;
Khi Phật tử tại gia đắp y người xuất gia
Pháp phục của chư Tăng, Ni Việt Nam như thế nào?
Ngạn ngữ Pháp có câu: “Manh áo không làm nên thầy tu”, nhưng thầy tu nào mới bước vào đường đạo cũng nhờ manh áo mà giữ mình. Như Thái Tử Tất Đạt Đa để có được chiếc y phấn tảo đổi từ người thợ săn đã bỏ cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ sau đêm ấy vượt thành xuất gia. Ngài đã buông bỏ tất cả để giữ cho tấm y nhẫn nhục đó chẳng bị lấm trần. Nên manh áo nâu sòng của nhà Phật là màu áo của hạnh giải thoát mà chẳng phải ai cũng mặc được.
Nhóm người tại gia mặc áo hậu tự xưng tu tập Kim Cương Thừa tại Thủ Đức, TPHCM.
Kinh Pháp Cú 9, Phẩm Song Yếu, đức Phật dạy:
Ai mặc áo cà sa.
tâm chưa rời uế trược,
không tự chế, không thực,
không xứng áo cà sa.
Cà Sa còn được gọi là hoại sắc y, vì dùng những màu mà thế gian nhàm chán, nên tuỳ theo quốc độ mà có màu sắc khác nhau, sao cho phù hợp với phong tục tập quán của từng vùng. Như ở Ấn Độ, màu Vàng là màu hoại sắc, còn ở Việt Nam màu Nâu, Lam là hoại sắc. Tuy nhiên, dù ở nước ta màu vàng là chánh sắc, vào thời phong kiến, chỉ có vua mới được quyền dùng, nhưng vì tôn trọng giáo pháp của Phật, nên chư tăng được quyền sử dụng, hơn nữa lại phù hợp nguồn gốc chiếc y vàng của Phật, nên trong tâm thức người Việt, huỳnh y vẫn xem là màu hoại sắc, màu của đạo Phật. Đó là lý do tại sao, pháp phục Phật giáo Bắc Tông Việt Nam lại sử dụng chủ yếu ba màu lam, nâu, vàng.
Đối với người xuất gia Phật giáo Việt nam, theo Nội quy ban Tăng sự gồm có: Lễ phục, Giáo phục, Thường phục hình thức, kích thước, màu sắc được quy định rõ tại điều 48-49 chương 10, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.
Riêng cư sĩ chỉ được sử dụng hai màu lam và nâu. Nếu sử dụng pháp phục màu vàng là lạm dụng, trái thứ lớp. Huống chi là tự ý mặc áo hậu của chư tăng? Thậm chí có người may cả y ca sa mặc để hành nghề thầy cúng. Hoặc sắm đồ vạt khò màu vàng cho trẻ con mặc. Đều là trái với phẩm trật. Chẳng biết tự lượng đức mình. Gây nên nhiều tội lỗi. Tự chiêu tai họa. Đó là biểu hiện tâm lý ngạo mạn và bất kính. Nên qua cách ăn mặc thôi, cũng nói lên đức độ khiêm cung của người con Phật.
Sự thật là, giáo hội đã đi đến việc thống nhất pháp phục Phật giáo Việt Nam qua các hệ phái. Nhưng hiện tượng lạm dụng hay tự chế y phục cách tân trong lòng Phật giáo vẫn tự diễn tiến. Điều đó như khẳng định âm thầm tạo nên một tông phái mới qua một đạo sư hoặc pháp môn kỳ đặc dù hiện chỉ mang dáng dấp dưới một ngôi chùa. Nghĩa là hạt giống hư hoại ấy đang chờ nảy mầm lan rộng. Tại sao chúng tôi dám khẳng định như vậy? Chính trong giai đoạn tu học, tổ Long Thọ cũng mắc phải lỗi này.
Theo Phó Pháp Nhân Duyên Truyện: “Bồ Tát Long Thọ, sinh ra tại nước Nam Thiên-trúc, dòng dõi Phạm Chí trong gia đình đại hào phú. Khi sinh ở dưới một gốc cây, do rồng mà thành đạo nhân đó mà gọi tên là Long Thọ. Tuổi nhỏ Ngài thông minh tài trí, sức học siêu thế. Vừa bế trên tay đã nghe tụng kinh Vệ Đà. Tuổi trẻ tiếng tăm đã vang dội các nước, thiên văn, địa lý, chiêm tinh, đồ sấm và các học thuật Ngài đều thông hiểu. Lớn lên, đến thuật sĩ cùng các bạn theo học thuật ẩn hình, vào cung vua ghẹo các cung nhân, khiến triều đình náo loạn. Nhà vua hợp lại cho rải tro (Sách nói dùng tế thổ - đây nói cho dễ hiểu) để lần theo dấu vết chém chết kẻ gian. Nhưng do ngài ẩn sau lưng vua nên bọn lính chẳng dám đá động. Chứng kiến cảnh vô thường qua cái chết của ba người bạn, Long Thọ bèn phát nguyện nếu thoát chết sẽ xuất gia làm Sa Môn.
Nhân vì trí tuệ siêu việt, sau khi thoát được, lên núi xuất gia, chỉ trong chín mươi ngày tụng thuộc làu các bộ kinh điển, Cầu học dị điển mà không có. Tuy gặp một Tỳ-kheo đem ma-ha-diễn trao cho Long Thọ, nhưng ngài chưa chứng đạo. Dùng lý luận bẻ gãy ngoại đạo khiến cho đồ chúng quy tụ. Bèn tự mãn, sanh tâm tự cao, định lập ra giáo phái mới, cách tân y phục. Bồ Tát Đại Long thấy vậy, thương xót bèn đưa đến Long Cung, cho học thêm các tạng bí mật của chư Phật, được Long Vương cất giấu. Nhờ vậy, ngài tinh thông giáo nghĩa đại thừa, chứng được vô số tam muội. Tương truyền, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa là do ngài thỉnh về từ Long Cung. Làm sơ tổ Trung Quán Tông và được tôn làm tổ của nhiều tôn phái Phật giáo Đại thừa khác.” Tổ Long Thọ là một trong những vị luận sư vĩ đại nhất Phật giáo Ấn độ.
Đến nay, trí tuệ nhân loại chưa ai bì kịp ngài, ngay cả khi thuyết vật lý học lượng tử ra đời. Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Tại một hội nghị ở New Delhi, Raja Ramanan, nhà vật lý được những người đồng nghiệp của ông biết như Sakharov của Ấn Độ, xác lập những tương tự giữa triết lý của Long Thọ về tánh không và cơ học lượng tử”. Sự ra đời của triết học tánh không nơi Ngài, đã vực dậy Phật giáo Đại Thừa. Thử hỏi, có ai làm được như ngài?
Sức học uyên bác như Bồ Tát Long Thọ, trong mắt Bồ tát Đại Long, chỉ là vụn vặt. Nếu không có thức tỉnh của Bồ tát Đại Long, có lẽ sẽ không có hình tượng tuyệt vĩ của Đại Sĩ Long Thọ. Nên tự mãn là tự đào hố chôn mình.
Vậy mà, ngày nay vẫn xảy ra hiện tượng chế tác y phục, phủ lên đạo tràng của mình bằng những hình thức bên ngoài. Chẳng biết tu chứng tới đâu? Ảnh hưởng quần chúng ra sao? Chấn hưng gì cho Phật giáo? Nhưng đấy chỉ là ngộ nhận và trói buộc. Vì đạo giải thoát là chẳng hề có ngã, cũng không có pháp môn riêng hay đồ chúng của tôi. Còn muốn lập ra một tông phái là còn chấp trước. Chính trong kinh Thừa Tự Pháp, đức Phật dạy: “Làm sao cho cả thầy và trò đều là người thừa tự pháp, không phải là kẻ thừa tự tài vật”. Hoặc: “Các ngươi phải tự tu tự tỉnh, chư Như Lai chỉ là những người chỉ đường mà thôi"; “ Các thầy đừng trở thành người thứ hai đứng sau Như Lai”. Nghĩa là phải chấm dứt căn bệnh giáo chủ, tiểu vương, hay nói đúng hơn là lòng ngạo mạn. Kinh Kim Cang dạy: “Như lời Thế Tôn nói, tất cả pháp vô ngã”. Chỉ cần dẹp tà kiến chúng sanh, chứ không cần lập ra thêm bất cứ thứ gì, để cả thầy lẫn trò mắc kẹt trên hình thức. Bởi còn ngã và ngã sở.
Không chỉ có hiện tượng chư tăng chế tác y phục riêng, thiếu tính thống nhất, hoặc bê nguyên xi của Phật giáo nước ngoài vào bỏ qua sự tiếp biến văn hoá của tiền nhân dễ gây chia rẽ nội bộ, đau lòng hậu học. Mà sau hiện tượng đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp của chư Ni Phật giáo Đài Loan, đòi bình đẳng vô cớ, trong khi Bát Kỉnh Pháp là bản thể của Tỳ Kheo Ni, đã xuất hiện chư Ni mặc hậu vàng. Viện rằng Phật pháp bình đẳng, theo lối truyện Thiền Sư Ni Mạt Sơn khai thị cho Hoà Thượng Quán Khê Nhàn, thấy chỗ vào, Nhàn bèn ở lại công quả ba năm, đem ra ứng xử. Quên cả lời Đại Sư Vĩnh Gia Huyền Giác trả lời Huệ Năng: “ Phân biệt chẳng phải ý”. Hay như kinh Pháp Hoa: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Đâu thể lẫn lộn, chấp không, theo lối ngoài hữu vi có pháp vô vi. Dù ngộ đạo hội thiền đến đâu thì “tăng ra tăng, tục ra tục”; thuận theo lẽ thường. Chớ chẳng có gì kỳ đặc. Đâu thể lấy hành trạng chư tổ ra bao biện. Vì nhân ai nấy trả, nghiệp ai nấy mang. Đó là “chẳng phá pháp thế gian, mà hiển bày thật tướng”. Còn vịn vào màu áo, pháp phục là còn điên đảo mộng tưởng, rốt chỉ khẩu đầu thiền.
Người tại gia đắp y (màu đỏ) được cho là vị thầy hướng dẫn tu tập Kim Cương Thừa ,tại Thủ Đức, TPHCM.
Nên kính mong chư vị cao đức vì nghĩ đến lợi ích chung của đạo Phật, xét đến cùng chỉ có một vị mặn là vị giải thoát mà tự giữ truyền thống pháp phục Phật giáo nước nhà. Bằng có cách tân, cũng cần giáo hội xem xét, đừng để vì đó thêm một tôn phái Phật giáo chưa hoàn thiện nào. Đến Tổ Long Thọ còn tự thẹn, huống nữa chúng ta ngày nay. Bởi lẽ, chư tôn đức còn làm gương sáng cho hậu học noi theo. Quyết không dễ dãi mà làm hư cư sĩ tại gia.
Bằng đã là cư sĩ nên tự giữ đức của mình. Đừng bày đặt cạo đầu, đắp y, lợi dụng Phật pháp kiếm ăn mà đời sau làm thân trâu ngựa trả nợ. Đã phát tâm hộ pháp cần giữ tròn bổn phận của mình, đừng học đòi hình tướng chư tăng, tự mặc hậu phục, hay mặc áo vạt khò vàng mà tổn phước.
Dù “manh áo không làm nên thầy tu”, nhưng chính thời đạo đức suy đồi này, rất cần giữ cho tinh khôi màu áo đạo để làm mô phạm cho trời người. Đó là cũng là “kế vãng khai lai”, “báo Phật ân đức”. Như trong bảy pháp bất thoái ( Kinh Trường Bộ), Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
Tất nhiên, chúng ta nguyện chỉ là người thừa tự pháp.
Lúa chín là những cây lúa nặng trĩu đầu!
Kính mong!
Chí Ngu