;
Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, núi Gijjhakùta. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sona ở tại rừng Sìta, trong thiền định, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, phải sống tinh cần tinh tấn. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức”.
Thế Tôn biết được tâm thối thất của Tôn giả Sona, liền đi đến trước mặt và dạy:
Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Có phải trước đây, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn Tỳ bà?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn quá căng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn quá chùng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn không quá căng, cũng không quá chùng, vặn đúng mức trung bình, khi ấy đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
Thưa được, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng.
Sau đó, Tôn già Sona trở thành một vị A la hán.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đại, phần Sona, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.155)
LỜI BÀN:
Tu tập cũng giống như thực hiện bất cứ một công việc nào khác đều đòi hỏi sự chuyên cần. Chính sự bền bỉ, tinh chuyên là nền tảng, bí quyết của thành công. Trong đó, ý chí là nhân tố quan trọng để duy trì và tăng trưởng sự tinh cần tinh tấn.
Đối với những người sơ học, ai cũng mang trong mình tâm nguyện chí thiết, ý chí kiên cường, quyết tâm và cố gắng hết mình để mong tìm ra chân lý. Tuy mong ước giải thoát, chứng ngộ trong thời gian ngắn nhất là điều tốt song dễ dẫn đến thực trạng “lực bất tòng tâm”.
Vì rằng, tiến trình chuyển hoá để thăng hoa tâm linh tuỳ thuộc vào nghiệp lực của mỗi cá nhân nên có những trở ngại và nhanh chậm khác nhau. Do đó, nếu nỗ lực thái quá mà không đạt kết quả thường kéo theo hiệu ứng mệt mỏi đồng thời tạo ra cảm giác tự ti, thất vọng và dẫn đến thối thất. Ngược lại, nếu quá thụ động, thiếu tinh cần sẽ dẫn đến biếng nhác, nhàm chán, phó mặc thân phận cũng đưa đến thối thất, hoàn tục.
Đây là hai thái cực cần tránh trong công việc và nhất là trong tu tập. Chủ trương của Đức Phật trong tu tập là Trung đạo, xa lìa mọi cực đoan. Pháp thoại giữa Thế Tôn và Sona về việc sử dụng đàn Tỳ bà là một trong nhiều ví dụ điển hình về tinh thần Trung đạo của Phật giáo. Đồng thời, đây cũng là bí quyết tu tập thành công của Tôn giả Sona và tất cả những người con Phật.