;
Xét đề nghị của Học viện Phật giáo Việt Nam (PGVN) tại Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch dự án khu vui chơi, giải trí, khu dịch vụ và biệt thự, nhà nghỉ bán và cho thuê, ngày 26/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1949/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đề nghị của Học viện PGVN tại Hà Nội.
Trước đó, Học viện PGVN tại Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị xem xét, điều chỉnh lại vị trí khu xây dựng nhà ở, biệt thự, nhà nghỉ để bán và cho thuê do Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội làm chủ đầu tư ra xa khu vực di tích Đền Sóc và Học viện PGVN tại Hà Nội để tạo sự tĩnh lặng cho môi trường văn hóa tâm linh và cơ sở giáo dục Phật giáo.
Thượng tọa Thích Thanh Đạt, Viện trưởng Học viện cho biết, trên 10,2ha đất được Hà Nội cấp có nhiều đồi, diện tích để xây dựng công trình được ít. Nếu san gạt đồi sẽ phải phá bỏ nhiều cây xanh, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường tâm linh.
Năm 2001, quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử văn hóa Đền Sóc được Chính phủ phê duyệt. Tại thời điểm đó Chùa Non Nước, Học viện PGVN tại Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng và con đường trải nhựa dẫn tới tượng đài chưa được xây dựng. (Tháng 11/2010, UNESCO mới công nhận Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc thờ Thánh Gióng là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của thế giới).
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2005, UBND TP Hà Nội cấp cho Giáo hội PGVN 10,2ha đất để xây dựng Học viện PGVN tại Hà Nội. Sau 1 năm, Học viện đã xây dựng xong giai đoạn 1 và đón nhận các Tăng, Ni từ nhiều vùng miền về học tập, nghiên cứu. Chùa Non Nước được trùng tu lại. Đặc biệt, Tượng đài Thánh Gióng đã kịp hoàn thành và là một công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do Giáo hội PGVN thực hiện.
Năm 2008, Giáo hội PGVN đã có văn bản gửi UBND xã Phù Linh và UBND huyện Sóc Sơn (địa phương có Khu Di tích Đền Sóc) xin mở rộng diện tích đất xây dựng Học viện PGVN tại Hà Nội và đều được đồng ý về mặt chủ trương.
Do địa điểm xây dựng Học viện có liên quan đến phần đất của Lâm trường Sóc Sơn, ngày 15/5/2008, Giáo hội PGVN có Công văn số 121 gửi Lâm trường. Ngày 26/5/2008, Lâm trường Sóc Sơn có Công văn số 69/CV-LT gửi Giáo hội PGVN “đồng ý với chủ trương của Giáo hội về mở rộng đất xây Học viện” và “đề nghị Học viện cần nghiên cứu quy hoạch mặt bằng, khi triển khai dự án phải bảo vệ rừng cũng như cây xanh, không chặt phá cây ở những vị trí không xây dựng sao cho không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của toàn khu vực”.
Cũng trong năm 2008, trên cơ sở Công văn số 20/CV-HĐTS đề nghị mở rộng đất xây dựng Học viện của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội PGVN, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 350/VP-VX “giao Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo TP, UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, thống nhất đề xuất
giải quyết đề nghị của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội PGVN, báo cáo UBND TP”.
Khu đất dự kiến sẽ được xây dựng thành nhà nghỉ, biệt thự >>>
Phần đất Giáo hội PGVN xin mở rộng nằm trong diện tích 154,5 ha mà UBND TP Hà Nội đã giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội. Phần lớn diện tích công ty đã khởi công.
Riêng diện tích liền kề với khu vực Học viện, Đại đức Thích Giác Như cho biết, công ty dự kiến sẽ xây dựng khu nhà biệt thự, nhà nghỉ để bán và cho thuê. “Nếu tồn tại một khu như thế ngay trước tòa nhà của Học viện, là nơi sẽ diễn ra hội nghị, hội thảo, học tập và nghỉ ngơi của các Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước sẽ rất phản cảm”.
Thượng tọa Thích Thanh Đạt nói thêm: Năm 2008, khi Giáo hội có công văn đã được UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cùng các các cơ quan đồng ý về mặt chủ trương và sẽ trình Thủ tướng xin điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay Giáo hội PGVN vẫn chưa nhận được hồi âm. Và, đó cũng là lý do Học viện PGVN tại Hà Nội có đơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển chung của Khu Di tích Đền Sóc và Học viện.
Theo Trà Vân - Thế Lữ - Thanh tra