;
Linh cửu của Ông an trí cũng tại chùa Diệu Pháp - ngôi chùa mà Ông đã đến để tịnh tu trong những năm cuối đời. Lễ truy điệu lúc 9g sáng 13-11. Lễ động quan lúc 9g30 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hoá thân Bình Hưng Hòa.
Học giả Phan Lạc Tuyên năm 2010 - Ảnh TL của TFS
Người miền Nam biết đến danh tánh Phan Lạc Tuyên từ những năm 1950 qua những ca từ tình quê đằm thắm và sâu lắng do Đạn Thọ phổ nhạc. Tên tuổi của Ông nổi như cồn qua cuộc binh biến đảo chính Ngô Đình Diệm 11-11-1960, lúc Ông vừa tròn 32 tuổi, bấy giờ là đại uý thuộc Liên đoàn biệt động Quân khu Thủ đô. Đảo chính bất thành, Ông tị nạn tại Campuchia và sau đó quay về nước tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN.
Giã từ con đường binh nghiệp, Ông sang Ba Lan du học và đã hoàn thành luận án tiến sĩ ngành dân tộc học; từ đó, Ông chuyên tâm vào nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo. Ông đã để lại nhiều công trình khoa học giá trị, trong đó có thể kể, như Người Chàm ở Việt Nam, Từ Tây nguyên đến Đồng Nai, Lịch sử bang giao Việt Nam - Đông Nam Á, Nghiên cứu và điền dã… cùng nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí, báo trong và ngoài nước.
Học giả Phan Lạc Tuyên với Bà Dominique de Miscault,
Tổng biên tập Tạp chí Triển Vọng Pháp - Việt, tại chùa Diệu Pháp.
Học giả Phan Lạc Tuyên được Hội đồng Điều hành Trường Cao cấp Phật học TP.HCM (sau này là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM) mời tham gia giảng dạy cho Tăng Ni hệ cử nhân trong nhiều năm. Với Phật tính sẵn có và ký ức về ngôi chùa trong tâm thức của người Việt, trong đời sống văn hoá dân tộc qua những lần theo mẹ, theo bà lên chùa, cùng những trãi nghiệm về cuộc đời, Ông đã nỗ lực học Phật, đã phát nguyện quy y Tam bảo và thọ nhận năm giới của người cư sĩ.
Ông là một trong những cộng tác viên nhiệt thành, thường xuyên có bài nghiên cứu về vấn đề dân tộc học và Phật giáo đăng trên nguyệt san Giác Ngộ - phụ trương nghiên cứu Phật học thuộc Báo Giác Ngộ.
Các Tăng sinh viên Học viện PGVN tại TP.HCM
tặng Thầy Phan Lạc Tuyên nhân ngày Hiến chương
Nhà giáo VN 20-11 (với nội dung 4 chữ: Giáo nhân bất quyện)
Nhiều thế hệ Tăng Ni đã học ở Học viện PGVN tại TP.HCM, Huế đã ấn tượng sâu sắc về người Thầy Phan Lạc Tuyên nghiêm nghị nhưng nhiệt thành chia sẻ, kiến thức phong phú, đặc biệt là trong những đợt Ông hướng dẫn điền dã các di tích văn hoá Chăm tại các tỉnh miền Trung.
Thấm lẽ vô thường của cuộc đời và giá trị chân thật của sự sống, Ông đã cát ái từ thân, vào chùa, xuống tóc gieo duyên với đời sống của người xuất gia đệ tử Phật trong những năm cuối đời, cho đến ngày từ trần trong tiếng kinh lời kệ hộ niệm của chư Tăng Ni, Phật tử và những người quý kính Ông. Với sự lựa chọn này, chắc chắn Ông sẽ trở lại với cuộc đời trong một hiện hữu khác, để đi tiếp hành trình mà Ông đã phát nguyện khởi hành từ những năm sau cùng của kiếp sống quá nhiều thăng trầm này.
Thay mặt quý Thầy đã phụ trách nguyệt san Giác Ngộ trước đây, và thay mặt Ban biên tập Báo Giác Ngộ, xin nhất tâm cầu nguyện hương linh Học giả - Phật tử Nguyên Tuệ - Phan Lạc Tuyên an nhiên trên các lộ trình mà Ông đi qua, lợi lạc trong tinh thần Phật pháp cho những nơi Ông sẽ đến. Xin gởi đến gia quyến của Ông lời phân ưu sâu sắc.
Nam-mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.
Thích Tâm Hải- GNO
******************************
Sân chùa Diệu Pháp (phường 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hôm qua đông hơn mọi ngày nhưng vẫn giữ được vẻ lặng lẽ. Cụ Nguyên Tuệ đã ra đi. Những người đến đưa tang không giấu được nét ngậm ngùi, dù ai cũng đã từng được nghe ông giảng cặn kẽ về lẽ vô thường.
Những câu chuyện xưa được nhắc lại, những tấm ảnh vàng ố, những bài thơ, văn xưa kia được lật lại, và nhiều người thật ngạc nhiên: khác với vẻ lặng lẽ của cụ Nguyên Tuệ râu tóc bạc trắng vẫn hằng ngày tọa thiền, thiền hành ở sân chùa, cái tên Phan Lạc Tuyên đã một thời dậy sóng.
Mạnh tay súng
Đã tròn 51 năm, những người Sài Gòn vẫn còn nhớ Phan Lạc Tuyên, viên đại úy vừa qua tuổi 30, chỉ huy liên đoàn biệt động quân khu thủ đô tham gia cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 11-11-1960. Cánh quân của Phan Lạc Tuyên chiếm giữ Bộ tổng tham mưu với một khẩu đội trọng pháo và 2.000 viên đạn sẵn sàng san bằng phủ tổng thống. “Chế độ Diệm khi ấy đàn áp, đè nén, không ai không oán ghét. Tôi khi ấy còn nhỏ nhưng đã nhận thức rõ, đã biết ngưỡng mộ khi nghe tin đảo chính, rồi hâm mộ những người đã tham gia. Cuộc đảo chính bất thành, các sĩ quan đều ra nước ngoài tị nạn, chỉ duy Phan Lạc Tuyên quay lại Việt Nam, tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ ấy, ông trở thành người mà tôi ngưỡng mộ” - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan kể.
Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên, pháp danh Nguyên Tuệ, từ trần lúc 19g15 ngày 10-11-2011, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ cử hành tại chùa Diệu Pháp, Nơ Trang Long, phường 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 9g sáng 13-11. Lễ động quan lúc 9g30 cùng ngày. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. |
Cầm súng, chọn lựa lý tưởng, dấn thân... những thử thách mà thế hệ của Phan Lạc Tuyên đã trải qua quả là khốc liệt và đáng được ngưỡng mộ. Trong lễ tang hôm nay, nhiều người còn được nghe một câu chuyện khác về đại úy Phan Lạc Tuyên ngày chỉ huy một đơn vị hành quân truy kích đoàn tù chính trị vượt ngục Tân Hiệp (Đồng Nai) tháng 12-1956.
Khi phát hiện dấu vết những người tù đang thoát về hướng chiến khu D, Phan Lạc Tuyên ra lệnh cho toán quân rẽ sang ngả khác. Trước lúc quay đi còn cố ý đánh rơi lại cả một khối lượng đáng kể lương khô, đồ hộp để giúp những người không cùng chiến tuyến. Khi phục dựng di tích nhà tù Tân Hiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai không quên treo ảnh của đại úy Phan Lạc Tuyên. Hằng năm, đến ngày kỷ niệm cuộc phá khám Tân Hiệp, đoàn cựu tù chính trị không quên mời ông tham dự.
Và tất nhiên, sự lựa chọn đi từ những hành động nhân đạo đến bước chân quyết liệt ấy không phải là ngẫu nhiên.
Mềm tay bút
Các cuộc họp mặt của thế hệ thanh niên, sinh viên Sài Gòn những năm 1960 hôm nay vẫn có người ngân nga Anh về qua xóm nhỏ/ Em chờ dưới bóng dừa/ Nắng chiều lên mái tóc/ Tình quê hương đơn sơ... Anh sẽ là anh đàn em nhỏ/ Là con của mẹ giữ quê hương/ Quê nghèo mai sẽ tươi mầm sống/ Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng. Bài thơ Phan Lạc Tuyên viết từ năm 1955 được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc đã một thời vang vọng trong phong trào sinh viên phản chiến, cho dù tác giả chính là một sĩ quan biệt động quân.
Ông Phan Lạc Tuyên làm phim tài liệu cùng TFS năm 2010 -Ảnh: TFS
Tình yêu quê hương ngọt ngào giấu trong áo lính. Là con nhà nòi của dòng họ Phan Lạc nổi tiếng khoa bảng vùng Thạch Thất (Hà Tây), ông kể lại mầm mống của sự xoay chuyển suy nghĩ, ý tưởng trong mình với đạo diễn Nguyễn Hoàng trong quá trình làm phim Phan Lạc Tuyên - Cuộc lữ hành: “Tất nhiên tôi thần tượng Hồ Chí Minh. Và tôi còn mê đọc sách, giữa các cuộc hành quân thường lên Thư viện quốc gia. Ở đó tôi được đọc mấy cuốn sách tiếng Pháp về chiến tranh nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tinh thần tôi bắt đầu ngả về phía Bắc từ đó”.
Và bước đường dấn thân theo tình yêu quê hương dẫn dắt Phan Lạc Tuyên về phía Bắc thật. Một bức thư của ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) mời tham gia công cuộc thống nhất đất nước đã dẫn ông đến với những mái lá trung quân giữa rừng của Mặt trận dân tộc giải phóng. Cuối đời, bức ký họa gian làm việc, sinh hoạt đơn sơ mà thơ mộng với cánh võng, bàn tre và hai giò phong lan trong cuốn sổ công tác 1964 đã được ông cho chụp lại, phóng to treo ở đầu giường để nhắc nhớ những ngày hào hùng trai trẻ.
Một nguyên nhân khác nữa gợi lên lòng mong muốn được trở về miền Bắc trong Phan Lạc Tuyên là sự ham mê lịch sử. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan kể: “Ông bảo khi đọc được các tin tức miền Bắc tìm thấy mũi tên đồng ở Cổ Loa, cọc Bạch Đằng dưới đáy sông, trong ông dội lên một khao khát lớn được tìm về cội nguồn của dân tộc”. Có lẽ chính vì thế mà sau vài năm hoạt động cùng mặt trận, ông đã rẽ ngang đường quân sự sang con đường khoa học, chuyên tâm học và tu nghiệp để trở thành một học giả nổi tiếng trong ngành dân tộc học, tôn giáo học.
Các công trình nghiên cứu của tiến sĩ Phan Lạc Tuyên sau này cũng không đi ra ngoài ý thơ Anh về qua xóm nhỏ/ Em chờ dưới bóng dừa năm nào. Là những công trình điền dã về xã hội và dân tộc của người Chăm, là phát hiện về bãi tắm của công chúa Huyền Trân ở vùng suối Cát Lồi, Vĩnh Hảo, là những suy tư về sự bao la của kinh Bát Nhã... Thầy Nguyên Pháp - trụ trì chùa Diệu Pháp, một học trò của ông - nâng niu mang ra một bức thư pháp ghi lại bài thơ Cảm đề. “Hôm ấy cụ đã yếu lắm, sáng sớm tôi thấy áo khoác của cụ ướt hai vai, hỏi thì mới biết cụ nhờ người dìu ra ngoài thắp hương cầu cho tôi hoàn tất khóa nghiên cứu sinh được đến nơi đến chốn. Không thể nói hết nỗi xúc động của tôi lúc ấy. Không ngờ sau đó tôi còn được thầy tặng cho bài thơ này: Diệu Pháp chân như trăng tỏa sáng/ Vô thường Bến Nghé lững lờ trôi/ Chân Lạp, Chiêm Thành vô thường cả/ Trí Huệ mây trôi nẻo cuối trời”.
Theo Phạm Vũ - TTO