;
Theo Kinh A-Di-Đà, cõi đó hoàn toàn khác hẳn với cõi giới mà chúng ta đang sống là cõi Ta Bà vốn đầy phiền trược và rất không hoàn hảo.
Có thể nói cõi A-Di-Đà là một cõi giới lí tưởng mà hầu hết những Phật tử Tịnh Độ muốn sanh về. Vì sao? Ở thế giới này chúng ta được sanh ra vì sự tác hợp giữa cha mẹ, phải trải qua chín tháng mười ngày trong bụng mẹ vốn rất chật chội, gò bó và đầy bất tiện cho cả mẹ và con, khi sanh cả hai mẹ con lại phải chịu đựng bao đau đớn, sợ hãi; trong khi đó ở cõi Tây Phương Cực lạc nguyện giả (người phát nguyện sanh lên cõi đó) được hoá sanh trong hoa sen, biểu tượng của sự thanh tịnh và vượt lên trên mọi ô trược. Ở đây chúng ta phải học hỏi, tập tành để có thể làm việc và kiếm sống, để có được miếng cơm, manh áo và mái nhà chúng ta phải làm việc cực nhọc, dành dụm và lo toan; nhưng ở đó khi muốn gì nguyện giả chỉ cần khởi ý niệm về điều đó, và ngay lập tức thức ăn, nước uống, vv hiện ra; ăn xong không phải rửa chén bát, điều này thật tuyệt vời cho những phụ nữ suốt ngày phải vùi mình trong bếp núc và những cô / chú điệu trong chùa với những đống chén bát nồi niêu phải dọn rửa sau mỗi kỳ lễ lạc! Ởđây chúng ta phải tu tập trong những điều kiện chẳng lấy gì làm dễ chịu, đôi khi còn bị khinh chê, phỉ báng và chế diễu nữa; nhưng ởđó vật chất được làm bằng bảy báu như vàng ngọc, lưu ly, vv với những con chim hót ca nhắc nhở về Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo để nguyện giả tiếp tục tu hành và không bao giờ thối lui. Ờđó mọi người đều tu hành và hoan hỉ với phước báu của nhau, không như ởđây chúng sanh đầy sân si, ghanh tị, đố kỵ, tham lam, vv.
Chắc chắn khi được giới thiệu về một cảnh giới lý tưởng như vậy ai cũng "ham" muốn sanh lên ởđó. Vì sao? Điều này quá dễ dàng: ai mà không thích sự dể dàng sung sướng với những điều kiện có vẻ như rất dễ dãi mà King A-di-Đà đưa ra! Ngay cả suốt đời bê tha, làm ác đầy rẫy nhưng khi chết biết hồi tâm cảnh tỉnh và có người hộ niệm cho là cũng có thể thoát khỏi đoạ đày, được sanh lên cõi Cực lạc. Dễ vậy ai mà không ham?
Chúng ta thấy rằng những gì được vẽ lên trong kinh A-Di-Đà hầu như đều đối ngược với những gì mà chúng ta cho là bất toàn và đau khổ ở thế giới này. Phải chăng ý định của tác giả là muốn giới thiệu cho những chúng sanh đang đắm say trong thế giới này biết rằng những gì họ đang bám víu vào, đang tranh giành, đang hưởng thụ chẳng có gì là hay ho tốt đẹp cả; rằng có một thế giới khác tốt đẹp hơn nhiều, hãy hướng tâm đến đó. Làm như vậy ít nhiều những chúng sanh này sẽ thấy rằng ngũ dục lạc thú mà họ đang cố công tìm kiếm, đang hơn thua giành giật, hay may mắn hơn, đang hưởng thụ một cách tự mãn thật ra chẳng có gì đáng phải lao tâm khổ tứ để đạt được.
Khi tầm nhìn và khái niệm về hạnh phúc của người ta bị hạn chế trong một khung trời bé nhỏ họ không có gì nhiều để so sánh, để ước mơ. Nhưng khi được giới thiệu về những khung trời khác rộng lớn hơn và hoàng tráng hơn, đẹp đẽ hơn và đáng mơ ước hơn, họ sẽ bớt bám víu vào những gì ít giá trị mà họ đang cố công, thậm chí tuyệt vọng bám níu. Công dụng này của cảnh giới Cực Lạc, theo kinh Pháp Hoa, là một thứ đồ chơi mà người cha từ bi đem ra để dụ đám con trẻ đang mải mê say sưa trong "ngôi nhà lửa". "Ngôi nhà lửa" chính là thế gian này. Và gì là thế gian? Đó chính là thân tâm này và những gì mà chúng ta đang kinh nghiệm. Hãy nghe Bậc Đạo Sư miêu tả về thế gian này:
"Mắt đang bốc cháy; hình sắc (đôí tượng của mắt, ưu hay không ưu) đang bốc cháy; nhận thức qua mắt đang bốc cháy. Tai đang nóng bỏng; âm thanh (đối tượng mà tai hằng tiếp nhận với sự thích thú hay khó chịu) đang thiêu đốt; nhận thức qua tai đang thiêu đốt. Mũi đang hừng hực; hương (đối tượng cảm xúc của mũi) đang bùng cháy; nhận thức qua mũi đang bùng cháy. Lưỡi đang cháy bỏng; vị giác đang thiêu đốt; nhận thức qua lưỡi đang tiêu đốt. Thân đang nóng ran; xúc (đối tượng mà thân cảm nhận, êm ái dễ chịu hay thô tháp khó ưa) đang thiêu đốt; nhận thức qua thân đang bốc lửa. Tâm đang nóng cháy; ý tưởng (đối tượng của tâm) đang thiêu đốt; tâm thức đang nung đốt." [1]
Lửa ở đây dụ cho tham, sân, si, ba thứ phiền não chính đã dẫn dắt chúng ta đến thế giới này để rồi lòng vòng quanh quẩn trong đó không biết lối ra. Thế gian chính là thân tâm chúng ta và những gì chúng ta kinh nghiệm thông qua các giác quan. Vì chúng ta vẫn quen phản ứng với ngoại cảnh bằng tham, sân, si: tham sanh khởi khi đối tượng làm chúng ta cảm thấy hài lòng, thích thú; sân sanh khởi khi ta cảm thấy đối tượng khó ưa, chướng tai, gai mắt, thô thiển...; si sanh khởi khi không có gì đáng ưa đáng ghét, cảm giác trung tính dẫn đến sự nhàm chán tẻ nhạt và lơ đãng.
Nhưng phải chăng Đức Phật bảo chúng ta phải trốn tránh, "bỏ chạy" khỏi cái thế gian này và tìm kiếm một thế giới khác xinh đẹp, đáng yêu và thanh tịnh hơn? Nếu quả thật như vậy chư Tổ đã không khẳng định rằng: "Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác". Ở đây "thế gian" cần được hiểu theo hai nghĩa: thế gian bên trong và thế gian bên ngoài. Như đoạn trên chúng ta đã nói về thế gian nội tại (bên trong), điều mà chúng ta phải thấy và đối diện để chuyển hoá. Chỉ khi chúng ta thấy nó là khổ, bất toại nguyện, và không hoàn hảo, chúng ta mới thôi bám víu, vui thú hay tự mãn trong đó. Không nhiều người thấy được sự bất toàn của thế gian này. Chúng sanh phần lớn như những con thiêu thân lao nay vào bóng đèn chói loà để tìm lấy cái chết cho chính mình.
Thế gian bên ngoài hay ngoại tại, ngoại cảnh mà chúng ta tiếp xúc, tương tác và nhận thức qua sáu căn là một thế giới tồn tại tương đối độc lập với với những nhận thức chủ quan và cảm tính của chúng ta. Nghĩa là không thể bằng sự mong cầu, ước ao hay khấn nguyện mà sự vật hay tình thế có thể thay đổi như mong ước của chúng ta. Có thể chăng một người ngồi trên đường cao tốc rồi khấn nguyện: "xin cho các loại xe đừng va / đè vào tôi, xin cho tôi tránh khỏi tai nạn!" Đường cao tốc là nơi mà các loại xe chạy với tốc độ cao, muốn tránh khỏi tai nạn người ta phải biết luật lệ đi đường, hay tìm một chỗ khác ít rủi ro hơn mà ngồi. Cũng như vậy nếu chúng ta không tu tập, không tự soi chiếu một cách sáng suốt và khách quan vào những tiến trình tâm -sinh -vật lý đang vận hành trong ta và quanh ta để thấy biết chúng và những qui luật vận hành của chúng thì mãi mãi chúng ta chỉ bị đẩy đưa theo dòng nghiệp lực và hoàn cảnh. Làm sao một cái tâm mơ mơ màng màng, thiếu tu tập và đầy phiền não có thể mong một nơi tái sinh tốt đẹp, mong được giải thoát giác ngộ trong phút chốc? Điều này cũng giống như một đứa trẻ không chịu học để nhận diện mặt chữ và làm các phép tính đơn giản trước mà cứ nằng nặc đòi "con học đại học cơ, con không học cấp một, cấp hai đâu", sự đòi hỏi ngây ngô của đứa trẻ có thể hiện thực không?
Khi được hỏi có thể bằng sự nguyện cầu thiết tha hay bằng lễ lạt trang nghiêm để đạt được thanh tịnh và giải thoát không, Đức Phật đã cho một ẩn dụ như sau:" Có một người muốn qua sông nhưng ông ta chỉ ngồi bên này bờ sông rồi cầu nguyện: Ô, bờ kia, hãy sang bên này!", dù người này có khấn nguyện cả đời mình như vậy, có thể nào ông qua sông bằng cách đó không?" Tất nhiên là không. Cũng như vậy, với thân khẩu ý đầy phàm phu nghiệp chướng và luôn bị thôi thúc sai sử bởi tham, sân, si, tật, nghi, mạn, ghanh tị, nhỏ nhen,... mà cầu nguyện được sống trong cảnh Cực Lạc thanh tịnh là điều không thể xẩy ra. Bản chất của phiền não tật đố là bất tịnh, nung đốt và bất mãn; ở đâu và thời nào nó cũng như vậy, dù cho có một cảnh giới cực lạc và thanh tịnh ở đâu đó đi nữa thì khi bị những chúng sanh đầy phiền não sân si di cư đến, cảnh giới đó cũng nhanh chóng biến ra Ta Bà!
Cực lạc và thanh tịnh là nơi tâm, không phải nơi cảnh. Tâm tịnh thì cảnh tịnh, dù cảnh có động thì cũng không ảnh hưởng gì đến cái tâm đã bất động trước những đổi thay bốn mùa; do vậy khi tâm tịnh hành giả như đang sống trong cảnh Cực Lạc mà tiếng chim hót nghe như đang nghe pháp! Tâm động thì sự vật cũng có vẻ như đang nhảy nhót múa may, tâm loạn thì thấy mọi thứ quay cuồng điên đảo; và rồi như con rối bị giật giây bởi phiền não (nội động) và ngoại cảnh (ngoại xâm), chúng sanh tạo tác và trôi lăn theo nghiệp lực đẩy đưa.
Muốn qua sông thì phải có phương tiện để qua sông. "Sông mê" và "bể ái" thường được dụ cho sanh tử luân hồi trong tam giới. Và chiếc bè / mảng để vượt qua con sông sanh tử luân hồi là Bát Chánh Đạo bao gồm (1) thấy biết đúng đắn, (2) suy tư đúng đắn, (3) nói năng chính đáng, (4) kiếm sống lương thiện, (5) hành động không sai quấy, (6) nỗ lực đúng cách, (7) nhớ nghĩ đúng lúc đúng chỗ, (8) và tập trung tư tưởng chân chính. Bát Chánh Đạo lại được tổng hợp thành Tam Vô Lậu Học bao gồm Học Giới (3,4,5) là những giá trị chuẩn mực đạo đức Phật Giáo có công năng kiểm soát và điều chỉnh hành động của thân và khẩu; Định Học (6,7,8) là phương pháp để thanh lọc tâm khỏi những chướng ngại như tham muốn, sân hận, nghi ngờ, dã dượi u ám, và hối hận dày vò; Tuệ Học (1,2) chính là sự thấy biết và đánh giá một cách chính xác và khách quan, nghĩa là thấy biết sự vật và hiện tượng (tâm- sinh -vật lý) trong sự tương quan nhân quả và duyên sinh để thoát khỏi cái nhìn biên kiến, chủ quan và cảm tính ngã chấp. Đã nhiều lần Đức Phật khẳng định rằng chỉ có Bát Chánh Đạo mới đưa đến sự giải thoát chân chính, và trí tuệ thấy rõ biết rõ giải thoát [2].
Tại sao vật chất cấu thành cõi Cực Lạc lại (được thấy) là bảy báu? Vì khi tâm tịnh, từc là tâm đã được giải phóng khỏi những phiền trược, thì cảnh trở nên tịnh, nghĩa là nguyện giả không thấy các loại vật chất kia han rỉ, pha tạp, và dễ biến hoại. Tâm thanh thản và trong sáng thì không khởi niệm phân biệt và bất mãn, cái thấy biết chơn như cấu thành bảy báu của cõi cực lạc.
Âm thanh (tiếng chim hót, hoa rơi, nước chảy,...) ở cõi cực lạc nhắc nhở như những bài pháp rằng hành giả phải trú tâm trên thân, rằng sinh mạng của chúng ta chỉ gói gọn trong mỗi hơi thở ra vào, rằng vô thường chẳng có chi đáng nám giữ thủ chấp. Hãy trú tâm trên cảm thọ khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị,..những cảm thọ sanh khởi khi căn tiếp xúc với trần cần được biết và buông xả; ưa hay không ưa, dễ chịu hay khó chịu, tất cả đã, đang và sẽ trôi qua. Hãy trú tâm trên tâm, những buồn vui hờn giận, những ghét và thương, những hạnh phúc và khổ đau, tịnh và động, an và bất an,... như mây trên bầu trời đến rồi đi, tụ rồi tán; chỉ có khoảng không bình lặng không đến không đi, không tịnh không động, không nhơ không sạch. Hãy trú tâm trên pháp, mọi hiện hữu đều do duyên sinh, nhân diệt duyên rã thì chẳng còn chi cả: "Pháp ta thuyết như bè độ khách qua sông, chánh pháp (hay những thiện tâm sở) còn phải buông bỏ huống nữa là phi pháp (hay những tâm sở bất thiện)" [3]. Thấy biết như vậy, quán xét như vậy gọi là Tứ Niệm Xứ, con đường duy nhất dẫn chúng sanh ra khỏi ô nhiễm phiền não, buồn rầu than khóc, con đường dẫn đến thanh tịnh giải thoát ngay trong thế giới này và trong kiếp sống này.
Tiếng chim của cõi đó sách tấn hành giả hãy nỗ lực tinh tấn. Hãy ngăn ngừa cảnh giác với những trạng thái bất thiện chưa sanh, nếu thấy người sân hận si mê, tham lam tà kiến, ghanh tị nhỏ nhen,... nên biết rằng những tâm niệm xấu ác đó cũng có thể sanh khởi trong mình khi có điều kiện và thiếu phòng hộ. Hãy dũng cảm nhìn nhận và cương quyết loại trừ những ác pháp đã sanh, chúng là nguyên nhân của mọi khổ đau oan trái, xin đừng thoả hiệp. Hãy tạo điều kiện tốt cho những thiện tâm (chưa sanh) sanh khỏi, thiện căn chính là gốc cộicuả mọi thiện nghiệp. Hãy nuôi dưỡng vun bồi và làm vững mạnh những thiện pháp đã sanh, mọi vụ mùa bội thu không chỉ có hạt giống tốt, mảnh đất màu mỡ, mà còn phải có công sức bón tỉa chăm nom của người nông phu. Nỗ lực như vậy gọi là Tứ Chánh Cần trong Giáo pháp của bậc Thiện Thệ.
Đệ tử của Như Lai thì không xin xỏ nguyện cầu những thế lực siêu phàm ban ơn cứu độ, thay vì cầu nguyện van xin, những dũng sĩ này tự mình rèn luyện những phương pháp dẫn đến năng lực siêu phàm. Đó là khởi tâm mong muốn và dùng ý chí để đạt được định lực; tinh tấn duy trì định lực này bằng sự tập trung ý chí; gom tâm bất thối; và từ trong định quán xét. Bốn loại tập trung tâm lực này cho những công dụng siêu phàm gọi là Tứ Thần Túc.
Để đạt được những năng lực siêu phàm như trên và cũng là để hỗ trợ cho mọi thiện pháp, hành giả cần phải học hỏi, tu tập đểtrở nên thiện xảo trong năm chi pháp gọi là Ngũ Căn. Tín hay niềm tin cần phải trong sáng, vững vàng: tin Phật là bậc giác ngộ giải thoát, tin Pháp thiết thực hiện tiền, tin Tăng là Giáo đoàn hoà hợp thanh tịnh, tin vào vị thầy hướng dẫn có đủ từ bi và trí tuệ đểdẫn dắt mình, tin vào khả năng giác ngộ giải thoát của chính mình. Tấn là chi pháp thứ hai, còn gọi là tinh tấn không dễ duôi biếng nhác trong thực hành. Niệm là chi pháp thứ ba cũng như cán cân thăng bằng giữ tâm trên hiện tại. Định tức là năng lực định tâm trên một đối tượng (nhất tâm), khi tâm không sao nhãng hay phân tán mà chỉ trụ trên một điểm duy nhất nó có nhiều năng lực ở dạng tĩnh năng. Nhưng định cần được cân bằng với tấn vốn là động năng, khi định quá vượt trội, tấn lại quá yếu thì tâm sinh trì trệ, thụ động và dần đến hôn trầm; khi tấn quá vượt trội mà định lại không đủ mạnh thì tâm dao động trạo cử và bất an; một sự cân bằng giữa tấn và định đem đến những kết quả khả quan như mong muốn. Chi pháp thứ năm là Tuệ. Ở đây tuệ chính là khả năng xét đoán, phân biệt và quán chiếu các pháp đang hiện khởi. Tuệ phải được cân bằng với tín vì khi trí tuệ quá vượt trội mà thiếu đức tin thì sanh ra gian xảo, hiểu nhiều biết rộng nhưng không chịu thực hành nên sinh ra tự đắc tự mãn, sắc sảo châm biếm chỉ trích và thiếu bao dung nhân hậu. Ngược lại, đức tin quá nhiều mà thiếu trí tuệ phân biệt chọn lựa thì dễ tin quàng tin xiên, nhẹ dạ cả tin, hay tín điều chấp chặt và bảo thủ cho rằng chỉ có pháp môn mình theo, hay ông thầy của mình mới đúng.
Ngũ lực (năm năng lực) cũng bao gồm các chi pháp giống như ngũ căn nhưng đã được phát triển cân bằng trở nên nội lực.
Có một nhóm thiện pháp cũng rất quan trọng cấu thành những yếu tố giác ngộ gọi là Thất Giác Chi, bắt đầu từ Niệm giác chi. Niệm giác chi này cũng chính là Chánh Niệm (7) trong Bát Chánh Đạo, trong Tứ Niệm Xứ, và Niệm căn trong Ngũ căn, Niệm lực trong ngũ lực. Đây là một chi pháp rất quan trọng nên mới được liệt kê trong nhiều nhóm thiện pháp như vậy. Niệm được thầy Nhất Hạnh ví như những "bước sen". Vâng, khi hành giả an trú trong chánh niệm thì ở đâu cũng thanh tịnh và cực lạc. Bên cạnh niệm còn có Trạch Pháp Giác chi hay yếu tố phân biệt, khảo sát. Yếu tố niệm giữ tâm trên hiện tại, trên những hiện hữu đang là; trong khi đó yếu tố phân biệt, khảo sát cho thấy những gì đang hiện khởi là hữu ích hay vô ích, thiện hay bất thiện để phát triển hay loại trừ. Khi tâm an trú và khảo sát như vậy với sự trợ lực của Tấn, yếu tố chuyên tâm, thì yếu tố Hỉ phát sinh. Hỉ đưa đến Tĩnh Tại, một yếu tố làm nhân gần cho Định, và Xả.
Đức Phật dạy chúng ta con đường Trung Đạo, nghĩa là phương pháp thực hành tránh những cực đoan cố chấp Giáo điều. Con đường trung đạo này có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Trên bình diện lý thuyết nó được giảng giải như là tránh chấp có và chấp không (bản thể học); và tránh xa thường kiến và đoạn kiến . Thường kiến cho rằng có một linh hồn trường tồn bất biến, nó từ bỏ thân xác khi cơ thể tan rã rồi đi đầu thai lòng vòng trong một thế giới cũng trường tồn bất biến như vậy; đoạn kiến cho rằng linh hồn không thể tách rời khỏi thể chất, khi thân hoại mạng chung linh hồn cũng hoại diệt.
Trung đạo trong thực hành được thể hiện nơi sự cân bằng của ngũ căn như chúng ta đã dề cập sơ qua ở phần trên. Trong Bảy Yếu Tố Giác Ngộ cũng cần có sự chọn lựa nên phát triển yếu tố nào trong thời điểm nào. Khi tâm đang phấn khích, hăng hái và đầy nhiệt tình tiến thủ, đó là lúc không nên phát triển tấn và hỉ, vì hai yếu tố này khiến tâm dễ "bốc đồng", niệm (giữ cái tâm biết mà không phân biệt) và trạch pháp (phân tích, khảo sát, phân loại) cũng phải được cân bằng, điều này không dể làm; trái lại, nay chính là lúc để phát triển định, khinh an (tĩnh tại) và xả giác chi. Khi tâm quá tĩnh (do định) hay thờ ơ lạnh nhạt (do xả), lúc này tâm không thích động hay hoạt động (ghiền Thiền!), nay chính là thời điểm để phát triển yếu tố tấn và hỉ, những yếu tố có thể "hâm nóng" tâm, đừng vùi sâu thêm trong định và tĩnh tại là những yếu tố khiến hanh giả thụ động và biếng lười.
Hành Thiền cũng như người chơi đàn vậy. Để có một bản nhạc hài hoà êm dịu hay du dương trầm bổng, tiết tấu cung bậc phải được đổi thay đúng lúc, nhịp nhàng và tài hoa. Dây đàn phải được điều chỉnh không căng quá cũng không chùng quá mới tạo được âm thanh du dương, người hành đạo cũng đừng ráng sức thái quá hay buông lơi dễ dãi mà phải biết tuỳ lúc tuỳ thời, tuỳ pháp tuỳ duyên mà tiến hay lùi, xả hay giữ.
Cư dân ở cõi Cực lạc sáng sáng đi hứng hoa trời về cúng dường chư Phật. Cuộc sống xem ra thật thảnh thơi êm đềm thoát khỏi mọi lo toan phiền luỵ. Ở Myanmar có những loài hoa nở vào đêm, sáng ra rụng trắng mặt đất thơm ngát. Chúng tôi, những nữ tu mặc y hồng, y trắng, y vàng, xả Thiền trong sớm tinh sương rồi đi lượm hoa đem về cúng Phật. Và những chiều tà trong tiết giao mùa nắng nhạt nhoà bâng khuâng, lá vàng rơi lao xao trên lối đi kinh hành, hay tĩnh tại, hồn nhiên trên đường đến Pháp đường để trình Thiền hay nghe pháp, tôi khởi lên ý niệm "cực lạc là đây", nhưng thời gian (và Thiền sư) nói "không" như một sự đùa cợt phũ phàng. Khi trở lại "thế gian" với bao quan hệ, bổn phận, công việc, lo toan, phiền não lại phát sinh do nhân vẫn còn mà duyên thì cứ đẩy tới.
Tu sao đây để biến Ta Bà thành Cực Lạc, đó là chủ đề mà chúng ta cần bàn luận tới. Có pháp Tứ Vô Lượng Tâm, tức Từ, Bi, Hỉ, xả là bốn Pháp giúp hành giả an trú vô lượng vô biên trong những phẩm chất cao thượng của bậc Phạm Thiên (Brahma vihara). Nhiều bậc thiện tri thức nói rằng nếu trên thế gian này ai cũng tu Tứ Vô Lượng Tâm thì chẳng cần phải tìm Cực lạc thiên đàng đâu xa. Thế nào gọi là Từ, Bi, Hỉ, Xả? Công năng, diệu dụng, và cách an trú trong bốn pháp cao thượng này là một đề tài rất thiết thực dành cho bài viết khác.
Mong sao tất cả chúng sanh đều an lạc, hạnh phúc!
BHAVANTU SABBA MANGALAM.
AYYA KHEMA Centre,
Gonapola village, Gonapola,
SRI LANKA.
May 15- 18, 2005.
Pháp Hỷ Dhammananda
Ghi chú:
[1] Kinh Aditta- Lửa cháy, Tương Ưng bộ kinh, Salayatana samyutta, Sabba vagga.
[2] AN X:1,2; M 78, M 126
[3] MN, Alagaddpama sutta, Kinh Ví dụ con rắn, Trung bộ kinh số 22, tập I; Kinh Di Giáo.