;
Phật tánh không có giai cấp phân biệt và không có sự riêng tư, như vậy chúng ta hãy cùng nhau thực hiện những việc phát huy và bảo tồn Phật pháp qua Phật tánh này. Học Phật bằng một cách kiên trì và liên tục, người học sẽ tạo ra một nền đạo đức luân lý Phật giáo ngay trong tự thân, để trưởng dưỡng đạo tâm và trí tuệ, hướng vào đời sống hiện thực của người Phật tử.
Ðức Phật dạy rằng chỉ có "Trí tuệ là sự nghiệp" và Trí tuệ chân chính chỉ được phát sinh trong quá trình vận dụng Học Phật và Phật học của mỗi người.
Chiếc áo phao, ngọn nến đang cháy là những phương tiện cứu nguy cho những người đang bị cuốn chìm trong dòng nước hay đang bị lạc đường trong bóng đêm. Nắm được chiếc phao mà không cố gắng bơi, có ngọn nến soi đường mà không chịu đi, thì ai sẽ là vị ân nhân cứu mình? Phật học bao la, đã có duyên sâu, thì nên nỗ lực tu hành, tùy duyên theo hoàn cảnh riêng.
Học Phật là một động từ, nói về sự tu hành Phật pháp và Phật học là một danh từ chỉ định cho toàn bộ những giáo lý Phật giáo. Phật Học là một kho tàng pháp ngữ đồ sộ và chỉ có giá trị khi người học biết xử dụng một cách nghiêm túc.
Người con Phật là hành giả tâm linh, dù giáo lý cái gì cũng biết, nhưng không thực hành thì vẫn sanh tử luân hồi chịu khổ. Hiểu rõ điều này, thì nên học Phật, tùy căn cơ, trình độ và sở thích, mỗi người tự chọn cho mình một pháp môn thích hợp.
Đức Phật là vị thầy thuốc, có đến 84.000 pháp môn để điều trị cho những phiền não của trần gian. Người đang bị bịnh, mong sớm được lành bịnh hay không, cũng tùy theo cách uống thuốc của mình có đúng theo lời đã ghi trong liều thuốc.
Một cái chai chứa đựng độc dược đã hết, nếu muốn dùng nó cắt ra làm ly uống nước trà, thì việc làm đầu tiên, là việc súc rửa nhiều lần cho sạch. Tâm chúng ta cũng đã từng chứa ba độc dược tham sân si. Nếu muốn có Tâm thanh sạch, thì trước hết phải tẩy sạch những độc dược này bằng học Phật.
Từ đôi chân trần ngược xuôi, suốt bốn mươi lăm năm thuyết giáo trong nhân gian, Đức Phật đã để lại Vết chân truy tìm Chân lý cho đời bằng một gia tài pháp ngữ, không ngoài việc giải thích mục đích của cuộc sống, những hiện tượng bất công, sự bần cùng hóa của con người, trong xã hội và đưa ra những phương cách thực hành để đưa đến hạnh phúc thật sự.
Giáo lý của Đức Phật có thể tóm tắt như sau : Sống đời đạo đức | Nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động | Phát triển sự hiểu biết và trí tuệ. Mở rộng lòng từ bi.
Tu là sửa, là quay lại trở về với chính mình. Nếu muốn hiểu Phật học, buổi đầu, nên tìm học những phần Phật học cơ bản, cũng như một người muốn trở thành nhà văn, trước hết, phải học, biết và viết những chữ cái, học ráp chữ và đánh vần, học ngữ pháp và viết chính tả, sau đó mới học và tập cách làm văn…
Quá trình học Phật là một quá trình tập tu, trải qua nhiều trình độ trí tuệ khác nhau, ở từng bậc học, giống như một bánh xe đang chạy trên đường, vừa phải bám vào mặt đường, từng điểm một, để làm chổ tựa, mà cũng vừa phải bỏ những gì vừa bám qua, để tiếp tục lăn.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành một người con Phật, qua sự tìm hiểu và thực nghiệm các lời dạy của Đức Phật. Ngài thường nói với các đệ tử không được tin ngay vào lời dạy của Ngài, mà họ phải tự thử nghiệm các lời dạy đó. Mỗi người tự có quyết định và tự chịu trách nhiệm về các hành động và sự hiểu biết của mình.
Nếu việc học Phật được hiện hữu trong mỗi người, ngoài việc tu học, thờ phụng và sinh hoạt từ thiện ra, nó sẽ là một nơi phát huy và bảo tồn Phật pháp. Vì sống thì phải có sự chết, nhưng chết biết để lại cho con cháu, cho người đời một cội nguồn gốc rễ của văn hóa Việt nam và văn hóa Phật giáo.
Kính bút