;
Nhân gian Phật giáo
Danh từ Nhân gian Phật giáo xuất hiện lần đầu tại Việt Nam trên Tuần báo Đuốc Tuệ do Hội Phật Giáo Bắc Kỳ xuất bản tại Hà Nội. Số đầu ra ngày 10/12/1935. Đuốc Tuệ hoạt động được 10 năm thì bị đình bản vì có cuộc cách mạng giành độc lập năm 1945.Nhân gian Phật giáo là đạo Phật của người thế gian, đạo Phật của người đời, khác với sinh hoạt chuyên tu Phật - Pháp của người xuất gia ở chùa.
Năm 1973 chúng ta có sách Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, sách do hai thầy Huyền Quang và Nhất Hạnh viết chung. Tác phẩm được các tác gỉa xem là một cương lĩnh cho một đạo Phật nhập thế. Là rường cột, là kim chỉ nam cho việc đem đạo giải thoát áp dụng vào đời sống hàng ngày của giới cư sĩ tại gia. Một thứ đạo Phật được đại chúng hóa, xã hội hóa từ cái gốc của đạo Phật vốn chỉ được thực hành trong giới Tăng sĩ ở chùa sao cho phù hợp với đời sống hàng ngày của người đời. Họ có thể là người nội trợ, công chức, nhà buôn, nhà văn, nghệ sĩ, sinh viên, nông dân, hay người lính chiến v.v... Đó là Phật giáo nhập thế.
Giữa cuốn Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, và loạt bài Nhân gian Phật giáo trên tuần báo Đuốc Tuệ năm 1935-1945 có sự liên hệ, chứng tỏ có một sự tiếp nối.
Người khởi xướng phong trào Nhân gian Phật giáo Việt Nam là học giả kiêm tiểu thuyết gia Nguyễn Trong Thuật, hiệu Đồ Nam Tử. Ông sinh năm 1891, mất tại Hà Nội ngày 19 tháng Giêng năm Mậu Tý, tức ngày 28/2/1948. Tác phẩm Quả dưa đỏ là quyển tiểu thuyết đầu tay của ông được Hội đồng kiểm duyệt Hội Khai Trí Tiến Đức liệt vào giải nhất. Tác phẩm thứ hai được nhiều người ưa thích là loạt truyện kể về Cô con gái Phật hái dâu đăng trường kỳ trên tờ Đuốc Tuệ. Tiếc thay, truyện Cô con gái Phật hái dâu còn đang dang dở thì Tuần báo Đuốc Tuệ bị đình bản đột ngột nên chưa được in thành sách. Có thể nói ông là một trong số rất ít người Việt Nam viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ vào thời ấy ở ngoài Bắc. Bên cạnh văn chương nghệ thuật, ông còn là cây bút Phật học sáng giá trên các tạp chí Việt ngữ thời đó, những bài như : Bình luận về sách Khóa hư (1933), Phật giáo tân luận (1934) đăng trên tờ Nam Phong do Phạm Quỳnh làm Chủ bút rất được nhiều người chú ý.
Đầu năm 1934, cùng với những cây bút chủ lực của tạp chí Nam Phong như các ông Lê Dư, Nguyễn Hữu Tiến..., Nguyễn Trọng Thuật về cộng tác với nhóm Phật học Tùng thư do Thiền sư Trí Hải đứng đầu. Tháng 8 cùng năm nhóm Phật Học Tùng Thư hợp cùng một số Tăng sĩ Hà Nội thành lập Hội Phật Giáo Bắc Kỳ. Tháng 2/1935, Nguyễn Trọng Thuật được Hội đề cử làm Thư ký Ban Khảo cứu và giảng diễn Phật học do Trần Trọng Kim đứng đầu, và sau đó là Thư ký Ban Biên tập tờ Đuốc Tuệ.
Sức viết của ông rất khỏe, chỉ trong 5 năm, ông đã viết ngót 60 bài (không tính các bài chuyên khảo, bài dịch) trên mọi lĩnh vực từ nghị luận, lịch sử Phật giáo đến truyện dài đăng nhiều kỳ. Trong đó nổi trội nhất là loạt bài : Tinh thần Phật giáo đối với thanh niên ngày nay; Tinh thần nhân gian Phật giáo của Việt Nam xưa; Chủ nghĩa quần chúng giải thoát của đạo Phật; Câu chuyện đạo Phật với việc làng; Đạo Phật rất cần cho vấn đề kinh tế ngày nay..., và chủ đề Phật hóa nhân gian đã trở thành chuyên mục không thể thiếu của tờ Đuốc Tuệ ngay từ những số đầu tới số cuối. Theo ông nhân gian Phật giáo đối với đạo Phật là phát biểu những điều chân chính có quan thiết đối với đời người để làm lợi ích cho đời, chứ không có gì là khác lạ.
Chúng ta được biết rằng danh từ Nhân gian Phật giáo xuất phát lần đầu bên Trung Hoa vào đầu thập niên 1930. Tuy có mặt sau người bạn láng giềng, nhưng thực chất đạo Bụt Việt Nam đã thực sự đi vào xã hội đời thường chậm nhứt là từ đầu thế kỷ thứ XI. Rõ nhất là từ triều đại nhà Lý trở về sau. Điển hình là tiểu thuyết mang tên Cô con gái Phật hái dâu của tác giả Nguyễn Trọng Thuật, nói lên sự dấn thân vào đời của đạo Bụt Việt Nam trước đạo Bụt Trung quốc rất xa. Nếu nghiên cứu kỹ hai triều đại Lý - Trần chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ điều đó. Cô con gái Phật hái dâu là khuôn mẫu của việc đem đạo Bụt áp dụng vào đời sống hàng ngày. Người ta thấy đạo Bụt thời ấy có một ảnh hưởng lớn ở trong xã hội, trong phong tục, trong văn hóa, trong nhân gian, và ngay ở trong chính trị.
Cô con gái Phật tức là nữ Phật tử. Hái dâu là đi hái dâu về để nuôi tằm. Cô tên Ỷ Lan quê làng Siêu Loại (Bắc Ninh) rất xinh đẹp, rất thùy mị, được nuôi dưỡng trong đạo đức của Phật giáo nên thấm nhuần tư tưởng và hành trì của Phật giáo. Cô hiểu thấu tất cả các nỗi khổ, những khó khăn của dân chúng ở đồng quê. Cô được được vua Lý Thánh Tông yêu quý đem về cung và phong làm Nguyên phi. Nhờ tấm lòng nhân hậu và hiểu biết Nguyên phi Ỷ Lan được vua cho phép dự vào việc triều chính. Ỷ Lan đã đưa ra những tư tưởng rất thiết thực, để giúp dân quê thoát khỏi vòng nghèo đói, áp bức và bất công. Vua Lý Thánh Tông đã nghe theo làm một cuộc cách mạng nông thôn rất hay. Ỷ Lan có kiến thức rất vững chãi về tình trạng dân quê. Ví dụ nàng biết ở miền quê có những bọn ăn trộm trâu để làm thịt và ăn nhậu với nhau. Khi một người nông dân mất trâu thì không thể nào sinh sống được! Con trâu tương đương với chiếc máy cày để cày ruộng ngày nay. Mất trâu người nông dân sẽ chết đói, mà có thể những người khác cũng chết đói theo, tại vì trâu dùng để cày cho ruộng mình, nhưng cũng để cày ruộng cho người khác. Cho nên Ỷ Lan đã đề nghị những biện pháp để trừng trị, để ngăn cản không cho bọn ăn cắp trâu hoành hành.
Thời đó còn có những nhà nghèo phải bán con trai hay gái. Nhà họ nghèo quá, không có tiền để nuôi con, bất đắc dĩ họ phải bán con của mình cho những nhà giàu để làm đầy tớ. Một chế độ gần như là chế độ nô lệ ở Tây phương. Tuy cũng gọi là con, cũng nuôi trong nhà, nhưng không được đối xử bình đẳng như là con đẻ. Tuy gọi là con nuôi, nhưng kỳ thực là một thứ đầy tớ! Gặp những gia đình có nhân đức, có tình thương thì những đứa con nuôi này được đối xử tử tế. Nhưng gặp phải những nhà không nhân đức thì mình chỉ đóng vai của những người đầy tớ, và là đầy tớ suốt đời! Ỷ Lan đã đề nghị vua Lý Thánh Tông xuất tiền kho ra, chuộc những người đầy tớ này khi họ đến tuổi trưởng thành, rồi tìm cách dựng vợ gã chồng cho họ. Đó là những biện pháp xã hội mà Nguyên phi Ỷ Lan đã thực hiện.
Nguyên phi cũng rất giỏi về việc triều chính. Có một lần vua Lý Thánh Tông đem quân dẹp loạn ở biên thùy giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Lâu quá mà không thành công, cho nên vua rút quân về. Khi về chưa đến nơi thì nghe đồn ở nhà Nguyên phi làm việc rất giỏi. Tổ chức triều đình rất hay, không có vấn đề gì cả. Nhà vua mắc cỡ, nên quay trở lại biên giới! Và lần này thì vua thành công trong việc thiết lập an ninh và hòa bình ở biên giới.
Đó là những câu chuyện có thật về cuộc đời của Nguyên phi Ỷ Lan mà Nguyễn Trọng Thuật đã kể lại trong một cuốn tiểu thuyết.Nguyễn Trọng Thuật đã chủ động mạnh mẽ cho việc đem đạo Phật vào đời sống hàng ngày, làm mới cuộc sống nông thôn bằng tinh thần xã hội hóa Phật giáo.
Ông cũng là người đầu tiên đề nghị tổ chức Lễ cưới trong chùa. Trong bài luận Lễ kết hôn trước cửa Phật, Nguyễn Trọng Thuật nhận định hôn lễ là lễ văn để làm tôn trọng vẻ vang cho cái sống của mình... Người ta trong một đời duy có hôn lễ là quan thiết đến bản thân hơn cả. Ông cho rằng ở Việt Nam, hôn lễ chịu ảnh hưởng cả Nho giáo lẫn Đạo giáo. Theo đó, lễ bái yết gia tiên hai nhà là theo Nho giáo đối với quan niệm gia tộc, phụng tiên tư hiếu, thực là biết ơn, chịu mệnh một cách chu đáo, có nghĩa lý thiết thực thì nên giữ. Còn lễ tế tơ hồng là theo thuyết số mệnh của phái đạo sĩ, cám ơn vị thiên tiên đã xe duyên cho nên vợ nên chồng. Xét ra nó chỉ như cái cách đem quà biếu người làm mối mà thôi, không có nghĩa lý gì đáng làm giáo hóa, thì nên bỏ. Ông nhấn mạnh:Song ngoài cái lễ bái yết gia tiên ra không có lễ gì nữa, thì cái quan niệm kết hôn của người đời chỉ loanh quanh trong cái tư tưởng nối dõi tông đường của một nhà, e không khỏi còn hẹp hòi lắm.
Ông đề nghị: Nay nhân phong trào Chấn hưng Phật giáo đang hưng thịnh, tiện dịp ta hãy nên cử hành lễ kết hôn trước cửa Phật... Việc đem lễ kết hôn vào cửa Phật này tuy là việc mới, nhưng tôi quyết không phải là một việc cưỡng ép gì. Ông đề nghị một nghi thức kết hôn gồm có tấu văn và huấn từ của một vị Tăng sĩ làm giới sư hướng đạo cuộc lễ. Trước Tam bảo vị giới sư nhắc nhở cặp tân hôn phải nhớ đạo lý Tứ ân của Phật dạy mà đền đáp công ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn sư trưởng và ơn chúng sinh. Thể hiện qua hai câu đối : Hiếu mẹ cha, ân đất nước, đạo Tứ ân đã dạy bảo đủ luân thường ; Chồng kính ái, vợ thuận tùng, lễ Lục phương càng ân cần về gia đạo.
Ngày nay nếu chúng ta có những đám cưới tổ chức lễ tại chùa, là chính nhờ ngày xưa đã có những bậc đàn anh đề xướng chuyện đó.
Đấu tranh ý thức hệ
Từ năm 1935 đến năm 1975 là bốn mươi năm chính trường Việt Nam có rất nhiều biến động. Đất nước thành đấu trường cho các chủ thuyết. Từ xung đột tranh chấp trên vấn đề ý thức hệ chính trị đã biến thể thành chiến trường nóng máu đổ thịt rơi - tàn sát không biết bao nhiêu là thế hệ quốc dân. Đốt cháy không biết bao nhiêu là sản nghiệp nhân văn, trí tuệ và kinh tế của đất nước. Cho nên làm sao để đạo Bụt có mặt ngay trong những hoàn cảnh khó khăn như trong chiến tranh, trong quân đội, trong xã hội, v.v..., đó là những vấn đề rất quan trọng trong sứ mệnh giữ gìn bản sắc dân tộc và đem đạo từ bi cứu khổ vào đời tái lập an bình cho đất nước, là hạnh nguyện của người con Phật trong mọi hoàn cảnh.
Tháng 9 năm 1945 Việt Nam tuyên bố độc lập sau cuộc Cách mạng tháng 8 cùng năm. Nhưng năm 1946-1947 người Pháp cố tình trở lại tái lập thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương, buộc người Việt Nam phải tổ chức kháng chiến chống chủ nghĩa Thực dân tái phục hồi nền độc lập.
Trong đoàn thể kháng chiến thời đó có đảng Cộng sản, nhưng cũng có những thành phần kháng chiến khác không phải Cộng sản. Ban đầu là chiến tranh giữa hai phía. Một bên là để dành độc lập, một bên là để chinh phục lại thuộc địa. Nhưng giữa những người kháng chiến với nhau đã âm thầm có sự đấu tranh về ý thức hệ. Một bên là phong trào Cộng sản chủ xướng tư tưởng Marxisme chống lại tư tưởng Tư bản. Có rất nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chỉ có ý thức hệ Cộng sản mới có đủ sức đánh bại lực lượng xâm lăng mà thôi. Những người khác, như người trong Quốc Dân Đảng thì rất e ngại chủ nghĩa Cộng sản sẽ đem lại nhiều khó khăn cho đất nước.
Hồi đó tại các chùa, các sư chú, sư cô âm thầm có cảm tình với kháng chiến. Họ cũng chưa biết Cộng sản là gì, nhưng họ thấy phong trào kháng chiến cam khổ, kháng chiến quân hy sinh đấu tranh giành độc lập cho nước nhà. Vì vậy kháng chiến bám lấy các chùa để nhờ yểm trợ. Cho nên người Pháp rất ghét các thầy, các sư cô, sư chú đã tiếp tay yểm trợ kháng chiến. Trái tim của người Phật tử có khuynh hướng nghiêng về bên kháng chiến, đó là điều rất rõ ràng. Điều đó được biểu hiện bằng sự kiện có rất nhiều thầy, nhiều sư cô đã bị Thực dân Pháp bắn chết. Bị bắn ngay trong sân chùa. Nhưng những người tu còn trẻ đó chưa thấy được rõ ràng sự kiện chủ thuyết Duy vật biện chứng không thích hợp với tư tưởng của Phật giáo.
Chủ nghĩa Duy vật, duy vật biện chứng pháp là một cái gì đó giống như là một tư tưởng mới, rất là hấp dẫn đối với thanh niên Việt Nam thời đó. Vì đó là xương sống của phong trào kháng chiến, người ta tin rằng chỉ có chủ nghĩa Cộng sản mới có thể giúp giải phóng được đất nước khỏi bàn tay Thực dân Đế quốc. Phong trào kháng chiến đã có màu sắc Cộng sản, và càng ngày thì cái xương sống đó càng mạnh ở trong phong trào kháng chiến, người Cộng sản từ từ nắm hết tất cả chủ quyền trong kháng chiến. Những phần tử không phải Cộng sản từ từ bị lép vế. Cuối cùng họ phải cắn răng chịu đựng, cố gắng duy trì sự đoàn kết để đi tới thành công cho kháng chiến.
Thời đó bên Trung Quốc có một số học giả như là Lương Khải Siêu, Châu Tự Ca, bắt đầu viết những bài, những cuốn sách về chủ nghĩa Cộng sản, nói rằng con đường của chủ nghĩa Cộng sản không phù hợp với nhận thức của Phật giáo. Một số các thầy và các cư sĩ có khả năng đọc văn mới - văn bạch thoại, và có cơ hội được đọc những bài đó thì càng ngày càng thấy rõ rằng con đường Duy vật biện chứng pháp không phải là con đường phù hợp với Phật giáo, dù họ rất có cảm tình với phong trào kháng chiến. Trong khi đó thì các vị cũng biết rằng chủ thuyết Tư bản chống Cộng cũng không phù hợp với Phật giáo. Vì vậy cho nên những người trí thức trong đạo Bụt đi tìm một con đường khác. Một con đường không phải là chủ thuyết Cộng sản mà cũng không phải là chủ thuyết chống Cộng. Đó là tâm trạng của rất đông người trong thời đại chiến tranh nhiễu nhương hồi đó.
Có một số thanh niên trí thức ở trong chiến khu cũng bắt đầu thấy được điều đó và tìm cách đối thoại giữa Phật giáo và chủ thuyết Cộng sản. Ở chiến khu 5 chẳng hạn, tức là ở vùng Bình Định, Qui Nhơn, có một số các vị đang làm việc cho kháng chiến, nhưng bắt đầu mở ra phong trào đối thoại. Ví dụ như Phật tử Nguyễn Hữu Quán, một trong những thành viên của Đoàn Phật Học Đức Dục, được thành lập vào khoảng năm 1930-1935 ở Huế, với sự yểm trợ của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, viết ra một cuốn sách tên là Đạo Phật với nền dân chủ mới. Nền dân chủ mới tức là chế độ Marxiste. Nhưng những cố gắng của quý vị đó không đi tới đâu, là vì bên kia họ có niềm tin rất sắt đá nơi chủ nghĩa Marxisme. Vì vậy cho nên họ không mở lòng ra để nghe bất cứ một tiếng nói nào, dù là một tiếng nói rất tha thiết để đóng góp cho tương lai của đất nước.
Khi quân đội Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ thì đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định Genève 1954, và việc đấu tranh ý thức hệ được biểu hiện ra trên phương diện hình tướng. Người Mỹ bắt đầu chen vào.
Lúc đó ở miền Nam, một người Công giáo được đưa lên làm tổng thống, đó là ông Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Diệm thuộc gia đình Nho giáo, cũng có dính líu tới truyền thống Phật giáo, nhưng ông đã theo Cơ Đốc giáo, và là người chống Cộng kịch liệt. Tây phương đã yểm trợ để ông làm lãnh tụ chống Cộng của miền Nam. Những người thân cận ông Ngô Đình Diệm nghĩ rằng phải có một chủ thuyết để có thể đương đầu với chủ thuyết Cộng sản. Vì vậy họ đã mượn lý thuyết của Emile Mounier là chủ thuyết Nhân vị (Personalism) để làm ý thức hệ chống Cộng. Cho nên ở miền Nam hồi đó, tất cả các công chức đều phải học tập chủ thuyết Nhân Vị. Có những cơ sở, những trung tâm đào tạo, và tất cả công chức đều phải học thuyết Nhân vị. Trong trường đại học cũng phải học thuyết Nhân Vị. Đàng sau thuyết Nhân Vị có ý thức hệ Công giáo. Những người Công giáo di cư từ miền Bắc được biệt đãi, vì người ta nhận ra đó là một trong những lực lượng quan trọng để có thể chống Cộng.
Trước thảm cảnh chiến tranh tàn phá, đất nước bị chia cắt, lấy đi không biết bao nhiêu là sinh mạng của rất nhiều tầng lớp quốc dân, làm tầng lớp thanh niên Việt Nam rất là đau khổ vì không thấy được con đường của mình. Phần lớn đều nghĩ rằng mình phải đấu tranh chống lại ngoại xâm, vì vậy mà có những người tuy không thích chủ nghĩa Cộng sản, nhưng vẫn phản cắn răng chịu đựng. Cũng có những người nằm trong hàng ngũ kháng chiến, nhưng âm thầm chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Cuộc xung đột ý thức hệ không những chỉ nằm giữa Nam và Bắc, mà còn nằm ngay trong hàng ngũ kháng chiến, nằm ngay ở miền Bắc! Cho nên trong đầu của người thanh niên Việt Nam thời đó có một sự lộn xộn, không biết đi về đâu, không biết con đường nào là đúng làm cho họ rất đau khổ! Vì vậy tầng lớp trẻ thời ấy đã nhìn vào đạo Phật để tìm một con đường hầu giúp họ khỏi kẹt vào thế đấu tranh ý thức hệ, thế theo bên này hay theo bên kia. Một số người thì hoàn toàn ôm lấy chủ thuyết Marxisme, một số người khác thì hoàn toàn ôm lấy chủ thuyết Tư bản. Nhưng đa số thanh niên Việt Nam là không muốn như vậy. Họ muốn một con đường của dân tộc. Vốn liếng của họ nằm trong văn hóa dân tộc, cho nên họ nhìn vào đạo Bụt để tìm ra một con đường.
Đạo Phật đi vào cuộc đời
Những sự kiện lịch sử khởi đi từ cuộc chấn hưng Phật giáo những năm 1920, với những tác phẩm văn học sử như Quả dưa đỏ, Cô con gái Phật hái dâu ; những bài nghị luận, những bài đối thoại như : Nhân gian Phật giáo, Phật hóa nhân gian, v.v... xuất hiện
trên các tạp chí Phật giáo thời bấy giờ như Viên Âm, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm, Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng Chuông Sớm, Duy Tâm, Tiến Hóa đã un đúc tâm hồn cậu bé chưa đầy mười tuổi. Khi lớn lên cậu bé đi tu trở thành một thanh niên Tăng với hoài bảo tiếp bước người xưa đem đạo Bụt vào đời. Nhưng rồi người thanh niên Tăng ấy phải chứng kiến những biến cố tàn khốc trong cuộc chiến tranh giành độc lập ; chiến tranh ý thức hệ ; rồi đất nước qua phân. Người thanh niên Tăng nay đã trở thành một vị Giáo thọ trẻ vững vàng về kiến thức Phật học lẫn tuệ giác hiểu-thương và tương tức. Hoài bảo chấn hưng Phật giáo và hệ lụy do chiến tranh gây ra đã là một trong những động lực chính để vị Giáo thọ trẻ phát tâm dũng mãnh quyết làm mới đạo Bụt, quyết tiếp nối các bậc đàn anh nguyện đem đạo Bụt vào đời và xây nền cho một đạo Phật dân tộc. Vị giáo thọ trẻ đó chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trong số cả triệu người Bắc di cư vào Nam đa số là Công giáo, nhưng cũng có một số Phật tử. Các Phật tử di cư đã thành lập hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt tại miền Nam. Năm 1954 đồng bào di cư có xuất bản mấy tờ báo hàng ngày, trong đó có tờ Dân Chủ, do ông Vũ Ngọc Cát làm Chủ nhiệm. Dân Chủ là một tờ báo của đồng bào miền Bắc, và có khuynh hướng Phật giáo. Ông Vũ Ngọc Cát đã đề nghị thầy Nhất Hạnh viết loạt bài cho chủ đề Phật giáo mới, thứ Phật giáo có thể đưa đường dẫn lối cho quốc dân trong giai đoạn nữa tối nữa sáng này. Lúc đó thầy Nhất Hạnh đã là Giáo thọ đang dạy ở trường Phật học đường Nam Việt, một cơ sở do Thầy và Thiền sư Trí Hữu cùng sáng lập năm 1949 tại chùa Ứng Quang, sau này đổi tên thành chùa Ấn Quang.
Thế là trên mặt báo Dân Chủ xuất hiện loạt bài lấy tên là Đạo Phật qua nhận thức mới. Theo Thầy qua nhận thức mới thì qua, nhưng ý chính vẫn là đạo Phật như thường. Nhờ loạt bài này mà tờ báo bán rất chạy. Chủ đề Đạo Phật qua nhận thức mới đã trở thành chủ đề chính của tờ báo và nó được đưa lên trang nhất với hàng tựa lớn in màu đỏ để gây chú ý. Nó chứng tỏ cho sự khao khát của các tầng lớp xã hội thời bấy giờ cho một hướng đi của dân tộc. Một hướng đi phi Tư bản, phi Cộng sản. Một hướng đi
không đối kháng và có thể ôm ấp được cả người theo chủ nghĩa Cộng sản và người theo chủ nghĩa Tư bản. Trong những loạt bài đó Thầy đã nói về một thứ đạo Bụt mới, như là con đường hướng dẫn đất nước thoát khỏi giai đoạn tranh tối tranh sáng và lộn xộn này. Trong đó có một bài nói về Đạo Phật và chủ thuyết Nhân vị, Thầy muốn cho mọi người thấy rằng : Đạo Bụt khác với chủ thuyết Duy Vật như thế nào, khác với chủ thuyết Cộng sản như thế nào, khác với chủ thuyết Duy Thần như thế nào. Một bên là Duy Thần, một bên là Duy Vật, còn đạo Bụt là duy gì? Đó là thành quả của những tư duy và thiền quán của vị Thiền sư bắt đầu được diễn ra thành lời trên mặt báo Dân Chủ vào năm 1954.
Năm 1956, thầy Nhất Hạnh được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam giao làm Chủ bút tờ báo của Tổng Hội, tức là tờ Phật Giáo Việt Nam. Trong tờ báo này có loạt bài gọi là Để đi đến một nền Phật giáo dân tộc. Ngay số đầu của tờ báo Phật Giáo Việt Nam đã có một bài tựa là Hướng đi của người Phật tử Việt Nam. Trong bài này người ta được đọc rằng hướng đi đó không phải là hướng đi của Duy vật biện chứng pháp, mà cũng không phải là hướng đi Duy thần, dựa trên thần linh. Mình không tin vào chủ thuyết Duy vật, không tin vào một lực lượng thần linh, mà phải tin vào chính con người của mình, tin vào trí tuệ, từ bi ở trong lòng của mình.Theo Thầy hồi đó làm tờ báo giống như là dẫn một đạo binh ra trận. Mặt trận này là mặt trận tư tưởng, mặt trận tư duy để tìm một hướng thoát cho dân tộc, cho người trẻ. Đi tìm một niềm tin đích thực mà có thể đưa mình thoát khỏi gọng kìm của thế đấu tranh giữa chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản. Bên cạnh tờ báo Phật Giáo Việt Nam còn có những tờ báo khác như là tờ Liên Hoacủa Giáo Hội Tăng Già do Hòa thượng Đôn Hậu làm Chủ nhiệm, cũng mang những bài viết có cùng một đường hướng.
Vào khoảng năm 1960, những bài viết về Đạo Phật đi vào cuộc đời xuất hiện trên các tờ báo, trong đó có những bài như là Đức Phật của thế kỷ chúng ta như thế nào? Giáo lý, thực tập, hành động, thái độ với xã hội như thế nào? v.v... Đạo Phật đi vào cuộc đờilà một danh từ mới, hơi dài dòng, nhưng nó chỉ có nghĩa là Nhân gian Phật giáo mà thôi. Đi vào cuộc đời tức là nhập thế. Một bên chịu ảnh hưởng văn pháp Hán, một bên diễn âm Nôm hiện đại rõ ràng và dễ hiểu. Loạt bài này đã được gom lại và in thành sách cùng tựa năm 1964.
Đạo Bụt dấn thân
Hiện nay trên thế giới, chúng ta có danh từ Engaged Buddhism, tức Đạo Bụt dấn thân là vì năm 1960 chúng ta đã có danh từĐạo Phật đi vào cuộc đời, và năm 1935 chúng ta đã có danh từ Nhân gian Phật giáo. Hiện nay ở Hoa Kỳ có một tổ chức gọi làBuddhist Peace Fellowships nghĩa là Phật giáo phục vụ cho hòa bình, là dấn thân cho vấn đề hòa bình. Đó cũng là con đẻ củaNhân gian Phật giáo, mà đó cũng là con đẻ của Đạo Phật đi vào cuộc đời. Tại Âu châu cũng có sự có mặt của tổ chức đó, mộtNetwork of Engaged Buddhism. Thành ra chữ Engaged Buddhism có nguồn gốc ở Việt Nam, có nguồn gốc trong quá trình tìm kiếm, học hỏi, tranh đấu để tìm ra một con đường thoát, đưa quốc gia, dân tộc mình thoát ra khỏi gọng kìm của sự tranh chấp giữa hai ý thức hệ.
Trong cuộc chiến tại Việt Nam, không những người ta đưa vào hai ý thức hệ để chống nhau. Người ta còn đưa vào võ khí của cả hai khối! Người Việt trở nên nạn nhân của sự tranh chấp vừa ý thức hệ, vừa võ khí của hai khối lớn trên thế giới. Cho nên đạo Phật ở Việt Nam giống như là một bông sen nở trong lò lửa, lò lửa của chiến tranh, của khổ đau. Vì vậy mà năm 1966 thầy Nhất Hạnh đã viết cuốn Hoa sen trong biển lửa Thầy đã sử dụng tiếng Anh cho nguyên bản - Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Đức, Ý, Nhựt, v.v... Sách được tái bản nhiều lần trong đó bản tiếng Việt phải đợi tới lần tái bản thứ tư mới có. Việt Nam hồi đó là một biển lửa, và đạo Phật vùng vẫy thoát ra như một đóa sen. Hình ảnh đó là hình ảnh của một thiền sư đời Lý đề xướng: Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận, Liên phát lô trung thấp vị càn. Tức là viên ngọc được đốt cháy ở trên đỉnh núi mà sắc của nó vẫn còn tươi mát - Bông sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn còn tươi. Đó là cái kim cương tâm, cái bồ đề tâm của người Phật tử.
Năm 1964, Thầy Nhất Hạnh cho xuất bản thêm một cuốn sách mới tên là Đạo Phật hiện đại hóa, tiếng Anh dịch là Actualised
Buddhism trong lúc Thầy đang vận động để thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh. Cũng như lần trước, Thầy khẳng định : Đạo Phật vẫn là đạo Phật, nhưng chúng ta làm cho hiện đại lại để có thể đáp ứng được những nhu cầu mới, chữa trị được những nỗi đau khổ mới, gọi là Đạo Phật hiện đại hóa. Nó cho chúng ta thấy được sự khế hợp tuyệt vời giữa cơ và lý trong cuộc hành trình làm mới đạo Bụt của Thầy.
Theo Thầy, tất cả những hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam từ 1964 trở về sau, đều được hướng dẫn bằng tư tưởng đạo Phật hiện đại hóa. Cho nên những danh từ như Phật giáo và dân tộc, cũng được sản xuất từ những gốc gác đó. Nếu chúng ta có trường Thanh niên phụng sự xã hội, đào tạo cán bộ đưa về nông thôn để phát triển đời sống nông thôn, để cứu trợ nạn nhân của chiến tranh, của thiên tai, đó cũng là thực tập theo đường hướng của Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật đi vào cuộc đời. Trong số đó có Dòng tu Tiếp hiện Thầy cho ra đời cũng vào năm 1964 với 14 giới điều được tinh lọc từ giáo lý Tứ Đế và con đường Bát Chánh, còn được gọi là 14 phép thực tập chánh niệm giúp cho cả hai giới xuất sĩ và cư sĩ có đủ năng lực niệm, định, tuệ để có thể đứng vững trên con đường phụng sự. Tính đến nay Dòng tu Tiếp hiện đã phát triển rộng khắp trên thế giới giúp hướng dẫn tu học cho hàng ngàn tăng thân thực hành Phật đạo trong đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh này trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirtinirdesa), một trong những kinh xuất hiện khá sớm của hệ tư tưởngPhật giáo Đại Thừa. Kinh viết rằng :
Có vị Trưởng giả tên là Bảo Tích bạch với Bụt rằng : Bạch đức Thế Tôn, năm trăm trưởng giả tử chúng con đều đã phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cúi mong Ngài chỉ dạy cho chúng con những hạnh thanh tịnh của các vị Bồ tát. Bụt dạy rằng: Này Bảo Tích! Tất cả chúng sanh là cõi Bụt của Bồ tát. Vì sao? Bồ tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà lãnh lấy cõi Bụt, tùy chỗ điều phục chúng sanh mà lãnh lấy cõi Bụt, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào trí tuệ của Bồ tát mà lãnh lấy cõi Bụt. Vì sao thế? Vì Bồ tát chứng đạt được cõi Bụt thanh tịnh đều vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh chứ không phải để sống một cuộc đời độc lập, giải thoát, xa lìa sự đau khổ của chúng sanh.
Rõ ràng đây là hình ảnh của đạo Bụt đi vào đời.
Nếu có người hỏi : Thế nào gọi là Engaged Buddhism? Thế nào gọi là Đạo Phật đi vào trong cuộc đời? Người ta sẽ nhận được câu trả lời từ thầy Nhất Hạnh rằng : Cái tự thân của đạo Phật là đi vào cuộc đời rồi. Nếu không đi vào cuộc đời thì đâu còn gọi là đạo Phật nữa? Điều này rất dễ hiểu. Chúng ta đã học Tứ Diệu Đế, chúng ta đã học Bát Chánh Đạo, chúng ta biết rằng Tứ Đế là một giáo lý khuyên chúng ta, chỉ dẫn cho chúng ta đối diện trực tiếp với khổ đau mà không phải chạy trốn khổ đau. Sự thật thứ nhất là sự có mặt của đau khổ, và mình phải trực tiếp đối diện với đau khổ đó. Nếu không hiểu được đau khổ thì không thể tìm được con đường thoát khổ. Vậy thì ngay trong sự hình thành của Phật giáo ta đã thấy cái tính chất dấn thân rồi. Vì nếu không là dấn thân, nếu không phải là nhân gian, nếu không phải là đi vào cuộc đời, thì đạo Phật đâu còn là đạo Phật nữa? Vậy thì tại sao đã là đạo Phật rồi mà còn phải thêm chữ dấn thân, phải thêm chữ nhập thế nữa, phải thêm chữ engaged nữa? Tại vì sao? Là tại có những người nghĩ rằng đạo Phật là chỉ dành cho những người tu ở trong chùa thôi! Vì vậy cho nên phải dùng chữ engaged cho họ hiểu. Khi người ta đã hiểu rồi thì mình bỏ chữ engaged đi cũng được, bỏ chữ dấn thân, bỏ chữ nhập thế đi cũng được. Đó là câu trả lời mà chúng ta thường sử dụng.
Đạo Bụt mà nhiều người đang thực tập ở Làng Mai là sự tiếp nối của đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt với tâm nguyện chữa trị những vết thương hiện có của con người thời đại, đạo Bụt với tâm nguyện tìm ra một lối thoát cho những khổ đau có thật của thế hệ chúng ta. Không phải là thứ đạo Bụt tìm sự trốn tránh những khó khăn và đau khổ của cuộc đời.
Khổ đau hiện thực
Đạo Bụt có thể đi vào đời mà không bị oen ố trần đời. Đi vào đời bằng thế cách nào đó mà vẫn giữ được phẩm chất của đạo Bụt nguyên thủy. Để làm được việc đó đạo Bụt cần phải được làm mới sao cho vừa khế hợp căn cơ của con người thời đại, cũng vừa khế hợp với giáo lý tông truyền. Thầy Nhất Hạnh lý giải như sau : Chúng ta được dạy rằng tinh hoa của Phật pháp là tuệ giác về vô
thường và vô ngã. Theo tuệ giác này thì bất cứ một thực tại sống nào cũng phải luôn luôn biến chuyển. Phải biến chuyển nó mới có thể tồn tại, có thể sinh động được. Nếu không biến chuyển, thì nó bắt đầu chết. Con người cũng vậy. Thành ra vô thường là nền tảng của sự sống, và nếu đạo Bụt nói tất cả đều là vô thường thì đạo Bụt cũng vô thường. Đạo Bụt phải vô thường thì đạo Bụt mới có thể còn là đạo Bụt. Cũng như một cây bắp, muốn còn là cây bắp thì phải tiếp tục mọc lên. Không mọc nữa thì cây bắp sẽ chết, và không còn là cây bắp nữa. Cho nên vô thường rất là quan trọng, vì vậy ta thấy rằng đạo Bụt phải thay đổi. Thay đổi không phải là để không còn là đạo Bụt nữa mà thay đổi để có thể mãi mãi vẫn còn là đạo Bụt. Vì vậy đạo Bụt phải khế cơ, nhưng đồng thời cũng phải khế lý. Vì vậy cho nên trở về với nguồn suối của đạo Bụt Nguyên thủy là chuyện rất quan trọng.
Và đây là cái thấy của Thầy về hoàn cảnh hiện thực của xã hội thời nay : Đứng về phương diện khế cơ chúng ta nói đạo Bụt phải đáp ứng được, phải giải quyết được những khổ đau hiện thực. Những khổ đau hiện thực đó, ta có thể nêu ra một ví dụ: Sự không có niềm tin.
Hiện nay có rất nhiều người trẻ không biết tin vào cái gì. Vì vậy họ sống như những cô hồn, không thấy gì đẹp, không thấy gì lành, không thấy có gì thật hết. Toàn là xấu xa, toàn là giả dối, toàn là ác độc. Họ không có một cái gì để nương theo hết. Đó là căn bản của niềm đau lớn nhất của thời đại.
Khi họ nhìn vào gia đình, họ thấy gia đình tan vỡ, họ thấy bố mẹ không có hạnh phúc, cha và con không có hạnh phúc, họ không tin vào gốc gác gia đình nữa. Không tin vào gia đình thì việc họ sống như một cô hồn là không thể nào tránh được.
Khi nhìn vào nhà thờ hay chùa, họ thấy nhà thờ hay chùa trở thành một nơi rất xa lạ với họ. Khi đến họ thấy lạc lõng. Những giáo lý của nhà thờ, của chùa dạy, không đáp ứng được những điều ao ước, những cái thao thức, những khổ đau của họ. Những pháp môn mà chùa và nhà thờ dạy, có tính cách hình thức, không làm cho họ thảnh thơi, không làm cho họ an lạc. Có khi nhà thờ trở nên một nơi tranh chấp danh lợi. Nhiều khi nhà chùa trở thành một chỗ tranh dành danh lợi. Tranh nhau làm hội trưởng, phó hội trưởng, thủ quỹ, thư ký. Cho nên người trẻ không tin vào nhà thờ, không tin vào chùa. Do đó mà khủng hoảng về đức tin cũng là một niềm đau khổ của thời đại.
Làm thế nào để khôi phục được niềm tin? Chúng ta thấy ngay ở các nước Xã hội Chủ nghĩa. Ngày xưa người ta còn tin vào chủ thuyết Marxisme, chủ thuyết Cộng sản. Bây giờ người ta không tin nữa. Nhưng nếu không tin vào chủ thuyết Marxisme thì phải tin vào một cái gì khác.
Cái khác đó là gì? Đảng Cộng sản Trung quốc mặc dù từng tự hào với đường lối Cộng sản theo kiểu cách riêng của họ. Đó là Cộng sản theo chủ nghĩa Maoism. Mặc dù vậy Maoism cũng từ Marxisme mà ra. Cho nên họ rất sợ trước sự phá sản của chủ nghĩa Marxisme xảy ra tại Nga kéo theo sự sụp đổ đồng loạt tại các nước Cộng sản Đông Âu. Nó bắt buộc người Cộng sản Trung quốc phải tìm cho ra cái gì khác để thay thế trước khi quá muộn. Cái khác mà họ thấy được là Khổng giáo. Nhưng là một thứ Khổng giáo mới - Khổng giáo độc tài theo đường lối Dân tộc chủ nghĩa cực đoan (Ultra-nationaliste). Đồng lúc họ phát động phong trào làm giàu, người người làm giàu, nhà nhà làm giàu theo tư tưởng của Đặng Tiểu Bình với chủ trương : Mèo trắng mèo đen gì cũng không sao miễn bắt được chuột là được. Thế là mọi người lao vào làm giàu, lao vào tiêu thụ như những con thiêu thân. Con người trở nên ích kỷ, sống chết mặc bây. Chủ nghĩa Cá nhân xuất hiện.
Trong khi đó người Cộng sản Việt Nam không thấy có gì trong văn hóa của mình để thay thế chủ nghĩa Marxisme nên đành phải tạm thời rời bỏ người anh Nga Xô Viết để đi theo cái đuôi của người anh Trung quốc. Mà đi theo là lệ thuộc, lệ thuộc tư tưởng, lệ thuộc đường lối trị quốc. Họ thà chịu làm phận nô thuộc còn hơn mất quyền cai trị. Nhưng đó chỉ là một thiểu số trong đảng cầm quyền. Còn đại bộ phận thế hệ 1975 trở về sau bị lạc lỏng bơ vơ, quên hết đường về. Họ quên rằng đất nước không bao giờ thiếu lý tưởng nhân sinh, không bao giờ thiếu tuệ giác từ bi, tuệ giác phụng sự. Những con đường đã từng mang lại hạnh phúc và phú cường cho dân cho nước qua các triều đại Lý - Trần. Không bao giờ thiếu tinh thần quật khởi giành lại độc lập cho nước nhà dù phải chịu nô thuộc cả ngàn năm của giặc Tàu, cả trăm năm của giặc Pháp. Thế là bị rơi vào hầm hố của tiêu thụ làm mồi ngon cho một thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã. Rơi vào sắc dục, băng đảng tội phạm. Là những mãnh đất màu cho sự phát triển của chủ nghĩa Cá nhân.
Thầy nói : Cá nhân chủ nghĩa (Individualism) trở thành tràn ngập. Chỉ lo cho mình thôi, vì vậy cho nên mình cứ tin rằng hạnh phúc là cái mà mình đi tìm kiếm riêng cho mình, mình không biết hạnh phúc là vấn đề tương tức. Nếu người kia không có hạnh phúc thì mình không thể nào có hạnh phúc được. Không có niềm tin thì không có tình thương. Khi mình đi theo cá nhân chủ nghĩa thì mình không có niềm tin, không có tình thương. Tại vì có thương thì mình có liên hệ tới người khác, và mình thấy hạnh phúc của người khác có liên hệ tới mình. Thấy vậy thì làm sao mình đi theo con đường cá nhân chủ nghĩa cho được?
Đối trị khổ đau
Thầy Nhất Hạnh chỉ cho chúng ta thấy rằng : Gia đình tan vỡ ; nhà thờ và chùa đánh mất vai trò lãnh đạo ; cá nhân chủ nghĩa đưa tới hố ngăn cách giữa các thế hệ. Liên hệ tới vấn đề đó là chuyện nói và nghe, truyền thông giữa hai thế hệ trở thành khó khăn. Rồi đi đến những tệ trạng như rượu, ma túy, bạo động, tình dục, chiến tranh, ô nhiễm sinh môi, và cố nhiên là sự có mặt của vô số cô hồn sống ở chung quanh ta. Đó là những vấn đề có thật, những khổ đau có thật, những khó khăn mà chúng ta đang vấp phải.
Trong thời gian trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, được thành lập ở Việt Nam, vào năm 1964, nhằm đáp ứng những khó khăn của xã hội Việt Nam thời đó, được coi như là đối tượng của sự hoạt động. Có bốn đối tượng, đó là : nghèo đói ; bệnh tật ; ngu dốt ; và vô tổ chức. Bốn cái đó là bốn khía cạnh của cái gọi là kém phát triển. Thành ra mục đích của những sư chú, những sư cô, những thanh niên đến học và được đào luyện, là để đi về miền quê, tìm cách đối phó với bốn