;
Sự kiện giàn khoan HD 981 diễn ra vào lúc PGVN tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2014. Rất kịp thời là Tuyên bố Ninh Bình 2014 đã đề cập khéo léo đến sự việc này.
Sau đó, trang “Phật tử Việt Nam” đã có bài “Hoàng Sa, Trường Sa: PGVN luôn đồng hành cùng dân tộc” của PGS. TS Hàn Viết Thuận. Bài báo vừa có tựa đề “Hoàng Sa, Trường Sa: PGVN luôn đồng hành cùng dân tộc”, vừa là một biểu hiện cụ thể, sống động tinh thần đồng hành, gắn bó cùng dân tộc của PGVN. Truyền thông Phật giáo, như vậy, đã kịp thời lên tiếng hòa nhịp với sự quan tâm của truyền thông cả nước và truyền thông quốc tế.
Trong các phản hồi liên quan đến bài viết của PGS. TS Hàn Viết Thuận, có một phản hồi đáng chú ý, là phản hồi của bạn đọc ký tên Nguyễn Kha, nội dung như sau: “Cùng một phản ứng trước thời cuộc, nhưng xin xem “Thư kêu gọi của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội đồng Giám mục VN về tình hình biển Đông để thấy “họ” thật là khôn và cũng thật đáng gờm! Thế mà PGVN thì cứ “mũ ni che tai”.
Ý kiến phản hồi của bạn đọc đã thúc đẩy chúng tôi tìm đọc văn bản liên hệ và suy nghĩ về vấn đề trong mối liên hệ với PGVN. Dưới đây là bài viết trao đổi ý kiến của tôi về liên hệ giữa các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, với những sự kiện mới đây trên Biển Đông và những hệ lụy của nó.
Đúng là như bạn đọc viết qua “Thư kêu gọi của Đức TGM Phao lô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN, về tình hình Biển Đông”, chúng ta thấy quả thật “họ thật là khôn và cũng thật đáng gờm!”. Nhưng tôi nghĩ rằng mỗi tôn giáo có cách nhìn nhận vấn đề riêng, từ đó có cách đặt vấn đề riêng, cách xử sự riêng, cách hành động riêng. PGVN, dù hàng giáo phẩm có thể “khôn”, có thể không “khôn” bằng ai đó, nhưng cũng không thể hành động như “họ” được.
Cần tìm hiểu quan điểm của các tôn giáo về vấn đề Biển Đông, cần tìm hiểu cả quá trình qua nhiều văn bản, phát biểu, hành động, phản ứng. Các văn bản, phát biểu, hành động sẽ làm lộ rõ ràng ý đồ. Từ đó, lộ rõ bản chất của từng tôn giáo cụ thể. Với những bản chất khác nhau, thì ngôn từ, phản ứng, hành động đối với cùng một sự việc sẽ đương nhiên phải hết sức khác nhau.
Trên trang web chuacuuthe.com, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, thì bên cạnh bài “Công giáo Việt Nam: Tình hình Biển Đông”, đăng thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam, có đăng nhiều bài viết khác mà chúng ta cần lưu tâm. Thí dụ bài “Biểu tình theo định hướng XHCN”, “Cha Giám tỉnh DCCT: Trung cộng đã gây cho đất nước ta sự bất ổn”… Rõ ràng cùng một vấn đề, các tôn giáo đã có sự tiếp nhận khác nhau.
Dĩ nhiên, vụ dàn khoan HD 981 đã gây nên mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng ai đó đã có một cách nhìn nhận mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn rất riêng, theo cách của họ, nhắm tới những mục tiêu của riêng họ, trong đó có cả việc khai thác mâu thuẫn.
Cái bức thư mà bạn đọc dẫn ra, cho là “đáng gờm”, theo chúng tôi là “đáng gờm” vì nước đôi, và hướng tới tình huống xấu nhất. Mà trong tình huống đó, ai là người có lợi?
Điểm 1 của bức thư nói về “lập trường xây dựng hòa bình, phản đối chiến tranh”, dẫn ra nhiều phát biểu hướng tới mục tiêu hòa bình.
Nhưng ngay sau đó, ở đoạn 2 lại là phần chỉ trích chính sách “tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng…” cho rằng không mang lại lợi ích. Và theo mạch văn tiếp theo đó, người ta thấy là chiến tranh sắp xảy ra đến nơi.
Mà chiến tranh xảy ra thì ai là người có lợi trong sự bất ổn, nguy hiểm, loạn lạc?
Do vậy, mà có kiểu bài viết “Biểu tình theo định hướng XHCN” đăng bên cạnh. Ai đó vẫn muốn khai thác mâu thuẫn theo ý của họ, thể hiện mâu thuẫn theo tính toán của họ.
Kích thích mâu thuẫn theo cách mà có tôn giáo đang làm là họ muốn độc quyền nắm lấy ngọn cờ yêu nước, và chỉ ngọn cờ đó theo ý muốn riêng của họ, phục vụ cho lợi ích của họ, không phải cho lợi ích toàn dân tộc. Trong khi đại đa số người dân buồn lòng vì những sự kiện đáng tiếc trên biển Đông, thì có người lấy đó làm mừng vì luận điểm của họ được chứng minh và càng được chứng minh khi tình hình nóng lên nữa. Mọi việc diễn ra như ý thì tất sẽ càng lại vui mừng. Điều đó chỉ có ở những người có lợi khi đất nước đối mặt với xung đột và lâm vào hoàn cảnh xung đột.
Điều này phù hợp với học thuyết xã hội của một tôn giáo, trong đó đặt lợi ích tôn giáo đó lên trên tất cả. Khi đó, có nói lời yêu nước, giương cao ngọn cờ yêu nước thì phải thấy đó là yêu nước theo kiểu của họ, dân tộc theo quan niệm của họ, mà trên hết vẫn là tôn giáo của riêng họ.
Cũng trên tinh thần lợi dụng tình huống như thế, mà đã xuất hiện luồng dư luận cường điệu các ảnh hưởng Trung Quốc đối với Phật giáo, như làm rùm beng chuyện Phật “lạ”, gọi bảng hiệu từ Hán Việt của chùa là tiếng Trung Quốc, rêu rao sách vở chữ Hán Phật giáo là do quân Minh bảo vệ mới còn truyền lại… Vì vậy, nó tạo hình ảnh tôn giáo họ yêu nước, chống Trung Quốc thế kỷ XXI, xóa mờ quá khứ tiếp tay với quân xâm lược ở những thế kỷ trước. Đây là dụng ý thứ hai bên cạnh thúc đẩy, khai thác tình huống loạn lạc, bất ổn khi có chiến tranh xảy ra.
Ai đó đã tỏ vẻ yêu nước một cách quá đà là vì do mặc cảm không yêu nước của họ trước đây chất chứa lại và họ sẽ có lợi trên sự quá đà đó, nếu nó dẫn đến bất ổn loạn lạc trong bối cảnh có chiến sự.
Vì vậy, dù tham khảo bức thư ai đó, nhưng Phật giáo có phản ứng trước thời cuộc riêng của mình, Phật giáo Việt Nam không tư duy như các tôn giáo khác, cũng không mang mặc cảm nào đó để phải bộc lộ bằng một kiểu cường điệu có dụng ý, do đó, sẽ có những phản ứng trước sự đe dọa đối với chủ quyền Tổ quốc theo cách riêng của mình và với hình thức thích hợp nhất, mà Tuyên bố Vesak 2014 Ninh Bình là một ví dụ.
Ý kiến phản hồi có vẻ “nể” văn bản đang được đề cập nhưng theo tôi nhìn kỹ thì vẫn thấy ở đó đôi nét “quê quê”. Trái với lệ thường, văn bản không được xác định rõ loại văn bản (vốn có tôn giáo quy định rất chặt chẽ), không có đối tượng hướng đến, dù là qua nội dung có thể xác định đối tượng. Vì vậy, văn bản mở đầu hơi kỳ bằng nhay ngay vào từ viết tắt “V/v”, không nêu rõ thể loại như thông lệ. Giọng văn kẻ cả bề trên cũng không phải là giọng văn khôn xét về kỹ thuật soạn thảo văn bản, không nên coi đó như một hình mẫu. Cho nên , theo tôi, khoan vội chê trách Phật giáo trong vấn đề hiện tình Biển Đông khi so sánh với một văn bản nào đó.
Thiết tưởng , trong việc này, điều cần chú ý là họ muốn gì, thay vì xem họ làm gì!.
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.