;
Trước ngày đi Mỹ và trong những tháng ngày lắng yên ở đó, sáng nào tôi cũng tụng chú Đại Bi, nguyện xin khi đến Mỹ sẽ trúng được lô số độc đắc lớn nhất trên đất Mỹ để con tôi có đủ tiền ăn học ở nơi này, phần còn lại sẽ gởi đến giúp cho những người dân nghèo Tây Tạng, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ... và cúng dường hoằng pháp độ sanh. Bởi bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh sống nghèo cùng của những người dân trên thế giới, tôi đều mong được sẻ chia với họ. Và chỉ có trúng được lô số độc đắc lớn nhất ở Mỹ thì may ra mới có khả năng thực hiện phần nào ước mơ ấy.
Tôi thử mua vé số đến 4 lần nhưng chẳng có gì xảy ra. Sau khi về lại nhà – trong một buổi chiều – đang lúc ngồi chuyện trà với sư cô Huệ Mãn tôi mới biết được tôi đã trúng một lô số độc đắc lớn nhất trên đất Mỹ.
Tôi đã thực sự trúng lô số độc đắc lớn nhất mà mãi tới giờ này tôi vẫn không hay biết. Tôi đã bật khóc nức nở vì sung sướng và xúc động ngay trước mặt cô. Cô ngơ ngác khi thấy tôi ôm mặt khóc. Cô đâu biết tôi khóc vì biết mình may mắn và có phước hơn mình tưởng!
Phật dạy “Kho báu lớn nhất giữa thế gian là ba ngôi Tam Bảo, của báu lớn nhất giữa thế gian là Phật – Pháp – Tăng”. Chính tôi đã trúng được lô số độc đắc lớn nhất này!
Ngay tôi qua California, khởi đầu của tour du lịch, tôi đã may mắn được chiêm bái Phật ngọc – một báu vật của thế gian. Điểm cuối của tour du lịch Cali, tôi lại được cơ duyên “diện kiến” đức Quán thế âm – an nhiên tĩnh tại ngay trên vách núi Yose mite. Sau đó, 51 đĩa pháp nhận được từ một người hoàn toàn không quen biết từ Cali gửi về Dallas tặng tôi là một điều hy hữu bất ngờ.
Nhờ thầy Thích Phước Tiến mà tôi có nhân duyên gặp được chủ nhân của 51 đĩa pháp này. Khi nghe thầy giảng “Giàu và nghèo”, tôi đã theo địa chỉ cuối đĩa giảng mà điện thoại và gặp cô ấy.
Phật – Pháp – Tăng quả là tôi có đủ. Vậy chẳng phải tôi đã không những trúng được lô số độc đắc lớn nhất trên đất Mỹ mà còn lớn nhất giữa thế gian này nữa sao? Niềm hạnh phúc này thật lớn lao biết bao – dù có tiền nhiều đến bao nhiêu cũng không mua được! Thế mới thấy chú Đại Bi nhiệm mầu không ngờ! Thử nghĩ, nếu tôi về lại nhà với một đống dollar, hẳn khi ấy tôi sẽ khốn khổ vô cùng! Biết bao là lo toan, bất an cho mình lẫn cho người chứ đâu được êm ả và bình an như lúc này!
Chính tôi cũng rất sợ những điều này trước khi trúng số, nên sau mỗi thời tụng chú Đại Bi, tôi đều nguyện xin cho những ai có cơ duyên thọ nhận “những đồng tiền” này đều phát lòng Bồ-đề, tăng trưởng tín tâm, quay về nương tựa ba ngôi Tam Bảo, quyết chí tu hành, tìm cầu chứng ngộ - giải thoát”. Tôi sợ! Đồng tiền có thể gieo rắc tội lỗi khi đến tay người! Chú Đại Bi không những nhiệm mầu mà còn thậm thâm và vi diệu nữa kia!
Dù tôi trở về nhà với một “số âm” vô cùng lớn, nhưng thật sự chưa bao giờ tôi thấy giàu có như ngày hôm nay. Tôi thật sự sự thấy mình giàu có – để từ đó có một niềm an nhiên, tự tại đến lạ kỳ. Tôi đã tự mình lý giải được điều này. Chính từ giây phút tôi không sợ nghèo nữa thì ngay khi ấy tôi thấy mình bỗng trở nên giàu có!
Suốt mấy mươi năm, tôi lo toan, tính toán, góp nhặt, chắt chiu... nhưng chưa bao giờ tôi biết bằng lòng. Luôn luôn và luôn luôn tôi vẫn thấy ham muốn, thấy nghèo nàn, trôi lăn trong khốn khổ...
Tôi đã đến một nơi chốn giàu sang như nước Mỹ, và biết được rằng nơi ấy vẫn còn đầy dẫy khổ đau! Một người bạn ở Cali đã cho tôi xem pho tượng một người mang vác tiền trên lưng đến oằn cả người – một khuôn mặt già nua khốn khổ, một tâm trang chịu đựng đáng thương. Tôi chợt nghĩ, nếu trên lưng người đó mang đầy kinh điển của Phật thì khuôn mặt ấy hẳn sẽ rạng rỡ, sung sướng biết bao!
Chẳng phải vô cớ mà Thái tử Tất Đạt Đa từ chối sự giàu sang, sung sướng, nhung gấm lụa là, cung vàng điện ngọc... để ra đi tìm cầu giải thoát. Nào ai giàu có như Thái tử, nghèo cùng như Thái tử và hạnh phúc như Thái tử?
Không phải vô cớ mà nàng Da Du Đà La khuyến khích con mình – La Hầu La rời bỏ cung điện, giường ấm nệm êm, xa vòng tay yêu thương của mẹ, của ông bà... khi tuổi còn nhỏ để thả bộ chân trần bước theo đức Phật giữa nắng mưa, sương tuyết...
Tôi băn khoăn mình sống như thế nào? Khi chết như thế nào? Và sẽ đi về đâu?
Mỗi ngày, tôi cố gắng niệm Phật A Di Đà với ước nguyện được về thế giới Tây Phương Cực Lạc khi vĩnh biệt cõi đời. Vì rằng suy cho kỹ, xét cho cùng, với sự hiễn hữu của mình giữa thế gian này, dù vô tình hay cố ý, có lẽ tôi cũng đã gieo rắc không ít khổ đau cho muôn người và muôn loài.
Tôi mong sao mình được về cõi Tịnh Độ để giả như một ngày nào đó có trở lại thế gian thì khi ấy duy nhất tôi chỉ mang lại hạnh phúc cho muôn loài.
Mỗi khi nhìn – nghe – biết cảnh buồn đau, khổ ải, tôi lại niệm Phật Di Đà, nguyện cho mười phương pháp giới chúng sinh đều trọn thành Phật đạo.
Nguyên Phụng