;
1. Niệm mê có nghĩa như thế nào?
Khi đang trì chú, niệm Phật, tụng kinh mà tâm khởi lên những chuyện thị phi, nhân ngã, hay để tâm duyên theo cảnh trần như ăn, uống, ngủ nghỉ, tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ, tham, sân, si..v.v... thì đó là niệm mê, đó là đang trì chú, niệm Phật, tụng kinh trong mê, và niệm này được gọi là niệm của phàm phu.
2. Một niệm trí tức Phật là thế nào?
Ngay khi khởi niệm mê đó, chúng ta nhận biết đó là mê, không cho tâm duyên theo, không chạy theo cảnh sắc, chỉ cần nhiếp tâm vào câu chú, câu Phật hiệu, câu kinh, niệm này gọi là niệm Phật. Tại sao gọi là niệm Phật? Bởi Phật là giác, thường giác. Phàm phu là mê, thường. Mê và giác nói hai, nhưng khoảng cách giữa mê và giác thực chỉ là một, bởi thấy mê, không chạy theo mê, ngay lúc đó đã là giác. Niệm này đồng nghĩa với niệm của Phật là tự tánh Phật của chúng ta một niệm hòa vào đại giác của chư Phật.
3. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não là thế nào?
Khi trì chú, niệm Phật, tụng kinh mà thấy trong tâm lao xao đủ thứ chuyện đó gọi là nội phiền não. Rồi bên ngoài xung quanh cũng lao xao đủ thứ chuyện đó gọi là ngoại phiền não. Khi nội, ngoại phiền não cùng khởi mà duyên tâm theo, đồng nghĩa tâm đang duyên theo cảnh, đang chấp cảnh rồi bị cảnh chuyển. Lúc này cho dù miệng đang trì chú, niệm Phật, tụng kinh, đồng nghĩa đang trì, niệm, tụng trong phiền não.
4. Niệm sau lìa cảnh tức bồ đề là thế nào?
Bồ đề là giác. Giác đồng nghĩa với Phật. Thấy cảnh mà không duyên theo cảnh, không bị cảnh chuyển, đồng nghĩa là bồ đề, là giác, là Phật và Phật tánh tương ưng với chư Phật, Phật nói ở đây là một niệm giác đồng với một niệm của Phật chứ không phải mình đã là Phật.
Như vậy phiền não vốn chẳng phải kẻ thù mà nó chính là thiện tri thức, là bạn, đang giúp cho chúng ta nhận thức rõ để mà tránh, đừng kết bạn với nó, nhưng cũng chẳng cần phải phủ nhận, hay lập trận tuyến để phòng thủ hay đối phó với nó làm gì cho mệt. Nhưng phần lớn khi mới tu đạo chúng ta hoặc là duyên theo phiền não, hoặc để phiền não lôi kéo, hoặc tuyên chiến với phiền, não, hoặc sống với nó nhưng chúng ta lại ngộ nhận mình đang tu và rất tinh tấn tu. Điều này không sai, nhưng là tu trong vọng.
Lấy vọng để trị vọng vốn chẳng thể thành chân, bởi nhân đã vọng tất quả phải vọng. Phật nói, cho dù có đạt được chân chăng nữa thì cũng chỉ là chân từ vọng. Nhưng lấy chân để trị vọng tất vọng lập tức bị đẩy lùi.
Như vậy vọng - phiền não hay chân - an nhiên tự tại, tức tự tánh thanh tịnh vốn có của mỗi chúng ta đều do một tâm của chúng ta khởi lên cả.
Giác được niệm này, phiền não chắc chắn sẽ bị đẩy lùi.
------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.