;
Cuộc tập kích truyền thông mới nhất (19/12/2016) nhằm vào Phật giáo Việt Nam do trang web BBC tiếng Việt tiến hành.
Bài viết ngắn đăng trên BBC tiếng Việt “Tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác - Lê nin” đã nhằm mục tiêu chế diễu, giễu cợt Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM trong việc đưa “môn Mác – Lê nin” vào thi tuyển sinh thạc sĩ, hạ thấp hình ảnh Học viện Phật giáo nói trên, đồng thời thể hiện người lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam như một kẻ bất tài, thiếu trình độ, hạn chế trong khả năng đối đáp.
Những mục tiêu nằm trong một mục tiêu lớn hơn và trường kỳ, là tạo sự kỳ thị Phật giáo Việt Nam, coi Phật giáo Việt Nam là thuộc cấp của chính quyền, đưa đến tâm lý khinh miệt, xa lánh Phật giáo Việt Nam đối với toàn xã hội. Điều này lại hướng đến mục tiêu trên hết là cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Họ làm xấu mặt Phật giáo Việt Nam được chút nào thì thêm chút đó, khai thác mọi cơ hội, tình huống có thể để tổ chức tập kích truyền thông.
Do đó, cuộc phỏng vấn của BBC tiếng Việt đối với lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam là một cuộc đấu giữa một bên là đầu óc của một cơ quan truyền thông lúc nào cũng rắp ranh tấn công Phật giáo bằng những thủ đoạn, ngón nghề tinh vi, xảo quyệt, với một bên là những cái đầu lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, như vẫn thường thấy, vốn chậm chạp, hời hợt, nông cạn, kém cõi, xa rời thực tế.
Diễn tiến và kết quả cuộc đấu trí không lạ. Đại đức Thích Quang Thạnh, Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện bối rối, lúng túng, quờ quạng chống đỡ với những câu hỏi đầy thách thức, ẩn ý, sắc bén bằng những câu trả lời ngô nghê, tội nghiệp, chỉ mang đến cho phía Phật giáo Việt Nam chúng ta những bất lợi đáng thương hại.
BBC là cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới, có uy tín lớn và số lượng công chúng đông đảo, nên hình ảnh xấu của Phật giáo Việt Nam từ lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM như thế gây tổn hại rất lớn cho Phật giáo Việt Nam.
NẾU MÔN THI LÀ “MÔN MÁC – LÊ NIN”
Không rõ nguyên văn đầy đủ của nội dung trả lời phỏng vấn ra sao, phía Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM có ghi âm lại với ý thức đối phó tập kích truyền thông hay không, hay chỉ trả lời một cách chủ quan, đơn giản, hời hợt, không tính toán.
Nếu căn cứ nội dung trong bài tường thuật của BBC, thì phóng viên BBC đã vờn Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM như sư tử vờn một con nai yếu ớt, ngơ ngác, rồi vật xác nó ra để mà phô trương chiến thắng.
Chắc hẳn thầy Quanh Thạnh ngây thơ đến mức không hiểu gì về tập kích truyền thông, về toan tính của phóng viên BBC khi họ nêu vấn đề về việc thi môn “Mác – Lê nin” trong kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ Phật học, nên nội dung trả lời của vị tu sĩ lãnh đạo Học viện lại càng nêu bật sự thụ động của Phật giáo.
Không thấy thầy Thích Quang Thạnh nói gì về yếu tố triết học giữ vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo thạc sĩ triết học, mối liên hệ giữa triết học Mác – Lê Nin với triết học phương Tây, mà một bộ phận quan trọng là triết học cổ điển Đức, lý do khách quan để đưa môn triết học Mác – Lê nin vào kỳ thì tuyển sinh Thạc sĩ Phật học, mà thầy lại đi nói về việc thi cử trong Học viện Phật giáo “phải đợi nhà nước cấp phép”.
Diễn đạt như vậy thiếu cân nhắc. Nó không làm cho người ta hiểu trong tình trạng chung ở Việt Nam, một cơ sở đào tạo học thuật liên hệ đến triết học tổ chức thi tuyển sinh thạc sĩ có môn triết học Mác – Lê nin là chuyện bình thường, khách quan, như bao cơ sở đào tạo liên hệ đến triết học khác.
Đằng này, câu trả lời của thầy Thích Quang Thạnh lại cho thấy việc làm đó vừa xuất phát từ sốt sắng chủ quan của lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam, vừa cho thấy sự thụ động, không quyền hạn của lãnh đạo học viện.
Như thế là rất đúng ý muốn của người ra đòn tập kích truyền thông. Con mồi đã rơi vào bẫy, cái bẫy thể hiện hình ảnh Phật giáo Việt Nam theo ý đồ của họ. Họ không cần nói mà để thầy Thích Quang Thạnh nói, chỉ thuật lại là đủ.
Phía ra đòn tập kích truyền thông không chỉ cần nội dung lời nói như ta đã thấy, mà còn rất cần thể hiện người nói, cách nói vì như vậy chính là sự thể hiện yếu kém, non nớt, thấp thỏi trong trình độ, bản lĩnh của những nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo cơ quan đào tạo học thuật của Phật giáo Việt Nam.
NHƯNG MÔN THI LÀ MÔN “TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO VÀ MÁC – LÊ NIN”
Phía ra đòn tập kích truyền thông đã khống chế đối phương, lái đối phương theo ý của mình. Trong thông báo của Văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, tên đầy đủ của môn thi được đánh số thứ hai là “Triết học Phật giáo và Mác – Lê nin”.
Môn thi là một tương quan, một quan hệ. Người phỏng vấn của BBC sửa thành… “môn Mác Lê-nin” và buộc đại đức Thích Quang Thạnh trả lời theo sự cắt cụt, sửa đổi cố ý đó.
Thực ra, căn cứ văn bản thông báo, đâu có thi môn “Mác Lê-nin” như đầu đề bài viết của BBC “Tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác Lê-nin”.
Người ta sửa tên môn thi từ “Triết học Phật giáo và Mác Lê-nin” thành “Mác Lê-nin” mà vị Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM không phát hiện ra, không biết gì cả, không đính chính một lời nào cả, để cứ bị người ta dắt mũi theo thủ đoạn của họ.
Thật chẳng ra làm sao cho thể diện học thuật Phật giáo Việt Nam khi thầy Tổng thư ký Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM không nắm được chính xác tên môn thi tuyển sinh, để người ta sửa, rồi dẫn mình đi theo cách nói của họ!
Nếu thầy Thích Quang Thạnh có trình độ vừa phải, vừa phải thôi, thì thầy không lặp lại và bị dẫn theo cách nói kiểu “môn Mác – Lê nin” ngay.
Gọi “môn Mác Lê-nin” thì chỉ là cách dùng trong khẩu ngữ nôm na của sinh viên. Người có học thì phải gọi đầy đủ là “Triết học Mác – Lê nin”, không gọi trỏng là “môn Mác – Lê nin” bao giờ. Khái niệm cơ bản về triết học Mác – Lê nin thầy Tổng thư ký Học viện còn không nắm, thì sao có thể tổ chức thi, chấm thi, để tới nỗi bị người ta lôi ra để hạch hỏi, mỉa mai, châm biếm.
Ngay cả tên môn thi, trong thông báo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, đại đức Tổng thư ký Hội đồng Điều hành cũng viết không chuẩn. Đúng ra phải là “Triết học Phật giáo và triết học Mác – Lê nin”, chứ không phải “triết học Phật giáo và Mác-Lê nin” như trong bản chụp thông báo. Quan hệ được khảo sát, tìm hiểu ở đây là hai trường phái triết học lớn trên thế giới, đâu phải là quan hệ giữa triết học Phật giáo và ông Các Mác, ông Lê nin.
Viết sai, người ta nhìn vào là thấy ngay trình độ của mình, thấy ngay nhược điểm học vấn, nên họ tiến tới bêu rếu, làm quê mặt trước công chúng. Những lần sau, dù thông báo cho học trò mình, lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM cũng nên thận trọng trong việc sử dụng từ ngữ cho phù hợp với bối cảnh học thuật.
Nếu không, chẳng những sinh viên xem thường đã đành, mà người ta nhìn vào chỉ chỏ bình phẩm như thế nào thì không đẹp mặt chung cho Phật giáo Việt Nam. Hãy nhớ lấy câu Kiều “Nghĩ mình phương diện quốc gia/Quan trên ngó xuống, người ta trông vào”.
Còn nếu như không có khả năng diễn đạt ngay chính bằng tiếng Việt tên môn học của trường mình, thì chỉ nên đi làm việc cúng bái, đọc tụng những gì đã có sẵn, không nên đứng trên bục giảng.
Giờ này có muốn nói trên BBC, một cách chính xác rằng trong thông báo Tuyển sinh Thạc sĩ Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM không có “môn Mác –Lê nin” mà chỉ có môn “Triết học Phật giáo và triết học Mác – Lê nin” thì đã muộn rồi!
Trả lời ngắn gọn, căn cứ vào chính thông báo như thế, thầy Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM lại đi xác định “Trong đợt tuyển sinh thạc sĩ Phật học lần trước [năm 2012] có môn Mác - Lê nin mà không thấy ai phản ứng gì?.
Làm sao mà đòi hỏi thầy Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM đính chính đối với người cố tình đặt câu hỏi sai khi chính thầy cũng không phân biệt được môn triết học Phật giáo và triết học Mác – Lê nin với chỉ riêng triết học Mác-Lê nin.
Chân thứ nhất vừa sụp bẫy thì chân thứ hai sụp liền tiếp theo: “không thấy ai phản ứng gì”. Thật ngây thơ đến xúc động. Đó không phải là lý do để mà giải thích.
Lần trước BBC không phản ứng vì họ không để ý, lần này họ phản ứng đó, thì sao?
Cách giải thích, biện bạch do lần trước không ai nói, không phải là cách của người có học. Nó cùn đường, cùn lý, quê mùa, đuối sức, chống chế. Oan một nỗi là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM đâu có tổ chức thi “môn Mác – Lê nin”, mà là thi “Triết học Phật giáo và triết học Mác-Lê nin”.
Thoắt một cái, sự thiếu hiểu biết của thầy Thích Quang Thạnh đã biến thầy trở thành công cụ trong tay những kẻ cao hơn về trí tuệ cũng như sự xảo quyệt. Cái đúng trong tay mình, thầy Thích Quang Thạnh không thấy, không dùng, không nói, mà cứ nói theo cái mà người khác gài.
Cho nên tiếp đó thầy cứ lặp lại cụm từ “môn Mác Lê-nin”.
Tôi hy vọng là cách diễn đạt như thế là có sự can thiệp thiếu khách quan của BCC, cũng như đối với chi tiết : “Ông Thích Quang Thạnh từ chối câu hỏi của BBC “ông suy nghĩ gì về mối liên hệ giữa Phật học và môn Mác – Lê nin””.
Câu hỏi này đâu phức tạp gì lắm mà thầy Thích Quang Thạnh phải lẫn tránh, để đến nỗi người ta khai thác chi tiết này? Huống nữa, mối liên hệ được nêu ra trong câu hỏi đó lại là môn học mà Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM tổ chức thi tuyển sinh.
Môn học của trường mình mà thầy Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM từ chối trả lời, là sao? Vậy thì dạy với ai, thi với ai?
Tôi không học cao như thầy Thích Quang Thạnh, nhưng thiết nghĩ vẫn có thể trả lời như sau: “Việc liên hệ, so sánh giữa những trường phái triết học lớn trên thế giới với nhau là điều bình thường và cần thiết trong nghiên cứu khoa học.
Những suy nghĩ của tôi đồng thời được phản ánh trong giáo trình giảng dạy bộ môn này. Tôi sẽ gửi nội dung giáo trình đến để quý vị tìm hiểu”.
Có gì khó đâu mà thầy Thích Quang Thạnh phải từ chối trả lời, để nó trở thành chi tiết bất lợi cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.
Trả lời thiếu suy nghĩ, thiếu chính chắn, với người phỏng vấn, lẫn lộn “môn Mác – Lê nin” với “Triết học Phật giáo và triết học Mác – Lê nin”, thầy Thích Quang Thạnh đã mở đường cho những nhận xét thiếu hiểu biết của thầy Thích Không Tánh bên dưới. Cũng như thầy Quang Thạnh, thầy Không Tánh lẫn lộn “môn Mác – Lê nin” và “Triết học Phật giáo và triết học Mác – Lê nin”, chỉ cứ nói thành “môn Mác - Lê nin”.
Vấn đề đúng ra không như thầy Tánh, nếu thầy đọc nhiều sách triết trước 1975, khi đó, người ta nghiên cứu rất sâu quan hệ triết học Phật giáo và triết học hiện sinh.
Thế thì bây giờ khi đào tạo thạc sĩ Phật học, có nhấn mạnh đến quan hệ triết học Phật giáo và triết học Mác, thì nào có ra khỏi giới hạn học thuật?
Tôi không nắm được nội dung đào tạo của các đại chủng viện và học viện công giáo, nhưng điều chắc chắn là người đi học và nghiên cứu không thể không biết đến, không tìm hiểu các trường phái triết học vô thần, trong đó có triết học Mác – Lê nin.
Vì sự tự trọng đối với chính mình, thể diện trước học trò của mình và giới trí thức Phật giáo, vì sự tôn trọng đối với Phật giáo Việt Nam, đề nghị đại đức Thích Quang Thạnh Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, người đã trả lời phỏng vấn bất lợi cho Phật giáo Việt Nam, hãy có bài viết đính chính, phân biệt rõ “môn Mác – Lê nin” với môn thi “Triết học Phật giáo và triết học Mác – Lê nin” gởi đến trang BBC tiếng Việt đề nghị đăng tải.
Nên xem đây là một bài học thấm thía về đối phó với tập kích truyền thông.
Tuy nhiên, cũng nên thông cảm với thầy Thích Quang Thạnh.
------------------------
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.
*Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả - một cư sĩ sinh sống tại TpHCM.