;
Thư viện Bovoranives Abbot và Viện bảo tàng nằm trong tòa nhà được xây dựng dưới thời
vua Rama đệ lục, theo phong cách gô-tích, cách nay gần một thế kỷ. Đến nay tòa nhà đã được trùng tu và nâng cấp nhiều. Đại sảnh của tòa nhà là nơi dùng để trình chiếu phim về chùa Bovoranives Vihara. Các tầng trên của tòa nhà được chia thành sáu phòng, mỗi phòng dành cho một trong sáu vị trụ trì qua các đời của chùa. Tại mỗi phòng có một bức tượng đồng của một vị trụ trì trong tư thế đứng, bên cạnh đó còn trưng bày các vật dụng cá nhân của các vị và những hình ảnh, tài liệu đề cập đến những cống hiến to lớn của quý ngài.
Sư Phra Soponkanaporn, trưởng văn phòng nâng cấp Viện bảo tàng, cho hay: “Viện bảo tàng này không chỉ dành cho những người theo đạo Phật. Bốn trong sáu vị trụ trì của wat Bovorn là Tăng thống của Phật giáo Thái Lan và từng gắn kết chặt chẽ với gia đình hoàng gia. Viện bảo tàng có thể phục vụ như một nguồn tư liệu học tập về tôn giáo, chính trị, lịch sử và truyền thống của Thái Lan”.
Chùa Bovorn là một tu viện hoàng gia thuộc hạng nhất ở phía Đông bắc đảo Ratanakosin của Bangkok, nằm bên trong bức tường của thành phố cổ giáp với con kênh Bang Lumphu trên đường Phra Sumeru. Ngôi chùa này đặc biệt quan trọng, vì nó là nơi năm vị vua Thái Lan đã xuất gia làm Tăng sĩ trong một thời gian.
Lịch sử ngôi chùa bắt đầu với vị trụ trì đầu tiên, hoàng tử Mongkut, vào năm 1836. Ngài đã xuất gia tu hành trong vòng 27 năm và làm trụ trì chùa Bovorn trong vòng 14 năm, trước khi lên làm vua Rama đệ tứ.
Trong suốt thời gian tu tập của mình, hoàng tử Mongkut đã đi nhiều nơi trong nước để tìm hiểu về cuộc sống của nhân dân, rồi căn cứ vào đấy để phát triển đất nước. Vua cũng thể hiện sự quan tâm của mình trong việc học tiếng Anh bằng cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các tu sĩ nước ngoài. Nhờ sự cởi mở của vua mà các nhà truyền giáo được phép giới thiệu tôn giáo của họ trong chùa Bovorn với điều kiện là họ dạy tiếng Anh cho các tu sĩ và các thành viên của công chúng.
Vua Mongkut đã phát minh ra bảng chữ cái Ariyaka để viết và in ấn kinh điển Pali, thay thế cho bảng chữ cái Khmer cổ đại, được coi là quá phức tạp. Vua còn thành lập nhà in riêng trong chùa Bovorn, xuất bản sách bằng tiếng Pali bằng cách sử dụng bảng chữ cái Ariyaka. Những việc làm này lấy từ mô hình sách giáo khoa theo kiểu phương Tây và đã đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu, truyền bá Phật giáo. Những bản viết tay bằng chữ Thái và Ariyaka của đức vua được trưng bày tại bảo tàng cùng với một số sách được xuất bản bằng chữ Ariyaka.
Vua Mongkut cũng quan tâm đến việc nghiên cứu thiên văn học và sử dụng các công cụ thiên văn thô sơ của mình để dự đoán nhật thực toàn phần tại huyện Wa Kor, tỉnh Prachuap Khiri Khan vào ngày 18-8-1868. Một số vật dụng được vua sử dụng trong thời gian tu hành tại chùa Bovorn, trong đó có một công cụ đo áp suất không khí và một thùng chứa thủy ngân cũng được trưng bày.
Ngài Krom Phraya Pavares Variyalankarana là vị trụ trì thứ hai của chùa và là vị Tăng thống đời thứ tám của Phật giáo Thái Lan. Ngài đã trụ trì từ năm 1851 đến năm 1892 và đóng vai trò như một vị giáo thọ sư cho vua Rama đệ ngũ khi vua còn là một chú tiểu tập sự tu hành và cả sau khi vua đã thọ Cụ túc giới.
Ngài Krom Phraya Pavares Variyalankarana còn là một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực văn học. Ngài đã viết một số tác phẩm thơ kiểu Thái về chủ đề lịch sử, khảo cổ học và Phật giáo.
Sư Phra Wansan Julapo nói: “Ngài Krom Phraya Pavares cũng là một nhà khoa học quan trọng. Ngài bắt đầu nghiên cứu khoa học và thiên văn học cùng một thời gian như vua Mongkut. Ngài ghi nhận lượng mưa trong hơn 40 năm bằng cách đặt một bình bát khất thực ở ngoài trời trong mỗi mùa mưa. Các con số thống kê thu thập được cho phép ngài dự báo thời tiết”.
Viện bảo tàng hiện đang trưng bày những “Lưu trữ về các bản ghi chép về mưa”, “Danh sách các sao chổi” của ngài, và “Bhaka Kanana” - một tài liệu liên quan đến các phương pháp tính toán đã được sử dụng để tính ngày âm lịch có niên đại hơn 300 năm - cũng như các cuốn sách của ngài viết về những con mèo Xiêm.
Những vật dụng thường nhật của các vị trụ trì được trưng bày tại bảo tàng
Phòng tiếp theo dành riêng cho ngài Krom Phraya Vajirayanavarorasa, là con của vua Mongkut và là vị trụ trì đời thứ ba. Ngài trụ trì từ năm 1892 đến năm 1921 và là vị Tăng thống đời thứ 10, và cũng là vị giáo thọ sư của các vị vua Rama đời thứ sáu và đời thứ bảy khi họ xuất gia tu hành.
Góp phần trong cuộc cải cách giáo dục quốc gia được thực hiện dưới thời trị vì của vua Rama đời thứ năm, ngài Krom Phraya Vajirayanavarorasa được giao nhiệm vụ sắp xếp việc giáo dục cho người dân trên khắp vương quốc. Ngài đã đặt nền móng cho giáo dục tiểu học ở Thái Lan, sử dụng các ngôi chùa như các trường học, các nhà sư là những giáo viên và Trường Mahamakuta Rajavidyalaya là trường dành cho Tăng sĩ.
Những cuốn sách giáo khoa do ngài viết ra cũng được trưng bày cùng với các văn phòng phẩm và máy đánh chữ của ngài.
Ngài Krom Luang Vajiranyanavongse là vị trụ trì thứ tư, trụ trì từ năm 1921 đến năm 1958 và là Tăng thống đời thứ 13. Ngài còn là giáo thọ sư của vua Bhumibol Adulyadej sau khi vua xuất gia tu hành vào năm 1956 và chịu trách nhiệm đặt tên cho các con của vua.
Gian thông tin trong căn phòng có trưng bày hình ảnh buổi lễ thọ giới của vua Bhumibol và một số đồ dùng cá nhân của ngài trong thời gian ngài xuất gia tu hành.
Ngài Krom Luang Vajiranyanavongse chính là cháu trai của vua Mongkut và được biết đến với lối sống thanh đạm và khiêm tốn. Ngài không tích lũy của cải vật chất, chỉ có chiếc giường bằng gỗ và một bộ dụng cụ y học cổ truyền được trưng bày tại bảo tàng.
Phòng thứ năm thuộc về ngài Phra Brahmamuni, vị trụ trì thứ năm của chùa và trụ trì từ năm 1958 đến năm 1961. Mặc dù thời gian trụ trì của ngài rất ngắn, nhưng với các nhiệm vụ khác nhau mà ngài đã đảm nhiệm thực sự mang lại lợi ích lớn cho quốc gia. Ngài đã khởi xướng việc thành lập trường đại học Phật giáo, được thành lập theo lệnh của Đức Tăng thống Krom Luang Vajiranyanavongse vào năm 1945, và được gọi là Hội đồng Giáo dục Mahamakut Rajavidyalaya.
Gian phòng dành cho ngài chỉ có vài đồ dùng cá nhân, ngoại trừ một cái bàn thờ, bàn làm việc và bộ xương người mà ngài đã sử dụng trong quá trình thiền định để chiêm nghiệm về sự thật của cuộc sống - vô thường, không, vô ngã.
Trong năm 1941, ngài Phra Brahmamuni bắt đầu tổ chức một khóa học thiền cho công chúng tại chùa Bovorn, và hiện tại khóa tu này vẫn còn được duy trì.
Căn phòng cuối cùng tôn vinh Đức Tăng thống đời thứ 19 và cũng là vị Tăng thống hiện tại của Phật giáo Thái Lan, ngài Somdet Phra Nyanasamvara, người tu hành suốt 86 năm và đã góp phần to lớn cho sự phát triển của Phật giáo trong và ngoài nước, đã đưa Thái Lan trở thành trung tâm Phật giáo thế giới.
Ngài đã viết nhiều sách giáo khoa, bài giảng, câu kệ, bài báo tôn giáo và những lời cổ vũ, cả bằng tiếng Thái lẫn tiếng Anh.
Ngài cũng đã phổ biến Phật giáo thành công ở nước ngoài thông qua dự án đưa các nhà hoằng pháp ra nước ngoài, điều này có thể thấy rõ qua việc xây dựng các ngôi chùa đầu tiên của Thái ở châu Âu và châu Úc. Vào năm 2012, tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Phật giáo tối cao đến từ 32 quốc gia, Ngài được phong tặng danh hiệu “Đức ngài tối cao của Phật giáo Thế giới”.
Tất cả các vị ấy đều là những người đã có công lao lớn cho đất nước và cho Phật giáo, và đều xứng đáng được tôn vinh và tưởng niệm, để cho mọi người biết đến và noi theo.
Minh Nguyên lược dịch
(Theo The Sunday Nation
Theo Giác ngộ Online