm thấy ngay đây quả đúng là thầy tôi rồi, dù trước đó tôi chưa hề được nghe ai nói đến. Một sự tin tưởng thật mạnh chợt bùng lên trong tôi" (các chi tiết trên đây cho thấy tác động của nghiệp ghi khắc trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức lại tái hiện dưới các hình thức xúc cảm mới trên cùng một dòng tri thức đó của một cá thể. Nên lưu ý đây là một thí dụ thật điển hình về sự vận hành của nghiệp ghi khắc trên dòng tri thức và hiện ra trở lại cũng trên dòng tri thức đó, trước khi trở thành nguyên nhân đưa đến các tác ý và hành động khác, tạo ra các nghiệp khác). Vài tuần sau đó vị Lạt-ma Kamthrul đến viếng trường, khi thoáng thấy vị này thì cô giáo trẻ Dianne Perry vội chạy đến chào hỏi, thế nhưng khi đến gần thì lại không dám ngước lên mà chỉ quay sang bà hiệu trưởng nhờ hỏi giúp: "Xin bà nói hộ là tôi rất muốn quy y với vị này", bà giám đốc bèn trả lời: "Tất nhiên là tôi sẽ hỏi ngay". Lúc ấy cô Diane mới dám ngước mắt lên để nhìn và cảm thấy một điều thật lạ lùng: "Tôi có cảm tưởng như vừa gặp lại một người đã quen biết từ lâu, thế rồi tôi cứ chực thốt lên: "Còn niềm vui sướng nào hơn được gặp lại Ngài, đồng thời thì dường như có một chút gì đó thật sâu kín trong tôi bỗng trở thành hiện thực, hiện ra thật cụ thể trước mắt tôi trong bối cảnh bên ngoài. Điều này chưa bao giờ xảy ra khi tôi đối diện với bất cứ một người nào khác. Và ngay lúc đó tôi cũng cảm thấy mình là đệ tử của vị này đã từ lâu, và vị này cũng thế, cũng nhận ra tôi từng là một đệ tử của mình từ trước". Vị Lạt-ma Kamthrul thứ VIII bèn thụ phong cho người con gái trẻ tuổi và ban cho pháp danh là Tenzin Palmo (thật ra thì đến năm 1973, bà mới được chính thức và hoàn toàn thụ phong tỳ kheo ni - tức được xem như tương đương với một tỳ kheo nam giới).
Lạt-ma Kamthrul cùng Tenzin Palmo đến ngôi chùa Tashi Jong trong tỉnh Himachal Pradesh, và tại nơi này cô đã khám phá ra một điều khá bất ngờ là các người tu hành ở nơi này toàn là các vị togden (nam giới), có nghĩa là "những người đã thực hiện được "bản thể của tâm thức" ít nhất sau 15 năm ẩn cư và sau đó vẫn tiếp tục thường xuyên giữ được thể dạng này". Họ để tóc và thắt lại thành từng lọn (dreadlocks), mặc áo trắng theo lối nhà sư Milarepa/Mật-lặc Nhật-ba, (1052-1135, một vị đại sư của Phật giáo Tây Tạng, và được xem như là một vị thánh nhân), các vị togden này đều đạt được những khả năng thật khác thường về phương diện tâm linh. Cô nữ tu trẻ tuổi vừa thụ phong được các vị này cho biết là lúc còn ở Tây Tạng thầy của cô có cả một tăng đoàn togdenma (tức các nhà sư togden nữ giới), thế nhưng không còn ai sống sót sau cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc.
Bà Tezin Palmo cho biết thêm là ngay từ lúc đầu: "Tôi cũng đã nói với thầy tôi rằng tôi rất muốn trở thành một togdenma. Thầy tôi rất mừng khi biết ý định này và cho biết là sẽ nguyện cầu chư Phật giúp tôi tái lập lại tăng đoàn nữ giới ấy. Thế nhưng các vị nam tu sĩ trong chùa khi nghe nói đến dự tính này của tôi thì đều hoảng hốt: 'Không có chuyện một phụ nữ lại sống chung với cả đám togden được'. Họ khuyên tôi nên bỏ ý định ấy đi". Thật thế Tenzin Palmo phải chịu đựng một sự thử thách thật gay go trước sự khinh thị nữ giới (machismo, male chauvinism) của họ, thế nhưng bà vẫn khẳng định: "Tôi nguyện sẽ tiếp tục tái sinh làm người phụ nữ cho đến khi nào đạt được Giác Ngộ". Điều này cho thấy sự hy sinh và dấn thân của bà vì người phụ nữ, và đó cũng là lý tưởng của cả cuộc đời bà.
Khi vị Kamthrul khuyên bà nên ẩn tu thì lúc đó bà cũng chỉ mới hai mươi sáu tuổi, bà tìm đến Lahaul, gần Keylong (Lahaul là một quận lỵ nhỏ cạnh thị trấn Keylong một nơi xa nhất trên miền bắc Ấn, sát với biên giới Kashmir, tức thuộc vùng phía tây của dãy Hy-mã Lạp-sơn). Bà kể lại: "Thật ra ẩn tu cũng là ý nguyện của tôi và tôi nghĩ rằng đấy cũng là chủ đích của tôi trong cõi đời này". Chiếc hang mà bà Tezin Palmo đã chọn để ẩn tu nằm ở độ cao 4300m, do đó rất hiểm trở, không mấy ai đến được. Thế nhưng bà đã biệt tu trong chiếc hang này suốt mười hai năm (trong các trường hợp biệt tu như trên đây thì nhà chùa thỉnh thoảng cho người mang thực phẩm như gạo, bột. muối, phân bò phơi khô để nhóm lửa, v.v... kín đáo đặt trước cửa hang). Một lần vào giữa mùa đông, bão tuyết kéo dài liên tục một tuần, tuyết ngập bít kín cả cửa hang. Bà bị giam bên trong và chỉ còn biết "chờ chết", bỗng nhiên một tiếng nói khe khẽ vang lên trong tâm trí: "Hãy cứ đào đi". Tezin Palmo bèn "lấy cái vung nồi để đào". Sau những phút giây sống trong lo sợ, bà đã chui được ra ngoài. Thế nhưng khi chui vào hang trở lại thì bà cũng "cảm thấy không khí trong hang không khó thở tí nào mà chỉ mát lạnh thế thôi". Nhờ đó bà khám phá ra một điều là hang động và tuyết phủ cùng thở với nhau, chẳng có gì để mà sợ chết cả". Bà kể tiếp: "Ngoài ra hang động lúc nào cũng tạo được một không gian thích hợp cho việc thiền định". "Riêng đối với tôi, hang động còn mang lại cho tôi cả một niềm an vui, khiến tôi không còn nghĩ đến việc tìm cho mình một khung cảnh nào khác nữa". Khi hỏi bà có phải cố gắng thật nhiều hay không, thì bà trả lời ngay: "Có chứ, có những ngày thật tuyệt vời, nhưng cũng có những ngày thật xao xuyến trong lòng, khiến tôi không ngồi thiền được mà phải tìm một việc khác để làm! Thế nhưng sự trồi sụp đó cũng chỉ là những gì thật tự nhiên. Dù mưa hay nắng, thì thời tiết nào có quan trọng gì, tất cả sẽ qua đi, ngồi xuống hành thiền mới là điều quan trọng!". Chưa kịp hỏi hết là một người phụ nữ ẩn tu trong một vùng núi cao như thế tất sẽ phải gặp nhiều khó khăn, thì bà vội đáp ngay: "Không có một khó khăn nào cả. Trên dòng lịch sử [Phật giáo] Tây Tạng từng có rất nhiều phụ nữ hành thiền gọi là yogini (các người du-già nữ giới), thế nhưng kinh sách không mấy khi nhắc đến họ, vì thế nên cũng ít người biết mà thôi".
Thật vậy không mấy khi bà Tenzin Palmo nói đến các thành quả mà bà đã thực hiện được. Mỗi khi buộc lòng phải nói ra thì mỗi lời nói của bà cũng chỉ như một hơi thở nhẹ nhàng và kín đáo, và chỉ được thốt lên khi cần đến, đồng thời thì tâm thức trong sáng của bà cũng luôn theo dõi từng lời nói để sẵn sàng chận đứng chúng, thế nhưng không phải vì thế mà bà đánh mất chúng (câu trên đây cho thấy người ký giả hội kiến với bà Tenzin Palmo thật bén nhạy và tinh tế. Thật vậy trong Phật giáo sự im lặng rất quan trọng vì "lời nói" là một "hành động tạo nghiệp" vô cùng mạnh mẽ. Người tu tập chân chính nên ý thức cẩn thận về điều này: những lời khoe khoang, tuyên truyền, dối trá, khích động, tự phụ, luờng gạt..., đôi khi nguy hiểm hơn những "hành động trên thân xác" rất nhiều). Chỉ khi nào nói đến các chương trình giúp đỡ người phụ nữ thì khi đó mới thấy sự nhiệt tình của bà bùng lên với một nụ cười thật sung sướng trên môi, phản ảnh một tình thương vô biên trong lòng bà.
Dự án thành lập ngôi chùa Dongyu Gatsal Ling (tức ngôi chùa nói đến trên đây do bà sáng lập và trụ trì, và là nơi mà các ký giả đã tìm đến để phỏng vấn bà) đã được hình thành sau khi bà chấm dứt ẩn cư. Thành lập ra ngôi chùa này chính là cách mà bà cụ thể hóa sự mong mỏi của thầy mình trước đây: "Hãy thành lập một tăng đoàn cho các thiếu nữ trẻ trong các vùng Hy-mã Lạp-sơn (Ladakh, Bhutan, Spiti, Nepal...) mong muốn được xuất gia và học hỏi theo giáo pháp của dòng truyền thừa Drukpa Kagyu". Bà Tenzin Palmo thường nêu lên tấm gương tích cực của những người nữ tu "ngoài việc học hỏi tiếng Tây Tạng, nghiên cứu triết lý Phật giáo và các kinh sách căn bản (tức là các kinh bằng tiếng Pa-li trong Kinh Tạng), còn thực thi các nghi lễ thật nghiêm túc. Nhờ đó sau khóa học họ mới có thể ẩn tu lâu dài được. Hiện nay, đã có năm ni sư vừa hoàn tất một khóa ẩn tu sáu năm, và tôi tin rằng họ sẽ thừa sức tiếp tục thêm một khóa sáu năm nữa" (đối với chúng ta thì đôi khi chưa đọc hết câu sau thì đã quên câu trước, việc "ẩn tu" tức là sự "chú tâm" của mình cũng chỉ được vài phút. Phật giáo gọi đó là sự "xao lãng", và sự "xao lãng" đó sẽ không cho phép chúng ta quán thấy được bản chất của thế giới hiện tượng này, nói cách khác là sự "giác ngộ"). Bà Tenzin Palmo cho biết thêm là chính nhờ họ mà việc tái lập dòng truyền thừa togdenma đang dần dần trở thành sự thật. Bà rất vui khi kể tiếp: "Sau khi hoàn toàn bị xã hội gạt sang một bên, bỏ mặc và khinh thường, thì những người nữ tu Tây Tạng ngày nay đang vươn lên, tôi muốn nói là họ đang có quyền được học hỏi và tu tập, và những người chung quanh đã bắt đầu ý thức được sự hiện diện của họ và giúp đỡ họ, và rồi đây sẽ sớm có các vị géshéma (còn viết là guéché-ma tức là những người tu tập phụ nữ đạt được cấp bậc guéshé. Guéshé là bằng cấp tiến sĩ Phật học của Tây Tạng, bằng này thật ra bắt nguồn từ rất lâu đời, dựa vào chương trình đào tạo của đại học Nalanda, gồm nhiều cấp bậc kéo dài từ 12 đến 40 năm. Trước đây tại Tây Tạng chương trình tiến sĩ guéshé kéo dài 31 năm, không được thi rớt năm nào, và Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã thi đậu bằng này, nay vì quá nặng nề nên chương trình đã được rút ngắn bớt. Chữ Guéshé thêm vào phía trước pháp danh của các nhà sư Tây Tạng tương đương với chữ Dr thêm vào phía trước tên hay chữ PhD thêm vào phía sau tên của những người Tây Phương có bằng tiến sĩ nói chung. Những người phụ nữ Tây Tạng đầu tiên đạt được bằng này là vào năm 2013. Người phụ nữ Tây Phương đầu tiên đạt được bằng này là ni sư người Đức Guéshé-ma Kesang Wangmo năm 2011. Trên nguyên tắc chương trình Guéshé chỉ dành riêng cho người xuất gia). Với gương mặt bừng sáng, bà Tenzin Palmo kết luận như sau: "Bắt đầu từ nay quý vị sẽ nhận thấy là không có bất cứ gì lại không thể trở thành sự thật qua thân xác của một người phụ nữ". Thế nhưng ngay sau đó thì vầng trán của bà dường như cũng thoáng một nét buồn: "Tiếc thay những người nữ tu ngoài vùng Hy-mã Lạp-sơn thì lại chẳng thấy động đậy gì, kể cả các ni sư Đài Loan và Việt Nam tu tập theo Phật giáo Tây Tạng".
Với tư cách là chủ tịch hiệp hội Sakyadhita, một tổ chức quốc tế của những người phụ nữ Phật giáo, gồm người xuất gia và cả thế tục, được thành lập từ năm 1987, bà Tezin Palmo đã đưa ra một bảng tổng kết thật đáng buồn. Một mặt, trong thế giới Tây Phương có rất ít tăng đoàn hội đủ khả năng đón rước các nữ tu sĩ giúp họ có nơi tu tập và tìm công ăn việc làm để sinh sống, một vấn đề hết sức gay go! Họ thường phải tham gia toàn thời gian vào sự sinh hoạt của các trung tâm Phật giáo, chẳng những không lương mà thường còn phải trả cả tiền ăn ở.
Mặt khác, người tu hành Tây Phương cũng chưa phát động đúng mức lòng nhiệt tâm và bổn phận của người xuất gia, chỉ chăm lo cho những nhà sư Tây Tạng tị nạn, mà không nghĩ gì đến các người tu hành nữ giới. Dù chung một gia đình thế nhưng người nữ tu lại không hề nhận được một sự giúp đỡ nào trên phương diện tinh thần cũng như vật chất. Nếu họ an phận giam mình trong các trại tập trung những người nữ tu trong vùng Hy-mã Lạp-sơn, thì họ không sao tránh khỏi cái hố thật sâu của sự kỳ thị, cả về mặt xã hội cũng như văn hóa. Vì thế người ta thường thấy họ gia nhập các tăng đoàn nữ giới rất muộn, thường là ở vào lứa tuổi từng trải đã bị cuộc sống dằn vặt, hoặc gặp phải quá nhiều khó khăn trong xã hội, hay rơi vào hoàn cảnh cô đơn. Hơn nữa hầu hết những người Tây Tạng đều nghĩ rằng các người nữ tu Tây Phương đều là những người giàu có. Bà thuật lại trường hợp sau đây về nhà sư Wangdrak Rinpoché, trụ trì một ngôi chùa ở Tây Tạng: "Trước kia mỗi lần tiếp xúc với các ni sư Tây Phương thì tôi nghĩ ngay họ là những người "tài trợ", bởi vì người Tây Tạng luôn nghĩ rằng người Tây Phương đến với họ là để giúp đỡ họ về tài chính. Thế nhưng nay thì tôi rất xấu hổ, bởi vì chính họ là những người cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi. Chẳng hạn như các ni sư trên đây"(tức là các ni sư Tây Phương đang gặp phải sự bỏ mặc của những người đồng tu nam giới và các trung tâm Phật giáo). Bà Jetsunma (có nghĩa là "người phụ nữ lạt-ma vĩ đại" hay "đáng tôn kính", tức là bà Jetsun-ma Tenzin Palmo) kể tiếp: "Mục đích của tổ chức Sakyadhita - nghĩa từ chương là "những người con gái của Đức Phật" - là nhằm giúp đỡ những người phụ nữ Phật giáo phát huy tiềm năng của họ và giúp họ sánh vai ngang hàng với kẻ khác. Chính vì thế mà tôi đã đứng ra thành lập thêm "Liên minh các ni sư ngoài Hy-mã Lạp-sơn" (tức là trên khắp thế giới) hầu giúp họ có dịp tiếp xúc với nhau và cảm thấy bớt lẻ loi hơn. Mục tiêu trước nhất cần phải thực hiện là làm thế nào để mọi người trông thấy được sự hiện diện của họ [trong xã hội], đúng với những gì mà tôi đã từng làm cách nay hai mươi năm [trong vùng Hy-mã Lạp-sơn], và đã khiến cho nhiều người phải kinh ngạc: "Thế à! cũng có những người phụ nữ đi tu hay sao? Họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó cả". Quyết tâm của bà quả đáng kính phục. Bà đích thân tham gia hội nghị thứ 14 của tổ chức Sakyadhita (tức tổ chức quốc tế của những người nữ tu trên đây) tại Indônêxia với tiêu đề "Từ Bi và Công Bằng xã hội", nhằm khuyến khích việc giúp đỡ các nữ tu sĩ ngoài vùng Hy-mã Lạp-sơn.
Năm 2008, chính vị Gyalwang Drugpa (Gyalwang Drugpa thứ XII, hiện là vị lãnh đạo chi phái Drugpa thuộc học phái Kagyupa/CaNhĩ Cư ở Ladakh, trên miền bắc nước Ấn) đã đề nghị phong cho bà tước hiệu Jetsunma (có nghĩa là "người phụ nữ lạt-ma đáng kính" nói đến trên đây) nhằm tán thán công đức của bà đã nâng cao giá trị của người phụ nữ, bởi vì chính họ là đôi cánh của trí tuệ và lòng từ bi của Phật giáo (sự so sánh này không được chính xác lắm, bởi vì thường thì trí tuệ được biểu trưng bởi người phụ nữ và lòng từ bi bởi nam giới, đó là đôi cánh giúp cho Phật giáo bay cao). Lúc đầu bà nhất định không nhận tước vị này: "Thế nhưng sau đó tôi nhận được không biết bao nhiêu điện thư từ khắp nơi cho biết sự kiện này thật tuyệt vời, bởi vì đó là một dịp nêu cao vị thế của người phụ nữ, tước vị đó không phải chỉ nhắm vào cá nhân tôi mà là toàn thể người phụ nữ nói chung. Vì thế nên tôi đành phải tỏ lòng biết ơn họ thế thôi". Với cương vị đó bà đã xin tiếp kiến Đức Đạt-lai Lạt-ma để thảo luận với Ngài về các cách gọi những người nữ tu: chẳng hạn như cách gọi Ani ("dì") hay Chomo ("người phụ nữ trong gia đình") đều là các cách gọi không nói lên được giá trị của người phụ nữ. Bà đề nghị với Đức Đạt-lai Lạt-ma cách gọi họ là Tsunma (có nghĩa là "Người phụ nữ đáng kính"/"Reverend lady", dùng để đặt trước tên của những người nữ tu, chẳng hạn Tsunma Pema, nhưng không gọi là Ani Pema. Chữ Ani có nghĩa là dì/aunt, tương tự như trường hợp của các nữ tu Ki-tô giáo/Catholic nun, được gọi là "Chị", "Dì phước" hay "Bà phước", thí dụ như Dì Ma-ria/Sister Mary chẳng hạn. Cũng xin nhắc thêm là trong Ki-tô giáo người nam tu sĩ được tôn lên một cấp bậc hay "thế hệ" cao hơn. Đối với trường hợp của Phật giáo Việt Nam thì những người nữ tu được gọi là ni sư, ni cô, sư cô, sư bà v.v. không gây ra một khó khăn nào về mặt "kính trọng", thế nhưng các cách gọi như Ni-sư Thượng Tọa hay Ni-sư Hòa Thượng thì phải chăng dường như còn hơi xa lạ?), là một từ thường thấy trong kinh sách, nói lên một sự cao cả, tinh tế và tinh khiết. Các người nữ tu khắp nơi đều hoan nghênh ý kiến này và thường gọi nhau bằng tên gọi đó. Bà Tenzin Palmo cho biết thêm: "Khi vị Karma Orgyen Trinley Dorjé (là vị được Đức Đạt-lai Lạt-ma chính thức thừa nhận là vị tái sinh thứ XVII của dòng truyền thừa Karmapa/Cát Mã Ba, ngang hàng với vị Panchen-lama thuộc dòng truyền thừa Guélugpa/Cách-lỗ phái, tức chỉ đứng sau Đức Đạt-lai Lạt-ma) đến viếng ngôi chùa Donggyu Gatsal Ling năm 2014, chính tôi cũng đã gợi ý với Ngài nên gọi những người nữ tu là Tsunma, và dịp này cũng dã mang lại thêm một sự thành công tuyệt vời. Ầm hưởng của cách gọi đó gợi lên một sự cảm nhận tích cực nơi tâm trí của người Tây Tạng. Bà Tenzin Palmo đã kết luận như sau: "Quý vị có nhận thấy chăng là tầm ảnh hưởng của ngôn từ quan trọng đến dường nào". Sau đó bà rút lui tương tự như khi bà đã hiện ra với chúng tôi trước đây, một nụ cười rộng mở và sâu xa trên gương mặt bà, nói lên một sự buông xả vô biên. Bất chợt chúng tôi cảm thấy là mình đang hòa nhập với thế giới này và bùng lên trong lòng một niềm mong ước làm được một cái gì đó cho thế giới này. Thật vậy, cuộc tiếp xúc với bà đã khiến cho con tim của chúng tôi biết mở rộng với cả thế giới trước mặt chúng tôi.
Vài lời ghi chú của người dịch
Chỉ có người phụ nữ mới biết thương yêu người phụ nữ. Một người phụ nữ tu hành không nên chỉ biết nhìn vào sự giác ngộ của riêng mình, mà còn phải trông thấy thân phận của những người phụ nữ khác, thường là con mồi của sự ức hiếp, nhịn nhục, cô đơn, lường gạt và sa ngã. Biệt tu không phải là một hình thức chối bỏ, sợ hãi hay hèn nhát nào cả. Sau mười hai năm ẩn tu trong một hang động trên rặng Hy-mã Lạp-sơn, bà Tenzin Palmo đã trở về với xã hội, chấp nhận thân phận của một người phụ nữ để bênh vực người phụ nữ. Chỉ có người phụ nữ mới hiểu được người phụ nữ mà thôi.
Ngoài ra việc ẩn cư hay biệt tu là cách tạo ra một sự vắng lặng trong môi trường bên ngoài, sự vắng lặng bên ngoài đó sẽ giúp mang lại một sự vắng lặng bên trong tâm thức, sự vắng lặng bên trong tâm thức sẽ giúp quán thấy được bản chất sâu xa nhất của chính mình và thế giới. Bản chất sâu xa ấy không phải là một sự khép kín nào cả mà là một sự mở rộng, tích cực và năng động với mục đích giúp kẻ khác cũng quán thấy được bản chất sâu kín của chính mình.
Tenzin Palmo: La yogini du pays des neiges
Dominique Butet
Hoang Phong chuyển ngữ
Bures-Sur-Yvette, 29.01.16
Uttran
Tôi có dịp đọc qua quyển sách này cách đây khoảng 10 năm, tôi rất ngưỡng mộ bà,ba qua vi dai thoi gian do toi chua xu dung may vi tinh nen khong Len mang khong co thong tin ve ba hom nay tinh co toi lai nghi ve ba toi thử click vào pháp danh cua ba la Tenzin Palm thay noi ve ba toi lai co them co hoi de Tim hieu them vi toi rat Kham phuc ba toi thanh that cam on ban dang Len mang
Thích Trả lời 6/17/2016 9:33:34 AM