;
Tư duy quảng trường của Ca tô La Mã với Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi
Xây dựng điểm tập trung hàng trăm ngàn người sát quốc lộ 20 mà vẫn ganh tỵ Phật giáo
Tuy nhiên, có điểm khác biệt, là nếu ở bài viết trước vấn đề được nhìn từ góc độ quan hệ giữa Phật giáo với đạo Ca tô La Mã, xuất
phát từ ý kiến về Phật giáo của một linh mục, thì ở bài viết này, góc nhìn được mở rộng hơn, từ điểm nhìn xã hội - lịch sử, để tìm hiểu vấn đề sâu hơn, đa chiều hơn, chi tiết hơn.
Trong bài này, vấn đề được tìm hiểu là thiết kế tôn giáo chính trị của Ngô Đình Diệm liên quan đến đề tài đang được bàn luận là Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, xã Gia Tân 1, Huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai.
Nếu Đức Mẹ Núi Cúi chỉ là một đài Đức Mẹ bình thường, như nhiều ngàn đài Đức Mẹ khác, thì đó là chuyện của tôn giáo người ta, không có gì để nói.
Nhưng đây là một quảng trường tập trung vài trăm ngàn người ngay sát Quốc lộ 20, Quốc lộ đã từng bị cắt ở những điểm là xóm đạo được bố trí dọc Quốc lộ theo thiết kế của Ngô Đình Diệm. Vì vậy, nên là mối quan tâm chung của mọi người, trong đó có tôi (1).
Vậy, thiết kế dân cư xóm đạo dọc Quốc lộ nói Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi là việc tiếp nối, mở rộng thiết kế của Ngô Đình Diệm? Và từ đó, nó sẽ có ảnh hưởng thế nào đối với xã hội?
VẤN ĐỀ TỪ LỊCH SỬ
Để hiểu điều có thể gọi là thiết kế của Ngô Đình Diệm, chúng ta tìm về với những sự kiện lịch sử ở miền Nam năm 1954.
Sau khi gần 1 triệu giáo dân di cư vào Nam theo Hiệp định Genève, thì vấn đề lớn được đặt ra là tái định cư họ ở đâu tại miền Nam.
Phương án của các giám mục miền Bắc di cư, vốn là thủ lãnh lực lượng vũ trang đạo Ca tô La Mã ở đồng bằng Bắc bộ, là bố trí giáo dân Ca tô La Mã thành một khu vực tập trung rộng lớn, riêng biệt, như Bùi Chu, Phát Diệm ở miền Bắc trước đây, khôi phục lực lượng vũ trang “Công giáo”, có thể ở mức độ quy mô hơn vượt trội so với quân đội Cao Đài và Hòa Hảo, tạo nên một cứ điểm chống cộng lớn ở miền Nam.
Vì đa số giáo dân Ca tô La Mã có tinh thần đối kháng rất cao với lực lượng cộng sản, mà đối với họ là vô thần, vào Nam vì không chấp nhận sống dưới chế độ mới, nên ở phương án nào, dù là phương án của giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, hay phương án Ngô Đình Diệm, đều tập trung khai thác yếu tố chống cộng ở người Ca tô La Mã miền Bắc di cư.
Phương án của giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi đương nhiên đưa tới việc bảo toàn quyền lực của các giám mục di cư. Những giám mục vừa mất đất, vừa mất giáo dân tập trung, vừa mất quân lính (theo nghĩa đen của từ này), với phương án của họ, có thể khôi phục quyền bính, sức mạnh cục bộ, khôi phục lãnh địa.
Đặt ở đâu thì các giám mục chưa bàn tới, nhưng với hàng triệu người Ca tô La Mã di cư, thì lãnh địa đó có thể trải dài trên quy mô tỉnh hay nhiều tỉnh. Phương án này là một khả năng, khi lúc đó quân đội đạo Cao Đài kiểm soát lãnh địa là tỉnh Tây Ninh, còn quân đội Hòa Hảo kiểm soát nhiều tỉnh phía Tây vùng Tây Nam Bộ.
Dĩ nhiên, Ngô Đình Diệm không chấp nhận phương án trên, vì nó là phương án cát cứ, trong khi Diệm lại theo đuổi mục tiêu tập quyền, ra sức đánh dẹp, giải thể quân đội Cao Đài và quân đội Hòa Hảo, gom trọn quyền lực trong tay Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nếu thêm một quân đội tôn giáo nữa, thì dù là quân đội Công giáo, thì Diệm cũng bị phân tán quyền lực. Song song với chính quyền Diệm, sẽ có chính quyền của các giám mục, như tình trạng trước đây ở đồng bằng Bắc Bộ.
Ngô Đình Diệm bác phương án của các giám mục miền Bắc di cư, trong khi ông ta vẫn muốn nắm lấy giáo dân Ca tô La Mã di cư, khai thác tính chất chống cộng của tập đoàn này, sử dụng Ca tô La Mã miền Bắc di cư làm yếu tố cốt lõi để xây dựng Việt Nam Cộng Hòa, chiến đấu chống cộng sản.
Ngô Đình Diệm không cho tái thành lập lực lượng vũ trang Ca tô La Mã, không bố trí giáo dân tập trung, mà phân tán ra. Tuy nhiên, giáo dân được bố trí định cư theo yếu tố tôn giáo Ca tô La Mã, theo đơn vị giáo hạt, giáo xứ và nhằm vào các địa điểm hiểm yếu, dọc theo các quốc lộ, sát các căn cứ quân sự, phi trường, vùng cửa ngõ đô thị. Không có lực lượng vũ trang Ca tô La Mã, nhưng giáo dân nam giới giữ vai trò quan trọng trong chính quyền địa phương, cảnh sát địa phương, quân đội địa phương, là chỗ dựa của chế độ Ngô Đình Diệm trong hoạt động chống cộng, bình định lãnh thổ.
Chỉ cần vài năm là giáo dân Ca tô La Mã có thể ổn định nơi cư trú, giành lấy vai trò trọng yếu trong chính quyền, cảnh sát, quân đội, đưa đạo Ca tô La Mã trở thành một nhân tố quan trọng trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa.
Xét về khía cạnh có lợi cho đạo Ca tô La Mã, thì thiết kế của Ngô Đình Diệm đem lại lợi ích cho đạo Ca tô La Mã hơn so với phương án của giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi. Nếu theo phương án của các giám mục di cư, số người Ca tô La Mã miền Bắc di cư sẽ cục bộ hơn, cách ly hơn, tách biệt hơn với người dân miền Nam, khó can dự hơn vào chính quyền và khó khăn để sử dụng chính quyền nhằm mục tiêu ảnh hưởng xã hội, cải đạo người dân miền Nam. Co cụm thành một pháo đài, giáo dân Ca tô La Mã trong quân đội nếu được tái lập của giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi có khả năng rơi vào mâu thuẫn với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một tình trạng như đã xảy ra ít nhiều với quân đội viễn chinh Pháp ở miền Bắc, rất bất lợi cho chế độ Diệm.
Thiết kế tôn giáo chính trị như thế của Ngô Đình Diệm đã trực tiếp dẫn đến việc chính quyền Diệm, mang yếu tố Ca tô La Mã ngày càng đậm, mâu thuẫn ngày càng cao với đa số người dân miền Nam theo Phật giáo, dẫn đến Pháp nạn lịch sử 1963.
Thiết kế Ngô Đình Diệm đã tất yếu làm phát sinh mâu thuẫn giữa gia đình họ Ngô và các giám mục chóp bu của Cộng đồng Ca tô La Mã miền Bắc di cư. Giám mục Lê Hữu Từ người đã một thời cưu mang anh em Diệm Nhu, đã rất giận gia đình Ngô Đình Diệm, kể cả giám mục Ngô Đình Thục, anh ruột Ngô Đình Diệm, nghe nói đến mức tránh không nhìn mặt nhau.
Báo chí và dư luận bấy giờ gọi phía Diệm – Nhu – Thục là “Thiên chúa Mỹ” hay “Công giáo thân Mỹ”, mâu thuẫn với các “đức cha” Từ, Chi là “Thiên Chúa Pháp” hay “Công giáo thân Pháp”. Sự phân chia đó lan xuống đến cấp linh mục, tu sĩ đạo Ca tô La Mã.
Đối với Quốc lộ 20, thiết kế của Diệm là bằng các khu dân cư giáo dân đạo Ca tô La Mã bố trí rải theo dọc quốc lộ, Diệm sử dụng số giáo dân này để bảo vệ quốc lộ huyết mạch Sài Gòn – Đà Lạt. Nhìn từ một khía cạnh khác, đây chính là việc giao quốc lộ 20 cho người Ca tô La Mã kiểm soát, bằng các tiền đồn tâm linh chống cộng là các nhà thờ liên tục kéo dài từ Dầu Giây đến Di Linh, trong đó, nổi trội là khu Gia Kiệm, trọng yếu đối với vùng nối thông với chiến khu Đ.
Kết quả thiết kế này của Ngô Đình Diệm ra sao, chúng ta có thể tìm hiểu từ thực tế lịch sử. Những giáo xứ được bố trí dọc Quốc lộ 20 đã là những ấp chiến lược kiên cố tuyệt đối.
Thiết kế Ngô Đình Diệm, xét cho cùng, chỉ sửa đổi thiết kế của giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi ở chỗ thay cho một lãnh địa Ca tô La Mã tập trung và có quân đội, thì nay được thay bằng vẫn những lãnh địa Ca tô La Mã, nhưng phân tán và người Ca tô La Mã ở những lãnh địa tôn giáo đó được vũ trang chống cộng trong hàng ngũ địa phương quân quân lực Việt Nam Cộng hòa, lực lượng Nhân dân tự vệ.
TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ NÚI CÚI LÀ NỐI TIẾP VÀ MỞ RỘNG THIẾT KẾ CỦA NGÔ ĐÌNH DIỆM
Nhìn từ lợi ích của đạo Ca tô La Mã, họ thực tế đã được giao Quốc lộ 20 đậm màu sắc Ca tô La Mã, có đoạn vài trăm mét lại có một nhà thờ, giáo xứ san sát giáo xứ.
Đó là một lãnh địa Ca tô La Mã mà trước năm 1975, các “quý cha”, “đức cha” đi lại giữa các giáo xứ trên xe Jeep treo cờ vàng trắng có quân cảnh hụ còi mở đường.
Nhìn từ lợi ích của Việt Nam Cộng hòa, thì quốc lộ 20 đã được bảo vệ tốt. Ngày nay trên Quốc lộ 20 có một tượng đài chiến công lớn, nhưng đó là một trận đánh trong chiến tranh chống Pháp xảy ra trước 1954. Ngô Đình Diệm đã tính một nước cờ cao khi “CÔNG GIÁO HÓA” QUỐC LỘ 20.
Sau năm 1975, việc thay đổi thiết kế của Ngô Đình Diệm chỉ giới hạn ở việc đổi tên một số địa danh có từ thời Ngô Đình Diệm. Nhưng các giáo xứ vẫn còn nguyên tên cũ, nên địa danh trong thiết kế của Ngô Đình Diệm và địa danh của chính quyền mới song song tồn tại, cạnh tranh với nhau.
Trong thiết kế của Ngô Đình Diệm, do chủ trương phân tán lãnh địa Công giáo La Mã, nên giáo xứ nào tập trung giáo dân theo giáo xứ đó. Trên Quốc lộ 20 dù đậm màu sắc Ca tô La Mã, vẫn chưa có một quảng trường tập trung đông người, hay một trung tâm hành hương lớn.
Nay khi trung tâm hành hương đức Mẹ Núi Cúi được xây dựng ngay sát Quốc lộ 20, chỉ cách quốc lộ vài phút đi bộ, thì tư duy Công giáo hóa Quốc lộ 20 quả là đã được tiếp nối.
Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi không có gì đáng nói ở Đài Đức Mẹ trên núi, vốn được thấy rất nhiều ở Quốc lộ 20, với diện tích sân chứa độ ngàn người.
Mà điều đáng nói là quảng trường chứa vài trăm ngàn dưới chân núi (mục tiêu tập trung số người ngày càng nâng cao, nay đã vượt qua mức 100 ngàn và hướng tới con số nửa triệu người, sẽ được phân tích trong một bài riêng).
Các giám mục ngày nay đã thừa tiếp tư duy của Ngô Đình Diệm với thiết kế sao cho gắn quảng trường đó với Quốc lộ 20, đưa yếu tố Công giáo hóa Quốc lộ 20 lên một tầng nấc mới.
Nhìn vào bản đồ bố trí và thi công Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi hiện nay, chúng ta thấy rõ những tính toán đó.
Thế độc đạo của Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi đã được phá bằng một con đường vành đai mới ủi, phong quang rộng, lớn. Do đó, từ Quốc lộ 20, nay vào Núi Cúi không chỉ bằng một đường. Thế cô lập với Quốc lộ 20 của Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi đã được thay đổi. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi trở nên gắn chặt với Quốc lộ 20 và khu giáo dân Ca tô La Mã Gia Kiệm, thông bằng nhiều đường. Có việc gì thì cũng không cô lập được.
Có một vạt rừng cao su bên cạnh đường nhựa nối Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi với Quốc lộ 20. Nếu thửa đất trồng cao su đó thuộc quyền sử dụng của Tòa Giám mục Xuân Lộc hoặc giáo xứ hay một hoặc nhiều giáo dân nào đó, thì chỉ cần chặt cao su đi thành bãi đất trống, thì có nghĩa quảng trường Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi sẽ có mặt tiền là Quốc lộ 20 và có sức chứa mở rộng nửa triệu người, trở thành quảng trường lớn nhất Việt Nam.
Thiết kế của Ngô Đình Diệm cắm các nhà thờ Ca tô La Mã dọc Quốc lộ 20 với mật độ dày đặc như đã thấy nay được nâng cao bằng một quảng trường Ca tô La Mã hành lễ lộ thiên, mà như tính toán như trên, mở rộng đến mức vĩ đại chưa từng có, trở thành một trung tâm tập trung tín đồ Đạo Ca tô La Mã lớn nhất cả nước và lớn hơn tất cả mọi quảng trường đã có ở Việt Nam.
Cho dù trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, con số diện tích chỉ mười mấy héc ta thì vẫn không thể thay đổi được thiết kế có thể chưa đến nửa triệu người như trên. Vì khi ở diện tích lân cận thuộc quyền sử dụng đất của giáo dân địa phương, họ chỉ để đất trống và trồng cỏ, thì đâu có khó khăn gì để phần đất đó trở thành phần của quảng trường trong cuộc mít tinh nửa triệu người nếu cần.
Ngay trong tên gọi Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi cũng đã có thiết kế ẩn, chơi chữ, đa nghĩa, cách hiểu nào có lợi cho đạo Ca tô La Mã thì vận dụng tùy trường hợp.
Cách hiểu có lợi cho đạo Ca tô La Mã trong quá trình xin phép thì đó là điểm hành hương trên núi như tượng Ki tô vua, Núi Nhỏ Vũng Tàu. Nhưng ở đây nói là núi, mà thực ra chỉ là quả đồi cao có lẽ chưa tới 100 mét, cỡ núi Châu Thới, Bình Dương nhưng xe hơi lên đỉnh dễ hơn núi Châu Thới nhiều. Mặt bằng trên Núi Cúi, kể cả một nhà thờ, một hội trường, có thể tập trung vài ngàn người, hiện nay đạo Ca tô La Mã vẫn thường xuyên hành lễ ở đó.
Cách hiểu có lợi cho đạo Ca tô La Mã trong hoạt động thực tế và về sau là trọn một khu vực rộng lớn dưới chân núi dùng như một quảng trường, mà ngọn núi Cúi chỉ là một lễ đài tự nhiên. Thiết kế này đã được đưa vào sử dụng trong lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi.
Vì vậy, gọi Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi là một kiểu chơi chữ vì cái quan trọng là quảng trường dưới chân núi và diện tích mở rộng linh hoạt cũng như khả năng mặt tiền quốc lộ của nó.
Nhập nhằng, chơi chữ giữa Trung tâm hành hương và quảng trường ở đây là không thỏa đáng. Thực chất đạo Ca tô La Mã đang xây dựng ở Núi Cúi một quảng trường chứ không phải chỉ là một trung tâm hành hương.
Không hiểu được đạo Ca tô La Mã, không nắm được lịch sử phương án mà Ngô Đình Diệm đã triển khai trên Quốc lộ 20, thì sẽ không hiểu được thiết kế ẩn của Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi hiện nay.
Họ tính ở đây cả yếu tố không gian lẫn thời gian. Đã là trung tâm hành hương thì đó là nơi thu hút tín đồ cả nước, số đông tín đồ có thể có mặt tại đó 24/7, 31 ngày/tháng, 365 ngày/năm, đông đến bao nhiêu thì cũng như thánh lễ hàng ngày, không cần xin phép, không bị giới hạn.
Còn về không gian, thì như đã phân tích, nếu đất ở đó, quanh đó đều thuộc quyền sử dụng của giáo phận, giáo xứ, giáo dân thì diện tích mở rộng là không hạn định và càng mở rộng nó càng gắn với Quốc lộ 20 và khu dân cư.
Không gian được tính tới còn là yếu tố hậu cần, phục vụ, tiện nghi và y tế. Hàng loạt giáo xứ ở Gia Kiệm, ngay cạnh bên sẽ đảm nhiệm việc đó và cung ứng cho số lượng đến nửa triệu người.
Từ trước đến nay hoạt động như thế phải đưa về La Vang, Quảng Trị, đều cách xa hai đầu đất nước.
Đối với Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi thì điểm tập trung ở giữa miền Đông Nam Bộ. Đó là tâm điểm của một vòng tròn, nếu bán kính là 200 km, thì sẽ bao gồm trong nó các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, TPHCM… khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng, thì đã sẵn cao tốc Long Thành – Dầu Giây.
Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai từ hơn 40 năm nay đã là điểm nóng tôn giáo của tỉnh Đồng Nay, thì với Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi này, tính chất vấn đề sẽ được nâng từ cấp độ tỉnh lên cấp độ khu vực và có thể đến cấp độ toàn quốc. Nói cấp độ toàn quốc là không cường điệu chút nào hết, vị trí của Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi vượt xa Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang.
Vị trí, quyền lực của đạo Ca tô La Mã sẽ diễn tiến như thế nào khi họ có thể tùy ý tập trung số lượng người không giới hạn, quy mô có thể vài trăm ngàn đến có thể nửa triệu người trên đất thánh hành hương, trong thời gian cũng tùy ý. Chuyện đó không phải dự kiến mà là đã khởi đầu với quy mô của lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi (về cuộc lễ này sẽ có một bài phân tích riêng).
Bây giờ, vẫn có kịp nếu phân biệt rõ quảng trường và trung tâm hành hương. Nếu chỉ là Trung tâm hành hương với đài Đức Mẹ trên đỉnh núi, thì đó chỉ là trong thiết kế của Ngô Đình Diệm, cắm các nhà thờ, tượng đài dọc các quốc lộ lớn miền Nam.
Còn nếu là quảng trường sức chứa mở rộng linh hoạt không giới hạn, quy mô có thể nửa triệu người, thì đó là bước mở rộng và nâng cao thiết kế Ngô Đình Diệm lên một tầng nấc, cấp độ chưa từng có.
Trong các bài viết trước, chúng ta đã phân tích Đạo Ca tô La Mã đang nhằm vào mục tiêu khôi phục những gì họ đã mất từ năm 1975. Nhưng với Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, kết quả đã vượt rất xa mục tiêu đó.
Chắc Ngô Đình Diệm cũng không ngờ, tư duy “công giáo hóa Quốc lộ 20” của ông đã phát triển đến mức như vậy, khi áp lực của Công giáo trên Quốc lộ 20 không tính bằng đơn vị nhà thờ mà chuyển sang đơn vị quảng trường.
Áp lực đó cũng không khó để hình dung. Khi vài trăm ngàn cho đến nửa triệu người tập trung bên cạnh một quốc lộ, thì người kiểm soát quốc lộ khi đó chính là người điều hành cuộc tập họp đó.
MT
(1) Trong những năm 1990, một lần đi Đà Lạt bằng Quốc lộ 20 của tôi bị trở ngại vì người nằm trên quốc lộ.
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.
*Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm, góc nhìn riêng của tác - một cư sĩ sinh sống tại TPHCM.