;
Thực hư kinh phí trùng tu, tôn tạo 31 tỉ đồng
Sau khi Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột cung cấp cho giới truyền thông bản “Đề cương của Ban quản lý dự án quận Ba Đình về đề xuất và chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư ngôi chùa” với tổng số kinh phí dự kiến là 31 tỉ đồng, lập tức thông tin này đã được đăng tải trên thông tin đại chúng trong những ngày qua. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên, ngay một số người có tên tuổi và có uy tín trong giới kiến trúc sư, hay những nhà nghiên cứu khoa học về di sản cũng tỏ ra quá ư bất ngờ. Một vài người đã lên tiếng như GS-KTS Hoàng Đạo Kính, họa sĩ Lương Xuân Đoàn... Tại một trang báo mạng, một độc giả phản hồi: "Chùa Một Cột có giá trị về lịch sử, không ai phủ nhận, nhưng nếu xây mới hoàn toàn thì có đến 31 tỉ đồng không? Chỉ việc tu bổ mà 31 tỉ đồng, khiếp thật!"…
Ông Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng: "Đơn vị nào là chủ đầu tư thì phải đứng ra bảo vệ đề án của mình, phải được các cấp khoa học thẩm định, không phải cứ có kinh phí là tu sửa, tôn tạo được đâu nhất lại là lĩnh vực tâm linh ở ngay thủ đô Hà Nội. Chỉ có lát lại vỉa hè thôi mà cũng nâng lên, đặt xuống, tốn biết bao nhiêu giấy mực chứ nói gì đến di sản, di tích phức tạp hơn nhiều…".
Còn số tiền dự toán lớn thì vẫn theo ông Lê Tiến Thọ: "Nếu chùa Một Cột hư hỏng, mối mọt, xuống cấp, những cột gỗ là gỗ lim, bị rỗng ruột khi tu sửa lại người ta phải dùng loại gỗ quý, vật liệu xây dựng tốt nhất, các hoa văn họa tiết tinh xảo nhất thì 31 tỉ chưa hẳn đã là lớn. Ngôi chùa cần phải được bảo vệ kịp thời thậm chí là còn hơn 31 tỉ".
Chúng tôi mang thắc mắc này hỏi TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, ông khẳng khái: "Làm gì có 31 tỉ ở đâu ra. Ai đã cấp đâu. Còn phải hội thảo khoa học và đưa ra phương án để trùng tu sao cho hợp lý nhất".
Thật ra, 31 tỉ đồng chỉ nằm trên văn bản giấy tờ đó là đề xuất dự kiến của Ban Quản lý dự án quận Ba Đình về việc trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột. Bao gồm tu bổ tam quan, tam bảo, nhà Mẫu, tháp Tổ, mái chùa, bậc thang lên chùa, cải tạo đường dạo cây xanh, điện chiếu sáng, tường hoa quanh hồ… Nhưng, dự kiến này chưa được duyệt.
Ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch quận Ba Đình cho biết, nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột không phải Nhà nước gánh hết mà sẽ kêu gọi nguồn xã hội hóa, từ nhân dân, doanh nhân với điều kiện chúng ta quản lý kinh phí rất công khai, minh bạch. Việc trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa cũng cần phải có hội thảo khoa học nhiều lần để đưa ra kết luận hợp lý nhất.
Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, nếu như kêu gọi đóng góp trùng tu, tôn tạo ngôi chùa một cách khoa học nhất, bàn một cách dân chủ nhất, đạt được sự đồng thuận cao nhất, chắc chắn kinh phí không bao giờ sợ thiếu. ông nói: "Người ta bỏ ra trăm tỉ để xây chùa mới huống chi đây là dựng lại biểu tượng của Hà Nội. Còn khi thảo luận ý kiến khác nhau thì cần lập ra những hội đồng thẩm định các ý kiến cho thật khách quan, công bằng chứ chúng ta đừng nên sốt ruột làm gì".
“Tiền chùa” nhưng “oản Bụt có gai”
Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến chùa Một Cột, nằm trong quần thể Lăng Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mặc dù trời Hà Nội không ngừng mưa nhưng du khách đến tham quan khá đông. Đó là những đoàn khách quốc tế, người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp… Hầu như ai cũng thích thú chụp ảnh để có hình ngôi chùa lạ - nằm trên một cái cột giữa hồ sen.
Ngôi chùa lạ, thực chất là Liên Hoa Đài, nằm trong quần thể di tích chùa Diên Hựu. Tương truyền năm Kỷ Sửu 1049, Vua Lý Thái Tông một đêm nằm mơ thấy Phật Bà Quan âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa, khi tỉnh dậy nhà vua kể lại giấc mơ và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá, làm tòa sen của Phật Bà Quan âm đặt trên cột như đã thấy ở trong mộng. Khi xây xong chùa thì các nhà sư đi vòng xung quanh, tụng kinh mong muốn Phật Bà phù hộ vì thế ngay từ thuở ban đầu ngôi chùa mang tên là Diên Hựu (nghĩa là phúc lành dài lâu). Liên Hoa Đài là nơi thờ Phật Bà Quan âm được cất bằng gỗ trên cây cột đá, một trong kiến trúc độc đáo của chùa Diên Hựu.
Theo thời gian người đời gần như quên đi tên thật của ngôi chùa mà theo cách của dân gian gọi Liên Hoa Đài là chùa Một Cột. Ngày ngày, du khách thập phương đến tham quan chùa Một Cột mà quên đi Diên Hựu Tự nằm khiêm nhường, nương nép hòa mình trong thiên nhiên nơi đây, cách Liên Hoa Đài chừng 5 bước chân.
Trời lúc này không ngừng mưa, nước ở trên mái chảy tong tong vào ban thờ Tổ, nhà chùa cho kê chậu nước để hứng. Trận mưa to, khiến nước trong chậu gần đầy. Ngay cả lối vào ban thờ cũng bị giột nước bắn tung tóe. Được biết dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngôi chùa được làm vườn hoa, chỉnh trang lại cây cảnh sạch sẽ để đón Đại lễ, và đường cấp thoát nước cũng được đấu nối lại, giảm bớt úng lụt. Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn nhiều điều sập sệ ở nơi đây…
Ngày xưa chùa có 3 gian, một gian thờ Công đồng, một gian thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, một gian thờ Bà chúa Sơn Trang. Năm 1985, nhà thờ Tổ đã bị phá đi. Người ta rước Tổ chung một nơi với ban thờ Mẫu. Nơi các tăng ở cũng sát luôn với nhà thờ Tổ và Mẫu. Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa đề đạt việc trùng tu tôn tạo chùa Diên Hựu là phục chế nhà thờ Tổ, xây mới nhà thờ Tăng để đảm bảo cho nhà chùa có chỗ sinh hoạt và việc thờ cúng được trang nghiêm hơn. Và nhà sư cũng xin nâng cấp cái nền của nhà chùa để mùa mưa không bị ngập mà kiến trúc của ngôi chùa cũ thì toàn bằng gỗ nên khi mưa bị ẩm thấp, không đảm bảo được độ bền.
Sư trụ trì kể tại các hội nghị, giao ban làm các phong trào từ thiện, Đại đức cũng đã gặp trực tiếp các cấp lãnh đạo của thành phố và quận để nói về sự xuống cấp của ngôi chùa. Mọi nơi cũng hứa nhiều nhưng xem ra việc trùng tu, tôn tạo làm rất nhỏ giọt. Theo ông có lẽ chùa Một Cột là sống lưng của con rồng, là long mạch của quốc gia nên muốn tu sửa cũng phải mất hàng chục con dấu.
Đại đức Thích Tâm Kiên bảo: "Tôn tạo ngôi chùa thế nào cũng phải hàng trăm con mắt, hàng nghìn, hàng triệu, hàng vạn con mắt đổ vào xem. Trùng tu lại ngôi chùa cho thật trang nghiêm tấu hào thì đời này, đời sau con cháu tự hào về di sản của dân tộc, của ông cha". Sư trụ trì quả quyết: "Tiền chùa nhưng oản Bụt có gai. Không dễ mà làm cẩu thả được. Mọi người thành tâm có tấm lòng với chùa Một Cột sẽ được Phật chứng". "Tiền chùa nhưng oản Bụt có gai" câu nói sắc lạnh này như một lời cảnh báo mà sư trụ trì nói với tôi hôm đó trước đấy đã từng được chính ông phát biểu trong cuộc họp lấy ý kiến giữa các cấp, ban, ngành về việc trùng tu tôn tạo ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam.
Ý tưởng trong việc trùng tu, tôn tạo lại Chùa Một Cột
"Công trình chúng ta có bây giờ không phải là nguyên bản thuần chất của ông cha" - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, TS Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định. Vì theo ông Tuấn trải qua thời gian ngôi chùa chắc chắn đã được tu sửa nhiều lần vào thời Lý, thời Trần, thời Lê, và rất có thể là cả ở thời Mạc rồi thời Lê Trung Hưng nữa. Dấu tích của chùa Một Cột ngày nay là kết quả của sự khắc phục của Nhà nước ta vào năm 1955. Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã đặt mìn để phá chùa. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa đã cho trùng tu lại ngôi chùa.
Hai sư tử đá theo phong cách Trung Hoa không ăn nhập với tổng quan kiến trúc của chùa. |
PGS-TS Phan Khanh lập luận, chúng ta cần phải xây lại Liên Hoa Đài. Hiện giờ cột đỡ chùa được xây bằng xi măng cốt thép nhưng khi trùng tu nên được thay bằng cột đá cho giống nguyên bản lúc đầu. Vì thời xưa, theo sách sử Vua Lý Thánh Tông xây Liên Hoa Đài có cột đỡ bằng đá.
Ý tưởng xây cột đỡ bằng đá của PGS - TS Phan Khanh được sự đồng thuận của nhiều người.
Quan điểm của TS Nguyễn Quốc Tuấn là xây dựng chùa Diên Hựu một cách tương xứng để hòa vào trong quần thể tránh xây cất thêm để che lấp tầm nhìn của Liên Hoa Đài. Ngôi tam bảo thật ra phải gọi là thượng điện chỉ nép mình khiêm tốn để làm tôn Liên Hoa Đài. Khi tôn tạo sử dụng nghệ thuật thời Lý phỏng dựng lại Liên Hoa Đài không chỉ là cái cột tròn vành vạnh, nhẵn từ đầu đến cuối mà phải có hoa văn tinh xảo từ những vật liệu cao cấp. Ngay kể cả ngói, phải đặt ngói lưu li được sản xuất ở Huế. Hay các chi tiết trên gỗ cũng không thể giống như bây giờ, trơn tuột mà chắc chắn mỗi cột đỡ, phải tái tạo một Quan Thế âm Bồ Tát.
Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Liên Hoa Đài không cần phải lớn, không cần phải tháp cao nhưng người ta nhìn thấy sự tài hoa về thẩm mỹ nghệ thuật của người thợ Việt Nam. Chùa Diên Hựu sau khi tu sửa ngoài thỏa mãn nhu cầu tâm linh, còn thỏa mãn nhu cầu du lịch, quảng bá ra thế giới…
Trong những ngày này, người ta đang rập rình mở các cuộc hội thảo khoa học, trưng cầu ý kiến để tìm ra giải pháp thích hợp nhất trong việc trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa. Thì tại ngôi chùa Diên Hựu những ngày này, mưa, nước vẫn đang dột chảy thành từng vũng. Mấy người chăm nom ngôi chùa cho biết dù rằng đã được sửa đường thoát nước nhưng lúc mưa to, nước vẫn ngập chảy cả vào sân chùa do nền chùa thấp quá so với mặt bằng chung. Kể cũng lạ, dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả chục, cả trăm ngôi chùa được xây mới, hoặc trùng tu tôn tạo lại một cách khá lộng lẫy. Vậy mà, ngôi chùa di tích đặc biệt cấp quốc gia, một biểu tượng của Hà Nội lại lẻ loi, đơn chiếc đến vậy.
Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa sốt ruột nói với tôi: "Việc chỉnh trang, nâng cấp lại ngôi chùa mang ra để bàn suốt từ quý I năm 2010, giờ sắp hết năm 2011 rồi. Mọi người cứ nói cần có 3 cuộc hội thảo. Có gì khó khăn tổ chức 3 cuộc hội thảo đâu? Tại sao lại chậm chạp và e dè đến thế?!..."
antg.cand.com.vn