;
Nhận thức về niềm tin tôn giáo cho cuộc đời
Ca sĩ Ngọc Sơn: Ăn chay, tự giam mình để sám hối
' Làm người Việt là một định mệnh'
Cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. (ảnh Toàn Nguyễn)
Vntinnhanh xin đăng nguyên văn những chia sẻ của thầy về những ngày cuối đời của ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập trong mối duyên với cửa Phật:
"Sự ra đi của Trần Lập là một lời cảnh báo cho chúng ta về bệnh tật đang tiềm tàng trong mỗi người . Cũng là lời cảnh báo cho chúng ta về ý thức cá nhân với môi trường sống.
Trần Lập từ trần lúc 12h45 phút ngày mùng 9 âm lịch. Đó là ngày thứ Năm. Trước đó gần một tuần, 17h ngày thứ Bảy, tôi vào Bệnh viện Việt Đức khai thị (mở mang hiểu biết về đạo Phật) cho Lập. Đón tôi ở cổng bệnh viện là chị Mai, chị của vợ Trần Lập. Chị đưa tôi lên cầu thang đến khu dành cho người chạy thận. Tôi đến, phải mặc áo diệt khuẩn để vào phòng nơi Lập đang nằm.
Lúc dừng ở cửa ngoài, người nhà nói với tôi là Lập ung thư giai đoạn 3, truyền hóa chất không vào được nữa. Gần đây chạy theo phương pháp thực dưỡng ở trong Nam, chính ở đó Lập đã sức khỏe suy kiệt và phải cấp cứu và sinh ra suy thận, giờ phải chạy thận.
Tôi vào phòng, Lập đang nằm trong chằng chịt bởi dây, ống và máy thở. Tôi ngồi xuống bên Lập, theo dõi hơi thở rồi hỏi Lập: Con thấy tình trạng trong người thế nào? Hỏi thêm mấy câu hỏi thì Lập nhờ vợ trả lời hộ, vì thấy mệt.
Trước khi khai thị tôi hỏi Lập: Giờ con có ước mơ gì? Lập trả lời ngay "Con muốn sống và lành bệnh". Tôi tập trung vào Lập và nói, vậy thì con hãy lắng nghe cho thật kỹ lời thầy.
Tôi nói, điều mà một vị Bụt đã đạt đến, đó là chạm đến được khoảnh khắc. Vì thiên thu được làm nên bởi khoảnh khắc. Khi chạm đến được khoảnh khắc bạn biến mình thành thiên thu. Đấy mới là sức mạnh đích thực. Và một nghệ sĩ như con, muốn là một nghệ sĩ tài hoa, có sự sáng tạo, con cũng làm điều đó, là khi con nhập hồn được vào phút giây hiện tại.
Khi đó cây đàn trên tay con hay khán giả... tất cả không còn cách biệt ngoài con. Thầy đi tu cũng là một nghệ sĩ, và thầy cũng làm điều đó. 38 năm nay đi học theo con đường đạo Bụt là để làm chừng đấy chuyện.
Sư thầy Thích Tâm Hiệp tại tang lễ của cố Nghệ sĩ Trần Lập. (ảnh Toàn Nguyễn)
Treo mong mênh giữa hơi thở ra và hơi thở vào chính là giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại đó mới chính là giây phút của sự sống đích thực đang có mặt. Con nương vào hơi thở con sẽ tập trung được vào giây phút thiêng liêng nhất của sự sống: hiện tại. Như vậy thực tập, sức mạnh của khả năng tập trung hay chuyên chú đưa con vào định. Nếu làm tốt hiệu quả đến nhanh như tên bắn: con tức khắc chạm đến được khoảnh khắc. Và ở khoảnh khắc đó con chính là thiên thu. Con là một nghệ sĩ vĩ đại.
Làm được điều đó thì tất cả những thứ dây dợ máy móc này đều vô nghĩa với con. Ngay cả hình hài này của con cũng không phải là một cản trở với con nữa. Trải 38 năm nay thầy mới đúc rút được chừng ấy để nói với con. Làm đi. Thầy cũng đang từng ngày từng giờ làm điều đó. Chẳng ai vĩ đại mà không học bài học này của sự sống. Là một nghệ sĩ con phải làm điều ấy.
Chia sẻ đúng hơn 15 phút một chút, khi tôi ngắt lời, Trần Lập hỏi đúng một câu: Khi nào thầy ra lại Hà Nội? Tôi nói với Lập, tôi sẽ gắng ra lại HN sớm nhất. Mùng 8 lễ xong, tối mùng 8 thầy ra. Sáng mùng 9 đến HN. Lập rất mạnh mẽ và đã tìm được thứ mình cần. Khi tôi đi ra ngoài thay áo và ngồi ở ghế, chị Mai ra báo là Lập bảo vợ đỡ Lập ngồi dậy để Lập thực tập theo lời thầy nói.
Sư thầy làm lễ cho Trần Lập. (ảnh Toàn Nguyễn)
Tôi đã quán chiếu và trao cho Lập một cơ hội. Mục đích tôi giúp Lập không quá kỳ vọng vào chuyện lành bệnh và mạnh mẽ quá với ý muốn muốn sống. Điều thực tập trên có lợi ngay cả khi Lập đang bệnh và không có khả năng lành. Vì giúp Lập không bị quá đau đớn bởi thân thể.
Tiếc là lịch tôi không như sắp xếp. Tối mùng 8 tôi không ra được. Thường tối tôi ra tàu, 18h lên tàu từ Quảng Trị, sáng 6h đến HN. Mùng 9, đúng là trong linh thức mạnh mẽ của Lập, Lập đã đợi tôi, và... Lập đã ra đi vì không đợi kịp. Người nhà báo tin, tôi không ra kịp nên bảo người nhà lúc báo tin Lập hấp hối, hãy nói thầy đặt tên hiệu cho Lập là Thiện Định. Thiện Định là khéo an trú trong định.
Gia đình, bạn hữu và người hâm mộ đau xót trước sự ra đi của chàng ca sĩ tài hoa, bạc mệnh. (ảnh Toàn Nguyễn)
Đám tang làm tôi bất ngờ. Người hâm mộ thương tiếc yêu quý Lập thật lớn. Lượng người đến tiễn đưa Lập đông vô cùng. Họ đến vì không phải tò mò, không phải vì muốn xem. Sự chân thành của từng con người, làm cảm động đất trời. Cuộc đời không dài, 43 năm sống, nhưng Lập đã sống xứng đáng giữa lòng người, giữa lòng cộng đồng mà Lập cống hiến.
Trong khi đợi ngày giờ để nhập quan và phúng điếu, các em trong chương trình “Tủ vàng sách quý Việt Nam” đã tổ chức hai đêm thắp nến nguyện cầu cho Lập tại nhà. Đó là tối chủ nhật và tối thứ hai. Lập có được một kỳ duyên khi đươc Phật Pháp trợ duyên. Hai buổi tối thắp nến cầu nguyện tại nhà Lập quả là vô cùng thiêng liêng hổ trợ cho tâm thức Lập thật nhiều. Đúng 19h hơn cả trăm người tập trung ở nhà Lập, im lặng, thắp một ngọn nến trên tay, cầm một bài kinh ngắn được in sẵn, nghe chuông và quán chiếu, rồi đọc kinh cầu nguyện cho Lập.
Các bạn trẻ thắp nến, đọc kinh cầu nguyện cho Trần Lập. (ảnh Toàn Nguyễn)
Ánh sáng ngọn nến được quán tưởng chính là một biểu hiện của Lập trước mắt, và lời kinh được đọc lên để hòa cùng ánh sáng đó, kết nối đến ánh sáng của Bụt. Rất nhẹ nhàng và đơn giản nhưng sâu sắc và ai cũng có thể quán chiếu thành công. Tôi hỏi một người bạn rất thân trong ban nhạc Bức Tường, con có tập trung dễ dàng để quán chiếu không? Bạn đã trả lời là rất dễ tập trung. Chưa nơi đâu một đám tang mà tôi thấy người trẻ đầy cảm xúc, im lặng, chân thành...đến như vậy. Đúng là họ yêu quý người Nhạc sĩ của họ thực sâu sắc.
Rất đông người hâm mộ, bạn bè đồng nghiệp đưa tiễn Trần Lập. (ảnh Toàn Nguyễn)
Viết những lời này tôi thấy là mình đang ngồi tâm sự với Lập. Vì hơn ai hết, chính tôi là người trực tiếp hướng dẫn khai thị cho tâm thức Lập khi sống cũng như lúc Lập đã ra đi.
Tôi được biết, trong những ngày khi đã nhuốm căn bệnh nan y, Lập đã thức tỉnh nhiều. Lập đã vào trong Nam, theo sự hướng dẫn của một thầy. Những giây phút cuối đời, Lập đã có đức tin rất lớn vào con đường tu tập. Hôm đó, ánh mắt của Lập mà tôi biết Lập có duyên và được độ. Khi nhập liệm, mọi người đều đứng xa, tôi đến bên khai thị cho Lập. Nhìn khuôn mặt Lập rất bình thản như một người đang ngủ.
Cũng lạ thật, Lập đã lìa thân xác gần 1 tuần mà hai má vẫn hơi hồng gương mặt thật thư thái. Quả là khó có khuôn mặt nào trong lúc ra đi mà ra đi vì ung thư mà nhìn tươi tỉnh như vậy.
Tôi tin là Lập đã nhận được hành trang cho mình để lên đường. Cầu nguyện cho Lập thêm sức mạnh để thành công trên hành trình mới này của kiếp sống.
Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp
Nguồn:http://vntinnhanh.vn/giai-tri/tran-lap-va-moi-duyen-voi-cua-phat-trong-nhung-ngay-cuoi-doi-94314