;
Trong dân gian, cho đến bây giờ, vẫn thường nhắc đi nhắc lại bài học cảnh giác không xưa cũ đúc kết trong một câu rất ngắn: “tri nhân tri diện bất tri tâm”, có thể nhận biết hình thức mặt mũi, song khó (hay không thể) nhận biết tư tưởng (tâm) của người đó. Mà
không “tri tâm” được tất không tin được, luôn phải cảnh giác! Thực ra, bài học khôn có vẻ hoài nghi thái quá này có khi cũng không thừa trong một cuộc sống đa đoan, vàng thau lẫn lộn, mọi chuyện được cho là..đều có thể! Đời nhan nhản những chuyện đại loại: một nhân vật VIP có vẻ đức cao vọng trọng, nền nã, học thức..đùng cái nghe tin hết hồn khi vị ấy làm những việc người ta không dám nghĩ đến và, “thấy chưa, tâm người sao biết được!”.
Việc binh người ta đề cao kế phản gián. Những chuyện như một nhân mối nằm sâu trong lòng địch hàng chục năm mà không ai biết không chỉ có trong phim ảnh sách vở, các cơ quan tinh vi của hệ thống an ninh đã không “tri tâm” được đối tượng, phải ngậm đắng nuốt cay. Tôn Tẩn cũng không “tri tâm” được Bàng Quyên, Thạch Sanh và Lý Thông…
Bài học ấy xuất hiện trong kho tàng Nho giáo, một trào lưu tư tưởng một thời danh giá trong lịch sử Trung Hoa và có ảnh hưởng rộng lớn ngoài Đại lục. Nhưng trước đấy, Đức Phật, từ một quốc gia láng giềng Trung Quốc (Ấn Độ), đã có sự vượt trội lớn về nhận thức khi đem tới cho nhân loại sự thấu hiểu rốt ráo về tâm, trí tuệ viên mãn. Chỉ riêng trong “Tứ diệu đế”, Người đã chỉ ra con đường, “lộ trình” tư tưởng của nhân sinh từ sự khổ đến diệt khổ. Mà chung quy, giáo lý của Đức Phật chủ yếu quán vào tâm soi chiếu, phân tích thay vì khái quát thế giới vật chất để..giải thích tâm sự là sự lệ thuộc ngoại cảnh như một số triết thuyết. 49 ngày đêm ngồi dưới cội Bồ Đề, và quá trình khổ hạnh trước đấy trên con đường tìm đạo, Đức Phật đã nhìn vào tâm mình cặn kẽ và sau đấy mô tả cho chúng sinh “thấy” cái không phải ai cũng thấy. Tham sân si ở đâu? Ở tâm. Từ bi hỷ xả ở đâu? Tâm. Định huệ ở đâu? Tâm. Vạn pháp duy tâm tạo. Đạo Phật là pho chân lý về tâm, Phật tri tâm - và theo lý luận đã được phát biểu của Người- chúng sinh cũng sẽ tri tâm, giác ngộ, thành Phật như Ngài.
Không “thấy” (tri) tâm, thứ vô minh, là phàm. Tri được tâm, là ngộ, thoát phàm. Tri tâm ở mức độ nào đấy tùy căn cơ và duyên, “thấy” đến đâu bớt vô mình đến đấy, thoát phàm đến đấy.
Nho giáo phát biểu đầy cảnh giác: tri nhân tri diện bất tri tâm. Từ lý luận đã được biết, Phật giáo phát biểu: tri nhân tri diện tri tâm, Phật thấy tâm, sự vượt trội quyết định về tư tưởng.Về học thuật, không rõ những bậc uyên thâm xây dựng lý thuyết nho giáo có điều kiện tham cứu sự đi trước rất xa của Phật giáo hay không?
Sự tri tâm của Phật được khoa học từng bước làm rõ hơn qua các công trình về tâm lý và trước hết về tâm lý, cùng các trường phái triết học hiện đại. Con người hoàn toàn có khả năng vận dụng trí não để phân tích tổng hợp, phán đoán suy luận để thấu hiểu đối tượng, nắm bắt tư tưởng. Tiến bộ công nghệ đã cho chúng ta thấy các phần mềm tương tác với người dùng ra sao, các phiên bản trò chơi trực tuyến “tri âm” các game thủ như thế nào và chuyện các cơ quan an ninh trắc nghiệm để chống nói dối đã có từ lâu. Khoa học đã góp phần “minh họa” cho người ta thấy quả thực tri nhan tri diện và có thể tri tâm thay vì “không thể, bất khả” như Nho giáo bên Trung Hoa đã đoan chắc.
Càng thấy Phật pháp nhiệm mầu..