;
Bất cứ ai cũng muốn mình hạnh phúc, không ai muốn mình gặp phải bất hạnh khổ đau. Nhưng không phải ai cũng được như ý mình. Cuộc sống có muôn mặt, muôn sắc thái, muôn hình vạn trạng mà đâu đâu cũng không giống nhau.
Sự thành công hay vấp ngã, giàu có hay nghèo khổ...đều có sự khác biệt nhau. Nên nói mỗi người có mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai, chỉ có phần ít giống nhau về hình thức, nhưng nội sự lại khác hoàn toàn. Và hạnh phúc là sự xây dựng dựa trên niềm tin, thái độ tích cực đối với cuộc sống.
Sự hạnh phúc hay khổ đau bất hạnh được xây dựng dựa vào sự nhận thức của tâm đối sự, đối cảnh, đối tình, đối thành công...có được như ý mình hay không. Nếu không như ý mình thì phiền não, ưu sầu, tự ti, mặc cảm, khổ lụy. Còn nếu như ý mình thì vui vẻ, niềm nở, hớn hở, mừng vui. Nhưng cuộc sống là biến động nên không phải lúc nào cũng giống lúc nào. Sự chuyển biến thay đổi vô thường của cuộc sống tác động đến mặt nhận thức và tư duy trong chúng ta nhanh tới nỗi chúng ta chỉ biết làm theo, để tâm theo chứ không làm chủ tư duy được.
Vậy để kịp làm chủ tư duy thì trước hết chúng ta thay đổi tư duy nhìn nhận cuộc sống này trong một thái độ tích cực hàng ngày. Thông qua sự biến dịch của ngoại cảnh, ta nhận thức tích cực cho dù nó đang diễn ra không tốt với ta như mưa lâu cũng có lúc tan, vận xui quá nhiều cũng có lúc hết.
Ta hãy đón nhận những điều xảy ra trong cuộc sống với tâm thế tích cực thì hạnh phúc vui vẻ sẽ tới với ta mà thôi. Sự thất bại trên đường đời trên sự nghiệp có chông gai, có gian khổ thì hãy coi sự thất bại là kinh nghiệm, là bài học để từ đó mà rút ra nhận thức tư duy kinh nghiệm, nổ lực bản thân nhằm đưa tới sự thành công. Không ai làm một lần là được cả.
Cũng vậy, trong bước đường tu tập, không phải ai tu một lúc là thành đạo. Mà phải trải qua thời gian, khảo nghiệm của vũ trụ thông qua sự biến đổi vô thường nhằm kiểm tra cái tâm ra sao. Nếu định tâm ngõ hầu gần chư phật, bồ tát. Nếu động tâm thì gần phàm phu, nếu sân tâm thì gần ma quỷ, nếu si tâm thì gần súc sanh.
Như vậy không hẳn trong cái yên bình mới tốt, không phải trong sự biến đổi nghịch ý là có hại không tốt. Mà chính sự nghịch ý có khi đem lại kết quả khảo nghiệm, sự rèn luyện tôi dũa của tâm thức, nâng cao ý chí, vững lên quyết tâm thì đó là nghịch sự thành đại sự. Nên trong chúng ta ai ở trong thuận cảnh thì hãy yên tĩnh tâm ý, học hành đạo pháp, nâng cao trí tuệ. Còn ai ở trong nghịch cảnh thì nhân đó rèn luyện tâm tánh, bồi dưỡng nhân đức, tôi luyện ý chí, thực hành giới hạnh, hành đạo từ bi và buông xả tâm ý.
Như vậy thái độ cuộc sống quyết định trạng thái hạnh phúc hay khổ đau mà ta phải gánh chịu. Ngoài đời hay trong tu đạo thì chính thái độ sống tích cực, tư duy chánh niệm đem lại sự an lạc trong tâm. Còn thái độ sống tiêu cực hay còn gọi là tư duy tà niệm đem lại cảm giác tự ti, mặc cảm, ưu sầu, phiền não, rối loạn tâm tư, khổ não trầm luân mà thôi. Vậy nên chúng cần muốn hạnh phúc, muốn an lạc cần có thái độ sống tích cực đối diện cuộc đời vô thường mà thôi.
Quang Minh