nguoiphattu.com Trước khi Thiền tông hưng thịnh, Phật giáo Trung Hoa đã có nhiều pháp môn tu, trong đó pháp môn Niệm Phật, phát triển mạnh mẽ và phổ cập từ thời ngài Huệ Viễn (334-416).
Đối với người đã am hiểu giáo lý và có kinh nghiệm tâm linh, thì dù Thiền hay Tịnh, đều là phương tiện tu tập để đạt được cứu cánh giải thoát. Thế nhưng, đối với nhiều người, nhất là những người mới học đạo, nền tảng căn bản giáo lý và mục đích tu tập chưa nắm vững, khi đối diện với nhiều pháp môn tu không sao tránh khỏi sự bỡ ngỡ, hoang mang, không biết chọn phương pháp nào để hành trì.
Thêm vào đó, hệ quả tất yếu của sự chưa am tường giáo lý là cảm nhận các pháp môn tu dường như có sự xung đột và mâu thuẫn lẫn nhau, càng khiến cho hành giả có khi lại sinh tâm nghi ngờ cả lời Phật dạy. Điều này cũng dễ hiểu, bởi giáo lý mà Đức Phật tuyên thuyết là để đối trị, tùy bệnh cho thuốc, tùy căn cơ trình độ mà có nhiều pháp môn tu tập khác nhau. Không có thuốc nào duy nhất điều trị cho tất cả các bệnh, không có pháp môn nào ứng hợp với mọi căn cơ. Do đó, không có pháp môn nào là cứu cánh, là đệ nhất, chỉ có sự giác ngộ giải thoát mới là đệ nhất cứu cánh.
Thật vậy, khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa xiển dương pháp môn tu Thiền đã khiến cho không ít người cảm thấy pháp môn này có sự xung đột với các pháp môn truyền thống, trong đó có pháp môn Niệm Phật. Hiểu được tâm lý này, Tổ đã viết “Thiếu thất lục môn tập”, ghi lại những lời nói quả quyết chân thật và quan trọng của thiền gia, trong đó có chương mang hình thức luận nghị, giải quyết những nghi vấn về phương pháp tu tập của các pháp môn như Trì giới, Lục độ, Niệm Phật… so với pháp môn tu Thiền. Chẳng hạn, đối với pháp môn Tịnh độ, có người hỏi: “Kinh nói, nếu người nào chí tâm niệm Phật thì ắt sẽ được vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Nếu vậy, chỉ cần một pháp môn này cũng đủ để thành Phật, đâu cần phải quán tâm để tìm cầu giải thoát”. Tức là chỉ cần tu niệm Phật được rồi, đâu cần ngồi quán tâm như pháp môn tu Thiền.
Bồ Đề Đạt Ma giải quyết nghi vấn này như sau: “Niệm Phật là pháp môn tu Chánh niệm. Liễu nghĩa là chánh. Không liễu nghĩa là tà. Chánh niệm thì chắc chắn được vãng sanh. Còn tà niệm thì làm sao mà đến được cõi Phật? Phật nghĩa là giác, tức là kiểm soát được thân tâm, không tạo tác các điều ác. Niệm là nhớ. Nhớ cái gì? Nhớ hành trì giới luật, không phóng dật, luôn tinh tấn. Đó là ý nghĩa của hai chữ niệm Phật. Cho nên, phải biết rằng, niệm là niệm ở nơi tâm, không phải niệm nơi miệng. Cũng giống như nhờ nơm mà bắt được cá, được cá thì bỏ nơm. Nhờ lời mà hiểu ý, được ý thì quên lời. Đã xưng danh niệm Phật thì phải biết phương pháp niệm Phật. Nếu tâm không thật, không tha thiết, miệng chỉ niệm suông, trong tâm tam độc không trừ, nhân ngã đầy lòng, đem cái tâm đầy vô minh tìm cầu Phật ở bên ngoài, thì chỉ uổng công mà thôi”.
“Hai chữ tụng niệm cũng có đạo lý nhiệm mầu lắm. Miệng đọc gọi là tụng, trong tâm nhớ nghĩ gọi là niệm. Cho nên, niệm là phát xuất từ nơi tâm. Đó gọi là cánh cửa đi tới sự giác ngộ viên mãn. Tụng từ nơi miệng là tướng của âm thanh. Chấp ngoài cầu lý, rốt cuộc đều là hư vọng. Vì vậy, trong quá khứ chư Thánh Hiền tu tập pháp môn niệm Phật đều chẳng phải niệm suông bên ngoài miệng mà là niệm ở trong tâm. Tâm là nguồn gốc của tất cả các điều thiện, tâm là chủ nhân của vạn đức. Niết bàn thường lạc sanh ra từ chơn tâm, mà tam giới luân hồi cũng từ tâm mà khởi. Tâm là cánh cửa của thế giới, là bến bờ giải thoát. Đã biết cửa ngõ há nghĩ khó vào, rành bến bãi sao lo chẳng đến?” (Thiếu thất lục môn tập, Đại Chánh tạng, tập 48).
Lời khai thị này cho thấy tính chất nhất quán của giáo lý Phật Đà, dù tu tập với bất kỳ pháp môn nào, cũng chỉ nhằm đến mục đích duy nhất là thanh tịnh tâm: “Tự thanh tịnh tâm ý/ Là lời chư Phật dạy”. Tu thiền là để thanh tịnh tâm, mà niệm Phật cũng là để thanh tịnh tâm. Muốn cho tâm thanh tịnh thì phải diệt trừ tam độc tham, sân, si. Nếu ngồi thiền mà tâm không chuyển hóa, các phiền não không diệt trừ, tam độc không hóa giải, thì “mài đá chẳng thành gương, ngồi thiền đâu thành Phật”. Cũng vậy, miệng xưng niệm danh hiệu Phật mà tâm thì chẳng tương ưng với tâm niệm của Phật chút nào, vẫn dẫy đầy thị phi nhân ngã, thì cũng như “máy niệm Phật” mà thôi. Cho nên, tu là phải tu tự cái tâm, chuyển đổi cái tâm niệm chúng sanh thành tâm niệm Phật, Thiền cũng vậy mà Tịnh cũng vậy. Bồ Đề Đạt Ma cho rằng, “Đối với ba cái tâm tham, sân, si, thì trong một cái có hằng hà sa số niệm ác, và mỗi niệm như vậy được coi là một kiếp, vậy thì tam độc tham, sân, si có hằng hà sa số kiếp, cho nên gọi là ba đại a-tăng-kỳ (con số không thể đếm được). Thể tánh chơn như đã bị ba độc này che mất, nếu không vượt qua khỏi ba đại hằng hà sa tâm độc ác này thì làm sao được giải thoát?” (sđd). Thấy rõ tâm niệm của chúng sanh niệm niệm thay đổi không dừng, mà toàn là niệm bất thiện như thế, cho nên pháp môn Tịnh độ lấy danh hiệu Phật A Di Đà thay cho mỗi tâm niệm ấy. Đức Phật từng dạy: “Chư Phật Như Lai lấy pháp giới làm thân, vào trong tâm tưởng tất cả chúng sanh. Cho nên, lúc tâm các ngươi niệm Phật, thì tâm ấy là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Chư Phật là biển Chánh biến tri, từ tâm ấy mà sanh ra. Vì vậy, phải một lòng mà niệm Phật. Nếu ai biết niệm Phật, thì phải biết người này là hoa sen báu trong loài người. Đức Quán Thế Âm Bồ tát, Đức Đại Thế Chí Bồ tát là bạn thù thắng của người ấy” (Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh, Đại Chánh tạng, tập 12).